Washington chơi đòn rắn với Bắc Kinh: Tẩy chay Thế vận hội!

Trung Quốc đang ráo riết tập dợt các chương trình cho sự kiện ‘Beijing 2022 Winter Olympics’, tổ chức từ ngày 4 Tháng Hai đến ngày 20 Tháng Hai 2022 (ảnh: Jia Tianyong/China News Service via Getty Images)

Chính quyền Biden đã không ngại chơi cứng với Trung Quốc: hôm nay, 6 Tháng Mười Hai 2021, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc chính thức tuyên bố rằng Tổng thống Joe Biden cũng như không bất kỳ quan chức chính phủ Hoa Kỳ nào sẽ đến dự Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào Tháng Hai. Lý do: Mỹ phản đối sự vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Dù vận động viên Mỹ vẫn dự Thế vận hội nhưng việc tẩy chay về mặt ngoại giao chẳng khác gì cú tát chính trị của Mỹ đối với Trung Quốc. Việc tẩy chay của Mỹ được sự ủng hộ của các nhà lập pháp cả hai đảng, trước đà gia tăng chính sách nặng tay của Bắc Kinh nhắm vào các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng như vô số vụ việc vi phạm nhân quyền khác. Hồi Tháng Ba, Washington tuyên bố rằng việc Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là tội ác diệt chủng. Dĩ nhiên Bắc Kinh đón nhận tin này với “tâm trạng” không vui. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng Thế vận hội mùa Đông không phải là một sân khấu để thao túng chính trị”, rằng “đó là một sự phản bội nghiêm trọng đối với tinh thần Hiến chương Thế vận hội, một hành động khiêu khích chính trị trắng trợn và gây xúc phạm nghiêm trọng tới 1.4 tỷ người dân Trung Quốc”.

David Shullman, Giám đốc chương trình Trung Quốc Toàn cầu (Global China) thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) nói rằng sự “tuyên chiến” của Mỹ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định của các đồng minh châu Âu và có thể Úc là một trong những quốc gia đầu tiên hưởng ứng tiếp theo. Phần mình, Anh chưa có ý kiến cụ thể nhưng “chúng tôi (Mỹ-Anh) luôn chia sẻ nhiều mối quan tâm” – một quan chức Anh phát biểu. Chủ đề nóng hổi này chắc chắn được bàn tại cuộc họp Nhóm ngoại trưởng bảy nước (G7) vào cuối tuần này ở Liverpool, Anh. Tương tự Anh, Nhật chưa ra tuyên bố chính thức; trong khi đó, New Zealand cho biết họ không đưa đại diện ngoại giao tới Bắc Kinh, vì e ngại… dịch bệnh COVID-19.

Tờ Washington Post cho biết, trong các cuộc thảo luận với đồng minh, Biden không gây áp lực buộc họ phải “chơi theo cách” của Mỹ. Nhưng tất nhiên Washington không thể không thất vọng nếu đồng minh phương Tây tỏ ra e sợ làm bỉ mặt Tập Cận Bình. Cần nói thêm, là quốc gia dân chủ, chính phủ Hoa Kỳ không thể đơn phương cấm vận động viên tham gia Thế vận hội hoặc yêu cầu họ tẩy chay. Với Nga, báo chí nước này đưa tin vào Tháng Chín rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dự Thế vận hội, bất luận việc các vận động viên Nga bị cấm thi đấu dưới màu cờ sắc áo Nga cho đến Tháng Mười Hai 2022 bởi việc sử dụng doping.

Cần nhắc lại, Thế vận hội Hè 2008 tổ chức ở Trung Quốc cũng từng vấp làn sóng chỉ trích về nhân quyền và kêu gọi tẩy chay. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đề nghị Tổng thống George W. Bush bỏ qua Lễ khai mạc. Tuy nhiên, Bush vẫn đi, trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên dự một sự kiện Thế vận hội ở nước ngoài (cùng đi với ông có Đệ nhất phu nhân Laura Bush). Tuy nhiên, Bush cũng tận dụng dịp khánh thành trụ sở Tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ ở Bắc Kinh lúc ấy để “đá xéo” Bắc Kinh về nhân quyền. Thế vận hội mùa Hè Tokyo được tổ chức năm nay không cho phép khán giả vào sân vận động vì đại dịch coronavirus, nhưng các phái đoàn ngoại giao vẫn đến dự. Phái đoàn Mỹ được dẫn đầu bởi Đệ nhất phu nhân Jill Biden, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield, và Raymond Greene, đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ.

Với chính giới Hoa Kỳ, một số ý kiến cho rằng chính quyền Biden “chơi” vậy vẫn “chưa tới”. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton gọi động thái này là biện pháp nửa vời. Cotton nói: “Cần phải có sự lãnh đạo táo bạo. Hoa Kỳ nên tẩy chay hoàn toàn các trò chơi diệt chủng ở Bắc Kinh” (Cotton chơi chữ: ông dùng từ “the genocide Games” – “games” cũng có nghĩa các môn thi đấu Thế vận hội). Lần cuối cùng mà Mỹ tẩy chay hoàn toàn Thế vận hội là năm 1980, khi Tổng thống Jimmy Carter vận động chống lại việc cho phép vận động viên Mỹ tham gia Thế vận hội mùa Hè ở Moscow để phản đối việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan.

René Provost, giáo sư luật quốc tế tại Đại học McGill, cho biết việc tẩy chay ngoại giao có thể giúp “đưa vấn đề nhân quyền vào các cuộc đàm phán”. Thế vận hội luôn là cơ hội mà Bắc Kinh tận dụng để quảng bá sự lớn mạnh và xứng đáng là trung tâm của thế giới toàn cầu đương đại. Do đó, việc tẩy chay ngoại giao sẽ là cú tát sỉ nhục Bắc Kinh. Tuyên bố tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh của Hoa Kỳ được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ toàn cầu mà chính quyền Biden tổ chức (trực tuyến) vào cuối tuần này. Trung Quốc không nằm trong số hơn 100 quốc gia được mời.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: