Vladimir Osechkin, người trong ống ngắm ám sát của Kremlin

Nổi tiếng nhiều năm nay như một trong những cái gai gây khó chịu Kremlin, Vladimir Oschekin không chỉ vạch trần những bí mật chính trường Nga mà còn giúp nhiều nhân vật tai to mặt lớn của Nga đào thoát sang phương Tây…

Một ngày nọ, Vladimir Oschekin đang đi về phía bàn ăn trong nhà mình, trên tay cầm những đĩa mì Ý spaghetti cho các con thì phát hiện một tia laser đỏ nhảy múa trên tường. Súng bắn tỉa! Ông vội vàng tắt đèn và cùng vợ kéo nhanh các con xuống đất để khuất khỏi tầm ống ngắm và bò vào một chỗ an toàn. “Vài phút sau – Osechkin kể – kẻ ám sát bị bắn bởi nhóm cảnh sát vội vã đến hiện trường…

Nhà bất đồng chính kiến Vladimir Oschekin đang sống ở Pháp, nơi ông ẩn náu từ năm 2015 sau khi trốn khỏi Nga và xin tị nạn. Bây giờ ông được cảnh sát Pháp bảo vệ 24/7; địa chỉ và thói quen đều được giữ bí mật. Tổng thống Nga Vladimir Putin thề săn lùng những kẻ thù của Điện Kremlin ở nước ngoài. Oschekin đã bị xử vắng mặt ở Nga và hiện nằm trong “danh sách truy nã”.

Công việc của Oschekin với tư cách một nhà báo điều tra và nhà hoạt động chống tham nhũng cũng đồng nghĩa với việc xoi mói những bí mật của nhà nước Nga. Đã hai lần, những cảnh báo từ người lạ đã giúp Oschekin thoát chết trước những kẻ giết người trước cửa nhà mình. Một lần, một nguồn tin trong cộng đồng người Chechnya nhắn tin cho ông: “Vladimir, hãy cẩn thận! Đã có một kế hoạch thanh toán bạn”.

Là một nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền có ảnh hưởng, từ lâu Osechkin đã trở thành cái gai đối với người Nga. Sau khi thành lập Gulagu.net – một trang web nhân quyền chuyên chống tham nhũng và tra tấn ở Nga – vào năm 2011, ông giám sát loạt điều tra liên quan một số cơ quan và bộ ngành của chính phủ Nga. Ví dụ cáo buộc cưỡng hiếp có hệ thống các tù nhân nam trong các nhà tù ở Nga.

Cái gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt của Putin đang gây ra làn sóng các quan chức Nga rời bỏ quê hương. Mỗi ngày đều có một số người yêu cầu chúng tôi giúp đỡ” – Osechkin nói và cho biết trong số bất mãn có cả một cựu bộ trưởng chính phủ và một cựu tướng ba sao. Về việc này, CNN đã xác nhận danh tính của một cựu sĩ quan FSB (Russian Federal Security Service-Cơ quan An ninh Liên bang Nga) và lính đánh thuê Wagner.

Vào Tháng Một, Osechkin đã giúp một cựu chỉ huy của Wagner đi bằng đường bộ sang nước láng giềng Na Uy xin tị nạn. Cựu quân nhân này lo sợ cho tính mạng của mình sau khi từ chối gia hạn hợp đồng với tổ chức lính đánh thuê. “Những người ở cấp rất cao đều hiểu bộ máy của chế độ Putin hoạt động thế nào, và họ cũng biết rất rõ nếu họ tiết lộ về nó thì nguy cơ bị giết bằng Novichok là rất cao” – Osechkin nói (Novichok là chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ tấn công cựu điệp viên Nga Sergei Skripal năm 2018 ở Salisbury, Vương quốc Anh).

Emran Navruzbekov, một cựu sĩ quan cấp cao của FSB được Oschekin giúp đỡ, cho biết anh ta mang theo cả các chỉ thị của FSB về hoạt động gián điệp của Nga tại châu Âu để cung cấp cho các cơ quan tình báo phương Tây. “Ví dụ chỉ thị yêu cầu các đặc vụ FSB ở châu Âu thu thập thông tin về các lính đánh thuê cộm cán đến giúp Ukraine”. Ngoài ra còn có một cựu tướng Nga mang theo cả các tài liệu quân sự gồm sơ đồ kiến trúc của một tòa nhà, với chú giải chi tiết ý nghĩa của các biểu tượng, liệt kê các tiện ích và ngày xây dựng. Ngoài các tài liệu quân sự, cựu tướng Nga đào tẩu nói trên còn cung cấp thông tin về tham nhũng trong quân đội và các đoạn ghi âm bí mật cho thấy cách FSB chi phối cả các lãnh đạo quân đội.

Một người đào tẩu khác, Maria Dmitrieva, 32 tuổi, trốn thoát thành công với những bí mật được cho là có giá trị. Nói với CNN, bà cho biết mình làm việc được một tháng với tư cách là bác sĩ cho FSB. Để chuẩn bị cho việc đào thoát, bà đã bí mật ghi âm những cuộc trò chuyện với các bệnh nhân, những người mà các triệu chứng của họ đôi khi liên quan vấn đề bí mật quốc gia. “Ví dụ một đặc vụ của GRU (tình báo quân đội Nga) bị sốt rét sau một nhiệm vụ bí mật ở Châu Phi” – bà nói. Dmitrieva đang xin tị nạn ở miền Nam nước Pháp, bỏ lại gia đình và người bạn trai làm việc cho tình báo Nga.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: