Tập Cận Bình phản đối các biện pháp trừng phạt Nga

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (giữa) xem xét giàn phóng phi thuyền ở sân bay vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam đầu tháng 4-2022. Cho đến nay ông Tập vẫn ủng hộ Nga trong cuộc chiến Ukraine và phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Ảnh Li Gang/Xinhua via Getty Images

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm Thứ Năm 21 Tháng Tư 2022 (giờ Bắc Kinh) nói chính phủ của ông ủng hộ các cuộc đàm phán để giải quyết các tranh chấp quốc tế nhưng phản đối việc sử dụng các biện pháp trừng phạt.

Phát biểu qua truyền hình với một diễn đàn quốc tế tổ chức tại đảo Hải Nam, ông Tập đã trình bày khá rõ lập trường của Trung Quốc đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Ukraine, hiện đã kéo dài gần hai tháng. Đây là nỗ lực mới nhất của ông Tập nhằm mô tả với thế giới cách tiếp cận đầy mâu thuẫn của Trung Quốc đối với cuộc xung đột.

Theo tường thuật của hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã được hãng tin AP dẫn lại , một mặt Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Moscow, từ chối gọi cuộc xung đột là một cuộc xâm lược và nói rằng Nga đã bị khiêu khích bởi sự mở rộng của NATO.

Ông Tập đã gặp Putin ở Bắc Kinh chưa đầy một tháng trước khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào ngày 24 Tháng Hai, hai bên đã ra tuyên bố chung khẳng định mối quan hệ của họ là “không có giới hạn”.

Sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu thuận với Nga về các đề xuất trừng phạt Nga được đưa ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc gần đây. Phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc vẫn tiếp tục khuếch đại các thông tin sai lệch của Nga về việc Ukraine dàn dựng các cuộc tấn công và sản xuất vũ khí sinh học với sự hợp tác của Mỹ.

Bắc Kinh vẫn ủng hộ Moscow bất chấp bằng chứng về tội ác chiến tranh của quân đội Nga và cho biết họ duy trì quan hệ kinh tế bình thường giữa các nước bất chấp việc áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế.

Nhưng mặt khác, với các đại biểu dự diễn đàn quốc tế ở Hải Nam, ông Tập nói rằng Trung Quốc vẫn “cam kết tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ và tôn trọng sự lựa chọn độc lập của người dân những đất nước khác nhau về con đường phát triển và hệ thống xã hội của họ.” Cần để ý, Ukraine là một nước độc lập, có chủ quyền và có quyền chọn con đường phát triển phù hợp với mong muốn của đại đa số người dân của họ – mặc dù sự lựa chọn đi về phía phương Tây đã bị Nga coi là nguyên cớ để thực hiện chiến tranh xâm lược.

“Chúng tôi cam kết giải quyết hòa bình những khác biệt và tranh chấp giữa các quốc gia thông qua đối thoại và tham vấn, ủng hộ mọi nỗ lực có lợi cho việc giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng, bác bỏ các tiêu chuẩn kép và phản đối việc lạm dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương và quyền tài phán mở rộng”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập cho biết và nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc phản đối các biện pháp cấm vận kinh tế khắc nghiệt mà các nước công nghiệp phát triển, cả ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á, đang áp đặt lên nước Nga sau khi ông Putin nổ súng xâm lược Ukraine.

Trung Quốc cũng được cho là đang nghiên cứu cuộc khủng hoảng Ukraine để tìm hiểu xem nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến chính sách đối với Đài Loan sau này, hòn đảo dân chủ tự quản mà Trung Quốc đe dọa sẽ xâm lược để đưa nước này vào quyền kiểm soát của mình. Đài Loan và Trung Quốc chia cắt trong một cuộc nội chiến năm 1949, nhưng Trung Quốc tuyên bố hòn đảo này là lãnh thổ của riêng mình.

Có một tin tốt là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm Thứ Tư đã nói chuyện điện thoại với người đồng cấp Trung Quốc lần đầu tiên kể từ khi ông trở thành người đứng đầu Ngũ Giác Đài hơn một năm trước, phá vỡ sự bế tắc về liên lạc mà các quan chức Mỹ cho là ngày càng nguy hiểm.

Ông Austin – người gọi Trung Quốc là thách thức dài hạn hàng đầu của quân đội Mỹ – đã yêu cầu điện đàm với tướng Wei Fenghe (Ngụy Phương Hòa) – Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Trung Quốc sau nhiều tháng nỗ lực không thành công để nói chuyện với tướng Xu Qiliang (Hứa Kỳ Lượng) – Phó chủ tịch Quân uỷ trung ương Trung Quốc, cấp cao nhất trong cơ cấu quân đội của Đảng Cộng sản, chỉ sau ông Tập Cận Bình.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: