Tham vọng thật sự của Kremlin: Không chỉ xâm chiếm Ukraine?

Sau khi rút lui khỏi khu vực bao vây Kyiv, quân Nga cài lại rất nhiều mìn; Kyiv ngày 21 Tháng Tư (ảnh: Evgen Kotenko/Ukrinform/NurPhoto via Getty Images)

Ngày 22 Tháng Tư, một chỉ huy Nga cho biết Moscow muốn kiểm soát hoàn toàn miền Đông và miền Nam Ukraine, một phần để Nga có thể mở con đường huyết mạch đến nước láng giềng Moldova. Tiết lộ này làm dấy lên lo ngại cuộc chiến kéo dài gần hai tháng có thể lan ra ngoài lãnh thổ Ukraine.

Các bình luận từ tướng Rustam Minnekayev, Phó chỉ huy Quân khu Trung tâm của Nga, dường như ám chỉ Điện Kremlin, sau khi không thành công trong nỗ lực đánh chiếm thủ đô Kyiv vẫn muốn chinh phục những vùng đất rộng lớn của nước láng giềng để có thể đe dọa các quốc gia khác gần đó. Ngay từ khi bắt đầu chiến tranh, nhiều người Moldova đã bày tỏ sự lo lắng đất nước họ có thể là nạn nhân tiếp theo của Putin.

Theo Minnekayev (được truyền thông nhà nước Nga Tass đưa tin), việc chiếm được phía Đông và Nam Ukraine không chỉ giúp Nga có “hành lang đất liền” tới Bán đảo Crimea mà còn giúp Moscow gây ảnh hưởng đối với “các đối tượng quan trọng của nền kinh tế Ukraine”, đồng thời mở một lối ra khác đến vùng Transnistria (một dải đất ven biển chạy dọc biên giới Moldova với Ukraine đang được điều hành như một quốc gia riêng biệt, dù nó không được công nhận, kể cả Nga. Đây là khu vực tách khỏi Moldova do phe ly khai thân Nga nắm giữ và hiện có khoảng 1,500 quân Nga đồn trú ở đó).

Moldova không là thành viên khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng một cuộc xâm nhập vào biên giới của nó sẽ là sự mở rộng đáng báo động trong nỗ lực chiến tranh của Nga. Phát biểu của Minnekayev cũng là lần đầu tiên một quan chức quân sự cấp cao của Nga chính thức nói về việc Nga mở rộng cuộc tấn công ra ngoài lãnh thổ Ukraine. Theo Washington Post, Bộ Ngoại giao Moldova đã triệu tập Đại sứ Nga Oleg Vasnetov ngay trong ngày hôm đó để bày tỏ quan ngại về phát biểu của Minnekayev.

Những nấm mồ chiến tranh của người Ukraine; Kyiv ngày 22 Tháng Tư (ảnh: Wolfgang Schwan/Anadolu Agency via Getty Images)

Lập lại luận điệu thường được Nga sử dng để biện minh cho cuộc xâm lược vào Ukraine, Minnekayev bày tỏ sự quan ngại những người nói tiếng Nga Transnistria sẽ bị áp bức. Chính phủ Moldova gọi “quan ngại” này là “không thể chấp nhận được”, đồng thời nói thêm “các bình luận vô trách nhiệm như thế chỉ dẫn đến gia tăng căng thẳng và ngờ vực trong xã hội chúng tôi”.

Cũng trong ngày 22 Tháng Tư, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết các sĩ quan cao cấp và bộ trưởng quốc phòng của Mỹ và ít nhất 20 quốc gia đối tác chuẩn bị gặp nhau tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức vào thứ Ba tuần tới để thảo luận về sự hỗ trợ thêm quốc phòng và an ninh cho Ukraine. Cho đến nay, các cuộc đàm phán hòa bình có rất ít nội dung. Ngày 22 Tháng Tư, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố các cuộc đàm phán đã bị “đình trệ”, đồng thời chỉ trích Zelensky và Ukraine “không quan tâm đến các đề xuất của Nga”.

Ngược lại, lãnh đạo Ukraine cáo buộc Nga không đếm xỉa đến một thỏa thuận ngừng bắn được đề xuất trong ngày Lễ Phục sinh của đạo Cơ đốc giáo Chính thống vào cuối tuần này, dù nhận được sự ủng hộ của Giáo hoàng Francis và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. Tuần trước Tổng thống Ukraine cho biết tất cả các cuộc đàm phán với Nga có thể kết thúc nếu những người bảo vệ Mariupol bị giết trong quá trình Nga đánh chiếm nhà máy thép. Khi được yêu cầu phản hồi về bình luận đó, Ngoại trưởng Lavrov nói: “Nga sẽ không chấp nhận tối hậu thư”.

Trong khi đó, một số quốc gia tiếp tục gây sức ép buộc Moscow ngưng cuộc xâm lược. Hà Lan cho biết đã có kế hoạch ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga vào cuối năm nay, trong khi Anh và Ấn Độ thúc giục Nga ngừng bắn ngay lập tức sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước vào ngày hôm qua. “Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tất cả các quốc gia” – Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói. Ấn Độ, quốc gia phụ thuộc nhiều vào Nga trong việc mua bán vũ khí, cho đến nay vẫn né tránh chỉ trích trực tiếp Moscow và trước đó đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc nhằm trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Thủ tướng Anh Boris Johnson đang thăm Ấn Độ cho biết sẽ mở rộng quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, một động thái có thể giúp Ấn Độ giảm sự phụ thuộc vào vũ khí Nga.

Trong cùng thời gian, các nỗ lực khôi phục và điều tra tội ác chiến tranh đang diễn ra ở các khu vực phía Bắc Ukraine, nơi quân Nga từng cày nát trước khi rút đi. Rafael Grossi, người đứng đầu cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hợp Quốc, cho biết sẽ cử một nhóm chuyên viên an ninh và an toàn đến nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào thứ Ba tới để tiến hành các cuộc thử nghiệm và biết chắc không có nguy cơ nào tại địa điểm từng bị Nga chiếm đóng.

Ngày 22 Tháng Tư, bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết phái bộ của bà tại Ukraine đã phát hiện ra bằng chứng ngày càng nhiều về tội ác chiến tranh của quân Nga, đồng thời xác minh vụ giết hại ít nhất 2,345 thường dân. Cũng ngày này, bà Iryna Venediktova, Công tố viên hàng đầu của Ukraine, đã buộc tội Putin đã lên kế hoạch bài bản hãm hiếp, tra tấn và giết hại những thường dân không chịu đầu hàng. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Sky News, bà cho biết văn phòng của bà đã tìm thấy rất nhiều trường hợp người Ukraine bị giết vì chống lại quân Nga, kể cả hành quyết dã man.

Mới đây, Tổng thống Zelensky tính sơ Ukraine đã bị thiệt hại kinh tế $550 tỷ kể từ khi chiến tranh bắt đầu và sẽ cần hàng trăm tỷ đôla để phục hồi sau xung đột. Riêng mỗi tháng cần $7 tỷ để trả lương và các khoản trợ cấp khác. Ông nói: “Quân đội Nga đang cố tình phá hủy tất cả các cơ sở phục vụ kinh tế và cuộc sống của chúng tôi”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: