Thêm một khẳng định: Coronavirus chỉ đến từ Vũ Hán!

Thông qua cuộc điều tra và phân tích có sức thuyết phục cao của mình, một nhà khoa học cho biết ca nhiễm Covid được biết đến đầu tiên thuộc về một người bán hàng tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc chứ không phải một nhân viên kế toán như kết luận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)!

Phát hiện sau khi phân tích lại báo cáo của WHO

Một đánh giá mới về các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được đăng trên tạp chí Science số mới nhất đã làm sống lại, dù chắc chắn là không thể giải quyết dứt điểm được, cuộc tranh luận về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Dựa vào thông tin trên các tài khoản mạng xã hội và báo chí công khai, một nhà khoa học khi nghiên cứu các trường hợp Covid-19 đầu tiên ở Trung Quốc đã công bố kết luận vào ngày 18 Tháng Mười Một trong đó ông tin rằng cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rất có thể đã lập trình sai về dòng thời gian xuất hiện của đại dịch (chronology of the pandemic).

Phân tích kỹ của ông cho thấy bệnh nhân đầu tiên bị bệnh do coronavirus là một người bán hàng trong một ngôi chợ động vật lớn ở Vũ Hán chứ không phải một nhân viên kế toán sống cách đó nhiều kilomet. Báo cáo đã làm sống lại cuộc tranh luận về nơi xuất phát của đại dịch Covid-19: Từ động vật hoang dã bày bán ở chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, do virus “xổng chuồng” từ một phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán hay do cách khác. Việc tìm kiếm nguồn gốc của thảm họa sức khỏe cộng đồng lớn nhất thế kỷ qua đã gây ra một cuộc chiến địa chính trị, với rất ít sự kiện mới xuất hiện trong những tháng gần đây để trả lời chính xác câu hỏi cần tìm và khép lại các tranh cãi.

Trung tâm của phát hiện mới là nhà khoa học Michael Worobey, một chuyên gia hàng đầu về truy tìm sự tiến hóa của virus tại Đại học bang Arizona (Mỹ). Ông đã phát hiện ra sự sai sót về “dòng thời gian” về sự xuất hiện của coronavirus, bằng cách xem xét những gì đã được công khai trên các tạp chí y tế, cũng như các cuộc phỏng vấn video trên một số tờ báo Trung Quốc với hai ca nhiễm được cho là “lưu hồ sơ chính thức đầu tiên”. Worobey lập luận: “Mối quan hệ giữa người bán hàng và chợ hải sản Hoa Nam, cũng như phân tích sâu hơn về mối liên hệ giữa những bệnh nhân nhập viện sớm nhất và ngôi chợ này đã củng cố niềm tin của tôi: Đại dịch Covid-19 đã bắt đầu từ đó. Thống kê cho thấy ở thành phố Vũ Hán 11 triệu dân, phân nửa ca nhiễm ban đầu có liên quan đến ngôi chợ có kích thước bằng một sân bóng đá. Sẽ rất khó giải thích về sự lây lan nếu bỏ qua ngôi chợ này”.

Một số chuyên gia, kể cả một người thuộc nhóm điều tra đại dịch do WHO chọn, đã đánh giá cao việc truy vết để chỉnh lại “dòng thời gian” xuất hiện đại dịch của Worobey và họ cũng tin ca nhiễm coronavirus đầu tiên được lưu hồ sơ là một người bán hàng ở chợ. Nhưng một số chuyên gia lại cho rằng “bằng chứng mới vẫn chưa đủ để giải quyết dứt điểm” câu hỏi lớn hơn: “Đại dịch bắt đầu như thế nào? Hoặc virus cũng có thể đã lây nhiễm ngấm ngầm vào ai đó nhưng người này không phát bệnh rồi lan sang người bán hàng và sau đó đạt đến sức mạnh cần thiết để phát tán rộng rãi tại chợ hải sản?”.

Các nghiên cứu về những thay đổi trong bộ gene của coronavirus (gồm cả một nghiên cứu do chính Worobey thực hiện) cũng gợi ý ca lây nhiễm đầu tiên có thể xảy ra vào khoảng giữa Tháng Mười Một 2019, vài tuần trước khi người bán hàng mắc bệnh. Jesse Bloom, nhà virus học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson (Fred Hutchinson Cancer Research Center) nêu ý kiến: “Tôi không đồng ý với phân tích của Tiến sĩ Worobey, nhưng tôi cũng không đồng ý là có bất kỳ dữ liệu nào đủ mạnh hoặc đủ độ tin cậy hơn là ý kiến: Chợ hải sản Huanan là điểm siêu lây lan. Bloom lưu ý thêm: “Đây không phải lần đầu tiên một báo cáo của WHO được thực hiện với sự hợp tác của các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị phát hiện có sai sót, trong đó có cả lỗi liên quan đến mối quan hệ giữa các bệnh nhân đầu tiên với chợ hải sản. Thật là rối rắm khi trong tất cả các báo cáo luôn có sự mâu thuẫn về thời điểm lây nhiễm, vô tình hay cố ý. Vấn đề nằm ở đó!”.

Trở lại những ngày đầu

Vào cuối Tháng Mười Hai 2019, các bác sĩ tại một số bệnh viện ở Vũ Hán phát hiện ra một số bệnh nhân khai là đang làm việc tại chợ hải sản Hoa Nam mắc một dạng viêm phổi bí ẩn. Ngôi chợ này là một không gian ẩm thấp, thông thoáng kém, chuyên bán hải sản, gia cầm, thịt và động vật hoang dã. Đến ngày 30 Tháng Mười Hai, các quan chức y tế công cộng địa phương mới yêu cầu các bệnh viện phải báo cáo bất kỳ ca bệnh nào liên quan đến ngôi chợ này. Lo sợ tái phát dịch SARS từng phát sinh từ các chợ động vật Trung Quốc vào năm 2002, chính phủ ra lệnh đóng cửa chợ Hoa Nam và cảnh sát Vũ Hán chính thức thực thi lệnh vào ngày 1 Tháng Giêng 2020. Tuy nhiên, số các ca bệnh mới tiếp tục tăng.

Theo thông báo ngày 11 Tháng Giêng 2020 của chính quyền Vũ Hán, các ca nhiễm bắt đầu xuất hiện từ ngày 8 Tháng Mười Hai. Đến Tháng Hai, họ xác định bệnh nhân đầu tiên là một cư dân Vũ Hán mang họ Chen, bị bệnh vào ngày 8 Tháng Mười Hai nhưng không có mối liên hệ nào với ngôi chợ. Các quan chức Trung Quốc và một số chuyên gia bên ngoài nghi ngờ tỷ lệ cao ban đầu số ca nhiễm liên quan đến chợ có thể là do sai lầm thống kê và bị thổi phồng lên. Họ lý ​​luận rằng cuộc gọi vào ngày 30 Tháng Mười Hai đến các bệnh viện yêu cầu báo cáo số ca nhiễm liên quan đến ngôi chợ có thể đã khiến các bác sĩ bỏ qua các trường hợp khác không có liên quan đến chợ này. Theo Hệ thống Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network), Tháng Năm 2020, Cao Phúc (Gao Fu), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc, tuyên bố: “Lúc đầu, chúng tôi cho rằng chợ hải sản Hoa Nam có thể là nơi xuất phát loại coronavirus mới, nhưng sau đó phát hiện chợ này cũng chỉ là một trong các nạn nhân!”.

Vào mùa Xuân năm 2020, chính quyền Trump đưa ra một một kịch bản khác về nguồn gốc đại dịch: Coronavirus thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology), nơi chỉ cách chợ Hoa Nam khoảng 13 km, bên kia sông Dương Tử. Đến Tháng Giêng 2021, một nhóm nghiên cứu được WHO chọn đã đến Trung Quốc và phỏng vấn một nhân viên kế toán, người được cho là đã phát triển các triệu chứng vào ngày 8 Tháng Mười Hai. Báo cáo kết luận của nhóm vào Tháng Ba 2021 xem đây là ca nhiễm đầu tiên được biết đến chính thức. Tuy nhiên, sau khi xem phân tích lại “dòng thời gian” coronavirus xuất hiện của Worobey, Peter Daszak, một nhà sinh thái học bệnh tật tại tổ chức EcoHealth Alliance, từng tham gia nhóm nghiên cứu của WHO, nhận định: “Tôi đã bị thuyết phục bởi phân tích của Tiến sĩ Worobey rằng kết luận của nhóm nghiên cứu đã sai”.

(Tham khảo The New York Times)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: