Vòng xoáy mới thù địch trong quan hệ Mỹ-Trung

Một phiên tường trình về đối sách với Trung Quốc của Quốc hội Hoa Kỳ ngày 28 Tháng Hai 2023 (ảnh: Kevin Dietsch/Getty Images)

Các cuộc tấn công mới nhất bằng ngôn từ gay gắt nhắm vào Mỹ của giới lãnh đạo chóp bu Bắc Kinh cho thấy mối quan hệ giữa hai cường quốc thế giới đang bất ổn như thế nào. Chỉ vài tuần trước, Trung Quốc (TQ) và Mỹ tưởng như sắp hướng tới một điều gì đó giống như một lệnh “ngừng bắn ngoại giao” (diplomatic cease-fire) nhưng tiếng súng vẫn nổ từ Washington lẫn Bắc Kinh…

Ngôn ngữ đầy kích động của Bắc Kinh

Đặc phái viên của Tổng thống Biden chuẩn bị đến Bắc Kinh để xây dựng một khuôn khổ khả thi cho các cuộc đối thoại cấp cao “chính phủ-chính phủ” và ổn định lại quan hệ sau nhiều năm căng thẳng. Chuyện tưởng suôn sẻ thì bất ngờ một khinh khí cầu do thám của TQ được phát hiện đi ngang qua Bắc Mỹ lại phủ bóng đen mới lên mối quan hệ giữa hai nước.

Chuyến đi “vá lại hàng rào ngăn cách” lập tức bị hoãn và quan hệ giữa hai cường quốc rơi vào vòng xoáy của sự buộc tội qua lại và căng thẳng leo thang. Tuần này, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Trung Quốc đã cáo buộc Washington “kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc” và đẩy hai quốc gia tới ngưỡng xung đột.

Suisheng Zhao (Triệu Tuệ Sanh), một chuyên gia về chính sách đối ngoại của TQ tại University of Denver nhận định: “Thực tế trong quan hệ Mỹ-Trung hiện nay, mọi thứ mà phía bên kia làm đều bị xem là tiêu cực và được thực hiện với mục đích xấu xa. Đó là kiểu tâm lý thời Chiến tranh Lạnh”. Dù cả hai bên đều khẳng định họ không muốn đổ vỡ quan hệ, nhưng ông Tập đã làm gia tăng căng thẳng bằng loại ngôn từ buộc tội “của thời đại đã qua” khi cho rằng TQ đang phải đối mặt với “sự ngăn chặn, bao vây và đàn áp toàn diện” của Mỹ và các quốc gia phương Tây đồng minh của Mỹ.

Tân Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Ngày 7 Tháng Ba, Tần Cương (Qin Gang), tân Ngoại trưởng Trung Quốc, tiếp tục đưa ra lời cảnh báo kiểu răn đe: “Trừ khi Hoa Kỳ thay đổi hướng đi, chắc chắn sẽ có xung đột và đối đầu”. Theo tiêu chuẩn “ta luôn luôn đúng”, Tần chỉ muốn Mỹ thay đổi, còn TQ thì không! Không có chỗ cho đối thoại và thấu hiểu. Trong khi đó, ngày 7 Tháng Ba, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, khi được hỏi về những phát ngôn từ phía Bắc Kinh, đã có thái độ mềm mỏng hơn khi nói: “Chính sách của chính quyền Mỹ không thay đổi. Chúng ta tìm kiếm sự cạnh tranh với TQ chứ không phải xung đột” – dẫn lại từ Wall Street Journal.

John Kirby nói với các phóng viên: “Không có điều gì trong cách tiếp cận của chúng tôi với mối quan hệ song phương này có thể dẫn đến suy luận chúng tôi muốn xung đột. Chúng tôi hoàn toàn chỉ muốn giữ ở mức cạnh tranh”.

Tuy nhiên, sự bất hòa được đẩy lên cao trong quan hệ Mỹ-Trung cho thấy những khó khăn của việc kiềm chế căng thẳng. Chính quyền Biden vẫn tiếp tục áp thuế thương mại có từ thời Trump, tăng cường kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến đồng thời tập hợp các đồng minh và các quốc gia khác chống lại ảnh hưởng của TQ trên toàn thế giới. Phản ứng lại, Bắc Kinh xích gần Moscow hơn, cả trong cuộc chiến với Ukraine, và tăng cường các hành động khiêu khích quân sự chống Đài Loan. Mùa hè năm ngoái, TQ đã cắt đứt nhiều kênh đối thoại đang tồn tại với Mỹ, kể cả trao đổi quân sự giữa quân đội hai bên.

Chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Trong nhiều năm, ông Tập có vẻ ngày càng “mờ ám” trong các mối quan hệ quốc tế, dù trước đây ông thường tránh chỉ trích đích danh Mỹ. Trong quá khứ, ông Tập đã cảnh báo các quan chức dưới quyền cần sẵn sàng cho “những biến cố khó lường” mà ông ta gọi là “những con thiên nga đen” (black swans) mang lại hậu quả thảm khốc.

Giờ đây, sau khi kết thúc những tháng “buôn bán quyền lực” trong nội bộ Đảng Cộng sản TQ, Tập đã củng cố vị thế là nhà lãnh đạo tối cao và sẽ thêm nhiệm kỳ chủ tịch thứ ba trong tuần này tại khoá họp Quốc hội TQ, vài tháng sau khi ông giành được sự đồng ý tuyệt đối của đảng để tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo, bất chấp việc TQ đang có những chỉ số ảm đạm trong nhiều lĩnh vực, từ quan hệ chính trị với châu Âu đến tình hình kinh tế.

Michael Auslin, nhà sử học tại Viện Hoover (Hoover Institution) thuộc Stanford University nhận định:

“Các tuyên bố về việc bị Mỹ bao vây cho thấy ông Tập lại quay về sử dụng luận điệu truyền thống của các quan chức Đảng Cộng sản là xem TQ là nạn nhân. Điều khác biệt là ngày nay khi TQ có sức mạnh quân sự, ông Tập vẫn xem mình là nạn nhân với tuyên bố: Họ đã đẩy chúng ta vào cuộc xung đột nhưng chúng ta sẽ không lùi bước trước mọi thách thức”.

Trong tình tiết liên quan vụ khinh khí cầu do thám, Mỹ đã nhanh chóng bác bỏ tuyên bố của TQ đây chỉ là “một thiết bị theo dõi thời tiết vô hại” và dùng hỏa tiễn Sidewinder bắn nổ tung công cụ do thám này. Đằng sau những phủ nhận và cáo buộc liên quan đến khinh khí cầu là những lo lắng của cả hai bên: Có vẻ như hai quốc gia đang trên quỹ đạo hướng tới đối đầu vũ trang thực sự trong tương lai.

Do vụ khinh khí cầu, Mỹ phải tạm hoãn nước cờ được xem là tốt nhất để xoa dịu TQ: Chuyến thăm Bắc Kinh của Ngoại trưởng Antony Blinken mà cả hai bên đều cho là một bước quan trọng để mở lại các kênh liên lạc đã bị thu hẹp dưới thời chính quyền Trump và sau đó gần như sụp đổ trong đại dịch Covid-19 và căng thẳng về Đài Loan. Thay vào đó, đặc phái viên nước ngoài hàng đầu của ông Tập, Vương Nghị, đã đi thăm châu Âu và… nói xấu Mỹ tại mỗi điểm dừng chân.

Washington phản ứng bằng cách bác bỏ lập trường 12 điểm của Bắc Kinh kêu gọi đàm phán để chấm dứt chiến sự ở Ukraine (một đề xuất mà chỉ Moscow là có thể chấp nhận nhưng Putin cũng thẳng thừng bác bỏ). Ông Blinken cũng công khai cảnh báo Bắc Kinh không nên dự phần vào cuộc chiến Ukraine sau khi Mỹ có thông tin tình báo rằng, TQ đang cân nhắc cung cấp cho Nga các vũ khí sát thương, như máy bay không người lái.

Ngân sách quốc phòng Trung Quốc cho năm tài khóa 2023 đã tăng 7.2% (khoảng $224.9 tỉ). Trong ảnh một máy bay không người lái tại triển lãm hàng không Chu Hải vào Tháng Mười Một 2022 (ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

Phần lớn những lời hoa mỹ từ cả hai chính phủ dường như được thiết kế để làm vui lòng người dân trong nước. Ông Tập đã có những bình luận lên án Mỹ tại một cơ quan tư vấn gồm các lãnh đạo doanh nghiệp đang phải chật vật với triển vọng kinh tế tồi tệ nhất trong 25 năm để đạt mục tiêu tăng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tài khoá mới.

Đối với Mỹ, vụ khinh khí cầu được xem như “vũ khí” của các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội và những người có chủ trương cứng rắn về an ninh quốc gia của cả hai đảng. Họ muốn Biden có lập trường kiên quyết hơn đối với Bắc Kinh. Tuần trước, một phiên điều trần tại Hạ viện đã “truy bức” các quan chức chính quyền về một loạt vấn đề, từ thắt chặt kiểm soát việc bán chip cho các công ty TQ, cấm ứng dụng truyền thông xã hội TikTok đến trừng phạt Bắc Kinh vì xuất khẩu hóa chất sang Mexico để dùng sản xuất fentanyl đưa lậu vào Mỹ.

Chưa hết, Quốc hội còn chuẩn bị gây áp lực lên các tập đoàn Mỹ đầu tư vào TQ. “Đây là một cuộc đấu tranh sinh tồn cho cuộc sống trong thế kỷ 21 và những quyền tự do cơ bản nhất đang bị đe dọa” – Dân biểu Michael Gallagher, đảng viên Cộng hòa tiểu bang Wisconsin phát biểu khi khai mạc phiên điều trần đầu tiên của một ủy ban Hạ viện mới tập trung vào sự cạnh tranh Mỹ-Trung.

Cố hạ nhiệt căng thẳng

Thất bại ngoại giao khiến việc cải thiện trao đổi giữa Hoa Kỳ và TQ trở nên khó khăn hơn, chẳng hạn cấp thị thực cho ít nhà báo hơn hoặc nghiên cứu chung về bệnh ung thư. Sáng kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh mà cả hai nước hy vọng diễn ra cuối năm nay cũng khó đoán. Trong khi đó, các quốc gia ở châu Á và châu Âu mong muốn quan hệ Mỹ-Trung ổn định hơn để kéo giảm rủi ro chính trị khi giao dịch với cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hoặc chọn một trong hai.

Khi Ngoại trưởng Blinken hoãn chuyến đi dự kiến do vụ khinh khí cầu, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông đã nói với Vương Nghị (viên chức chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc) rằng ông muốn lên lịch lại ngay đi khi điều kiện cho phép. Ngày 7 Tháng Ba, khi được các phóng viên hỏi liệu các điều kiện hiện có đã thuận lợi chưa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói: “Chúng tôi chưa có kế hoạch nào cho chuyến đi như thế”.

Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Hoa Kỳ Mark Warner (Dân chủ-Virginia) cùng các nghị sĩ của hai đảng trong buổi họp báo ngày 7 Tháng Ba 2023 nói về luật mới cho phép Bộ Thương mại Hoa Kỳ hành động trước những mối đe dọa gián điệp nước ngoài trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và thương mại điện tử (ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Suisheng Zhao (Triệu Tuệ Sanh), tác giả cuốn The Dragon Roars Back vừa xuất bản nói về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, tin rằng chuyến thăm Bắc Kinh theo kế hoạch của Blinken sẽ không bao giờ đạt được thành công nào khác ngoài việc nối lại các cuộc đối thoại mà TQ đã hủy bỏ sau khi (cựu) Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan. “Lý do là không bên nào đưa ra được các vấn đề quan trọng bên kia muốn, chẳng hạn Washington nới lỏng kiểm soát xuất khẩu những công nghệ Bắc Kinh đang cần hoặc TQ bảo đảm sẽ không tấn công Đài Loan” – ông nói.

Daniel Russel, cựu Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, hiện là Phó chủ tịch phụ trách an ninh quốc tế và ngoại giao tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á (Asia Society Policy Institute) trụ sở tại New York, nhận định: “Khi nhiều vị trí cấp cao sẽ thay đổi trong chính quyền của ông Tập sau khoá họp Quốc hội TQ, Mỹ cần có các cuộc đàm phán trực tiếp để hiểu rõ các bộ phận khác nhau của chính phủ TQ sẽ được điều hành như thế nào rồi tuỳ nghi ứng biến. Nếu chờ đợi quá lâu, những tình huống xấu có thể xảy ra”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: