Thái Lan bất ổn, chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Thai protest
Sinh viên Thái Lan biểu tình trước tượng đài Dân Chủ ở Bangkok hôm 18-07-2020, mở đầu cho phong trào phản kháng kéo dài suốt ba tháng qua. Ảnh Wikimedia Commons.

H.C.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã tuyên bố đặt đất nước vào tình trạng khẩn cấp từ 4 giờ sáng ngày thứ Năm 15-10 sau khi hàng ngàn người biểu tình bao vây dinh thự của chính phủ ở thủ đô Bangkok trong cuộc tổng phản kháng ngày 14-10 kéo dài suốt đêm.

“Nhiều người đã xúi giục, vận động tụ tập công khai trái phép ở Bangkok bằng nhiều cách, nhiều hình thức gây hỗn loạn, mất trật tự và có hành vi làm ảnh hưởng đến đoàn xe hoàng gia. Có lý do để tin rằng có hành vi bạo lực ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn tính mạng hoặc tài sản của người dân và nhà nước. Đây không phải là cuộc tụ họp ôn hòa được hiến pháp cho phép. Nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc kiểm soát dịch COVID-19, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế dễ bị tổn thương của quốc gia. Điều rất quan trọng là phải có các biện pháp khẩn cấp để khắc phục tình trạng này và ngăn chặn hành vi này một cách hiệu quả để luật pháp được tôn trọng và công chúng có trật tự. Do đó, tuân theo Mục 5 và Mục 11 của sắc lệnh khẩn cấp, thủ tướng đã ban bố tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng vào ngày 15 tháng 10 kể từ 4 giờ sáng trở đi,” tuyên bố của chính phủ Thái cho biết.

Theo thông báo đi kèm tuyên bố, việc tụ tập nhiều hơn năm người sẽ bị cấm triệt để. Ngay sau khi tình trạng khẩn cấp được ban hành, cảnh sát Thái Lan đã huy động hàng ngàn nhân viên để giải tán các nhóm người biểu tình – phần lớn là giới trẻ, sinh viên học sinh – vẫn còn tụ tập gần dinh thự chính phủ ở thủ đô Bangkok.

Thông báo cũng cấm việc “xuất bản tin tức, phương tiện truyền thông khác và thông tin điện tử có chứa thông điệp có thể gây sợ hãi hoặc cố ý bóp méo thông tin, tạo ra sự hiểu lầm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc hòa bình và trật tự”, theo tường thuật của Nikkei Asia Review.

Thông tin trên truyền thông quốc tế cho biết, từ sáng ngày thứ Tư 14-10 đã có hàng ngàn người Thái Lan tập trung tại Tượng đài Dân Chủ, một địa điểm tụ tập phản kháng quen thuộc ở thủ đô; các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền và pháp luật đã nối nhau phát biểu các yêu cầu của phong trào biểu tình. Những người tổ chức biểu tình nói có hơn 100.000 người tham dự, nhưng đại diện phía cảnh sát, đại tá Krissana Phathanacharoen nói chỉ có khoảng 4.500 người, còn các nhân chứng cho biết có khoảng 20.000 người vào cuối buổi chiều, lúc nhiều người tan sở làm và gia nhập đoàn biểu tình.

Người biểu tình nêu ba yêu sách chính: đòi thủ tướng Prayuth Chan-ocha và nội các chính phủ phải từ chức, thay bản hiến pháp hiện hành do chính quyền quân đội trước đây của tướng Prayuth Chan-ocha soạn thảo bằng bản hiến pháp mới do các đại diện của nhân dân soạn thảo và cải tổ chế độ quân chủ trong khuôn khổ hiến pháp nhưng không yêu cầu bãi bỏ chế độ quân chủ.

Đến khoảng 2 giờ rưỡi chiều ngày 14-10, đoàn biểu tình rời khu vực Tượng đài Dân Chủ và tuần hành tới dinh thự chính phủ (Government House) đang được cảnh sát biên phòng phòng thủ cẩn mật. Vào cuối buổi chiều đoàn xe hộ tống quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đi ngang qua đoàn biểu tình để đến dự một buổi lễ cúng ở chùa Phật Ngọc bên cạnh Đại Hoàng Cung. Do đoàn biểu tình đông đảo nên chuyến đi của nhà vua bị chậm trễ dù không có xô xát gì; trước đó vài giờ, đoàn xe chở hoàng hậu Suthida cũng đi qua đoạn đường này để đến chùa Phật Ngọc và những người biểu tình đã giơ ba ngón tay chào bà, bà hoàng cũng cười và vẫy tay chào lại.

Cuộc biểu tình do đảng Nhân Dân 2020 – tập hợp những nhóm hoạt động trẻ như Nhân Dân tự do và Liên đoàn Sinh viên Thái Lan, tổ chức. Người biểu tình nêu ba yêu sách chính: đòi thủ tướng Prayuth Chan-ocha và nội các chính phủ phải từ chức, thay bản hiến pháp hiện hành do chính quyền quân đội trước đây của tướng Prayuth Chan-ocha soạn thảo bằng bản hiến pháp mới do các đại diện của nhân dân soạn thảo và cải tổ chế độ quân chủ trong khuôn khổ hiến pháp nhưng không yêu cầu bãi bỏ chế độ quân chủ. Những người biểu tình cũng yêu cầu chính quyền chấm dứt sự quấy nhiễu và đe dọa công dân.

Người Thái Lan sinh sống ở nước ngoài trong dịp này cũng tổ chức biểu tình “chia lửa” với người dân trong nước; nhiều cuộc biểu tình nhỏ đã được tổ chức ở Copenhagen, New York, Sydney, Đài Bắc và Tokyo. Hội sinh viên Đại học Thammasat – một trong các đại học lớn nhất của Thái Lan ra thông báo kêu gọi nhà trường hủy bỏ các buổi học trong tuần này để sinh viên được tham gia biểu tình phản kháng.

Cuộc biểu tình bao vây tòa nhà chính phủ hôm 14-10 là đỉnh điểm của phong trào phản kháng đòi dân chủ kéo dài suốt ba tháng qua ở thủ đô Thái Lan. 14-10 cũng là ngày kỷ niệm sự kiện 47 năm về trước, một cuộc nổi dậy phản kháng của sinh viên Thái Lan năm 1973 bị dìm trong biển máu nhưng đã lật đổ được chính phủ độc tài quân phiệt kéo dài hàng thập niên của Thống chế Thanom Kittikachorn. Đây cũng là ngày nghỉ lễ quốc gia của Thái Lan, kỷ niệm bốn năm ngày mất của cựu hoàng Bhumibol Adulyadej – một nhà vua được người dân kính mến, khác hẳn vị vua đương thời Maha Vajiralongkorn vốn sinh sống chủ yếu ở Đức, xa rời thực tế ở trong nước.

Tuy cuộc biểu tình đã huy động được số lượng lớn người tham gia và kéo dài suốt ba tháng nay nhưng theo giới phân tích, những yêu sách của người biểu tình khó mà được chính quyền chấp nhận. Từ năm 1932, khi chuyển từ chế độ quân chủ cực quyền phong kiến sang chế độ quân chủ lập hiến hiện hành, Thái Lan đã chứng kiến 13 cuộc đảo chánh quân sự và 20 lần thay đổi hiến pháp. Người dân tỏ ra khá mệt mỏi với tình trạng bất ổn chính trị của đất nước và không muốn bị mất công ăn việc làm chỉ vì bỏ việc để tham gia biểu tình. Hầu hết các công ty, tập đoàn kinh tế lớn và ngay cả các nghiệp đoàn cũng không khuyến khích nhân viên tham gia biểu tình mà tập trung phục hồi hoạt động sau thời gian ngưng trệ vì dịch coronavirus.

Tháng trước, cuộc biểu tình ngày 24-09 ở Bangkok đã huy động hơn 50.000 người tụ tập bên ngoài trụ sở quốc hội Thái Lan trong lúc bên trong các nghị sĩ thảo luận các đề nghị sửa đổi hiến pháp do các đảng cầm quyền và đối lập đưa ra. Nhưng cuối cùng quốc hội Thái vẫn không quyết định sửa đổi hiến pháp mà thay vào đó chỉ thành lập một ủy ban để xem xét các đề nghị đó.

Con đường cải cách chính trị của Thái Lan hãy còn dài. Và xã hội Thái sẽ còn nhiều bất ổn trong những năm tháng sắp tới.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: