Ukraine đã đánh lừa hỏa tiễn Nga thế nào?

Hệ thống pháo cơ động HIMARS tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nga tại chiến trường Ukraine, trong khi cùng lúc dàn HIMARS mồi nhử khiến Nga tổn thất nặng kho hỏa tiễn đang ngày càng cạn kiệt (ảnh: Anastasia Vlasova for The Washington Post via Getty Images)

Thỉnh thoảng quân xâm lược Nga lại la toáng lên về việc tiêu diệt được vài dàn hỏa tiễn di động HIMARS của Mỹ (High Mobility Artillery Rocket System) và xem đây là thành tích đáng hãnh diện, làm nức lòng người dân Nga bị kẹt trong “chiếc bong bóng tuyên truyền”, nhưng sự thật lại rất khác.

Ukraine đã lập ra một đội mồi nhử trông giống hệt HIMARS do Hoa Kỳ sản xuất để đánh lừa quân xâm lược Nga, dụ họ sử dụng các loại hỏa tiễn hành trình đắt tiền vào những mục tiêu giả, gây lãng phí kho vũ khí vốn đã eo hẹp của đối phương.

Tờ The Washington Post đã biết được chiến thuật này qua cuộc phỏng vấn với một số quan chức Hoa Kỳ, Ukraine cấp cao; và xem được những bức ảnh các mồi nhử được làm từ gỗ mà máy bay không người lái của Nga hầu như không thể phân biệt được với đồ thật. Một quan chức Ukraine cấp cao giấu tên giải thích: “Khi các UAV của Nga phát hiện HIMARS giả, nó cứ ngỡ đó là một mục tiêu “loại xịn” (“VIP”)! Sau vài tuần có mặt trên thực địa, các mồi nhử đã đánh lừa được ít nhất 10 hỏa tiễn hành trình Kalibr, một thành công ban đầu dẫn đến việc Ukraine mở rộng sản xuất các bản sao để sử dụng rộng rãi hơn”.

Việc sử dụng mồi nhử HIMARS, chưa được báo cáo trước đây, là một trong nhiều chiến thuật “phi đối xứng” mà lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng để chống lại kẻ thù lớn hơn và được trang bị tốt hơn. Trong những tuần gần đây, lính đặc nhiệm của Ukraine đã cho nổ tung đường sắt và đường dây điện tại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, phá các kho vũ khí của Nga và ám sát những “cộng tác viên”, quan chức phản quốc.

Việc Ukraine dành nhiều công sức để bảo vệ các hệ thống pháo tầm xa do phương Tây cung cấp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng trên chiến trường. “Các hệ thống này ngăn chặn bước tiến của Nga ở phía Đông và Nam, giúp quân đội Ukraine có khả năng tấn công từ khoảng cách 50 dặm, tấn công hàng trăm mục tiêu giá trị cao của quân Nga, từ đường tiếp tế, kho vũ khí đến các trung tâm hậu cần, hỗ trợ” – một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói.

Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh cho các tướng lĩnh mặt trận bằng mọi giá phải tiêu diệt các hệ thống pháo tầm xa sau khi chúng tấn công các tuyến tiếp tế quan trọng của Nga. Gần như mỗi tuần, Shoigu và các quan chức quốc phòng Nga khác đều công bố các cuộc tấn công “thành công” mới nhằm vào các hệ thống pháo do phương Tây cung cấp.

Trong khi đó, đầu tháng này, một phát ngôn viên Ngũ Giác Đài đã phủ nhận dứt khoát các tuyên bố của Nga và khẳng định rằng toàn bộ hệ thống HIMARS do Hoa Kỳ cung cấp đều còn đầy đủ. Ngũ Giác Đài cho biết, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 16 HIMARS sau khi cuộc xâm lược diễn ra vài tháng. Các đồng minh của Mỹ cũng cung cấp hệ thống pháo tầm xa M270 có khả năng tương đương.

Người Nga gọi chiến thuật ngụy trang và lừa bịp là “maskirovka” mà chính họ từng sử dụng, với những chiếc máy bay chiến đấu MiG-31 bơm hơi và hệ thống hỏa tiễn S-300 giả. Quân đội Nam Tư của cựu Tổng thống Slobodan Milosevic từng sử dụng xe tăng giả và mục tiêu giả để chống lại lực lượng NATO trong cuộc xung đột ở Kosovo. Các nước Đồng minh trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai cũng sử dụng mồi nhử và tín hiệu giả để đánh lừa quân Đức trước cuộc đổ bộ bãi biển Normandy của Pháp.

Trong một cuộc chiến pháo binh kéo dài, việc Ukraine tìm cách làm tiêu hao kho vũ khí hỏa tiễn lớn và nhỏ, xa và gần của Nga là rất quan trọng. Giới chức quốc phòng Mỹ cho biết kho dự trữ hỏa tiễn dẫn đường chính xác của Nga đã cạn kiệt, trong khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ đang khiến Nga khó khăn hơn rất nhiều trong việc bổ sung chúng.

Rob Lee, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Foreign Policy Research Institute) cho biết: “Một hỏa tiễn Kalibr được phóng vào một mục tiêu HIMARS giả trên thực địa đồng nghĩa với việc bớt được một hỏa tiễn phóng vào các thành phố của Ukraine”. Một lợi thế khác của mồi nhử là chúng có thể buộc người Nga phải đề phòng và di chuyển kho đạn cũng như các trung tâm chỉ huy của họ ra xa phạm vi bắn ​​của HIMARS… giả! Việc tái tổ chức như vậy sẽ làm giảm khả năng nã pháo hàng loạt của người Nga, một chiến thuật họ thường dùng để đạt lợi thế chiến trường ở miền Đông Ukraine.

Hẳn nhiên thách thức phía trước đối với quân đội Ukraine vẫn còn nhiều. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tăng quy mô lực lượng vũ trang Nga từ 1.9 triệu lên 2.04 triệu quân, một động thái mà các nhà phân tích xem là thể hiện quyết tâm theo đuổi cuộc chiến. Giới chức Mỹ ước tính Nga đã mất tới 80,000 quân. Phía Ukraine thừa nhận mất từ ​​100 đến 200 quân mỗi ngày, trong bối cảnh họ chuẩn bị cho một mùa Đông lạnh giá nhất trong nhiều thập niên.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: