Tiềm thủy đĩnh Nga “ác chiến” như thế nào?

Share:
Tiềm thủy đĩnh K-560 Severodvinsk lớp Yasen của Nga (Russian Ministry of Defense)

Theo truyền thông nhà nước Nga, tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo hạt nhân chiến lược lớn nhất thế giới đã bị loại khỏi hạm đội hải quân Nga – dẫn lại từ Newsweek. Thay thế nó là thế hệ tiềm thủy đĩnh mới được đánh giá là to hơn và nguy hiểm hơn…

Tăng tốc cuộc đua tiềm thủy đĩnh

Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti dẫn nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga giấu tên cho biết, Dmitry Donskoy, tàu ngầm hỏa tiễn đạn đạo hạt nhân có chiều dài gần 600 m, đã ngừng hoạt động. Theo The Moscow Times, tàu ngầm hạt nhân Belgorod lớp Oscar II dài hơn 600 foot, được đưa vào hoạt động hồi đầu tháng này, sẽ thay thế tàu Dmitry Donskoy.

Vài năm gần đây, Nga đầu tư rất mạnh vào tàu ngầm. Business Insider cho biết, kể từ khi tàu ngầm hỏa tiễn dẫn đường chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Yasen đầu tiên, Severodvinsk, đi vào hoạt động vào cuối năm 2013, hai thập niên sau khi nó bắt đầu được đóng, Nga lần lượt đóng thêm tàu ngầm. Chiếc thứ hai của lớp Kazan, được đặt đóng vào Tháng Bảy 2009 và được đưa vào hoạt động vào Tháng Năm 2021. Tiếp theo là Novosibirsk, được đặt đóng vào Tháng Bảy 2013 và được đưa vào hoạt động vào Tháng Mười Hai 2021; và Krasnoyarsk, được đóng vào Tháng Bảy 2014 và dự kiến bàn giao cho Hải quân Nga cuối năm 2022.

Tàu ngầm luôn phần quan trọng trong kế hoạch hiện đại hóa hải quân của Nga. Hạm đội tiềm thủy đĩnh của Nga, đặc biệt tàu Yasen (mà NATO gọi là lớp Severodvinsk), đã gây ít nhiều lo lắng đối với giới quân sự các nước láng giềng của Nga. Trong cuộc gặp đầu tiên với Jim Mattis (lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ), Ine Eriksen Søreide (Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy từ 2013-2017) đã mang theo bức ảnh về tàu ngầm lớp Severodvinsk và nhấn mạnh rằng “đây thực sự là một trong những thách thức chiến lược lớn”. Ông Ine Eriksen Søreide nói, với tàu ngầm Yasen, Nga “bây giờ có thể ngăn chặn khoảng cách Greenland-Iceland-Vương quốc Anh một cách hiệu quả và do đó gây cản trở đáng kể lực lượng tiếp viện đến châu Âu trong tình huống khủng hoảng”.

Tàu ngầm Rostov-na-Donu B-237 lớp Kilo của Hải quân Nga. Hắc Hải có bốn tàu ngầm nâng cấp lớp Kilo trang bị hỏa tiễn tấn công đất liền Kalibr (ảnh: Oguz Yeter/dia images via Getty Images)

Lớn nhất thế giới

Năm 2014, một viên chức cao cấp chịu trách nhiệm về tiềm thủy đĩnh tại Bộ tư lệnh các hệ thống biển của Hải quân Hoa Kỳ (US Naval Sea Systems Command) cho biết ông đánh giá tàu Severodvinsk cao đến mức yêu cầu Carderock (trung tâm thử nghiệm hải quân Hoa Kỳ) làm một mô hình để đặt trong văn phòng mình. Ngoài khả năng hoạt động cực êm, Severodvinsk còn được trang bị hàng chục hỏa tiễn hành trình có khả năng tấn công tàu chiến và các mục tiêu trên bộ. Severodvinsk đã bắn thử hỏa tiễn hành trình siêu thanh Tsirkon vào cuối năm 2021.

“Lần đầu tiên trong lịch sử, Hải quân Nga có thể đánh chặn một khu vực bờ biển châu Âu hoặc thậm chí cả lục địa Hoa Kỳ trong một số trường hợp; biến mối đe dọa tấn công đất liền bằng hỏa tiễn hành trình từ tàu ngầm trở nên gần hơn bao giờ hết” – Michael Petersen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga (Russia Maritime Studies Institute) thuộc Học viện Hải Chiến Hoa Kỳ (US Naval War College), nói với Insider vào năm 2020.

Ngay sau khi tàu Kazan được bổ sung vào Hạm đội Phương Bắc của Nga vào Tháng Sáu 2021, Tướng Glen VanHerck, người giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ xung quanh Bắc Mỹ, cho biết chiếc tàu ngầm Kazan “ngang ngửa với chúng tôi.” Đầu năm 2022, VanHerck một lần nữa cảnh báo rằng tàu ngầm lớp Yasen được thiết kế để có thể đột nhập duyên hải Mỹ mà không bị phát hiện. VanHerck cho biết thêm: “Thách thức này sẽ còn tăng vài năm tới khi hải quân Nga bổ sung hỏa tiễn hành trình siêu thanh Tsirkon vào kho vũ khí của tàu Severodvinsk”.

Khả năng tấn công Mỹ

Ngay thời điểm hiện tại, mối đe dọa tàu ngầm Nga đã trở thành hiện thực rõ rệt khi hải quân nước này vừa tung ra tiềm thủy đĩnh Belgorod vào đầu tháng này tại cảng Severodvinsk – CNN cho biết trong bài báo ngày 23 Tháng Bảy 2022. Belgorod là tàu ngầm lớn nhất thế giới hiện nay.

Các chuyên gia cho rằng thiết kế của Belgorod là phiên bản sửa đổi của tàu ngầm mang hỏa tiễn dẫn đường lớp Oscar II, được trang bị loại ngư lôi hạt nhân có khả năng “tàng hình” đầu tiên trên thế giới. Với hơn 184 mét (608 feet), Belgorod là tàu ngầm dài nhất hiện nay – dài hơn cả tiềm thủy đĩnh mang hỏa tiễn đạn đạo lớp Ohio của Hải quân Hoa Kỳ (171 mét, tức 569 feet).

Hãng tin TASS của Nga cho biết, tàu Belgorod xuất hiện năm 2019, dự kiến ​​chuyển giao cho Hải quân Nga vào năm 2020 nhưng kế hoạch bị trì hoãn bởi đại dịch coronavirus. TASS cho biết thêm, Belgorod sẽ được trang bị ngư lôi hạt nhân Poseidon (thế hệ ngư lôi “đời mới” đang được nghiên cứu-chế tạo) có thể phóng từ cách xa hàng trăm dặm và vượt qua những hệ thống phòng thủ ven biển bằng cách lướt bay dọc đáy biển.

“Siêu ngư lôi (“mega torpedo”) hạt nhân này là độc đáo nhất lịch sử thế giới” – chuyên gia tàu ngầm H. I. Sutton (Mỹ) viết trên trang Covert Shores hồi Tháng Ba. “Poseidon là vũ khí hoàn toàn mới. Nó sẽ định hình lại kế hoạch tác chiến đối với Nga lẫn phương Tây, dẫn đến những đòi hỏi điều chỉnh mới trong việc tạo ra vũ khí đối phó”, Sutton viết.

Giới chức Mỹ và Nga đều cho biết loại ngư lôi này có thể mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá và hủy diệt kinh hoàng, gây ra sóng phóng xạ khiến toàn bộ khu vực bờ biển bị tấn công trở thành nơi không thể sống được trong nhiều thập niên. Tháng Mười Một 2020, Christopher A. Ford, lúc đó là trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách an ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân, nói rằng Poseidon được thiết kế để có thể “nhấn chìm các thành phố ven biển của Hoa Kỳ bằng sóng thần phóng xạ (radioactive tsunami).”

Tiềm thủy đĩnh USS Ohio (SSGN 726) của Hải quân Hoa Kỳ (ảnh: Dave Fliesen/U.S. Navy via Getty Images)

Theo báo cáo CRS (US Congressional Research Service), tiềm thủy đĩnh Belgorod có khả năng mang tới tám Poseidon, mặc dù một số chuyên gia vũ khí cho rằng nó có thể chỉ mang được sáu ngư lôi Poseidon. Theo chuyên gia H. I. Sutton, ngư lôi Poseidon có thể có đường kính 2 mét (6.5 feet) và dài hơn 20 mét (65 feet), “là ngư lôi lớn nhất từng được chế tạo ở bất kỳ quốc gia nào”, với “kích thước gấp ba mươi lần ngư lôi ‘hạng nặng’ thông thường”, Sutton viết.

Năm 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Poseidon “hầu như không có bất kỳ lỗ hổng nào để kẻ thù khai thác”. Nếu được trang bị đầu đạn thông thường, Poseidon có thể được sử dụng để “tiêu diệt những mục tiêu như nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm, công sự bờ biển và cơ sở hạ tầng”, Putin khoe.

Tuy nhiên, theo CNN, không ít chuyên gia bày tỏ hoài nghi về Poseidon. Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết: “Đây vẫn là công nghệ đang được nghiên cứu”. Nga lâu nay rất giỏi… bốc phét và đánh võ mồm. Sự “hiện đại” và “lợi hại” của vũ khí Nga nói riêng và quân đội Nga nói chung đã được phơi bày trong cuộc chiến Ukraine. Bất luận thế nào, với giới quốc phòng, việc cảnh giác là yếu tố luôn đặt lên hàng đầu và cuộc chạy đua tiềm thủy đĩnh giữa Nga và phương Tây chưa bao giờ nóng hực bằng lúc này.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: