Ukraine: Nhìn lại 100 ngày lửa khói

Share:
Thời Sự
Thời Sự
Ukraine, nhìn lại 100 ngày khói lửa
/

Trong một diễn biến bất ngờ, ngoài dự đoán của giới phân tích chính trị, rạng sáng ngày 24 tháng Hai 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga tấn công vào lãnh thổ nước láng giềng Ukraine từ ba hướng Đông, Bắc và Nam.

Nền hòa bình mong manh ở khu vực này của châu Âu bị phá vỡ và từ đó đã có hàng chục ngàn thường dân và binh sĩ của hai bên thiệt mạng, nhiều thành phố chỉ còn là đống đổ nát, hơn 6.5 triệu người phải từ bỏ nhà cửa di tản sang các nước láng giềng. Cuộc chiến tranh đầu tiên ở châu Âu sau Thế Chiến thứ Hai gây chấn động lương tâm nhân loại, chiếm phần lớn không gian truyền thông trên toàn cầu và đặt ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ.

Thi thể một lính Nga; tại Dmytriivka, Ukraine, ngày 4 Tháng Tư 2022 (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)

Ông Putin muốn gì?

Khi phát động chiến tranh, ông Putin hình dung cuộc chiến sẽ chỉ kéo dài vài ngày và nước Ukraine sẽ nhanh chóng bị khuất phục. Dựa vào tương quan sức mạnh quân sự giữa hai nước, nhiều nhà phân tích thời cuộc dự đoán thủ đô Kyiv của Ukraine sẽ không thể kháng cự quá 72 tiếng đồng hồ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và nội các của ông sẽ bị bắt, bị giải tán, thậm chí sẽ bị ám sát và Nga sẽ rút quân sau khi đã thiết lập được tại Kyiv một chính phủ bù nhìn thân Nga.

Với người Nga và cộng đồng thế giới, để che giấu bản chất xâm lược chống một quốc gia độc lập và có chủ quyền, ông Putin không gọi – và không cho bất cứ ai gọi – đây là một cuộc chiến tranh mà chỉ là “một chiến dịch quân sự đặc biệt”. “Danh bất chính thì ngôn bất thuận”, Putin đã rất lúng túng trong việc giải thích mục tiêu của cuộc xâm lược trá hình đó. Lúc đầu ông Putin nói mục tiêu chính của “chiến dịch” là để giải trừ nạn “phát-xít hóa” trong chính quyền Ukraine. Có lúc, ông ta nói mục tiêu chính là bảo vệ người Nga sinh sống ở Ukraine đang bị chính quyền Kyiv đàn áp, có lúc ông lại nói mục tiêu là để ngăn Ukraine gia nhập Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tạo nên một mối đe dọa an ninh quốc gia cho Nga.

Tổng Thống Nga Putin trong một buổi họp báo hồi Tháng 12, 2020. (ảnh: Mikhail Svetlov/Getty Images)

Trong đám hỏa mù đó không khó nhận ra hai mục tiêu thật sự của Putin: một là xóa nước Ukraine độc lập, sáp nhập vào lãnh thổ Nga để tái lập nước Nga “đế chế” như thời các Sa hoàng hoặc chế độ Xô Viết trước đây; và hai là ngăn chặn NATO mở rộng về phía Đông hoặc chia rẽ khối liên minh này. Ông Putin đã nhiều lần nói tới những ý tưởng này; thậm chí đã “thử” thực thi chúng bằng việc xâm chiếm bán đảo Crimea năm 2014 và mượn tay Donald Trump để phá NATO từ bên trong; bây giờ thì ông ta hành động.

Putin sai lầm chỗ nào?

Nhưng Putin đã tính sai nước cờ. Người dân Ukraine chẳng những không dễ dàng quy phục trước họng súng của quân Nga mà đã kiên cường kháng chiến. Tổng thống Zelenskiy đã nêu một tấm gương cho dân tộc ông khi ông cương quyết ở lại Kyiv để tập hợp nhân dân chiến đấu dù lãnh đạo các nước phương Tây đã đề nghị ông lưu vong để bảo toàn tính mạng.

Quân Ukraine, tuy quân số ít hơn, vũ khí kém hơn nhưng lòng yêu nước, ý chí bất khuất cộng với sự thông thuộc địa hình phong thổ, đã kháng cự có hiệu quả những đợt tấn công thần tốc của Nga. Đặc biệt, quân Ukraine đã vận dụng thành thạo chiến lược “chiến tranh bất đối xứng”, sử dụng lối đánh du kích, phục kích kết hợp với những công nghệ mới được phương Tây yểm trợ như trinh sát bằng hình ảnh vệ tinh, phi cơ không người lái tấn công vũ trang, hỏa tiễn diệt xe tăng Javelin, hỏa tiễn phòng không vác vai Stinger… đã gây cho quân Nga những thiệt hại khủng khiếp.

Putin và Tướng Valery Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga. Ảnh Mikhail Svetlov/Getty Images

Phương Tây đã không mềm yếu và dễ tan rã như ông Putin tính. Ngay sau khi tiếng súng xâm lược nổ ra, các đồng minh phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã nhanh chóng ban hành các lệnh trừng phạt kinh tế Nga – hành động cứng rắn nhất từng áp dụng với một nền kinh tế lớn. Không chỉ cấm Nga nhập cảng những công nghệ mà sản phẩm thiết yếu mà còn cấm nhập cảng các mặt hàng chiến lược của Nga như dầu mỏ và khí đốt. Không chỉ trừng phạt các tổ chức kinh tế nhà nước của Nga mà các tỷ phú, triệu phú Nga có quan hệ chặt chẽ với Putin và chính quyền Nga cũng bị cấm vận, phong tỏa tài sản ở nước ngoài. Khối kinh tế tư nhân hưởng ứng, hàng ngàn công ty, nhà máy quyết định dừng hoạt động và rút ra khỏi thị trường Nga, trong đó có những thương hiệu lâu đời như McDonald’s.

Nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ ngay lập tức vì Nga vẫn còn dựa được vào các bạn hàng thừa nước đục thả câu như Ấn Độ và Trung Quốc và nhờ giá dầu khí trên thị trường thế giới đang cao kỷ lục, nhưng viễn cảnh một nước Nga nghèo đi, bị bần cùng hóa là hoàn toàn có thể xảy ra và đó là cái giá kinh tế phải trả cho hành động xâm lược.

Chiến sự Ukraine vẫn ác liệt tại Donbas (ảnh: Alex Chan/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Hôm thứ Năm 2 tháng Sáu 2022, nhân 100 ngày cuộc chiến Nga-Ukraine, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nhận định nền kinh tế Nga đang vỡ ra từng mảnh, “thời gian đang chống lại nước Nga và tổng thống của nó,” ông Habeck, cũng là Bộ trưởng Kinh tế Đức, nói. Ông Habeck thừa nhận châu Âu “rất xấu hổ” vì đã không giảm được đáng kể sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga, nhưng “dù Putin vẫn thu được tiền nhưng ông ta khó mà tiêu tiền” vì bị cấm vận ngặt nghèo.

Phương Tây đứng lên bảo vệ chính nghĩa

Trong khi trừng phạt kẻ xâm lược, phương Tây lại khá hào phóng cung cấp sự hỗ trợ chưa từng có cho nạn nhân Ukraine về quân sự, nhân đạo và tài chính cũng như tiếp nhận người Ukraine tản cư. Những hỏa tiễn Javelin, Stinger của Mỹ, NLAW của Anh; những giàn đại bác tầm xa M777 của Mỹ, phi cơ không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, hỏa tiễn diệt hạm Harpoon của Mỹ… đã góp phần đáng kể vào cuộc kháng chiến của Ukraine, làm thay đổi cục diện chiến trường theo hướng bất lợi cho Nga.

Một hiện tượng mới của cuộc chiến này là sự tham gia tích cực của các công nghệ vũ trụ, không chỉ từ các chính phủ mà cả từ các công ty tư nhân như hệ thống internet vệ tinh Starlink của SpaceX, hình ảnh chiến trường độ phân giải cao và theo thời gian thực của Maxar Technologies, PlanetLab đã giúp quân Ukraine duy trì thông tin liên lạc thông suốt, phát hiện các vị trí đồn trú và sự chuyển quân của đối phương, từ đó giáng những đòn sấm sét bằng những thứ vũ khí tân tiến mà họ được viện trợ. Nhiều đoàn xe tăng của Nga bị biến thành phế liệu, hàng chục tướng lãnh bị giết trên mặt trận, và cả soái hạm Moskva tân tiến của Nga cũng bị đánh chìm trên biển Hắc Hải – những sự kiện đó có phần đóng góp của thông tin tình báo từ vệ tinh phương Tây.

Một cuộc biểu tình chống Putin tại Downing Street, London, ngày 13 Tháng Ba (ảnh: Wiktor Szymanowicz/Future Publishing via Getty Images)

Tổng thống Zelenskiy thường xuyên nói chuyện qua video với các nghị viện, các nhà lãnh đạo thế giới và yêu cầu đầu tiên của ông bao giờ cũng là xin thêm vũ khí tân tiến và hầu như lần nào ông cũng được đáp ứng. Mới đây nhất, hôm thứ Ba 31 tháng Năm, Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine hệ thống phóng tên lửa HIMARS có thể bắn cùng lúc nhiều hỏa tiễn; hôm thứ Tư, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hứa sẽ gửi một hệ thống phòng không tinh vi và một radar theo dõi có khả năng xác định vị trí của pháo binh Nga…

Đáng chú ý Đức là quốc gia khá nhút nhát trong việc tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài do quá khứ từng là một nước xâm lược bị đánh bại. Nhưng trước mối đe dọa của Nga, Đức đã thay đổi chính sách, gia tăng chi phí quốc phòng, tập trung vào công nghiệp vũ khí và bắt đầu cung ứng vũ khí cho Ukraine.

Ba Lan, một nước giáp biên với Ukraine, từng là quốc gia phản đối mạnh việc tiếp nhận người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi, nay đột ngột giang rộng vòng tay đón người di cư từ Ukraine. Theo ước tính sơ bộ hiện có hơn 2 triệu người Ukraine, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, được các gia đình Ba Lan bảo bọc – đó là một con số đáng kể ở đất nước chỉ có 37 triệu dân.

Nhưng sự “xoay trục” mạnh mẽ nhất là ở Phần Lan và Thụy Điển. Sau hơn 70 năm theo chính sách “trung lập” và không tham gia liên minh quân sự nào, cả Thụy Điển và Phần Lan hôm 17 tháng Tư đã cùng chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. “Phần Lan phải nộp đơn gia nhập NATO không chậm trễ. Tư cách thành viên NATO sẽ củng cố an ninh của Phần Lan”, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto tuyên bố.

Một trong những mục tiêu chính của Putin khi xâm lược Ukraine là để ngăn NATO mở rộng đến biên giới của nước Nga; nay thì Putin sắp nhận được điều ngược lại. Phần Lan có chung với Nga 1,340 km (830 dặm) nên khi nước này trở thành thành viên NATO thì quân đội NATO đã đến trước cửa nước Nga.

Nga và Ukraine – ai sẽ thắng?

Như vậy, Putin đã phạm sai lầm có tính chiến lược khi đánh giá thấp sức kháng cự của Ukraine và sự đoàn kết đầy sức mạnh của phương Tây. Nhưng liệu điều đó có khiến nước Nga bị thảm bại nhục nhã trong cuộc chiến Ukraine hay không?

Chiến tranh mới chỉ 100 ngày và hãy còn quá sớm để nói tới một sự thảm bại của Nga – nước vẫn được coi là cường quốc quân sự thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.

Sau khi những cuộc tấn công “tốc chiến, tốc thắng” vào vùng thủ đô Kyiv và thành phố Kharkiv – thành phố lớn thứ hai của Ukraine – bị chặn đứng, quân Nga phải rút lui sau những tổn thất nặng nề, bộ tham mưu của Nga đã thay đổi chiến thuật: dồn sức tấn công và xâm chiếm vùng Donbass ở phía Đông Ukraine, nơi có hai tỉnh Lugansk và Donetsk mà một phần đã nằm trong sự kiểm soát của các lực lượng ly khai chư hầu của Nga, được Nga “công nhận” là hai “nước cộng hòa tự trị”.

Vùng này giáp biên giới phía Tây của Nga, xâm nhập và tiếp vận dễ dàng, lại là nơi Nga đã hỗ trợ cho quân ly khai nổi dậy chống chính phủ Ukraine ở Kyiv suốt tám năm qua. Việc chiếm được vùng Donbass – trung tâm công nghiệp, nông nghiệp của Ukraine – và sáp nhập nó vào lãnh thổ Nga sẽ là một thắng lợi quan trọng của ông Putin, nối được hành lang trên đất liền tới bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm năm 2014, cắt đứt đường ra biển của Ukraine và chuẩn bị cho việc thâu tóm toàn bộ lãnh thổ Ukraine trong tương lai.

Lính Ukraine vẫn cần nhiều hơn các loại vũ khí hiện đại để có thể đánh bại hoàn toàn quân Nga (ảnh: Diego Herrera Carcedo/Anadolu Agency via Getty Images)

Trong bài phát biểu hằng đêm hôm thứ Năm 2 tháng Sáu, khi cuộc chiến sắp tròn 100 ngày, ông Zelenskiy đã phải thừa nhận Nga đã kiểm soát được 20% lãnh thổ Ukraine. Ông Zelenskiy nói, nếu trước cuộc xâm lược Nga chỉ chiếm đóng được một lãnh thổ rộng bằng nước Hòa Lan thì nay quân Nga đã kiểm soát được một diện tích bằng Hòa Lan, Bỉ và Luxemburg cộng lại. Và ông thừa nhận đây sẽ là một lợi thế đáng kể của Nga trong các cuộc đàm phán tương lại, cũng như là căn cứ để quân Nga tiếp tục tấn công sâu vào vùng lãnh thổ còn lại của Ukraine.

Nhưng trên chiến tuyến kéo dài tới 620 dặm, tình hình chiến sự đang thay đổi hàng giờ do hai bên vẫn đang tranh nhau từng thôn làng, từng dãy phố, chưa biết kết cục sẽ như thế nào. Nếu các lô vũ khí mới đến kịp, quân Ukraine có khả năng giành lại một số vùng lãnh thổ đang bị chiếm và đảo ngược tình huống.

Lính Nga tại một mặt trận ở Mariupol; ngày 18 Tháng Tư (ảnh: Maximilian Clarke/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Đáng chú ý là để chiếm thêm một vùng lãnh thổ khiêm tốn, quân Nga đã phải chịu những tổn thất rất nặng nề và phải áp dụng một chiến thuật hết sức tàn bạo: ném bom và pháo kích liên tục vào những công trình dân cư, hạ tầng và vị trí đồn trú của quân Ukraine, biến nhiều thành phố thành đống gạch vụn để triệt tiêu ý chí phản kháng của người dân trước khi đưa quân vào chiếm đóng. Số phận bi thảm của thành phố Mariupol trên bờ biển Azov mà Nga mới chiếm được sau nhiều tháng bao vây, phong tỏa, tàn phá là một ví dụ cho chiến thuật tàn sát mà Nga đã có kinh nghiệm áp dụng tại Georgia, tại Syria và nhiều nơi khác.

Đối đầu với sự tàn bạo như vậy của Nga, dường như người Ukraine càng quyết tâm chiến đấu, cho nên có thể đoán rằng người Ukraine sẽ không nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, không “đổi đất lấy hòa bình” như đề nghị của một vài chính trị gia nổi tiếng. Hãy còn quá sớm để nói rằng người Ukraine sẽ thất bại, sẽ khuất phục và chấp nhận mất nước vào tay kẻ xâm lược.

Cuối cùng thì cuộc chiến này “sẽ chỉ kết thúc một cách dứt khoát thông qua ngoại giao” như lời Tổng thống Zelenskiy. Nhưng sau 100 ngày khói lửa, triển vọng một giải pháp hòa bình qua ngoại giao dường như càng lúc càng xa vời.

_________

Đón xem tiếp bài 2: Ukraine không chỉ là Ukraine

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: