Tiếp vận – vấn đề nghiêm trọng của quân Nga

Xe cơ giới và chiến xa Nga nói chung được bảo trì với tiêu chuẩn… hạng bét thế giới (ảnh: Mykhaylo Palinchak/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Khi nghĩ về chiến tranh hiện đại, hình ảnh của những người lính, xe tăng và tên lửa sẽ xuất hiện trong tâm trí. Nhưng được cho là quan trọng hơn lại là thứ mà tất cả cuộc chiến đều dựa vào. Đó là những chiếc xe tải (truck) khiêm tốn. Quân đội cần xe tải để vận chuyển binh lính ra tiền tuyến, cung cấp đạn pháo cho xe tăng và vận chuyển tên lửa. Nói tóm lại, bất kỳ đội quân nào xem thường xe tải đều sẽ gặp nguy hiểm. Bài học này có thể thấy ở quân Nga tại Ukraine.

Một binh đoàn xe rệu rã

Những bức ảnh chụp từng cụm xe tải bị hư hỏng của Nga đã tiết lộ những vấn đề tiếp vận và cho thấy nỗ lực của Putin đang bị hủy hoại bởi sự phụ thuộc vào lính nghĩa vụ trong khâu bảo trì, nạn tham nhũng tràn lan. Chưa kể đến tinh thần phản kháng kiên cường và chiến thuật tuyệt vời của quân dân Ukraine và những bất cập về tiếp tế. Trent Telenko, cựu kiểm toán viên chất lượng của Cơ quan quản lý hợp đồng quốc phòng Mỹ (Defense Contract Management Agency) đã phân tích các hình ảnh để tìm manh mối cuộc chiến diễn ra như thế nào.

“Vũ khí không phải là xe tăng, mà là đạn để xe tăng bắn ra. Và đạn được chuyển bằng xe tải – Telenko chỉ rõ – Thực phẩm, nhiên liệu, vật tư y tế và thậm chí cả binh lính cũng dựa vào xe tải. Tôi thấy có lý do để tin rằng quân Nga có vấn đề lớn với chúng”. Telenko dẫn chứng một bức ảnh về hư hỏng lốp xe trên xe chở tên lửa di động Pantsir S1 trị giá hàng triệu đôla. Ông ví von: “Nhìn giống như chim hoàng yến trong mỏ than! Là một thiết bị đắt tiền như thế, lẽ ra việc bảo trì phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, chỉ cần vài tuần xung đột, lốp xe đã vỡ vụn. Thật không ngoa khi nói Nga là ‘một chế độ của sự hỏng hóc’. Nếu xe tải không được di chuyển thường xuyên, cao su trong lốp sẽ giòn và thành lốp bị nứt và rách. Vấn đề thường xảy ra khi lốp xe được bơm không căng để đối phó với bùn lầy ở Ukraine”.

Đối với Telenko, người có hơn một thập niên chuyên trách bảo trì đội xe tải của quân đội Mỹ, tình trạng của Pantsir S1 là một sai lầm đáng tiếc. “Có vẻ người Nga không thực hiện bảo dưỡng phòng ngừa định kỳ cho cả một khí tài quá quan trọng. Toàn bộ đội xe tải cũng bị đối xử như thế”. Lý thuyết của Telenko mang âm hưởng câu nói nổi tiếng của Tướng Mỹ Omar Bradley trong Thế chiến thứ hai: “Kẻ nghiệp dư mới thao thao về chiến lược, còn các chuyên gia chiến trường quan tâm trước đến chuyện tiếp vận!”.

Trong một hình ảnh nổi tiếng vào những ngày đầu chiến tranh, một đoàn xe dài 64 km gồm xe tăng, xe bọc thép và pháo kéo của Nga không thể di chuyển khi còn cách Kyiv 30 km. Theo Bộ Quốc phòng Anh, chúng nằm ụ sa lầy không chỉ bởi sự kháng cự của người Ukraine mà còn do trục trặc máy móc hàng loạt. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói Nga đã mắc sai lầm nên phải khốn đốn với công tác tiếp vận.

Phải huy động cả xe tải dân dụng

Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St Andrews ở Scotland, phát hiện ra một dấu hiệu xấu khác đối với dịch vụ tiếp vận xe tải của Nga: Đó là sử dụng xe tải dân dụng để thay thế những chiếc xe tải quân sự tiêu hao dần trong cuộc chiến. O’Brien nói:

“Xe tải dân dụng không đáp ứng được các yêu cầu quân sự. Chúng không được thiết kế để chở hàng nặng, không được sản xuất để chở các thiết bị cụ thể, và trong nhiều trường hợp, thậm chí không thể hoạt động trên thực địa. Sự khắc nghiệt của chiến tranh đã là khó cho cả xe tải cấp quân sự vững chắc nhất, huống gì xe dân dụng! Một dặm trong thời bình giống như 10 hoặc 20 dặm (16 đến 32 km) trong thời chiến bởi vì bạn phải lái một chiếc xe với trọng tải khổng lồ”.

Ngoài ra còn vấn đề bảo trì xe dân dụng và phụ tùng thay thế không tương thích, trừ khi mua chiếc xe mới mỗi khi chiếc cũ hỏng! Alex Vershinin, một cựu sĩ quan Quân đội Mỹ từng phục vụ bốn lần tại Iraq và Afghanistan nói: “Xe tải quân sự bị hỏng là thảm hoạ, có vẻ như Nga không có sẵn nguồn linh kiện, phụ tùng để khôi phục chúng. Cứ hư là bỏ lại!”. Tháng trước, Vershinin viết báo cáo cho Viện Chiến tranh Hiện đại của Học viện Quân sự Mỹ, trong đó nêu rõ: “Các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn của quân đội Nga, những người đi đầu trong cuộc xâm lược Ukraine, thường chỉ có một xe giải cứu hạng nhẹ và một xe hạng nặng để kéo hàng chục xe trang bị cho đơn vị. Điều này có nghĩa là xe tác chiến đôi khi phải chuyển thành xe kéo trên đoạn đường hàng trăm kilomet!”.

Hàng đoàn xe quân sự Nga nằm ụ vì rơi vào tình trạng khủng hoảng tiếp vận, đặc biệt việc thiếu nhiên liệu (ảnh: Stringer/Anadolu Agency via Getty Images)

Theo O’Brien, Nga xem nhẹ đội xe tải vì chúng không “phô trương và hù doạ” bằng các hệ thống vũ khí tối tân. Trong những năm gần đây, giống như Kim Jong Un của Bắc Hàn, Putin thường khoe khoang các tên lửa siêu thanh như Zircon và Kinzhal, các máy bay chiến đấu tàng hình như Su-57 và hạm đội 11 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hiện đại. O’Brien nhận định: “Các quân đội độc tài hào nhoáng thường chỉ giỏi khoe vũ khí, máy bay và xe tăng. Nhưng chính những thứ kém hào nhoáng như xe tải mới là yếu tố làm ‘thay đổi trò chơi’ vào những lúc không ngờ nhất”.

Tham nhũng trong tiếp vận

Các chuyên gia đánh giá: “Gốc rễ của các vấn nạn tiếp vận Nga đang gặp ở Ukraine là dùng lính nghĩa vụ quân sự làm bảo trì; và tình trạng tham nhũng”. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, khoảng 25% quân số của quân đội Nga là lính nghĩa vụ, gồm cả một số bị lừa nhập ngũ. Các lính nghĩa vụ Nga thường phục vụ một năm, giữ cấp bậc thấp và giữ nhiều vị trí trong chuỗi tiếp vận, gồm cả bảo trì xe cộ. “Không có ai chỉ cần học một năm là đã bảo trì được các hệ thống quân sự – Telenko nói – Những người lính nghĩa vụ cũng có rất ít động lực vì họ biết rằng sẽ ra quân sớm”.

Ngày 13 Tháng Tư, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận định: “Rõ ràng, có vấn đề về tinh thần trong lính nghĩa vụ chiếm gần một nửa lực lượng Nga ở Ukraine. Họ không được thông báo đúng lý do xâm lược, không được đào tạo đúng, không sẵn sàng, cả về thể chất lẫn tinh thần cho những gì đang chờ phía trước”. Ngược lại, trong quân đội Mỹ, việc bảo dưỡng xe được thực hiện bởi một quân đoàn hạ sĩ quan tình nguyện, chuyên nghiệp. Họ ở lại quân ngũ lâu dài và được khích lệ bằng tăng lương và thăng chức.

Nói về nạn tham nhũng đeo bám quân đội Nga nhiều năm qua, Matthew Stephenson, giáo sư Trường Luật Harvard và là Tổng biên tập Blog chống tham nhũng toàn cầu, nhận định: “Tham nhũng ăn mòn đặc biệt trong hoạt động bảo trì và tiếp vận của quân đội Nga. Những gì mà các chuyên gia chống tham nhũng và chuyên gia an ninh quốc gia đã lưu ý trong nhiều năm đang lộ diện trong cuộc xâm lược hiện nay. Tham nhũng dẫn đến việc mua thiết bị kém chất lượng và ký hợp đồng mua thiết bị hoặc bảo trì với một đối tác yếu nhưng sẵn sàng ‘lại quả’ hậu hĩnh. Tham nhũng khi người phụ trách phân bổ ngân sách bảo trì và mua sắm báo cáo đã chi toàn bộ số tiền ngân sách, thay vì cho các sản phẩm hoặc dịch vụ chất lượng cao, lại mua các sản phẩm chất lượng thấp để bỏ túi phần chênh lệch. Một số tiền lớn lẽ ra được dùng cho bảo trì và mua đồ tốt đã lọt vào túi các sĩ quan phụ trách lính nghĩa vụ”.

Bảo trì thiết bị quân trang là một trong những đòi hỏi cực kỳ khắt khe của quân đội Hoa Kỳ bất kỳ họ đóng quân tại đâu và trong thời bình hay thời chiến (ảnh: Matej Divizna/Getty Images)

Tận dụng sức người thay vì máy móc

Có một vấn đề khác cũng ảnh hưởng đến công tác tiếp vận thất bại của quân Nga. Đó là dùng sức người thay cho máy móc. Alex Lord, nhà phân tích châu Âu và Á-Âu tại công ty phân tích chiến lược Sibylline ở London, cho biết, tiếp vận của quân đội Nga từ trước đến nay dựa vào nguồn nhân lực dư thừa thay vì các hệ thống cơ giới hóa sử dụng pallet gỗ và xe nâng. Telenko đưa ra ví dụ về việc chất đạn pháo lên xe tải. Một chiếc xe nâng có thể nâng một pallet gồm hai chục viên đạn một lần, trong khi việc nâng từng viên đạn riêng lẻ lên xe tải bằng tay sẽ mất nhiều thời gian và nhân lực hơn.

“Cách làm thủ công này khiến hoạt động tiếp vận của Nga kém hiệu quả khoảng 30% so với các nước phương Tây – Jason Crump, Giám đốc điều hành của Sibylline và một cựu chiến binh 20 năm trong quân đội Anh nói – Điều này có nghĩa là cần nhiều xe tải hơn để thực hiện một nhiệm vụ trong cùng một thời gian, dẫn đến tiêu hao nhiên liệu lớn hơn. Các xe tải của Nga đứng yên cũng lâu hơn để chất và dỡ hàng tạo cơ hội cho các lực lượng Ukraine tấn công”.

Telenko cho biết thêm: “Xe tải thường có thể hoạt động cách kho tiếp liệu 145 km. Nhưng Ukraine có diện tích bằng tiểu bang Texas, rộng 1,287 và dài 563 km. Vì vậy, Nga cần phải mở nhiều kho tiếp liệu bên trong Ukraine để quân đội của họ tiến xa hơn vào nội địa. Yêu cầu này là không tưởng”. Khi buộc phải rút lui dưới sự kháng cự quyết liệt của quân dân Ukraine, Nga đã mất một số lượng đáng kể xe tải. Telenko ước tính thay thế chúng phải cần ít nhất sáu tháng, trong khi sẽ có những tổn thất mới. “Tôi không hiểu làm sao người Nga có thể duy trì được vị thế hiện tại của họ, chứ chưa nói đến tiến hành tấn công đối phương với đội xe tải rệu rã còn lại. Xe tải là xương sống của bất kỳ lực lượng quân sự cơ giới hóa hiện đại nào. Không có chúng, người lính sẽ phải đi bộ và dùng… xe ngựa kéo đạn!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: