Ukraine chiếm lại Kherson – cuộc chiến đổi chiều?

Người dân Kherson đã tản cư đến Odessa vui mừng trước tin thành phố thân yêu của họ được giải phóng. Ảnh một em bé Kherson vẫy cờ chào mừng ở Odessa tối 11-11-2022. Ảnh Metin Aktas/Anadolu Agency via Getty Images

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy vào thứ Sáu 11 tháng Mười Một cho biết các đơn vị quân đội đặc biệt của Ukraine đã tiến vào thành phố Kherson ở phía Nam – đánh dấu một thắng lợi có ý nghĩa lớn cho quân kháng chiến và một thất bại thảm hại của Nga. Liệu chiến tranh Ukraine có sớm đổi chiều?

Chỉ vài giờ sau khi Nga thông báo đã hoàn tất việc rút quân khỏi thành phố có tầm quan trọng chiến lược, hãng tin AP chiếu một video trong đó Tổng thống Zelenskiy nói: “Hiện tại, quân đội chúng tôi đang tiếp cận Kherson nhưng các đơn vị đặc biệt đã có mặt trong thành phố”.

Các video và hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy người dân Kherson xuống đường vẫy cờ Ukraine và hô vang những khẩu hiệu ái quốc. Lá quốc kỳ Ukraine đã lần đầu tiên tung bay trên một tượng đài ở quảng trường trung tâm Kherson kể từ khi thành phố thất thủ vào đầu tháng Ba. Một số cảnh quay cho thấy đám đông hoan hô nồng nhiệt những người đàn ông mặc quân phục. Các video khác cho thấy binh lính và dân chúng nhau trên đường phố.

Đến sáng thứ Sáu 11 tháng Mười Một các quan chức cao cấp Ukraine cho biết cờ Ukraine đã xuất hiện khắp nơi nhưng họ vẫn chưa tuyên bố thành phố được giải phóng.

Bộ Quốc phòng Nga nói quân đội của họ đã hoàn tất việc rút khỏi bờ phía tây con sông Dnipro chia đôi thành phố Kherson của Ukraine lúc 5 giờ sáng ngày 11 tháng Mười Một. Kherson là thành phố thủ phủ duy nhất mà Nga chiếm được vào ngày đầu của cuộc xâm lược, đã chiếm đóng gần chín tháng và sử dụng nó làm bàn đạp để tiến đánh khắp miền Nam Ukraine. Kherson cũng là một trong bốn vùng đất Ukraine mà chỉ mới sáu tuần trước Putin đã huênh hoang tuyên bố sáp nhập vào lãnh thổ Nga hồi tháng Chín 2022.

Việc từ bỏ Kherson là thất bại thảm hại thứ ba của Nga trên chiến trường, sau cuộc tháo chạy hỗn loạn khỏi vùng Kharkiv hồi tháng Chín và cuộc tấn công thủ đô Kyiv bị bẻ gãy vào tháng Năm. Những thất bại liên tiếp của Nga làm các nhà quan sát tin rằng, phần thắng đang nghiêng dần về phía Ukraine sau chín tháng giành giật khốc liệt và tàn phá khủng khiếp. 

Tình báo Ukraine kêu gọi các binh sĩ Nga có thể vẫn còn trong thành phố hãy ra đầu hàng. Một quan chức khu vực Ukraine, Serhii Khlan, phản bác tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga rằng 30.000 quân rút lui đã mang theo tất cả 5.000 thiết bị. Ông Khlan nói rằng quân Nga đã bỏ lại rất nhiều vũ khí và quân trang cùng với đống đổ nát, các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm các trạm điện và cầu bị phá hủy. Khlan khuyên dân thường nên ở trong nhà và cho biết tình hình thực sự phức tạp, với nguồn cung cấp điện bị cắt và thông tin liên lạc rất hạn chế.

Người Ukraine cũng lo ngại, dù đã rút sang bên kia sông, quân Nga vẫn có thể tiếp tục phóng hỏa tiễn và pháo kích để tàn phá thành phố như họ đã làm ở những nơi khác trên khắp Ukraine.

Thành phố Kherson – một ví trí chiến lược nối miền Nam Ukraine với bán đảo Crimea bị Nga chiếm đóng từ đầu cuộc chiến. Ảnh Elmurod Usubaliev/Anadolu Agency via Getty Images

Việc chiếm lại Kherson rút quân có thể cung cấp cho Ukraine một vị trí vững chắc để từ đó mở rộng cuộc phản công ở phía nam sang các khu vực khác do Nga chiếm đóng, bao gồm cả bán đảo Crimea mà Moscow chiếm giữ vào năm 2014.

Khi chiến tranh nổ ra, sự thất thủ của thành phố Kherson – nơi có dân số 280.000 người trước chiến tranh –  là một đòn nặng nề cho Ukraine vì vị trí của nó trên sông Dnipro gần cửa Biển Đen và vai trò của nó là một trung tâm công nghiệp lớn. Quân kháng chiến Ukraine đã liên tục thách thức sự chiếm đóng của Nga bằng các hành động phá hoại và ám sát các quan chức do Moscow bổ nhiệm.

Kherson cũng nằm ở điểm mà Ukraine có thể cắt nguồn nước ngọt cung cấp cho bán đảo Crimea từ sông Dnipro. Chính quyền Ukraine đã chặn nguồn cung cấp nước quan trọng đó sau khi bán đảo Crimea bị Nga chiếm đóng và sáp nhập và ông Putin đã đề cập đến sự cần thiết phải khôi phục nguồn nước như một lý do đằng sau quyết định xâm lược Ukraine.

Hôm thứ Sáu, Điện Kremlin vẫn nhấn mạnh rằng các diễn biến chiến trường ở khu vực Kherson không gây bối rối cho ông Putin. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Moscow tiếp tục coi toàn bộ khu vực Kherson là một phần lãnh thổ của Nga. Bản thân Putin cho đến nay vẫn giữ im lặng về Kherson, mặc dù đã nhiều lần xuất hiện trước công chúng kể từ khi tuyên bố rút quân.

Việc rút khỏi Kherson và các khu vực khác trên bờ tây sông Dnipro sẽ làm tiêu tan hy vọng của Nga trong việc mở một cuộc tấn công về phía tây tới Mykolaiv và Odessa để cắt đường ra Biển Đen của Ukraine và hy vọng xây dựng một hành lang trên bộ tới khu vực ly khai Transnistria của Moldova, nơi có một căn cứ quân sự lớn của Nga.

Nhà phân tích quân sự Ukraine Oleg Zhdanov cho biết: “Việc mất Kherson sẽ biến tất cả những giấc mơ phương Nam của Điện Kremlin thành cát bụi. Kherson là một chìa khóa cho toàn bộ khu vực phía nam, điều này sẽ cho phép Ukraine phong tỏa các tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga”.

Đối với Ukraine, việc chiếm được Kherson sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giành lại tỉnh Zaporizhzhia mà Nga đã chiếm đóng và các khu vực khác ở phía nam, và cuối cùng là đẩy lùi quân Nga ra khỏi Crimea. Việc giành lại quyền kiểm soát Kherson cũng có nghĩa là Kyiv lại có thể cắt nguồn nước cho Crimea. “Sau khi để mất Kherson, người Nga sẽ lại gặp vấn đề với nước ngọt ở Crimea”, Zhdanov nói tiếp.

***

Hồi đầu chiến tranh, việc chiếm được Kherson và các khu vực phía nam khác là một chiến thắng lớn của Nga và nay sự thất bại sẽ gây ra những hậu quả đau đớn cho Putin ở trong và ngoài nước. Volodymyr Fesenko, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu Penta Center ở Kyiv nhận định: “Nếu người Nga rút khỏi Kherson, Điện Kremlin sẽ phải đối mặt với một làn sóng chỉ trích dữ dội đối với bộ chỉ huy quân đội và các nhà chức trách nói chung từ những kẻ ái quốc cực đoan.” Ông cho biết thêm rằng sự sụp đổ của thành phố này sẽ khiến các lực lượng vũ trang của Nga mất tinh thần hơn nữa và có thể kích thích sự phản đối kế hoạch tổng động viên của Putin.

Trung Quốc và Ấn Độ sẽ coi sự sụp đổ của Kherson là một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của Điện Kremlin, một điều mà ông Putin cố che giấu bằng những chiến dịch pháo kích tàn bạo. “Putin sẽ phải đối mặt với những tổn thất về danh tiếng không chỉ trong nước mà còn trước mắt Trung Quốc, và điều đó có thể đặc biệt nguy hiểm đối với Điện Kremlin”, theo nhận định của Fesenko.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: