Tiết lộ về “cổng vào bí mật” tại phi trường Kabul

Lực lượng Taliban đã hoàn toàn làm chủ phi trường quốc tế Hamid Karzai sau khi quân đội Mỹ chính thức rút khỏi Afghanistan từ ngày 31 Tháng Tám 2021 (ảnh: Marcus Yam/Los Angeles/Getty Images)

“Cổng vào bí mật” được hình thành sau khi hàng ngàn người tập trung đến các cổng sân bay trong những ngày di tản cuối cùng để tìm cách vào bên trong…

Giải pháp đúng cho một tình trạng nguy hiểm

Một quan chức Mỹ tiết lộ với truyền thông là lực lượng đặc nhiệm của Bộ chỉ huy liên hợp Các hoạt động đặc biệt (Joint Special Operations Command-JSOC) và một số đơn vị đặc nhiệm Mỹ khác đã thiết lập một “cổng vào bí mật” tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul (tránh những cánh cổng thông thường rất dễ bị tấn công) để đến phi đạo duy nhất dành cho đường bay quốc tế và thành lập các “điểm tập trung” thông qua liên lạc điện thoại để hướng dẫn người Mỹ, người Agfanistan có visa Mỹ (SIVs) và những người Afghanistan dễ bị trả thù di tản vào những ngày cuối cùng của hạn chót 31 Tháng Tám.

Ngày 22 Tháng Tám, sau khi quyết định không kéo dài thời hạn di tản, thông qua các nguồn tin tình báo, Tổng thống Joe Biden thừa nhận khả năng sân bay bị ISIS-K tấn công là rất cao. Hai quan chức quốc phòng khác cho biết các công dân Mỹ còn kẹt bên ngoài được yêu cầu hãy đến các “điểm tập trung” chỉ định gần sân bay; sau đó Taliban sẽ kiểm tra giấy tờ của họ và đưa họ đi một đoạn ngắn đến “cánh cổng bí mật” có lính Mỹ chờ sẵn, trước khi đưa họ qua đám đông khổng lồ ngoài cổng.

Nhưng trong khi một quan chức quốc phòng ngợi khen “kết quả tốt đẹp” của thỏa thuận mật với Taliban, thì các kênh không chính thức giúp đỡ di tản phàn nàn hàng trăm người gặp vấn đề ngay trong ngày đầu tiên, khi Taliban từ chối không cho công dân Mỹ và những người Afghanistan được phép di tản theo thỏa thuận từ điểm tập trung đến cổng sân bay. Một số nguồn tin từ Mỹ cho biết nhiều công dân Mỹ và người Afghanistan cố gắng vào sân bay không tin Taliban sẽ dẫn họ đi đúng lộ trình an toàn nên cố gắng xác minh.

Thỏa thuận phải giữ bí mật vì tính nhạy cảm của nó (hiện vẫn chưa được tiết lộ chính thức) vì Mỹ lo ngại Taliban có phản ứng bất lợi nếu tiết lộ và sợ ISIS-K sẽ tấn công nếu chúng nhận ra người Mỹ được hộ tống theo nhóm ra sân bay. Trước đó, ISIS-K, kẻ thù không đội trời chung của Taliban, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về một vụ tấn công liều chết tại một cổng vào sân bay Kabul khiến 13 lính Mỹ và 170 người Afghanistan thiệt mạng cũng như vụ nã rocket vào sân bay sau đó.

Trục trặc ngày đầu

Mỹ đã tiếp xúc quân sự và ngoại giao với Taliban trong nhiều năm thông qua những cuộc đàm phán chính trị và “hạ nhiệt chiến trường”, nhưng thỏa thuận phối hợp chiến thuật di tản bí mật giữa Taliban và quân đội Mỹ tại Kabul được xem là “độc nhất” và chưa từng có tiền lệ. Không rõ chuyến thăm bất ngờ của Giám đốc CIA William Burns trước đó để gặp thủ lĩnh chính trị Taliban Abdul Ghani Baradar có liên quan gì đến thỏa thuận “cổng bí mật” hay không. Trong suốt quá trình di tản, các quan chức chính quyền Biden luôn nhấn mạnh Taliban đang hợp tác và cam kết cung cấp “lối ra an toàn” cho người Mỹ.

Taliban hộ tống “vài lần một ngày” vào những ngày di tản cuối cùng và một trong những điểm tập trung quan trọng là tòa nhà của Bộ Nội vụ Afghanistan ngay bên ngoài cổng sân bay, nơi các lực lượng Mỹ gần đó dễ dàng quan sát. Công dân Mỹ được thông báo bằng nhiều tin nhắn đến nơi tập trung. “Chiến thuật phối hợp hoạt động tuyệt vời” – một quan chức nhận định. Tuy nhiên vẫn có một số người Mỹ và người có thẻ xanh, cựu quan chức quân đội và tình báo Afghanistan (cùng gia đình) bị từ chối tại điểm hẹn của Bộ Nội vụ.

Không rõ hành động này ảnh hưởng thế nào đến nỗ lực di tản của Mỹ và cũng không rõ liệu người Mỹ và những người có thẻ xanh bị Bộ Nội vụ từ chối có đến được sân bay hay không. Một nguồn tin khả tín cho biết một gia đình thẻ xanh gồm sáu người bị từ chối tại điểm hẹn nhưng lại vào được trong đêm hôm sau. Đến sân bay, họ xếp hàng trật tự để trình giấy tờ rồi được đưa đến một căn cứ Mỹ ở nước ngoài chờ thanh lọc trước khi sang Mỹ. Rời điểm tập trung của Bộ Nội vụ không hề đơn giản, có công dân Mỹ phải chờ đợi nhiều giờ với Taliban cùng hơn 20 gia đình khác.

Thậm chí trong đêm tập trung đầu tiên lính Taliban có vũ trang còn tịch thu hộ chiếu Mỹ, thẻ xanh và điện thoại di động của hơn 100 người Mỹ và những người mang hộ chiếu Mỹ trong giá lạnh. Vài giờ sau giấy tờ mới được trả lại và cả nhóm mới được lên đường đến sân bay. Những đêm sau đó mọi việc trở nên suôn sẻ hơn khi có sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa Mỹ và Taliban.

Còn hơn 200 công dân Mỹ bị kẹt lại

Tính đến ngày Mỹ hoàn tất việc rút quân, tổng cộng hơn 122,000 người đã được di tản khỏi Afghanistan (kể từ Tháng Bảy) trong đó có hơn 6,000 công dân Mỹ. Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (Commander of US Central Command), tướng Frank McKenzie chỉ công bố sự tham gia của các lực lượng hoạt động đặc biệt trong cuộc họp báo vào ngày Thứ Hai. Ông cho biết họ đã giúp sơ tán hơn 1,064 công dân Mỹ; hơn 2,017 người Afghanistan; và 127 công dân nước thứ ba thông qua “các cuộc gọi điện thoại, tập trung tại điểm hẹn và hộ tống qua cổng bí mật”.

Tuy nhiên, McKenzie không nêu chi tiết vai trò JSOC, gồm các đơn vị chống khủng bố như Lực lượng Delta của Lục quân và SEALs của Hải quân. Trong cuộc họp báo mới nhất, Tổng thống Biden đã bảo vệ “cuộc rút quân hỗn loạn” khiến khoảng 200 người Mỹ còn kẹt lại (sẽ di tản sau, theo thỏa thuận với Taliban). Ông cũng không đưa ra lời xin lỗi về cách kết thúc chiến tranh. Quân đội Mỹ cho biết đã làm tê liệt các máy bay và khí tài quân sự còn để lại sân bay Kabul.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: