Nhiều người Nga không muốn gia nhập quân đội và tham gia vào cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đã nói với Hãng truyền thông Đức DW (Deutsche Welle – Làn sóng Đức) về cách thức và lý do tại sao họ lại đến Đức và cơ hội xin tị nạn của họ ở đây liệu có sáng sủa hay không.
Câu chuyện này bắt đầu bằng một lá thư gửi cho biên tập viên: “Tin vào lời hứa của ngài Scholz (Thủ tướng Đức) rằng nước Đức sẽ chấp nhận những người trốn lệnh động viên từ Nga, những người trốn lệnh động viên bắt đầu đến Đức… Hầu hết họ đã đến bằng Thị thực Schengen từ các nước thứ ba. Những người đến lần đầu tiên được đưa vào các trại tị nạn, được giữ ở đó trong khoảng ba tháng, và bây giờ, thậm chí không cần trình BAMF (Văn phòng Liên bang về Di cư và Người tị nạn) xem xét các trường hợp, họ bắt đầu bị trục xuất khỏi Đức đến các quốc gia thứ ba theo Thỏa thuận Dublin, ngay cả với những quốc gia đã công khai tuyên bố rằng việc trốn tránh tham gia vào các tội ác chiến tranh chống Ukraine không phải là cơ sở để các quốc gia này cấp quy chế tị nạn.”…
Các phóng viên của DW đã gặp tác giả của bức thư, Muscovite Alexander Yermakov, và một số người Nga khác, giống như anh ta, đã đến Đức theo những cách khác nhau và nộp đơn xin tị nạn cho chính quyền Đức để không bị buộc phải tham gia cuộc chiến giữa Nga và Ukraina.
Lời hứa của các chính trị gia Đức
Nói một cách chính xác, bức thư của Ermakov không phải là sự khởi đầu của lịch sử, mà là sự tiếp nối của nó. Một vài ngày sau khi Vladimir Putin tuyên bố vào ngày 21 Tháng Chín rằng ông ta thực hiện tổng động viên ở Nga, một số chính trị gia hàng đầu của Đức đã thực sự ủng hộ việc cấp tị nạn cho những người Nga trốn quân dịch.
Chẳng hạn, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đã nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung: “Bất cứ ai can đảm chống lại chế độ của Tổng thống Vladimir Putin và vì vậy tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm đều có thể xin tị nạn ở Đức do bị đàn áp chính trị”.
Chủ đề tương tự đã được dành cho hầu hết cuộc họp báo của chính phủ ở Berlin vào ngày 23 Tháng Chín. Tiếp đó, trả lời câu hỏi của phóng viên DW, đại diện Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao Đức nói rõ không cùng quan điểm với các nước EU không coi việc trốn tổng động viên ở Nga là cơ sở để xin tị nạn. Andrea Sasse, đại diện của Bộ Ngoại giao Đức cho biết vào thời điểm đó: “Lập trường của chính phủ liên bang rất rõ ràng. Chúng tôi muốn giúp đỡ mọi người. Chúng tôi hiểu tại sao có những người ở Nga không muốn ủng hộ cuộc chiến vi phạm luật pháp quốc tế của ông Putin và muốn thoát khỏi cuộc chiến này”.

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Steffen Hebestreit cũng có cùng quan điểm: “Đức đã tiếp đón những người chỉ trích chế độ Nga trong vài tháng nay. Chiến tranh để lại hậu quả cho nước Đức”.
Các chính trị gia Đức, bao gồm cả những người thuộc các đảng cầm quyền, nhưng không phải chịu trách nhiệm với chính phủ, lên tiếng rõ ràng hơn. Ví dụ, Irene Mihalic thuộc Đảng “xanh” và Đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội Dirk Wiese gọi việc trốn quân dịch và trốn tránh sự đe dọa áp dụng các hình phạt khắc nghiệt vì lý do này là đủ để được cấp tị nạn ở Đức.
Những tuyên bố như vậy cũng được trích dẫn bởi những người trốn quân dịch của Nga đang xin tị nạn ở Đức.
Việc Đức có thể cho những người như anh ta tị nạn, Alexander Ermakov biết được từ một bài báo trên trang web DW. Alexander nói: “Họ cũng đã nói về điều này trên tờ Svoboda và Đài tiếng nói Hoa Kỳ. Họ viết rằng chính Scholz đã nói rằng Đức sẽ cấp tị nạn cho tất cả những người Nga ủng hộ các giá trị châu Âu và trốn tránh chiến dịch tổng động viên ở Nga”.
Alexander có một số quốc gia để lựa chọn – Israel, nơi anh ta có bạn bè, cũng như Ireland và Thụy Điển, nơi mà anh ta cũng nghe nói rằng họ cung cấp nơi trú ẩn cho những đối tượng trốn quân dịch. Nhưng số tiền chỉ đủ cho anh ta đi đến nước Đức qua ngả Azerbaijan. Chuyến đi tốn khoảng 700 euro.
Anh bay tới Berlin và ngay lập tức tại sân bay đã trình bày với cảnh sát về yêu cầu xin tị nạn. Ban đầu anh được gửi đến một trung tâm tiếp nhận người tị nạn ở Eisenhüttenstadt, sau đó được chuyển đến Frankfurt an der Oder và cuối cùng được sắp xếp ở tạm tại một nhà trọ ở Wünsdorf.
Cuộc phỏng vấn mà các nhân viên BAMF thực hiện với Ermakov chỉ thuần túy mang tính hình thức. Alexander nói: “Ngay cả khi đó, tôi đã có ý kiến rằng chúng tôi sẽ bị trục xuất, và nếu không trục xuất thì chính quyền Đức cũng sẽ tìm cách loại bỏ chúng tôi”. Nhưng Alexander hy vọng rằng sẽ không bị trục xuất đến Azerbaijan, mà là đến một nước thứ ba nào đó, chẳng hạn Tây Ban Nha.
Nhưng khốn nỗi ở Tây Ban Nha không có nơi ở tạm nào dành cho những người xin tị nạn: Hãy sống tùy thích cho đến khi bạn nhận được tư cách pháp nhân và sống bằng tiền của chính mình.
Giống như Alexander Yermakov, nhiều đàn ông Nga đã đến Đức theo những cách khác nhau, qua các quốc gia khác nhau và từ các thành phố khác nhau của Nga. Không phải ai cũng sẵn sàng cung cấp tên thật như Yermakov vì họ sợ bị trục xuất về Nga.
Mikhail (tên đã thay đổi), một cư dân của vùng Leningrad, đã đến biên giới Phần Lan khi biết rằng giấy triệu tập nhập ngũ theo lệnh tổng động viên sẽ tới trong vài ngày tới.
“Từ Phần Lan, tôi bay thẳng đến Berlin và ngay lập tức nộp đơn xin tị nạn tại sân bay. Tôi ở trong một nhà trọ ở Eisenhüttenstadt trong tháng tiếp theo. Ở đó có khoảng 20 người Nga – tất cả đều trốn quân dịch”.
Cũng có những người tị nạn Ukraine ở cùng ký túc xá, nhưng Mikhail đảm bảo rằng không có vấn đề gì khi giao tiếp với họ. “Nói chung, hoàn toàn không có vấn đề gì, mọi người đều hiểu mọi thứ, không có tiêu cực, đụng độ hay cãi vã, bởi vì trên thực tế, mọi người đều đến vì cùng một lý do,” Mikhail nói, đề cập đến cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine.

Tại sao anh ta quyết định đến Đức? Bởi vì anh ta được biết rằng Thủ tướng Scholz và Bộ trưởng Nội vụ nói rằng Đức sẵn sàng chấp nhận những người Nga chạy trốn khỏi cuộc tổng động viên, vì vậy anh quyết định nắm lấy cơ hội. Mikhail được nhân viên BAMF phỏng vấn hồi đầu Tháng Mười Hai và hiện đang chờ quyết định, nhưng niềm hi vọng được phía Đức chấp nhận cho tị nạn là vô cùng mong manh.
“Tôi thực sự muốn ở lại Đức. Nếu họ gửi tôi đến Phần Lan với tư cách là quốc gia đã cấp thị thực cho tôi, thì rất có thể tôi sẽ bị Phần Lan từ chối và trục xuất về Nga rồi ngồi tù rục xương”.
Còn rất nhiều trường hợp tương tự như hai nhân vật kể trên, nhưng do khuôn khổ bài báo có hạn, chúng tôi xin giản lược bớt.
Tất cả những người mà DW hỏi chuyện đều đảm bảo rằng họ lên án cuộc chiến do Nga gây ra chống lại Ukraine, tuy nhiên, gọi đó là tội ác với những mức độ thuyết phục khác nhau.
Phản hồi của Bộ Nội vụ Đức trước yêu cầu của DW
Phóng viên DW đã đề nghị Bộ Nội vụ Đức bình luận về tình trạng người Nga trốn tránh tổng động viên và xin tị nạn ở Đức.
“Những người Nga đào ngũ hoặc trốn quân dịch do không muốn tham gia vào cuộc chiến của Putin có thể nộp đơn xin tị nạn ở Đức. Họ thường nhận được sự bảo vệ quốc tế. Các thông lệ ra quyết định của BAMF về vấn đề này đã được điều chỉnh kể từ khi bắt đầu chiến tranh”, Sascha Lawrenz, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Đức cho biết.
Những người có nguy cơ bị gọi nhập ngũ và những người từ chối nghĩa vụ quân sự có thể nộp đơn xin tị nạn. “Đối với nhóm cá nhân này, các hoạt động ra quyết định của BAMF hiện đang được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp”, người phát ngôn Bộ Nội vụ nói thêm.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mỗi đơn xin tị nạn được xem xét trên cơ sở cá nhân và thực tế là “mọi người có thể xin tị nạn ở Đức” không có nghĩa là họ sẽ được chấp thuận. Và cụm từ “các hoạt động của BAMF đang được xem xét và điều chỉnh” có nghĩa là bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.