Văn hóa “siêu sạch” của người Nhật: Bắt đầu từ những “linh hồn”…

Cổ động viên Nhật dọn dẹp sân vận động Khalifa International, Doha, Qatar, sau trận Nhật-Đức ngày 23 Tháng Mười Một 2022 tại FIFA World Cup 2022 (ảnh: Alex Grimm/Getty Images)

Đến nay thì hẳn nhiều đã biết Marie Kondo (sinh năm 1984) – nhân vật nổi tiếng thế giới với việc viết sách và thực hiện những video hướng dẫn cách sắp xếp mọi thứ cho ngăn nắp và sạch sẽ. Bốn quyển sách của Marie Kondo dạy cách sắp xếp ngăn nắp đã bán được hàng triệu bản. Quyển The Life-Changing Magic of Tidying Up (2011) của cô đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và được bán tại hơn 30 quốc gia.

Năm 2019, Netflix thậm chí còn tung ra phim Tidying Up with Marie Kondo, giúp Marie Kondo được đề cử giải Emmy. Marie Kondo còn được tạp chí TIME (2015) đưa vào danh sách 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới!

Cô Marie Kondo (ảnh: Mark Sagliocco/Getty Images)

Sự sạch và ngăn nắp của người Nhật là cả một… lịch sử. Nó là một phần của văn hóa truyền thống Nhật. Trước Marie Kondo nhiều năm, Shunryu Suzuki, một thiền sư từng gây chấn động nước Mỹ giữa thế kỷ 20, người sáng lập San Francisco Zen Center, đã đề cập nhiều lần đến sự ngăn nắp. Sự khó tính của Nhật Bản trong vấn đề vệ sinh đã gây ấn tượng với những người quan sát bên ngoài ngay từ những giây phút tiếp xúc đầu tiên.

Đô đốc Matthew Perry, người giúp mở cửa nước Nhật với phương Tây vào năm 1854, đã ngạc nhiên trước cách tổ chức và sắp xếp đường phố ở thành phố cảng Shimoda và “sự sạch sẽ và lành mạnh của nơi này”. Nhà ngoại giao Anh Sir Rutherford Alcock đã ghi nhận “sự yêu thích trật tự và sạch sẽ” trong tập “Narrative of a Three Years Residence in Japan” của ông vào năm 1863; và vài năm sau, nhà giáo dục Mỹ William Elliot Griffis đã khen ngợi “thói quen tắm hàng ngày và các phương pháp vệ sinh khác.”

Marie Kondo trong ‘Tidying Up with Marie Kondo’ (Netflix)

Sự sạch sẽ tinh tươm của người Nhật bắt nguồn từ truyền thống được gọi là “ohsoji” – sự tổng vệ sinh trong nhà ngoài cửa vào dịp chuẩn bị đón năm mới. Nghệ thuật dọn dẹp của người Nhật hẳn nhiên không phải là sáng tạo của Marie Kondo hay thiền sư Shunryu Suzuki. Nó có thể được bắt nguồn từ hơn một thiên niên kỷ trước, trong một cuốn sách được hoàn thành vào năm 927 sau Công nguyên có tên Engishiki, một loại sổ tay của triều đình.

Ngoài việc ghi lại các luật lệ và bổn phận mà quan chức phải làm sao cho đúng phép tắc, Engishiki còn hướng dẫn về việc dọn dẹp hàng năm cho Hoàng cung Kyoto. Ngay cả trong thời kỳ sơ khai này, việc dọn dẹp sạch sẽ đã được nâng lên tầm quan trọng đến mức nó không thuần túy nằm ở khái niệm dọn dẹp những bừa bộn quanh mình mà là một nghi lễ nhằm quét sạch những điều xui xẻo và tà ma. Hình thức dọn dẹp nhà cửa mang hơi hướng tâm linh này đã được các ngôi chùa Phật giáo và đền thờ Thần đạo áp dụng rộng rãi từ thế kỷ XIII, sau đó dần dần lan rộng ra người dân. Vào thế kỷ XVII, người dân đã dành phần lớn thời gian của Tháng Mười Hai cho việc dọn dẹp, xem như đó là cách bày tỏ thành kính với Toshigami, vị thần của năm mới.

Dọn dẹp nhà cửa ngày xưa, khoảng năm 1797/1799 – tranh của Kitagawa Utamaro (ảnh: Heritage Art/Heritage Images via Getty Images)

Trước khi được gọi là ohsoji, việc dọn dẹp hàng năm được gọi là susu-harai: Quét bồ hóng. Vào thời mà người ta dùng củi sưởi ấm nhà, lò sưởi và bồn tắm, và dùng nến thắp sáng các phòng khi trời tối, rất nhiều bụi bẩn tích tụ trên tường và trần nhà trong suốt một năm. Với susu-harai, việc dọn dẹp được thực hiện bằng cách dùng chổi. Với người Nhật, susu-harai không thuần túy là việc vặt. Nó là một hình thức “giải phóng”, thậm chí là chơi (trong các bản in khắc gỗ cũ, người ta có thể thấy các hộ gia đình ăn mừng một buổi dọn dẹp bằng cách tung người khác lên không trung một cách vui vẻ).

Một tượng Phật cao 15m (được dựng vào năm 751 AD) tại Đền Todaiji ở Nara đang được lau chùi (Getty Images)

Người Nhật xưa tin rằng thực vật, động vật, hiện tượng tự nhiên và thậm chí cả địa hình cũng có thể có linh hồn – được gọi là kami. Bằng việc tôn kính, hoặc ít nhất là công nhận những sinh vật thần thánh này, các tín đồ tự xem họ là một phần của một trật tự tự nhiên và siêu nhiên lớn hơn. Một phiên bản dạng thức niềm tin này vẫn tồn tại cho đến ngày nay trong Thần đạo, được dịch theo nghĩa đen có nghĩa là “con đường của kami”. Các hòn đảo của Nhật Bản được cho là nơi sinh sống của tám triệu kami – không phải là một con số thống kê chắc chắn mà là một biểu hiện của một số lượng không thể đếm được.

Một cổ động viên Nhật dọn dẹp sạch sẽ tại sân vận động Kazan Arena ở Kazan (Nga) sau trận Brazil-Bỉ tại FIFA World Cup 2018 (ảnh: Matthew Ashton – AMA/Getty Images)

Một trong những ví dụ thú vị nhất về kami là tsukumo-gami, một loại đồ gia dụng bị ma ám. Người ta cho rằng những dụng cụ và đồ vật nhân tạo có thể phát triển linh hồn riêng nếu được giữ quá lâu; và nếu không được lau chùi đúng cách, chúng có thể nổi cơn thịnh nộ dữ dội. Các đồ vật có tri giác, từ dép rơm và ô cũ đến ngựa và nhạc cụ, hẳn nhiên cũng có linh hồn. Những vật này lần đầu tiên xuất hiện trong các cuộn tranh ngụ ngôn Phật giáo vào thế kỷ XVI. Những bức vẽ của họa sư Toriyama Sekien về những loại “sinh vật” này, trong đó có bức nổi tiếng Kẻ liếm trần nhà, đã được in và trở thành sách bán chạy nhất thế kỷ XVIII.

Mọi thứ, mọi nơi ở Nhật đều sạch bong (ảnh: Takashi Aoyama/Getty Images)

Ở Nhật, trẻ được dạy về sự ngăn nắp và sạch sẽ từ thuở lọt lòng. Dù các trường đều thuê lao công để lau chùi phòng tắm, khu vực chung và phòng chờ của giáo viên, nhưng việc duy trì sự ngăn nắp sạch sẽ trong từng lớp học được coi là trách nhiệm của học sinh. Mỗi ngày, sau khi tan học, học trò chia thành nhiều nhóm, nam cũng như nữ, thay phiên nhau lau bàn, quét sàn và đổ rác… Người Nhật ngày nay dĩ nhiên dọn dẹp không phải vì sợ “linh hồn” của cái ghế hay của căn phòng bị vấy bẩn. Từ truyền thống ohsoji (dọn dẹp chuẩn bị đón năm mới), thói quen sạch sẽ đã trở thành văn hóa sống của người Nhật. Sự kỹ lưỡng tinh tươm của người Nhật đã trở thành đặc tính nổi bật của họ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: