Vladimir Putin tìm lối thoát ra khỏi bãi lầy Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại lễ mừng Ngày Chiến Thắng ở Moscow ngày 9 tháng Năm 2022. Ảnh: Sefa Karacan/Anadolu Agency via Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện trên lễ đài lễ kỷ niệm Ngày Chiến Thắng ở thủ đô Moscow lúc 10 giờ sáng Thứ Hai ngày 9 Tháng Năm, chủ tọa buổi diễn binh thường niên có sự tham dự của khoảng 11,000 người và vài trăm xe cơ giới quân sự tại Quảng Trường Đỏ.  Bài diễn văn của ông ta có dấu hiệu nhà lãnh đạo Nga đang tìm kiếm một lối thoát.

Ngày Chiến Thắng 9 Tháng Năm hằng năm – kỷ niệm ngày Liên Xô chiến thắng phát-xít Đức, một ngày sau khi Đức Quốc Xã đầu hàng Đồng Minh – luôn là một đại lễ hoành tráng; nhưng buổi lễ sáng nay có quy mô nhỏ và tẻ nhạt hơn thường lệ. Các màn trình diễn trên không của Không quân đã bị hủy bỏ do thời tiết mặc dù bầu trời Moscow sáng nay 9 Tháng Năm khá quang đãng. 

Trước buổi lễ, giới quan sát chính trị dự đoán ông Putin sẽ chính thức tuyên chiến với Ukraine, thông báo tổng động viên xã hội Nga và leo thang chiến tranh, đe dọa phương Tây bằng vũ khí hạt nhân, thậm chí có thể bắt tù binh Ukraine diễu qua trước lễ đài trên Quảng trường Đỏ như kiểu đế quốc La Mã đối xử với tù binh ngày xưa. Nhưng những dự đoán đó đã không xảy ra. Trong bài diễn văn chỉ kéo dài 10 phút, ông Putin bày tỏ lòng tri ân hàng triệu người Nga đã hy sinh trong Thế chiến thứ Hai đồng thời đổ lỗi cho NATO và các quốc gia Tây phương gây ra cuộc chiến ở Ukraine. Ông vẫn tỏ ra cứng đầu cứng cổ nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu hòa dịu khi thanh minh rằng “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống Ukraine là một phản ứng phủ đầu nhằm ngăn chặn việc Ukraine xâm lược nước Nga, rằng Ukraine đang tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân – điều đã bị Ukraine, NATO và Hoa Kỳ nhanh chóng bác bỏ là “bịa đặt”.

Thái độ hòa dịu của Putin có thể là do ông ta nhận ra tình trạng sa lầy không lối thoát của chính ông. Chuyện tổng động viên để bổ sung binh sĩ cho chiến trường Ukraine chẳng hạn, là chuyện lợi bất cập hại. Lệnh động viên ban ra có nguy cơ làm suy yếu sự ủng hộ của dân chúng đối với chế độ mà không mang lại lợi ích quân sự nào. Việc huy động tân binh, huấn luyện, trang bị và tổ chức họ sẽ mất nhiều tháng và cực kỳ tốn kém. 

Chuyện sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ có thể là hành động của kẻ điên, liều mình “đồng quy ư tận” (cùng chết), mà nước Nga, tuy bị bao vây, cấm vận nhưng chưa phải rơi vào tình thế quẫn bách giữa lằn ranh sinh tử để phải chọn giải pháp tuyệt vọng đó. Ông Putin vẫn nuôi mộng làm hoàng đế trọn đời, chưa muốn chết nên chuyện dùng vũ khí hạt nhân là nguy cơ khó xảy ra. 

Trả lời phỏng vấn báo Welt Am Sonntag (Thế giới Chủ nhật) của Đức hôm cuối tuần, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: “Kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu ngày 24 Tháng Hai, NATO không thấy có sự thay đổi nào trong chiến lược hạt nhân của Nga…  Và thông điệp của NATO rất rõ ràng: Nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng, tất cả các bên đều là những kẻ thua cuộc”. Đó là một nhận định đáng tin cậy của một nhân vật có vai trò lớn trong cơ cấu an ninh châu Âu.  

Putin dường như cũng đã hiểu rõ cuộc chiến không diễn ra theo ý mình. Ông đã rút quân khỏi các vùng lân cận thủ đô Kyiv thay vì mạo hiểm để các lực lượng tinh nhuệ nhất của Nga bị tiêu diệt hoàn toàn. Ông đặt cược vào một chiến thắng hạn chế hơn ở khu vực Donbass miền Đông Ukraine gần với biên giới Nga và có sẵn các lực lượng ly khai chống chính phủ Ukraine suốt tám năm qua, nhưng điều đó cũng không xảy ra. Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ hôm Chủ Nhật 9 Tháng Năm ghi nhận: “Các lực lượng Nga đã không đạt được bất kỳ bước tiến đáng kể nào trên bất kỳ trục tiến công nào vào ngày 8 Tháng Năm.” 

Khách quan mà nói, ở miền Đông, quân Nga đã chiếm được một số vùng lãnh thổ ven biển như tỉnh Kherson, thành phố Melitopol và thành phố đổ nát Mariupol – nơi lực lượng Ukraine vẫn cố thủ trong nhà máy thép khổng lồ Azovstal. Các lãnh thổ bị chiếm này đã cắt đứt đường ra biển Azov của Ukraine và mở một hành lang đường bộ nối bán đảo Crimea mà Nga chiếm được năm 2014 với lãnh thổ Nga. Nhưng Nga đã phải trả một cái giá đắt cho những thắng lợi ít ỏi. Ukraine thông báo đã có hơn 25,000 binh sĩ Nga thiệt mạng; con số đó chắc là được được phóng đại nhưng có lẽ không nhiều. Các báo cáo nguồn mở xác nhận Nga đã mất hơn 3,500 phương tiện (bao gồm hơn 600 xe tăng), 121 máy bay và 9 tàu chiến, bao gồm cả soái hạm Moskva của hạm đội Hắc Hải. Đây là những thiệt hại nặng nề nhất mà nước Nga phải gánh chịu kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Một người dân thị trấn Bucha gần thủ đô Kyiv dắt chó đi dạo trên con đường đầy xác xe tăng và xe cơ giới Nga sau khi quân Nga rút đi vào đầu Tháng Tư. Ảnh Sergei Chuzavkov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images.

Trong khi Nga yếu đi, Ukraine lại mạnh lên: Hiện nay nước này có nhiều xe tăng hơn thời điểm bắt đầu chiến tranh, đại pháo tốt hơn nhiều và nhiều hệ thống vũ khí đủ loại hơn rất nhiều. Tinh thần của người Nga rất kém, các sĩ quan được cho là không tuân theo mệnh lệnh trong khi tinh thần kháng chiến cứu nước của người Ukraine lên cao ngất. Giới quân sự đang bàn tới khả năng Ukraine phản công chiếm lại các vùng lãnh thổ bị mất vào cuối Tháng Năm hoặc đầu Tháng Sáu sau khi đã được phương Tây cam kết viện trợ nhiều loại vũ khí tân tiến và cả kinh tế-tài chính.

Chính phủ Ukraine cho đến nay vẫn để mở cơ hội đàm phán hòa bình với Moscow để nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nhiều lần nói ông sẵn sàng gặp trực tiếp và thương lượng với ông Vladimir Putin nhưng chưa có một cuộc gặp nào như vậy. Gần đây, ông Zelenskyy đưa ra tuyên bố chỉ chấp nhận đàm phán hòa bình sau khi quân Nga rút ra khỏi những vùng lãnh thổ chiếm đóng của Ukraine và tôn trọng biên giới trước năm 2014 đã được quốc tế công nhận. Cánh chim bồ câu hòa bình xem ra càng bay xa ngoài tầm tay.

Nền kinh tế Nga đã không sụp đổ dưới các lệnh trừng phạt, nhưng bị ảnh hưởng nghiêm trọng: Các chuyên gia dự báo kinh tế Nga sẽ co lại khoảng 10% trong năm nay và lạm phát có thể lên tới 23%. Thiệt hại sẽ tăng lên thêm nữa khi các dây chuyền sản xuất của Nga bị cắt khỏi nguồn linh kiện, phụ tùng nhập cảng từ phương Tây như vi mạch. Nếu kế hoạch của Liên minh châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí của Nga ngay trong năm 2022 được thực thi thì Nga sẽ mất bạn hàng lớn nhất và điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế dựa vào tài nguyên dầu mỏ của Nga. 

Thay vì chia rẽ và làm suy yếu phương Tây, cuộc chiến của Putin đã giúp phương Tây thống nhất và dẫn đến một đợt gia tăng hoạt động quân sự của NATO ở Đông Âu. Nếu Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh Đại Tây Dương NATO – chuyện dường như sắp xảy ra, thì lãnh thổ của NATO sẽ áp sát biên giới Nga, các lực lượng NATO sẽ đóng quân ngay trước ngưỡng cửa của Nga. Kế hoạch của Putin đẩy NATO ra xa hơn nữa về phía Tây, về các vị trí năm 1992 khi Liên Xô sụp đổ hóa ra lại có tác dụng ngược. 

Trong tình thế bi đát như vậy, nhiều người tính tới khả năng ông Putin bị giới siloviki của Nga (lực lượng tinh nhuệ về an ninh và quân sự) loại bỏ để chấm dứt cuộc phiêu lưu quân sự đẫm máu ở Ukraine. Nhưng Putin đã nắm giữ quyền lực hơn 22 năm, và không có lý do gì để kỳ vọng rằng ông ta sẽ sớm bị lật đổ.

Nhà báo Max Boot của báo The Washington Post nhận định ông Putin hiện đang ở trong tình thế khó khăn chiến lược mà người Mỹ đã quá quen thuộc sau các sai lầm ở Afghanistan và Iraq, chỉ tồi tệ hơn nhiều lần. Moscow cũng đã gặp khó khăn như vậy sau mười năm chiếm đóng Afghanistan. Cựu Tổng bí thư Mikhail Gorbachev đã rút ra khỏi Afghanistan và gần đây Tổng thống Joe Biden đã làm như vậy. Triển vọng tốt nhất có lẽ là Putin có được sự dũng cảm chính trị cần thiết để đi đến một lựa chọn rút quân đau đớn như ông Gorbachev và ông Biden. 

Xem ra ông Putin không có nhiều lựa chọn. Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận. Cả leo thang cuộc chiến và rút quân đều phải trả giá đắt.

Ông Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, vừa đăng tweet nhận định: Trong diễn văn Ngày Chiến Thắng hôm nay tại Moscow có những dấu hiệu cho thấy ông Putin có vẻ như đang tìm một lối thoát. Ông Wallace cho rằng lối thoát của Putin là tập trung vào vùng Donbass để củng cố các “nước cộng hòa” ly khai thân Nga và giữ những vùng đất đã chiếm được của Ukraine. Người Ukraine có để cho ông thoát ra lối đó hay không là chuyện chưa biết trước được.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: