Ukraine tố cáo Nga thảm sát thường dân

Người Ukraine kiểm tra xác xe tăng và xe bọc thép Nga bị tiêu diệt sau khi giải phóng được lành Dmitrovka gần thủ đô Kyiv hôm qua thứ Bảy 2 tháng Tư 2022. Ảnh Maxym Marusenko/NurPhoto via Getty Images

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm Chủ Nhật 3 Tháng Tư cáo buộc các lực lượng Nga chiếm đóng đã thực hiện các vụ thảm sát thường dân ở thị trấn Bucha gần Kyiv và kêu gọi Phương Tây gia tăng cấm vận Nga vì tội ác chiến tranh.

Ukraine nói Nga “thảm sát” thường dân, Nga chối tội

Cáo buộc của Ukraine được đưa ra sau khi các lực lượng của họ giành lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Kyiv vào hôm qua Thứ Bảy. “Chúng tôi vẫn đang thu thập và tìm kiếm các thi thể, nhưng con số đã lên đến hàng trăm. Xác chết nằm la liệt trên đường phố. Họ giết thường dân trong thời gian họ chiếm đóng và cả khi họ rút ra khỏi những ngôi làng và thị trấn này”, Bộ trưởng Kuleba nói, đồng thời kêu gọi các quốc gia G7 áp đặt các biện pháp trừng phạt mới “tàn khốc” đối với Moscow và thúc giục Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thu thập bằng chứng về cái mà ông gọi là tội ác chiến tranh của Nga.

Tại thị trấn Bucha, cách trung tâm thành phố Kyiv 37 km (23 dặm) về phía Tây Bắc, Thị trưởng Anatoliy Fedoruk, cho biết hơn 300 cư dân đã bị thiệt mạng trong cuộc chiếm đóng kéo dài một tháng của quân đội Nga và cho các phóng viên xem hai thi thể bị trói bằng vải trắng, một trong số đó dường như đã bị bắn vào miệng. Hôm Thứ Bảy, Reuters cũng đã nhìn thấy các xác chết trong một ngôi mộ tập thể và nhiều thi thể vẫn nằm trên đường phố Bucha. 

Ông Oleksiy Arestovych, Phụ tá của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết quân đội Ukraine đã tìm thấy thi thể của những phụ nữ bị hãm hiếp và bị đốt xác để phi tang cũng như thi thể của các quan chức địa phương và trẻ em.

Tuy nhiên Reuters không thể xác minh ngay các cáo buộc của Arestovych và Fedoruk.

Bộ trưởng ngoại giao của các nước Đức, Pháp và Anh và người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu đã lên tiếng bày tỏ sự phẫn nộ trước các báo cáo thảm sát từ Bucha. Các ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian của Pháp và Liz Truss của Anh đều cho biết chính phủ của họ sẽ hỗ trợ bất kỳ cuộc điều tra tội ác chiến tranh nào mà ICC thực hiện. Trên đài CNN, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói khi xem các hình ảnh từ Bucha ông có cảm giác như bị đấm vào bụng và nói thêm rằng cần phải truy cứu trách nhiệm kẻ gây ra tội ác. “Chúng ta không thể vô cảm với chuyện này. Chúng ta không thể bình thường hóa chuyện này. Đây là thực tế những gì đang xảy ra hàng ngày chừng nào sự dã man của người Nga chống lại người Ukraine vẫn tiếp tục,” ông Blinken nói.

Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc của Ukraine, nói rằng các đoạn phim và ảnh chụp xác chết ở Bucha là “một hành động khiêu khích khác” của Kyiv. Trong bình luận công khai đầu tiên của Nga về các cáo buộc này, Bộ Quốc phòng ở Moscow đã mô tả các bức ảnh và video từ Bucha là “một màn trình diễn dàn dựng khác của chế độ Kyiv cho giới truyền thông phương Tây”. “Trong thời gian các lực lượng vũ trang Nga kiểm soát khu định cư này, không một cư dân địa phương nào phải chịu bất kỳ hành động bạo lực nào”, Bộ này cho biết.

Hình ảnh các xác chết mặc quần áo dân sự bị bỏ lại trên đường phố thị trấn Bucha gần Kyiv sau khi quân Nga rút đi đã khiến giới chức Ukraine và châu Âu kêu gọi có các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga. Các quốc gia phương Tây đã giáng đòn trừng phạt kinh tế sâu sắc vào Nga khi họ tìm cách trừng phạt Moscow vì cuộc xâm lược, bắt đầu vào ngày 24 Tháng Hai vừa qua.

Chiến sự dữ dội ở miền Đông Ukraine

Giao tranh dữ dội cũng đã diễn ra vào Chủ Nhật tại một số khu vực của Ukraine.

Nga đã rút lui các lực lượng bao vây thủ đô Kyiv từ phía Bắc, nói rằng họ có ý định tập trung vào miền Đông Ukraine. Tuy nhiên sáng nay Chủ Nhật, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, nói với CNN rằng việc rút quân của Nga không phải là một sự rút lui thực sự mà là một sự tái bố trí có thể nhằm chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiếp theo.

Thống đốc khu vực Donetsk phía Đông Ukraine cho biết các cuộc pháo kích của quân Nga vẫn tiếp tục diễn ra suốt ngày đêm.

Quân Nga đã bắn hỏa tiễn vào thành phố cảng Odessa ở phía Nam và cho biết họ đã phá hủy một nhà máy lọc dầu do quân đội Ukraine sử dụng. Hội đồng thành phố Odessa cho biết “các cơ sở hạ tầng quan trọng” của thành phố đã bị tấn công.

Dmytro Lunin, Thống đốc khu vực Poltava ở miền Trung Ukraine, cho biết nhà máy lọc dầu Kremenchug, cách Odessa 350 km (220 dặm) về phía Đông Bắc, đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công riêng biệt bằng hỏa tiễn hôm Thứ Bảy.

Có hai vụ nổ đã được nghe thấy tại thành phố Belgorod của Nga gần biên giới với Ukraine, vài ngày sau khi chính quyền Nga cáo buộc lực lượng Ukraine tấn công một kho nhiên liệu ở đó. 

Các nỗ lực di tản thường dân ở thành phố cảng Mariupol và Berdyansk phía Đông Nam Ukraine đang được tiếp tục với một đoàn xe buýt của Hội Hồng Thập Tự quốc tế (IRCC). Hôm qua ICRC đã tạm ngừng các nỗ lực chuyển hàng cứu trợ tới Mariupol và di tản người dân ở đó do lo ngại về an ninh. Nga đã đổ lỗi cho ICRC về sự chậm trễ này. 

Mariupol là mục tiêu chính của Nga ở khu vực Đông Nam của Ukraine; hàng chục nghìn dân thường ở đó đã bị mắc kẹt trong nhiều tuần mà không có thực phẩm và nước uống. 

Đàm phán chưa có đột phá

Có rất ít dấu hiệu về một bước đột phá trong nỗ lực đàm phán giữa Nga và Ukraine nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài đã năm tuần, mặc dù trưởng đoàn đàm phán của Nga, Vladimir Medinsky, cho biết các cuộc đàm phán sẽ được nối lại vào Thứ Hai thông qua cầu truyền hình.

Ông Medinsky nói rằng mặc dù Ukraine đã thực tế hơn bằng cách đồng ý trung lập, từ bỏ vũ khí hạt nhân, không gia nhập một khối quân sự và từ chối xây dựng các căn cứ quân sự nước ngoài nhưng các yêu cầu quan trọng khác của Nga thì không có tiến triển nào. Yêu cầu khác của Nga có thể là vấn đề quy chế của bán đảo Crimea và các khu tự trị Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine. Nga đã chiếm đóng và sáp nhập Crimea của Ukraine vào Nga vào năm 2014 và mới đây đã công nhận “độc lập” của các nước cộng hòa tự xưng Lugansk và Donetsk ở khu vực Donbass, miền Đông Ukraine, vốn nổi lên chống lại sự cai trị của Kyiv.

Tổng thống Zelensky của Ukraine đã nhiều lần nhấn mạnh Ukraine không chấp nhận “đổi đất lấy hòa bình” và vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được người dân nước này quyết định qua trưng cầu dân ý.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: