Tổng thống Philippines lên án Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông

Người dân Philippines biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở Manila đòi Bắc Kinh ngừng chèn ép ở Biển Đông. Ảnh Basilio H. Sepe/Majority World/Universal Images Group via Getty Images

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên án mạnh mẽ vụ đụng độ mới nhất ở Biển Đông sau khi tàu tuần duyên Trung Quốc bắn vòi rồng vào các tàu thuyền tiếp liệu của Philippines.

Hãng tin Pháp AFP đưa tin từ hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN – Trung Quốc do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại giữa hai bên, cho biết Tổng thống Philippines Duterte đã phản ứng gay gắt trước hành vi chèn ép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuần trước, các tàu tuần duyên Trung Quốc đã bắn vòi rồng vào hai tàu tiếp liệu nhỏ của Philippines khi các tàu này chở đồ tiếp tế cho binh lính Philippines đồn trú ở Bãi Cỏ Mây – một bãi cạn nhỏ do Philippines làm chủ trong quần đảo Trường Sa. 

Bãi Cỏ Mây là tên người Việt đặt cho bãi cạn mà người Phi gọi là bãi Ayungin, người Tàu gọi là Nhân Ái Tiêu và tên quốc tế là Second Thomas Reef. Sau khi Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn (Mischief Reef) – một bãi cạn khác gần đó, vào giữa những năm 1990, Philippines đã lao một tàu Hải quân, tàu BRP Sierra Madre, lên bãi cạn Bãi Cỏ Mây để khẳng định yêu sách lãnh thổ của Manila và bố trí lính Thủy quân Lục chiến Philippines đồn trú tại đó.

Bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi lượng hàng hóa thương mại trị giá hàng nghìn tỷ đô la đi qua hàng năm. Bắc Kinh cũng phớt lờ phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) rằng tuyên bố lịch sử của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý.

Manila đã bày tỏ sự phẫn nộ trước vụ bắn vòi rồng vào tàu tiếp liệu của Philippines tuần trước, nhưng Bắc Kinh nói các tàu của Philippines đã đi vào vùng biển của Trung Quốc mà không được phép. Hôm Thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc rằng một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các tàu công vụ của Philippines sẽ dẫn đến sự đáp trả của Hoa Kỳ theo các nghĩa vụ trong hiệp ước phòng thủ chung Hoa Kỳ-Philippines. Liên minh châu Âu cũng kêu gọi “tất cả các bên tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm nay Thứ Hai cho biết các tàu tiếp tế của Philippines sẽ tiếp tục sứ mệnh đến Bãi Cỏ Mây sau khi Đại sứ Trung Quốc tại Philippines bảo đảm với ông rằng họ sẽ không bị cản trở nữa.

***

Tại hội nghị ASEAN-Trung Quốc đang diễn ra, Tổng thống Philippines Duterte nói hành động của Trung Quốc “không phù hợp với mối quan hệ giữa các quốc gia và quan hệ đối tác của chúng ta.”

Phát biểu của ông Duterte mạnh mẽ một cách bất thường, bởi vì ông là một nhà lãnh đạo đã cố vun đắp mối quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016 với hy vọng khai thác được các khoản đầu tư và thương mại mà Trung Quốc đã hứa đổ vào nền kinh tế Philippines.

Ông Duterte cho rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế năm 2016 chống lại Trung Quốc phải được sử dụng “đầy đủ” để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. “Đơn giản là không có cách nào khác để thoát khỏi vấn đề khổng lồ này ngoài sự thượng tôn pháp quyền (rule of law),” ông Duterte nói.

Không rõ liệu ông Tập Cận Bình có tham gia cuộc họp khi ông Duterte phát biểu hay không. Nhưng trong phát biểu khai mạc hội nghị này, ông Tập đã nói những lời đường mật để vuốt ve các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. 

Ông Tập thề rằng đất nước ông sẽ “không bao giờ tìm kiếm bá quyền và chắc chắn không bắt nạt các nước nhỏ” (!) “Chúng ta phải cùng nhau duy trì sự ổn định của Biển Đông và xây dựng Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác”, ông Tập kêu gọi.

Trong khi đó, tại hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã cảnh báo về các hành động có thể “làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng trong khu vực” dù không chỉ đích danh Trung Quốc. Những tháng gần đây, các tàu tuần duyên và tàu dân quân biển của Trung Quốc liên tục quấy rối hoạt động dầu khí của Indonesia và Malaysia trên Biển Đông.

Chỉ có nhà lãnh đạo Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu ve vuốt Trung Quốc, nói rằng “quan hệ ASEAN và Trung Quốc vừa nhất trí thiết lập là minh chứng cho thành quả hợp tác 30 năm qua, trên cơ sở tin cậy chính trị, hợp tác hữu nghị và toàn diện, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.”

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: