Thổ và chính sách đối ngoại bằng… “hàng độc” Bayraktar TB2

Bayraktar TB2 (ảnh: BAYKAR/Handout/Anadolu Agency via Getty Images)
Share:

Từ Ukraine đến Syria, thiết bị bay điều khiển từ xa (drone) đang định hình lại chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Ngày 14 Tháng Tư, Ukraine đã khiến cả thế giới “choáng váng” khi đánh chìm tàu ​​tuần dương Moskva được trang bị vũ khí hiện đại và là soái hạm của hạm đội Hắc Hải Nga. Như đã được báo chí quốc tế đưa tin rộng rãi, quân đội Ukraine bắn trúng con tàu bằng hai hỏa tiễn Neptune “cây nhà lá vườn”, vượt qua hệ thống phòng thủ hiện đại của con tàu. Tuy nhiên, điều ít được chú ý hơn là drone của Thổ Nhĩ Kỳ đã “chỉ điểm” cho cuộc tấn công đình đám này.

Hàng độc Bayraktar TB2

Theo tường thuật của phía Ukraine, cuộc tấn công được phối hợp bởi một cặp drone Bayraktar TB2 (có nghĩa là “Người cầm cờ” trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ), với khả năng né radar và chuyển thông tin nhắm mục tiêu chính xác cho hỏa tiễn. Đây không phải là lần đầu tiên TB2 đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến của Ukraine chống quân xâm lược Nga. Kể từ ngày đầu tiên của của cuộc chiến, TB2 đã chứng tỏ hiệu quả cao trong việc tiêu diệt xe tăng và làm chậm bước tiến của Nga.

Vào Tháng Một 2022, khi Nga điều quân với số lượng lớn đến biên giới Ukraine, Kyiv đã âm thầm mua 16 TB2, cùng các hệ thống vũ khí khác của Thổ, với tổng giá trị gần $60 triệu, nhiều gấp 30 lần so với mức chi cho các thiết bị quốc phòng đến từ Thổ trong cùng kỳ năm ngoái. Đợt mua mới này bổ sung cho khoảng 20 chiếc TB2 Ukraine mua trước đó. Được sản xuất bởi một công ty có quan hệ mật thiết với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, TB2 không chỉ là một công cụ giúp tạo cân bằng cho cuộc chiến ở Ukraine mà còn là “át chủ bài” trong chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ.

Những năm gần đây, drone đã đóng một vai trò quyết định trong nhiều cuộc xung đột ở vùng Caucasus, châu Phi và Trung Đông. Khi bán drone cho gần hai chục quốc gia chủ yếu có thu nhập thấp và trung bình, Ankara đã mở rộng ảnh hưởng địa chính trị đồng thời tạo cho mình vị thế trong việc định hình cuộc tranh giành quyền lực lớn ở khu vực. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao bằng drone của Ankara cũng có nhược điểm. Ở Trung Đông, khi Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng can dự quân sự tại các nước như Libya, các đối thủ như Hy Lạp và Ai Cập cũng hình thành các liên minh lỏng lẻo mới nhằm kềm chân Thổ.

Bayraktar TB2 đang tạo ra cục diện mới cho quân sự lẫn chính trị tại nhiều nước (ảnh: Muhammed Enes Yildirim/Anadolu Agency via Getty Images)

Tranh cãi quanh TB2

Ở Ukraine, drone TB2 cũng đe dọa làm suy yếu quan hệ được duy trì khó khăn giữa Ankara với Moscow. Những năm gần đây, các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ từng lên tiếng báo động về việc mua bán TB2. Dẫn chứng vai trò của drone trong cuộc chiến Azerbaijan với Armenia ở Nagorno-Karabakh vào năm 2020, Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Menendez, một đảng viên Dân chủ từ tiểu bang New Jersey, nói: “Cơn lốc bán drone của Thổ Nhĩ Kỳ là nguy hiểm, gây mất ổn định và đe dọa hòa bình, nhân quyền”.

Tuy nhiên, sau nhiều năm kiên trì với chủ nghĩa đơn phương tạo ra nhiều đối thủ trong khu vực và làm rạn nứt các liên minh với Mỹ và châu Âu, nay chính phủ Erdogan đã có thể tận dụng TB2 để thay đổi cục diện có lợi cho mình. Ở Trung Đông, drone đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng các lợi ích quốc gia mà không phải nhọc công nhiều. Với Ukraine, sự hỗ trợ quân sự đã giúp Erdogan tạo thêm ảnh hưởng trong khối NATO vào thời điểm chính phủ của ông đang gặp tình thế nguy hiểm ở trong nước và khủng hoảng trong mối quan hệ với Mỹ, châu Âu do thương vụ Thổ mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục quản lý và tiến hành thành công “chiến lược drone”, Erdogan có thể tạo được ảnh hưởng lớn trong khu vực.

Ai chế tạo TB2?

Foreign Affairs cho biết, từ cuối thập niên 1990, khi Mỹ là nhà sản xuất drone lớn nhất thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng tiếp cận công nghệ Mỹ để dùng drone chống lại Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), tổ chức bị cả Mỹ và Thổ xem là khủng bố, nhưng không thành công. Sau đó, năm 2005, Thổ chuyển sang kế hoạch mua drone Israel, nhưng kết quả cũng tương tự.

Những năm sau đó, Ankara tiếp tục bị từ chối mua các drone tiên tiến hơn của Mỹ, gồm cả phiên bản MQ-9 Reaper tấn công. Cuối cùng, Thổ không còn giải pháp nào khác là tự nghiên cứu và phát triển drone. Năm 2012, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ đã phát triển được một nguyên mẫu drone và đến năm 2016 thử nghiệm thành công trong hoạt động do thám. Cùng thời gian này, bước đột phá đến khi Selcuk Bayraktar, một kỹ sư được Viện Công nghệ Mỹ MIT đào tạo và là con rể tương lai của Erdogan, thử nghiệm thành công Bayraktar TB2 do ông thiết kế.

Năm 2012, TB2 được đưa vào sản xuất hàng loạt và chỉ trong ba năm, nó đạt được khả năng tấn công chính xác và trở thành vũ khí chiến lược trong kho vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Giống như MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper của Mỹ, TB2 là drone “có khả năng hoạt động lâu ở độ cao trung bình” (Medium Altitude Long Endurance-MALE). So với TB2, drone của Mỹ tinh vi hơn, tầm bắn gấp 10 lần, tốc độ gấp đôi và có thể mang số vũ khí gấp đôi. Nhưng chúng cũng đắt gấp ba, thậm chí gấp bốn lần. Bom và đạn dành cho drone tiên tiến của phương Tây cũng mắc hơn.

Một TB2 hoàn chỉnh, trang bị đầy đủ vũ khí, trị giá khoảng $1 triệu đến $2 triệu. Từ năm 2015, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu sử dụng TB2 trong cuộc chiến dai dẳng chống các tay súng PKK người Kurd. Trong ba năm tiếp theo, TB2 giúp quân Thổ đánh bật phần lớn tổ chức này ra khỏi lãnh thổ chiếm đóng và giết nhiều lãnh đạo PKK ở Bắc Iraq. Ngay sau đó, Ankara sử dụng TB2 chống lại các chiến binh người Kurd ở Syria gọi là Lực lượng Bảo vệ Nhân dân (People’s Protection Units-YPG) và liên kết với nhóm PKK thân Thổ để giúp Thổ Nhĩ Kỳ giành quyền kiểm soát biên giới phía Đông Nam, phía Nam và mở rộng hoạt động sang phía Bắc Syria và Iraq mà không cần dùng nhiều bộ binh. Lần đầu tiên sau nhiều thập niên, Ankara giành được lợi thế quyết định trong cuộc xung đột kéo dài với PKK.

Bayraktar TB2 tại một căn cứ Không-Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: Muhammed Enes Yildirim/Anadolu Agency via Getty Images)

Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xuất khẩu TB2 và trong năm năm họ đã bán cho gần hai chục quốc gia, kể cả các đồng minh và đối tác ở châu Âu (Albania, Ba Lan, Ukraine); Trung và Nam Á (Kyrgyzstan, Pakistan, Turkmenistan); châu Phi (Ethiopia, Libya, Morocco, Somalia, Tunisia); vùng Vịnh (Qatar); và vùng Caucasus (Azerbaijan). Dù các giao dịch vũ khí này chỉ mang tính thương mại và địa chính trị, nhưng đa số liên quan đến các quốc gia có lợi ích chiến lược đối với Thổ.

Các TB2 đã giúp cân bằng nhiều cuộc xung đột. Tại Libya năm 2020, TB2 đã giúp nước này đẩy lùi cuộc tấn công ác liệt của lãnh chúa Khalifa Hafter do Nga hậu thuẫn. Tương tự, TB2 giúp quân đội Azerbaijan giành lại lãnh thổ trong khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh bị quân Armenia chiếm đóng nhiều thập niên. Tại tỉnh Idlib của Syria, TB2 cho phép các lực lượng đối lập Syria ngăn chặn một cuộc tấn công của chính phủ Syria nhằm đẩy họ sang đất Thổ. Ở Ethiopia, TB2 cho phép chính phủ Addis Ababa lật ngược tình thế trong cuộc nội chiến với phiến quân Tigray. Thổ Nhĩ Kỳ không xem Ethiopia là đối tác thương mại vũ khí đơn thuần mà xem việc củng cố quan hệ với Addis Ababa là cách tạo ảnh hưởng của Thổ ở vùng Sừng châu Phi, đối trọng với Ai Cập.

Đối ngoại bằng Bayraktar TB2

Sự nổi lên nhanh chóng của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách nhà cung cấp drone giá rẻ hàng đầu cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã tạo thêm ưu thế cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức mới. Một số quốc gia, như Ethiopia, Somalia và Tunisia, việc vận hành tồi các TB2 đã dẫn đến các chỉ trích gay gắt vì gây ra thương vong cho dân thường. Những sự cố như vậy khiến một số quan chức Mỹ phàn nàn là Thổ Nhĩ Kỳ “chuyển giao drone một cách liều lĩnh”.

Một vấn đề còn lớn hơn là Thổ đã tạo cớ cho các quốc gia đối thủ xây dựng liên minh. Ví dụ, vào Tháng Năm 2020, khi TB2 chiếm ưu thế trong cuộc nội chiến ở Libya, Ai Cập đã thành lập liên minh không chính thức với Cộng hoà Cyprus, Pháp, Hy Lạp và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) để kềm chế hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải bằng sự phối hợp chính trị, ngoại giao và hiện diện hải quân. Gần đây Mỹ đã tăng cường viện trợ quân sự cho Hy Lạp như một hàng rào chống lại Nga, nhưng cũng chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và “dấu ấn quân sự” ngày càng tăng của nước này trong khu vực.

Chính sách ngoại giao bằng TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ tại Ukraine cũng tiềm ẩn cả rủi ro. Kyiv bắt đầu mua TB2 vào năm 2019 và năm 2021 dùng chống lại lực lượng ly khai Donbas do Nga hậu thuẫn. Tháng Tư 2022, chúng được dùng để ngăn cản đà tiến của lực lượng Nga. Đã có hơn 60 cuộc tấn công thành công của TB2 vào xe tăng, pháo, phương tiện và tàu tiếp tế của Nga.

Đối với quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, TB2 đã nâng vị thế của Ankara trong NATO lên mức chưa từng có. Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược, nhiều lãnh đạo châu Âu đã nối lại quan hệ với Ankara, gồm cả Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Nhưng Erdogan vẫn chưa được Tổng thống Mỹ Joe Biden đón chào. Biden là người đối thoại chính với Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2013 đến năm 2016 lúc ông còn là phó tổng thống, nhưng quan hệ trở nên xấu đi khi Erdogan đổ lỗi cho Tổng thống Barack Obama về cuộc đảo chính năm 2013 ở Ai Cập, còn Biden phàn nàn Erdogan đi ngược lại các chuẩn mực dân chủ.

TB2 còn đặt ra những câu hỏi mới phức tạp cho trong việc Thổ duy trì quan hệ với Moscow trong tình hình hai quốc gia là đối thủ tiềm tàng từ Biển Đen, Syria đến Azerbaijan. Về mặt chiến lược, Ankara sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo đảm Kyiv không nằm dưới sự chiếm đóng của Moscow. Ankara xem Ukraine và các quốc gia Hắc Hải khác là những đồng minh không thể thiếu để xây dựng một khối cân bằng chống lại người khổng lồ Nga ở phía Bắc.

Tuy nhiên, nếu Putin chiếm thành công một phần Ukraine, hoặc thất bại và đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ, Moscow có thể làm suy yếu lợi ích của Ankara ở Syria bằng cách kích hoạt dòng người tị nạn lớn từ Idlib sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong tình hình phong trào chống người tị nạn ở Thổ đang mạnh mẽ do khủng hoảng kinh tế. Erdogan sẽ phải chịu áp lực rất lớn nếu có một lượng lớn người tị nạn. Putin cũng có thể gây áp lực kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách hạn chế xuất khẩu nông sản Thổ sang Nga, cấm du khách Nga đến Thổ hoặc ngưng chuyển khí đốt cho Thổ.

KYIV, UKRAINE – 2021/08/24: Turkish-made Bayraktar TB2 drone is seen during the Ukrainian Independence Day parade in Kyiv.
Bayraktar TB2 được trưng trong Ngày lễ Độc lập Ukraine (ảnh: Mohammad Javad Abjoushak/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Bayraktar TB2 và ghế tổng thống

Những động thái trả đũa như thế sẽ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và cùng với đó là triển vọng tái đắc cử của Erdogan vào năm 2023. Về mặt công khai, Ankara “ném đá giấu tay” khi nói TB2 là do một công ty tư nhân cung cấp cho Ukraine. Thổ cũng đóng vai trò trung gian hòa giải, tổ chức một cuộc họp ở Antalya, một thành phố nằm trên bờ sông Thổ Nhĩ Kỳ, với các ngoại trưởng Ukraine và Nga vào ngày 10 Tháng Ba. Dù vậy, nếu Putin có danh sách các quốc gia mà ông ta sẽ trừng phạt vì ủng hộ Ukraine, thì Thổ Nhĩ Kỳ chỉ xếp sau các nước Baltic, Ba Lan, Anh và Mỹ.

Phần mình, Erdogan không muốn đối đầu với Putin, người có thể sử dụng đòn bẩy kinh tế hoặc thậm chí là tấn công mạng để làm mất triển vọng tái đắc cử của ông. Hơn nữa, Erdogan muốn lôi kéo các tài phiệt Nga bị phương Tây trừng phạt đến Thổ Nhĩ Kỳ, với hy vọng tài sản và tiền mặt của họ có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tầng lớp trung lưu, thượng lưu Nga tham gia thị trường bất động sản để bảo vệ sự giàu có của họ. Vì vậy, Erdogan luôn từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga và tiếp tục mua dầu của Nga.

Không giống các đối tác phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ luôn mở cửa không phận của mình cho các chuyến bay dân sự Nga. Hiện không có khả năng lãnh đạo Nga sẽ gây chiến với Thổ Nhĩ Kỳ ngay lúc này, đặc biệt nếu Erdogan cung cấp cho Putin và các nhà tài phiệt thân tín một lối thoát kinh tế. Nhưng nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài và TB2 tiếp tục phá hủy xe tăng Nga, thì lệnh cấm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các tàu Hải quân Nga đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến Ankara và Moscow rơi vào xung đột trực diện hơn.

____________

Bayraktar TB2

-Dài: 6.5 m (21 ft 4 in)

-Sải cánh: 12 m (39 ft 4 in)

-Trọng lượng: 700 kg (1,500 lb)

-Tải trọng: 150 kg (330 lb)

-Nhiên liệu (xăng): 300 litres (79 US gal)

-Vận tốc tối đa: 120 knots (220 km/h)

-Tầm bay: 4,000 km (2,200 nmi) trở lên

-Tầm liên lạc: < 300 kilometres (190 mi)

-Độ cao: 25,000 ft (7,600 m)

-Thời gian hoạt động: 27 tiếng

Vũ khí:

-Bốn giá treo bom L3Harris Hornet cho các loại đạn thông minh 23 kg / 50 lbs

-Bom dẫn đường MAM-C và MAM-L

-L-UMTAS (Hệ thống Tên lửa Chống Tăng Tầm xa)

-Roketsan Cirit (Hệ thống Tên lửa 70 mm)

-Tên lửa dẫn đường bằng laser TUBITAK-SAGE BOZOK

-Giá súng cối 81 mm TUBITAK-SAGE TOGAN

-Hệ thống vũ khí tiêu diệt chính xác tiên tiến – tên lửa dẫn đường bằng laser 70mm

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: