Truyền thông về cuộc chiến Ukraine: Khi “ngưu tầm ngưu”…

Hãng tin nhà nước Nga RT đang trở thành ổ tin giả và là nguồn chính của truyền thông Trung Quốc (ảnh: Fernando Gutierrez-Juarez/picture alliance via Getty Images)

Trong khi Nga siết chặt truyền thông trong nước, Bắc Kinh đang mở hết công suất cho giàn loa tuyên truyền ủng hộ Putin bằng những màn tung tin giả ào ạt…

Hôm nay (4 Tháng Ba), chính quyền Nga bắt đầu hạn chế quyền truy cập vào các trang  tin trong đó có BBC Russia, Radio Liberty và Meduza (đóng tại Latvia). Động thái này là một phần của chiến dịch đàn áp truyền thông sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Hôm nay, các nhà lập pháp Nga đã thông qua đạo luật hình sự hóa việc lan truyền thông tin “giả” làm mất uy tín lực lượng vũ trang Nga. Người “vi phạm pháp luật” phải đối mặt khoản tiền phạt lên tới 1.5 triệu rúp ($13,877).

Znak.com đã trở thành trang báo mới nhất loan báo đóng cửa. Cũng hôm nay, tờ báo độc lập của Nga Novaya Gazeta cho biết họ phải gỡ các bài báo liên quan cuộc chiến Ukraine. Novaya Gazeta là tờ báo điều tra được đánh giá cao. Biên tập viên của họ, Dmitry Muratov, đã được trao giải Nobel Hòa bình cùng Maria Ressa năm ngoái. Hôm qua (3 Tháng Ba), Đài Echo có trụ sở tại Moscow cho biết họ phải đóng cửa kênh phát thanh và trang web. Hãng tin tức độc lập TV Rain, còn được gọi là Dozhd, cũng phát sóng lần cuối vào hôm Thứ Năm. Người Nga muốn biết về cuộc chiến bây giờ phải tìm đến các phương tiện truyền thông nước ngoài. Hôm Thứ Tư, BBC cho biết lượt truy cập hàng tuần vào trang web tiếng Nga của họ đã tăng hơn gấp ba, lên 10.7 triệu. Lượng truy cập từ Nga đến trang BBC tiếng Anh tăng 252%.

Trong khi đó, Trung Quốc lại thực hiện chiến dịch tuyên truyền qui mô nhằm ủng hộ Putin. Điều đáng nói là Bắc Kinh chơi trò tung tin giả và nhai lại những gì truyền thông nhà nước Nga phát. Vài giờ sau khi Nga xâm lược Ukraine ngày 24 Tháng Hai, tờ Hoàn Cầu thời báo đăng đoạn video nói rằng một số lượng lớn binh sĩ Ukraine đã nhanh chóng hạ vũ khí đầu hàng. Hai ngày sau, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa ra một tin tức nóng hổi: Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bỏ trốn khỏi Kyiv. Trên mạng Weibo, vô số tài khoản bày tỏ ủng hộ Nga. “Tất cả những người trên thế giới yêu công lý đều là bạn của Nga” – tài khoản @fengyiqing viết.

Như một kiểu “ngưu tầm ngưu”, Trung Quốc và Nga đã bắt tay phối hợp trên mặt trận truyền thông để chống lại phương Tây vài năm gần đây. Trong bài phát biểu năm 2013, Tập Cận Bình kêu gọi bộ máy tuyên truyền của mình phải nâng cao “sức mạnh diễn ngôn quốc tế”. Tại Nga, trong cùng năm, khi đến trụ sở Đài RT (một cái loa công suất to của Putin), Vladimir Putin phát biểu rằng RT được tạo ra để “phá thế độc quyền của phương Tây”. Năm 2015, Tập và Putin quyết định tăng cường hợp tác. Kể từ đó, Moscow-Bắc Kinh tổ chức một diễn đàn truyền thông Trung-Nga mỗi năm, nhằm mục đích “xác định lại bản đồ diễn ngôn quốc tế”. Tháng Mười Một 2021, một giám đốc điều hành RT cho biết tại diễn đàn rằng các phương tiện truyền thông lớn của Trung Quốc đã trích dẫn RT.com trung bình 2,500 lần một tuần vào năm 2021.

Các cơ quan truyền thông Trung Quốc nói chung bày tỏ sự ngưỡng mộ RT và Sputnik, những cơ quan truyền thông mà họ tin rằng đủ đẳng cấp phá được thế độc quyền thông tin của phương Tây, hoặc ít nhất làm “vẩn đục nguồn nước”. Dân “nhà nghề” trong giới truyền thông Trung Quốc xem Nga là bậc thầy cần phải học. Một bài báo mang tính nghiên cứu đã trình bày chi tiết cách “làm tin” của RT về sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, để minh họa cho phương pháp và cách thức lên kế hoạch cho chiến lược thông tin nhằm “tăng cường độ tin cậy” và “khả năng tiếp cận” để thiết lập đường hướng điều khiển dư luận.

Khi Nga xâm lược Ukraine, những tay đàn anh trong bộ máy truyền thông Kremlin ở Trung Quốc bắt đầu trổ tài. Báo chí Trung Quốc cứ thế lặp lại. Thông điệp chung: Hành động quân sự của Nga là chống phương Tây, chống NATO mở rộng và chống chủ nghĩa tân phát xít – do đó, cuộc chiến là có chính nghĩa và cần “nhân rộng”. Bị bưng bít với nguồn tin nước ngoài, dân chúng Trung Quốc cứ vậy hùa theo. Trên mạng xã hội, nhiều người Trung Quốc nói rập khuôn những gì được tuyên truyền: Ukraine là những kẻ cực đoan và một đám người theo chủ nghĩa phát xít mới.

Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga thông báo trong tuần này rằng Moscow sẽ tổ chức hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa phát xít đầu tiên vào Tháng Tám, CCTV của Trung Quốc lập tức đăng một “hồ sơ” về “chủ nghĩa tân phát xít”. Trong vòng 24 giờ, bài đăng có 650 triệu lượt xem và được 90 hãng truyền thông Trung Quốc sử dụng. Nhiều người bình luận gọi Ukraine và Hoa Kỳ là hai quốc gia phát xít.

Truyền thông Trung Quốc – dựa vào nguồn Nga – cũng đang tuyên truyền sai lệch rằng Ukraine sử dụng dân thường làm lá chắn. Trong chương trình tin tức giờ vàng ngày 26 Tháng Hai, CCTV đã cáo buộc như vậy, bằng cách… dẫn lời Putin. Trong khi nhiều video trên mạng ngoài phạm vi Trung Quốc cho thấy cảnh người Ukraine đối xử tử tế với tù binh Nga, thì dân Trung Quốc chia sẻ những thông tin đại loại tù binh Nga phải chịu màn tra tấn tàn ác hệt như bọn Đức Quốc Xã. Cả CCTV và Nhân Dân nhật báo đều lấy tin từ các họp báo của Bộ Quốc phòng Nga. Sputnik, với 11.6 triệu người theo dõi trên Weibo, gần đây đăng hơn 100 tin mỗi ngày, với nội dung đại loại về “tên tội phạm Zelensky”, “đế chế dối trá”, “tin giả” và “Đức quốc xã”.

Cùng lúc, Weibo và các nền tảng xã hội khác lại siết chặt kiểm duyệt tất cả nội dung ủng hộ Ukraine. Tài khoản Weibo của nam diễn viên Kha Lam (柯蓝-Ke Lan), có 2.9 triệu người theo dõi, đã bị treo khi cô đăng lại một video và bức ảnh về một cuộc biểu tình phản chiến ở Nga. Tài khoản của một người nổi tiếng chuyển giới, Kim Tinh (金星-Jin Xing), với 13.6 triệu người theo dõi, cũng bị tương tự. Điều đáng chú ý là một số người bắt đầu tỉnh táo hơn. Dưới một bài đăng trên Weibo của Sputnik với thông tin quân đội Ukraine sát hại dân thường, một tài khoản có tên @jialalabadededashen viết: “Đây có phải là tin tức được hãng thông tấn Nga thiết kế riêng cho Trung Quốc?”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: