Trung Quốc kết án 11 năm tù một công dân Canada

Doanh nhân Canada Michael Spavor bị một tòa phúc thẩm Trung Quốc kết án 11 năm tù trong một vụ án được Canada và Hoa Kỳ coi là đòn trả đũa việc Canada bắt giam một viên chức lãnh đạo tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong ngày hôm qua Thứ Ba 10 Tháng Tám kết án ông Spavor làm gián điệp và chuyển bí mật nhà nước ra nước ngoài, giữ nguyên phán quyết của phiên xử sơ thẩm hồi Tháng Ba, nhưng bản án được tuyên vào sáng nay Thứ Tư giờ địa phương. 

Bản án của được đưa ra vào lúc các luật sư ở Canada đại diện cho bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), Giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei đưa ra nỗ lực cuối cùng để thuyết phục tòa án Canada không dẫn độ bà ta sang Hoa Kỳ.

Tòa án trung cấp thành phố Đan Đông ở Đông Bắc Trung Quốc cũng cho biết khoản tiền 50,000 nhân dân tệ tài sản cá nhân của ông Spavor (khoảng $7,700) sẽ bị tịch thu và ông ta sẽ bị trục xuất, mặc dù không nói rõ khi nào. Luật sư Mạc Thiếu Bình (Mo Shaoping) có trụ sở tại Bắc Kinh nói với Reuters rằng việc trục xuất thường diễn ra sau khi người tù chấp hành xong bản án nhưng cũng có thể xảy ra sớm hơn đối với các trường hợp đặc biệt.

Trung Quốc đã bắt giữ ông Michael Spavor và một ông “Michael” khác là Michael Kovrig vào Tháng Mười Hai năm 2018, chỉ vài ngày sau khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu của tập đoàn Huawei tại phi trường quốc tế Vancouver theo yêu cầu của Hoa Kỳ do bà Mạnh bị cáo buộc lừa đảo tài chính liên quan tới hoạt động của Huawei ở Iran, vi phạm lệnh cấm vận Iran của Hoa Kỳ.

Cả hai ông Michael đều bị buộc tội gián điệp, làm dấy lên mối lo ngại rộng rãi ở các nước phương Tây về cái gọi là “ngoại giao con tin” (hostage diplomacy) trong lúc quan hệ giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và một số nước phương Tây trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây. Trong lối ngoại giao này, người ngoại quốc sinh sống, làm ăn ở Trung Quốc – nhất là các doanh nhân thường xuyên đi lại giữa nhiều nước – có thể bị nhà cầm quyền bắt giam bất cứ lúc nào để gây áp lực lên các chính phủ nước ngoài. Vì vậy, Hoa Kỳ, Canada và một số nước khác đã cảnh báo công dân về rủi ro bị bắt giam tùy tiện ở Trung Quốc. 

Bắc Kinh tố cáo hai ông Michael làm gián điệp nhưng các quan chức Canada nói rằng lời buộc tội đó không có cơ sở mà chỉ là gây sức ép buộc Canada phải thả bà Mạnh. Các phiên tòa xử hai người này cũng đóng kín cửa, vì nhà cầm quyền Trung Quốc viện lý do an ninh quốc gia.

Đại sứ Canada tại Trung Quốc, ông Dominic Barton, nói rằng diễn biến của vụ xử các công dân Canada ở Trung Quốc có liên hệ với tiến trình xét xử yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu ở Canada, đang diễn ra từ nay đến ngày 20 Tháng Tám. “Tôi không nghĩ có sự trùng hợp tình cờ khi bản án [ông Spavor] được công bố hôm nay trong khi các sự kiện bắt đầu diễn ra ở Vancouver,” Đại sứ Barton nói với phóng viên.

Kể từ khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc đã kết án tử hình bốn người Canada vì tội buôn ma túy, là Robert Schellenberg, Phạm Vĩ (Fan Wei), Diệp Kiến Huy (Ye Jianhui) và Từ Vệ Hồng (Xu Weihong). 

Trung Quốc đã bác bỏ ý kiến cho rằng các trường hợp người Canada bị bắt giam ở Trung Quốc có liên quan đến trường hợp của bà Mạnh ở Canada mặc dù Bắc Kinh luôn miệng cảnh báo về những hậu quả không xác định nếu Canada không trả tự do cho Mạnh.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: