Tesla mở phòng trưng bày ở Tân Cương, bất chấp cáo buộc diệt chủng

Một phòng trưng bày xe điện của Tesla Inc. ở Bắc Kinh mở cửa từ tháng 11-2013. Ảnh minh họa Visual China Group via Getty Images

Công ty sản xuất xe điện (EV) Tesla Inc. có trụ sở tại Austin, Texas, đã mở một phòng trưng bày sản phẩm mới tại thủ phủ Urumqi của tỉnh Tân Cương (Xinjiang), nơi chính quyền Trung Quốc đang thực hiện hành vi diệt chủng và vi phạm nhân quyền, dẫn tới căng thẳng trong quan hệ với phương Tây.

Báo The Wall Street Journal đưa tin, trong một bài đăng ngày 31 Tháng Mười Hai trên tài khoản chính thức trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, Tesla cho biết đã bắt đầu hoạt động tại phòng trưng bày mới ở Urumqi cùng với những hình ảnh múa lân trong lễ khai trương.

Kinh doanh giữa hai lằn đạn

Xe Tesla được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, nhưng việc mở rộng kinh doanh tới Tân Cương, công ty này có thể rơi vào “giữa hai lằn đạn” trong cuộc tố cáo vi phạm nhân quyền giữa Trung Quốc và phương Tây, giống như trường hợp của Intel Corp. và Walmart Inc. hiện nay.

Chính quyền Trung Quốc ở Tân Cương đã giam giữ khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong hàng trăm trại tập trung trong một chiến dịch đồng hóa, bao gồm việc giam giữ và giám sát, cưỡng bức lao động và kiểm soát sinh đẻ nghiêm ngặt. Chính phủ Hoa Kỳ, cùng với một số nhà lập pháp từ các nước phương Tây khác, nói rằng những chính sách đó giống như một hình thức diệt chủng. Bắc Kinh bác bỏ cáo buộc diệt chủng là bịa đặt, đồng thời mô tả chiến dịch của họ ở Tân Cương là một nỗ lực mới nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và chủ nghĩa khủng bố.

Hồi Tháng Mười Hai 2021, Tổng thống Biden đã ký ban hành luật mới cấm nhập cảng vào Mỹ hầu hết hàng hóa và nguyên liệu từ Tân Cương do lo ngại việc sử dụng lao động cưỡng bức. Mỹ đã ban hành biện pháp cấm vận một số công ty và cá nhân bị cáo buộc tham gia vào chiến dịch đồng hóa. Hành vi vi phạm nhân quyền ở Tân Cương cũng là yếu tố dẫn tới biện pháp “tẩy chay ngoại giao” Thế vận hội Mùa Đông ở Bắc Kinh của Hoa Kỳ và một số đồng minh.

Sau khi Mỹ ban hành luật mới, một số công ty Mỹ đã thông báo ngừng sử dụng nguyên liệu và sản phẩm sản xuất từ Tân Cương, làm cho chính phủ Trung Quốc rất tức giận và ra đòn trả đũa. Những công ty nước ngoài tiếp tục làm ăn với các đối tác tại Tân Cương có nguy cơ gặp rắc rối về quy định pháp lý và giảm uy tín tại thị trường chính quốc của họ, trong khi những công ty thực hiện luật Mỹ phải đối mặt với sự phẫn nộ của chính phủ Trung Quốc và người tiêu dùng có tinh thần dân tộc cao của nước này.

Walmart đã trở thành công ty Mỹ mới nhất vướng vào bê bối chính trị này khi thông báo loại bỏ các sản phẩm sản xuất tại Tân Cương khỏi các siêu thị Walmart và chuỗi bán buôn Sam’s Club. Ngay sau đó người tiêu dùng Trung Quốc đăng bài trên mạng xã hội lên án Walmart và cơ quan giám sát kỷ luật của Bắc Kinh đã khiển trách công ty vì “sự ngu ngốc và thiển cận”. Hiện Walmart phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay của người tiêu dùng Trung Quốc. (Xem thêm: Trung Quốc “như đỉa phải vôi” với Walmart)

Công ty bán dẫn Mỹ Intel Corp. ngày 23 Tháng Mười Hai đã phải xin lỗi người tiêu dùng Trung Quốc sau khi bị chỉ trích về một bức thư mà công ty gửi cho các nhà cung cấp yêu cầu họ tránh tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ Tân Cương.

Song song và gần gũi hơn với Tesla, nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen AG đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhà lập pháp và các nhà hoạt động nhân quyền bên ngoài Trung Quốc về quyết định duy trì một nhà máy của họ ở Urumqi. Volkswagen biện minh rằng chuỗi cung ứng của họ ở đó không có lao động cưỡng bức.

Elon Musk: Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Tesla

Tesla – sản xuất xe điện Model S và Model 3 ở Trung Quốc – đã đạt được nhiều thành công ở nước này ngay cả khi các công ty phương Tây khác phải đối mặt với thách thức từ sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đối thủ cạnh tranh địa phương. Tesla là nhà sản xuất xe hơi nước ngoài đầu tiên xây dựng nhà máy do công ty sở hữu hoàn toàn ở Thượng Hải năm 2018. 

Trong năm 2021 vừa qua Tesla đã sản xuất và bán ra hơn 930,000 xe trên toàn cầu, tăng 87% so với năm trước. Theo ước tính của Ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, hơn một nửa số xe Tesla bán ra năm 2021 có thể được sản xuất tại Thượng Hải. Với việc khai trương phòng trưng bày Urumqi, Tesla hiện có cửa hàng tại 30 tỉnh thành ở Trung Quốc lục địa, Hồng Kông và Macau.

Người sáng lập Tesla, tỷ phú Elon Musk, rất nổi tiếng ở Trung Quốc nhờ sự nhạy bén trong kinh doanh và phong cách nhanh nhẹn. Ông Musk cũng dành nhiều lời khen ngợi chính phủ Trung Quốc vì những nỗ lực giải quyết lượng khí thải carbon và thúc đẩy nền kinh tế của nước này, dự báo rằng Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của Tesla. Thái độ của Musk cho thấy, đối với doanh nhân tỷ phú này, lợi nhuận là trên hết, nhân quyền chỉ là thứ yếu.

Nhưng gần đây ông Musk đã gặp phải một số khó khăn ở Trung Quốc. Nhà chức trách Trung Quốc mới đây đã đệ đơn khiếu nại lên Liên Hiệp Quốc sau khi họ cho biết vệ tinh của SpaceX – một công ty cũng do ông Musk sáng lập – đã suýt va chạm với một trạm vũ trụ của Trung Quốc vào Tháng Bảy và Tháng Mười 2021.

Vào ngày 31 Tháng Mười Hai, ngày Tesla công bố khai trương phòng trưng bày ở Tân Cương, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc nói Tesla sẽ phải triệu hồi khoảng 200,000 xe được bán tại Trung Quốc, được sản xuất trong khoảng thời gian từ Tháng Một năm 2015 đến Tháng Mười Hai năm 2020. Cơ quan quản lý nhà nước về thị trường của Trung Quốc cho biết khoảng ba phần tư số xe đó được sản xuất ở trong nước, trong khi phần còn lại là xe Model S và Model 3 nhập cảng, và những chiếc xe này bị triệu hồi do có lỗi khóa mui xe và camera chiếu hậu có thể dẫn đến tai nạn. Tesla cũng đang triệu hồi khoảng nửa triệu xe Tesla Model 3 và Model S ở Mỹ vì những lỗi tương tự.

Đọc thêm: 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: