Ukraine cầu xin vũ khí khi lãnh đạo châu Âu sắp đến thăm

Người dân Ukraine ở miền Đông di tản sang miền Tây hôm 13 tháng Sáu 2022 khi chiến sự leo thang và tình hình ở các thành phố vùng Donbass trở nên không thể sống được. Ảnh Scott Olson/Getty Images)

Ukraine đang ngày càng thúc ép các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí tối tân để tiếp tục chiến đấu chống lại Nga. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang bị áp lực ngày càng tăng, phải xây dựng một chiến lược thống nhất về những điều gì làm nên chiến thắng của Ukraine hoặc thất bại của Nga và khi nào thì các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc chiến tàn khốc ở trước ngõ châu Âu có thể diễn ra.

Có một quan điểm phổ biến nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là người vô cớ khởi động cuộc chiến thì chỉ có ông ta mới ấn định được khi nào thì chấm dứt nó: Khi Nga sáp nhập vùng Donbass, khi lật đổ được chính phủ dân cử của Ukraine hoặc khi đã biến toàn bộ đất nước này thành một đống hoang tàn.

Các nhà lãnh đạo dân cử của Ukraine cũng sẽ quyết định cách thức và thời điểm tham gia đàm phán với những điều kiện mà họ cho là có thể chấp nhận được: Nhượng đất hay không, ở mức độ nào là những điều chưa biết trước được.

Đạn pháo Nga rơi vào công viên làm hư hại hai tòa chung cư ở Bakhmut trong vùng Donbass ở Ukraine. Một cố vấn cao cấp của chính phủ Ukraine nói mỗi ngày đêm quân Nga bắn tới 70,000 quả đạn pháo vào khu vực này. Ảnh Scott Olson/Getty Images)

Phương Tây dường như thống nhất quan điểm rằng, chừng nào cuộc kháng chiến của người Ukraine vẫn còn thì phương Tây vẫn hỗ trợ đáng kể về tài chính và quân sự cho Kyiv. Dẫu vậy, một số nước đồng minh ngày càng lo lắng viễn cảnh một cuộc chiến kéo dài có thể đẩy NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga hoặc khiến Tổng thống Vladimir Putin leo thang sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học.

Hôm nay thứ Hai 13 tháng Sáu, có thông tin các nhà lãnh đạo của ba trong số các quốc gia lớn nhất châu Âu – Pháp, Đức và Ý – sắp có chuyến đi đến Kyiv trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh Nhóm G7 vào cuối tháng này; và có thể đi ngay trong tuần này, báo The New York Times đưa tin. Thời điểm và lộ trình của chuyến đi tất nhiên là hết sức bí mật để giữ an ninh, nhưng chuyến thăm như vậy sẽ là chuyến thăm đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, có cả Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp, Thủ tướng Olaf Scholz của Đức và Thủ tướng Mario Draghi của Ý. Nội dung của chuyến đi được cho là để thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy làm thế nào để bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc về chấm dứt chiến tranh.

***

Trong khi đó trên chiến trường, truyền thông cho biết các lực lượng Nga đã sẵn sàng đánh chiếm thành phố bị tàn phá Sievierodonetsk và tiến sát thành phố Lysychansk, sắp hoàn thành việc chiếm đóng vùng Luhansk, một trong hai tỉnh của Donbass ở miền đông Ukraine. Diễn biến mới nhất là quân Nga đã phá sập tất cả những cây cầu dẫn tới thành phố Sievierodonetsk để ngăn cản lực lượng phản công của Ukraine nhưng cũng làm cho vô số thường dân bị kẹt lại trong vùng chiến sự không thể di tản ra ngoài được nữa.

Quân đội Ukraine được biết đã cạn kiệt đạn dược cho những vũ khí có từ thời Liên Xô cũ. Những cơn mưa pháo kích và ném bom của Nga khiến cho số thương vong của quân Ukraine ngày càng tăng. Tổng thống Zelenskiy và các quan chức cao cấp Ukraine đã liên tục kêu gọi phương Tây chuyển giao nhiều hơn và nhanh hơn các hệ thống pháo và vũ khí hiện đại hơn từ các quốc gia NATO. 

Hôm thứ Hai 13 tháng Sáu, một cố vấn cao cấp của Tổng thống Zelenskiy, ông Mykhailo Podolyak, lần đầu tiên đưa ra danh sách số lượng 1,000 khẩu bích kích pháo (howitzer), 300 bệ phóng hỏa tiễn, 500 xe tăng, 2,000 xe thiết giáp và khoảng 1,000 drone mà quân Ukraine cần có để chiến thắng quân Nga – vốn có nhiều pháo tầm xa và đạn dược đầy đủ hơn để làm chủ thế trận. Ông Podolyak cho biết mỗi ngày quân Nga bắn tới 70,000 quả đạn pháo vào vùng Donbass, nhiều gấp 10 lần số đạn pháo mà quân Ukraine bắn lại.

Quân đội Mỹ cùng đồng minh NATO thực tập với bích kích pháo M777 của Mỹ tại căn cứ Grafenwoehr ở Đức. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 100 hệ thống pháo này nhưng phía Ukraine cho là chưa đủ. Ảnh Lennart Preiss/Getty Images)

Hoa Kỳ và đồng minh đã chuyển giao cho Ukraine 100 khẩu howitzers và vài chục khẩu pháo tự hành có tầm bắn xa. Chính quyền Biden hồi đầu tháng này cũng hứa cung cấp cho Kyiv một số hệ thống hỏa tiễn đa nòng (multi-launch rocket system) nhưng ông Podolyak nói sự hỗ trợ đó còn xa mới đáp ứng được hỏa lực của quân Nga.

Theo các nhà quan sát, chiến sự ở phía đông Ukraine sẽ phụ thuộc phần lớn vào tốc độ và số lượng vũ khí hạng nặng được phương Tây gửi đến, và tốc độ mà binh lính Ukraine có thể học được cách sử dụng chúng để đối phó với phi cơ và trọng pháo Nga. Một thông tin từ Đức nói rằng, nhanh nhất cũng phải đến cuối tháng Sáu này những khẩu pháo tân tiến của Đức mới có mặt ở chiến trường Ukraine.

***

Chính quyền Ukraine và các nước vùng Trung và Đông Âu – phần lớn là các nước cộng sản cũ, có mối ác cảm đặc biệt với Nga – tỏ ra lo âu và nghi ngờ mức độ cam kết thực sự của các quốc gia Tây Âu (như Pháp, Đức, Ý) trong việc chống trả Nga.

Họ đặc biệt nghi ngờ và phẫn nộ khi ông Macron của Pháp đã hai lần nói rằng, điều quan trọng là không được “làm bẽ mặt Nga”. Ukraine và các đồng minh Trung và Đông Âu tin rằng cuộc chiến này không chỉ nhằm bảo vệ Ukraine, tham vọng lật đổ trật tự an ninh châu Âu của Nga phải bị đánh bại chứ không phải tìm một cuộc ngừng bắn. Khi đến thăm Ba Lan, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng nói rằng, cuộc chiến Nga-Ukraine là một vấn đề của cả châu Âu, một vấn đề toàn cầu.

Khi được hỏi, người phát ngôn ẩn danh của ông Macron nói rằng Pháp muốn Ukraine chiến thắng – nhưng bản thân ông Macron chưa bao giờ nói ra những lời đó. Và trong khi ông Scholz của Đức, người bị chỉ trích vì không cung cấp nhiều vũ khí hơn và nhanh hơn cho Ukraine, nói rằng không được để cho Nga giành chiến thắng, ông cũng chưa bao giờ nói Ukraine phải chiến thắng.

Về phần mình, ông Draghi đã phá vỡ truyền thống gần gũi của Ý với Moscow bằng việc ủng hộ mạnh mẽ Ukraine, kể cả ủng hộ Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu, một chủ đề mà ông Macron cho là không thực tế.

Đọc thêm:

– Cuộc chiến của Putin

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: