Tổng thống Thái Anh Văn trước thách thức của Trung cộng

Để duy trì nền dân chủ, Đài Loan phải đương đầu với nhiều thách thức lớn từ Trung Cộng. Ảnh Remi Yuan / Unsplash.com

HIẾU CHÂN

Khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống của đảo quốc Đài Loan nhiệm kỳ thứ hai hôm thứ Tư 20-05, bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) có mức ủng hộ cao kỷ lục, vị thế của Đài Loan trên trường quốc tế cũng gia tăng mạnh sau khi hòn đảo này xử trí thành công đại dịch Covid-19. Nhưng theo đa số các nhà bình luận chính trị, trong nhiệm kỳ mới, vị nữ tổng thống của đảo quốc 23 triệu dân này sẽ phải đương đầu với áp lực khủng khiếp và chính sách hiếu chiến mạnh mẽ hơn nữa từ Bắc Kinh.

Mặc dù kề cận Trung Quốc và có hoạt động giao lưu kinh tế-văn hóa rất mật thiết với Hoa Lục – nơi phát xuất đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã giết chết hơn 320.000 người trên toàn cầu – Đài Loan chỉ ghi nhận 440 trường hợp nhiễm virus và bảy người tử vong. Áp dụng rất sớm các biện pháp hạn chế nhập cảnh, sàng lọc, theo dõi tiếp xúc và cách ly người bệnh, Đài Loan vừa kiềm chế được đà lây lan của virus, vừa không phải “phong tỏa” như các nơi khác, từ đó giúp nền kinh tế tránh được sự đình đốn thê thảm như ta thấy ở nhiều nước khác.

Thành tích chống dịch Covid-19 của Đài Loan được cả thế giới công nhận và khen ngợi nhưng Bắc Kinh không thích điều đó. Quan hệ giữa hai bờ eo biển, xấu đi nhanh chóng từ khi bà Thái bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất năm 2016, đã xuống mức thấp nhất từ trước tới nay. Bắc Kinh vẫn luôn tuyên bố Đài Loan là một “tỉnh ly khai”, một phần lãnh thổ của Trung Quốc mà Bắc Kinh quyết tâm “thu hồi” dù có phải dùng tới bạo lực hay chiến tranh.

Đài Loan có phải là một phần của Trung Cộng

Đảng Cộng sản Trung Quốc thắng Quốc dân đảng nhưng chưa bao giờ chiếm được đảo Đài Loan; nói cách khác người dân Đài Loan chưa bao giờ sống dưới ách cai trị của cộng sản. Và sau ba lần tấn công “giải phóng” Đài Loan bị thất bại thảm hại trong thập niên 1950-1960, Mao Trạch Đông đành ngậm ngùi gác chuyện Đài Loan cho thế hệ sau. Mao từng tâm sự với Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Việt Nam cộng sản hồi cuối thập niên 1950, “Tôi không có cây chổi đủ dài để quét tới Đài Loan và đồng chí cũng không có cây chổi đủ dài vươn tới Sài Gòn” để can ngăn ý đồ của Hà Nội phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam Cộng hòa, theo tường thuật của nhà báo Mỹ Stanley Karnow.

Lúc mới tới Đài Loan, Quốc dân đảng của Thống chế Tưởng Giới Thạch vẫn ôm mộng một ngày nào đó trở về “giải phóng” Hoa Lục, tiêu diệt cộng sản, nhưng lực bất tòng tâm, giấc mộng đó ngày càng phai nhạt. Cho đến khi Trung Quốc đẩy được Đài Loan ra khỏi Liên hiệp quốc, giành chiếc ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ của Đài Loan thì không người Đài Loan nào còn mơ tới việc giải phóng Hoa Lục nữa mà chấp nhận thực trạng có hai nước Trung Hoa với hai chính thể đối lập nhau, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc, cùng tồn tại cách nhau một eo biển hẹp.

Trong hơn bảy mươi năm qua, Đài Loan đã xây dựng được một đảo quốc dân chủ và phồn thịnh, kiến tạo một bản sắc văn hóa riêng, tách biệt với Trung Quốc cộng sản. Một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 10 năm ngoái cho thấy hai phần ba dân chúng đảo quốc Đài Loan không nhận mình là người Trung Quốc mà là người Đài Loan, một phần ba muốn độc lập và 25% muốn giữ nguyên trạng.

Về phía Trung Quốc, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và quân sự mấy chục năm gần đây, cùng với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán đã thôi thúc tham vọng sáp nhập Đài Loan. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình coi “thống nhất” Trung Quốc là một sứ mệnh xác định vị trí của ông trong lịch sử. Ông Tập đã ra sức củng cố quan điểm “một Trung Quốc”, quảng bá mô hình “một quốc gia, hai chế độ” đang thực thi với Macau và Hong Kong như một hình mẫu mà Đài Loan nên theo, đồng thời dọa sử dụng quân sự nếu Đài Loan kiên quyết tuyên bố độc lập hoàn toàn.

Bao vây và áp lực

Biết không thể dùng sức mạnh quân sự để khuất phục Đài Loan khi hòn đảo này còn nhận được sự bảo vệ và hỗ trợ của Hoa Kỳ, Bắc Kinh phải dùng chiến lược gọng kềm: một mặt bao vây Đài Loan về ngoại giao và gây sức ép về kinh tế, một mặt hoà hoãn với kẻ thù cũ là Quốc dân đảng để lôi kéo Đài Loan gần gũi với Hoa Lục.

Về ngoại giao, Bắc Kinh kiên trì áp đặt cái gọi là nguyên tắc “một Trung Quốc”, nước nào muốn lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh thì phải cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và ngược lại; thậm chí trong đại dịch Covid-19, các nước chỉ có thể mua hoặc nhận viện trợ trang bị y tế của Bắc Kinh nếu công khai tán thành “một Trung Quốc”. Gần đây Bắc Kinh tung tiền viện trợ cho các đảo quốc nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, lôi kéo họ về phía Trung Quốc và đã chiêu mộ được ít nhất bảy nước từ bỏ Đài Loan để theo Trung Quốc, hiện đảo quốc này chỉ còn 14 nước có quan hệ ngoại giao cấp đại sứ.

Trong nội bộ Đài Loan, Quốc dân đảng chuyển dần theo hướng thân Bắc Kinh. Giới tinh hoa của đảng này kỳ vọng gia tăng quan hệ giữa hai bờ eo biển sẽ giúp người Trung Quốc nhận ra lợi ích của dân chủ, tự do và góp phần thay đổi chế độ chính trị ở Hoa Lục. Nhưng với lối cai trị của Bắc Kinh ở trong nước và hành xử trên trường quốc tế,  kỳ vọng này nhanh chóng biến thành ảo vọng. Nhận ra bản chất của đảng Cộng sản, người dân Đài Loan trở nên cứng rắn hơn, thủ thế hơn với mọi xu hướng kết thân với Trung Quốc. Đảng Dân Tiến (Democratic Progressive Party, DPP) – tổ chức chính trị quy tụ giới trí thức tinh hoa của người Đài Loan bản địa, tức là cộng đồng cư dân sinh sống lâu đời ở đảo Đài Loan trước khi Tưởng Giới Thạch và những người Quốc dân đảng từ Hoa Lục chuyển tới – chủ trương Đài Loan độc lập, đã từ vị thế đảng đối lập chuyển dần thành đảng cầm quyền với thắng lợi vang dội của bà Thái Anh Văn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Bài học Hong Kong

Công bằng mà nói, một bộ phận dân Đài Loan, nhất là thành phần doanh thương có gốc gác từ Hoa Lục chuyển sang hoặc đang kinh doanh làm ăn tại Trung Quốc, vẫn mong muốn kết thân với Bắc Kinh như dưới thời tổng thống Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) tiền nhiệm của bà Thái, nhưng những biến động gần đây như những vụ dọa dẫm của quân đội Trung Quốc, nhất là cách ứng xử của Bắc Kinh với phong trào dân chủ của người dân Hong Kong, đã khiến người ta lo sợ. Uy tín của bà Thái, từng xuống rất thấp trước khi phong trào biểu tình ở Hong Kong bùng phát, đã tăng lên rất nhanh và trong cuộc bầu cử hồi tháng 01-2020 vừa qua, bà giành được 57% số phiếu cử tri, đánh bại ứng cử viên của Quốc dân đảng.

“Chúng ta sát cánh với mọi người dân yêu tự do của Hong Kong”, bà viết trên Twitter tháng 06 năm ngoái, và cho rằng “nền dân chủ khó khăn lắm mới có được” của Đài Loan cần phải được bảo vệ. “Chừng nào tôi còn làm tổng thống thì ‘một quốc gia, hai chế độ’ không phải là lựa chọn,” bà nói. Bà luật sư 64 tuổi này cũng nhấn mạnh rằng, trong thực tế Đài Loan đã là một quốc gia độc lập có quốc hiệu là Trung Hoa Dân quốc, Đài Loan. Và chính thái độ cứng rắn, quyết liệt với Bắc Kinh là yếu tố giúp làm nên thắng lợi của bà Thái.

Bắc Kinh không ngừng dọa dẫm

Bà Thái cho rằng, kết quả bầu cử tự do ở Đài Loan là một thông điệp rõ ràng yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền của Đài Loan. Bà đã nhắc lại điều này trong bài diễn văn nhậm chức thứ Tư vừa qua, cùng với lời bác bỏ dứt khoát “một quốc gia hai chế độ”, thay vì vậy bà đề ra đường lối “hòa bình, bình đẳng, dân chủ và đối thoại” để giải quyết mối quan hệ Trung Quốc-Đài Loan.

Nhưng trái với hy vọng đó, ông Tập coi thắng lợi của bà Thái như một cái tát vào mặt đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều trớ trêu là ông Tập và bộ chính trị của ông ta không nhận ra rằng, chính áp lực và sự hung hăng của Bắc Kinh đã góp phần đưa đảng Dân Tiến và bà Thái Anh Văn lên đỉnh quyền lực ở Đài Loan. Sự ngạo mạn đã làm họ mờ mắt.

Ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của bà Thái, Bắc Kinh đã cắt hết toàn bộ giao tiếp chính thức với chính phủ của bà, đẩy Đài Loan ra khỏi các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, vận động nhiều nước cắt quan hệ với Đài Bắc và tìm cách gây khó khăn về kinh tế như cấm dân Trung Quốc đi du lịch riêng lẻ tới Đài Loan.

Trong những tháng gần đây, sau khi bà Thái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, áp lực của Trung Quốc càng tăng lên dữ dội, bất chấp nạn dịch Covid-19 gây rắc rối cho cả hai nước. Phi cơ chiến đấu của quân đội Trung Quốc đã ít nhất ba lần bay qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan; hồi tháng Tư tàu sân bay Liêu Ninh và đội hộ tống đã đi qua eo biển Miyako phía nam Nhật Bản để tập trận trên vùng biển đông nam Đài Loan.

“Đại dịch Covid-19 đã khuếch đại các mối căng thẳng tồn tại từ lâu ở eo biển Đài Loan,” ông J Michaei Cole, nhà phân tích của Global Taiwan Institute – một cơ quan nghiên cứu của Mỹ có trụ sở tại Đài Bắc – nhận định. Bà Thái “có thể tin rằng Bắc Kinh sẽ ngày càng gia tăng áp lực mà Đài Loan phải chịu đựng,” ông Cole nói thêm, theo trang Aljazeera.com.

Ủng hộ của Hoa Kỳ rất hạn chế

Nhiều nhà quan sát lo ngại cho người nữ tổng thống sắc sảo và kiên cường này. “Thách thức thật là khủng khiếp. Khi Tổng thống Thái nhìn tới bốn năm sắp tới chắc chắn bà cần phải chứng tỏ tài năng lãnh đạo và sự sẵn sàng mà bà đã thể hiện trong công cuộc chống đại dịch Covid-19,” bà Natasha Kassam, nhà nghiên cứu của Viện Lowy của Úc, nhận định.

Áp lực của Bắc Kinh có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực, tập trung ở chính trị, ngoại giao, quân sự và kinh tế. Hiện Đài Loan có thể yên tâm một phần nhờ vào sự ủng hộ của Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây về ngoại giao và quân sự. Hoa Kỳ vẫn thường xuyên cung cấp cho Đài Loan những vũ khí hiện đại nhất để phòng thủ và quân đội Hoa Kỳ hiện diện ở Đông Á để ngăn ngừa một cuộc chiến tranh giữa hai bờ eo biển Đài Loan, sẵn sàng hỗ trợ Đài Loan nếu Trung Quốc phát động chiến tranh.

Về ngoại giao, hồi tháng Ba Tổng thống Trump đã ký ban hành luật TAIPEI Act, yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ gây áp lực buộc các diễn đàn quốc tế phải công nhận và để Đài Loan tham gia, trước mắt là Tổ chức Y tế thế giới. Động thái của Hoa Kỳ bị báo chí Trung Quốc lên án là ủng hộ sự ly khai của Đài Loan, nhưng sau đó Bắc Kinh xuống giọng, sẵn sàng để Đài Loan tham gia một số tổ chức quốc tế với điều kiện Đài Bắc phải chính thức công nhận “một Trung Quốc” – điều kiện mà chính phủ của bà Thái Anh Văn lập tức bác bỏ.

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Bonnie Glaser, phụ trách dự án China Power Project của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược CSIS, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Đài Loan có nhiều hạn chế do vị thế bị cô lập của Đài Loan trên thế giới. Bà Glaser cho rằng, dù sao thì xung đột quân sự cũng khó xảy ra trong nhiệm kỳ của bà Thái, một phần vì Bắc Kinh không muốn liều lĩnh đối đầu quân sự với Hoa Kỳ; và chính phủ Đài Loan cũng chưa vội tuyên bố độc lập, tránh làm cho tình hình phức tạp thêm.

Khó khăn vô cùng lớn

Ngoài ra, về đối nội, chính quyền của bà Thái còn phải giữ thế cân bằng mong manh giữa các thành phần trẻ tuổi, cấp tiến trong đảng của bà, muốn nhân cơ hội hiện nay để đẩy mạnh các biện pháp tiến tới tuyên bố độc lập, và thành phần bảo thủ trong giới kinh doanh, muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Hoa Lục để thúc đẩy kinh tế Đài Loan mà dự báo sẽ suy giảm 4% trong năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo bà Glaser Tổng thống Thái Anh Văn là người điềm tĩnh, sẵn sàng lắng nghe ý kiến người khác nhưng cũng rất quyết đoán khi đưa ra quyết định, khi mắc sai lầm thì nhanh chóng nhận ra và sửa sai và là nhà thương thuyết có tài.

“Tôi tin vào năng lực của bà Thái lãnh đạo Đài Loan nhưng thật là khó khăn cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào phải xử lý tất cả những vấn đề mà Đài Loan đang đối mặt. Trở ngại là vô cùng lớn, cho dù vị tổng thống có tài năng đến mức nào,” bà Glaser nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: