Trung Quốc học gì từ chiến tranh Ukraine?

Quân Trung Quốc luyện tập sử dụng vũ khí tân tiến ở Quý Châu hôm 9 tháng Tư vừa qua. Ảnh Costfoto/Future Publishing via Getty Images.
Thời Sự
Thời Sự
Trung Quốc học gì từ chiến tranh Ukraine?
/

Từ khi Nga khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, cả thế giới chăm chú theo dõi nhưng không quốc gia nào chú ý hơn Trung Quốc vì Bắc Kinh nóng lòng muốn biết, làm cách nào một lực lượng nhỏ hơn về quân số và vũ khí đã đánh dập mũi một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới. 

Sau sáu tuần chiến tranh dữ dội, quân Nga đã buộc phải rút lui khỏi vùng thủ đô Kyiv mà họ dự định chiếm lĩnh chỉ sau 72 giờ tấn công chớp nhoáng, phải chuyển mục tiêu sang miền Đông Ukraine giáp với biên giới Nga để dễ tiếp tế và tiếp viện. Quân Nga đã bị thiệt hại hàng ngàn quân sĩ, tám viên tướng và vài chục sĩ quan cấp tá, hàng ngàn xe tăng và xe cơ giới bị bắn cháy. Nhục nhã nhất là soái hạm Moskva – một trong ba chiến hạm lớp Slava (Vinh Quang) tối tân nhất của Nga – bị bắn chìm bởi những hỏa tiễn cây nhà lá vườn của Ukraine. Thất bại đó đem lại bài học gì cho Trung Quốc?

Bài học nào cho Trung Quốc 

Trung Quốc, cũng như Nga, có tham vọng cải tổ quân đội, từ kiểu Liên Xô cũ sang mô hình quân đội hiện đại, đủ sức đương đầu và chiến thắng các đối thủ như Hoa Kỳ và NATO. Các chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cẩn thận phân tích những điểm mạnh điểm yếu của cuộc đối đầu ở Ukraine để áp dụng cho quân đội của ông ta, gọi là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hay PLA, và để thiết kế cuộc xâm lược nhằm thâu tóm đảo quốc Đài Loan.

“Câu hỏi lớn mà Tập và ban lãnh đạo PLA phải đặt ra liên quan đến hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine là liệu một quân đội đã trải qua cải cách sâu rộng và hiện đại hóa sẽ có thể thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều so với những gì Nga đã thực hiện trong cuộc xâm lược Ukraine hay không,” ông M. Taylor Fravel, giám đốc chương trình nghiên cứu về an ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nhận định, theo bài tường thuật của AP.

Các lực lượng vũ trang Nga đã trải qua một quá trình cải tổ và đầu tư sâu rộng trong hơn một thập niên, và đã có những bài học kinh nghiệm trong chiến đấu ở Georgia (còn gọi là Gruzia), Chechnya, Syria và sáp nhập bán đảo Crimea. Những trận chiến đó đã giúp định hướng quá trình cải tổ quân đội Nga. Tuy nhiên, cuộc xâm lược của Ukraine lại bộc lộ những điểm yếu từ trên xuống.

Các chuyên gia đều sửng sốt chứng kiến khi thực hiện cuộc tiến quân vào Ukraine, Nga dường như đã chuẩn bị rất ít và thiếu tập trung – một chiến dịch diễn ra ở nhiều hướng mà phối hợp kém, không kết hợp hiệu quả các hoạt động của không quân và bộ binh. Hậu cần tệ hại khiến binh lính hết lương thực và xe cộ bị hư hỏng. Hậu quả là sau vài ngày chiến đấu, quân Nga bị sa lầy và phải tìm đường rút lui sau khi chịu thiệt hại nặng nề về người và vũ khí.

Euan Graham, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Rất khó để thấy được sự thành công ở bất kỳ cấp độ nào theo cách mà Nga đã khởi xướng chiến dịch”.

Tổng thống Vladimir Putin, người có liên quan mật thiết với cuộc cải cách quân đội của Nga, thậm chí đã không bổ nhiệm một chỉ huy tổng thể cho chiến dịch – chuyện mà ông ta chỉ mới làm cách đây khoảng một tuần – dường như ông ta tin sẽ có một chiến thắng nhanh chóng và đánh giá hết sức sai lầm về sức phản kháng của người Ukraine, theo nhận xét của ông Graham. Ông Graham cũng cho rằng đây là “cuộc chiến rất cá nhân” (very personal war) và ảo tưởng của người cầm đầu là thất bại lớn nhất.

Các quyết định mà Putin đưa ra khiến mọi người thắc mắc, liệu ông ta có được báo cáo đánh giá chính xác về tiến độ cải cách quân đội và khả năng của Ukraine hay chỉ được nói những gì ông muốn nghe mà thôi. Theo nhà nghiên cứu Fravel, ông Tập cũng là một nhà lãnh đạo độc tài, cũng đóng vai trò cá nhân trong cải cách quân đội Trung Quốc và giờ đây cũng có thể tự hỏi như vậy. “Cụ thể, ông Tập cũng có thể tự hỏi mình liệu ông ta có nhận được các báo cáo chính xác về tính hiệu quả của PLA trong một cuộc xung đột cường độ cao hay không”, ông Fravel nói.

Nhưng khó mà học được

Theo David Chen, Cố vấn cấp cao của CENTRA Technology, một công ty dịch vụ chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, sau trận giao tranh quan trọng vào năm 1979 chống lại Việt Nam thì gần đây Trung Quốc không can dự vào một cuộc xung đột lớn nào để đánh giá sức mạnh quân sự của họ. “Quân ủy Trung ương (Trung Quốc) cần cảnh giác là ở bất kỳ chiến dịch nào cũng có nhiều nhân tố không xác định tham gia hơn là những nhân tố mà họ có thể dự đoán… Kinh nghiệm của Nga ở Ukraine chỉ ra rằng những gì nghe có vẻ hay ho trên hồ sơ tại Học viện Khoa học Quân sự hoặc Đại học Quốc phòng lại trở nên phức tạp hơn nhiều trong thế giới thực”, ông Chen nói. 

Ông Tập bắt đầu cải cách quân đội PLA vào năm 2015, ba năm sau khi nắm quyền lãnh đạo Quân ủy Trung ương. Tổng quân số của quân đội Trung Quốc đã giảm 300,000 người, xuống chỉ còn dưới 2 triệu người, số sĩ quan bị giảm một phần ba và chú trọng nhiều hơn vào các hạ sĩ quan để họ dẫn đầu trên chiến trường. Bảy quân khu của Trung Quốc đã được tổ chức lại thành năm bộ chỉ huy, giảm số lượng quân đoàn và hệ thống hậu cần được tổ chức lại để tăng cường hiệu quả. Tỷ lệ lực lượng hỗ trợ cho các đơn vị chiến đấu đã được tăng lên, tập trung nhiều hơn vào các đơn vị cơ động và đơn vị đổ bộ hơn.

Tập cũng đã tìm cách chấm dứt nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội Trung Quốc, truy tố hai cựu tướng lĩnh hàng đầu; một người bị kết án tù chung thân và người còn lại chết trước khi vụ án được kết luận. Nhưng quân đội Trung Quốc rất bí mật, nằm ngoài tầm ngắm của các thẩm phán dân sự và các nhà điều tra tham nhũng, vì vậy rất khó biết tổ chức này có thật đã loại trừ triệt để được các hành vi ăn hối lộ và “lại quả” trong việc mua sắm và chi tiêu quốc phòng hay không.

Đối với ông Tập, nhiệm vụ hàng đầu của quân đội vẫn là bảo vệ Đảng Cộng sản cầm quyền và ông đã tiếp bước những người tiền nhiệm trong việc chống lại các nỗ lực đưa lòng trung thành tối thượng của quân đội sang trung thành với quốc gia. Theo ông Graham, do ông Tập tập trung vào bản chất chính trị nên có thể những bài học mà ông rút ra từ cuộc xung đột Ukraine là không được coi trọng. “Tập Cận Bình sẽ luôn áp dụng giải pháp chính trị vì ông ấy không phải là chuyên gia quân sự hay chuyên gia kinh tế. Tôi nghĩ rằng các bài học quân sự đều phải đi qua các bộ lọc chính trị, nên tôi không chắc rằng Trung Quốc sẽ học được gì từ những bài học phong phú đang hiển hiện trước mắt mọi người,” ông Graham nói. 

Mục tiêu cải cách quân đội Trung Quốc mà các nhà lãnh đạo nước này tuyên bố là xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới, “chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù mạnh” – ám chỉ Hoa Kỳ.

Trung Quốc đã bơm một lượng tiền khổng lồ vào mua sắm các trang thiết bị quân sự mới, tổ chức các cuộc tập trận thực tế hơn với các kịch bản vũ lực đấu vũ lực, và tìm cách cải tổ học thuyết chiến đấu bằng cách nghiên cứu các cuộc giao tranh của Mỹ ở Iraq, Afghanistan và Kosovo.

Đài Loan: Trung Quốc thận trọng hay liều lĩnh hơn?

Tại một diễn đàn ở Úc vào tuần trước, Tướng David Berger, Chỉ huy Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, nói rằng Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột ở Ukraine. “Tôi không biết họ sẽ học được những bài học gì nhưng… không nghi ngờ gì nữa, họ đang tập trung vào việc học bởi vì họ đã làm điều đó suốt mười lăm năm qua,” ông nói và nhấn mạnh sự cần thiết của các liên minh mạnh mẽ ở Thái Bình Dương như một cách để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc đối với Đài Loan.

Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là của riêng mình và việc thâu tóm hòn đảo là một phần quan trọng trong tư duy chính trị và quân sự của Bắc Kinh. Vào Tháng Mười năm ngoái, ông Tập một lần nữa nhắc lại rằng “việc thống nhất đất nước phải được thực hiện và nhất định sẽ được thực hiện”.

Chính sách lâu nay của Washington là “mơ hồ chiến lược”, cung cấp hỗ trợ chính trị và quân sự cho Đài Loan, nhưng không cam kết rõ ràng là sẽ bảo vệ Đài Loan trước cuộc tấn công của Trung Quốc.

Giống như ông Putin đánh giá về Ukraine, ông Tập của Trung Quốc dường như không tin rằng Đài Loan sẽ chịu đựng nổi một cuộc tấn công tổng lực. Bắc Kinh thường cho rằng họ gặp vấn đề với Đài Loan là do một nhóm nhỏ những người Đài Loan ủng hộ độc lập và những người ủng hộ Mỹ họ. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông hoàn toàn do nhà nước kiểm soát của Trung Quốc thường quảng bá câu chuyện tưởng tượng rằng người dân Đài Loan sẽ không chiến đấu chống lại những gì được mô tả là đồng bào Trung Quốc của họ.

Bây giờ, phản ứng nhanh chóng của nhiều quốc gia nhằm phối hợp áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga sau cuộc tấn công vào Ukraine và việc sẵn sàng cung cấp vũ khí công nghệ cao cho Ukraine có thể khiến ông Tập suy nghĩ lại cách tiếp cận của mình với Đài Loan, theo ông Fravel. “Phản ứng nhanh chóng của các quốc gia công nghiệp phát triển tiên tiến, và sự đoàn kết mà họ thể hiện có thể buộc ông Tập phải thận trọng hơn đối với Đài Loan và ít liều lĩnh hơn”, ông Fravel nói.

Ngược lại, kinh nghiệm của Ukraine cũng có thể khiến Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ xâm chiếm Đài Loan bằng một cuộc tấn công hạn chế hơn, chẳng hạn như chiếm một số hòn đảo xa xôi giáp bờ biển Trung Quốc, như một cách thử nghiệm thực tế cho quân đội của họ. “Một cách học hợp lý là thông qua các cuộc tập trận nghiêm ngặt hơn để hoàn thiện các thể chế và quy trình chung của PLA… Nhưng như thế giới đang chứng kiến, một nhà lãnh đạo tập quyền với một tham vọng cụ thể và một thời hạn ngắn ngủi có thể liều lĩnh phá hoại cả một quá trình và gây hại cho chính các tham vọng của ông ta”, ông Chen nói. 

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: