Tranh cãi gay gắt về nguồn gốc Covid-19 sau cuộc điều tra của WHO

Sau một năm bùng phát đại dịch Covid-19 đã gây bệnh cho hơn 115 triệu người và gần 2,6 triệu người chết. Vấn đề nguồn gốc của virus vẫn còn gây tranh cãi trong giới khoa học và chính trị.
H.C.

Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra về nguồn gốc của Covid-19 dự định hủy bỏ một báo cáo tạm thời về sứ mệnh gần đây của họ tại Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington về kết quả cuộc điều tra và một nhóm các nhà khoa học quốc tế kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra mới.

Vấn đề nguồn gốc Covid-19:

Trong một bức thư ngỏ công bố hôm nay thứ Năm 04-03-2021, một nhóm các nhà khoa học kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế mới sau khi nhận định nhóm chuyên gia của WHO đến Trung Quốc tháng trước đã không hoàn thành sứ mệnh vì không đủ quyền tiếp xúc để điều tra đầy đủ các nguồn có thể có của loại coronavirus mới, bao gồm cả việc liệu nó có bị rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm hay không. Toàn văn bức thư ngỏ và danh tính các nhà khoa học được báo The Wall Street Journal đăng tải tại đây.

Lời kêu gọi được đưa ra khi Hoa Kỳ – gần đây đã đảo ngược quyết định rời khỏi WHO – vận động để minh bạch hơn về kết quả cuộc điều tra, nói rằng Washington đang chờ xem xét kỹ lưỡng báo cáo về sứ mệnh Vũ Hán và thúc giục Trung Quốc công bố tất cả dữ liệu liên quan, bao gồm cả dữ liệu về các trường hợp nhiễm virus được xác nhận lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 và những trường hợp nhiễm trùng có thể xảy ra trước đó. Chính phủ Anh cũng đưa ra yêu cầu tương tự.

***

Trong khi đó, Bắc Kinh thúc giục WHO tổ chức các nhóm chuyên gia tương tự đến các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, để điều tra xem liệu virus có thể có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc và lây lan đến Vũ Hán qua bao bì thực phẩm đông lạnh hay không.

Hôm 12-02-2021, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng nhóm sẽ phát hành một báo cáo tạm thời ngắn gọn về sứ mệnh Vũ Hán, có thể vào tuần sau, và một báo cáo đầy đủ sẽ có trong vài tuần sau đó. 

Nhưng đến nay báo cáo tóm tắt đó vẫn chưa được công bố và nhóm của WHO hiện đang loại bỏ kế hoạch đó, Peter Ben Embarek, nhà khoa học về an toàn thực phẩm, đứng đầu nhóm chuyên gia WHO, cho biết. Nhóm nghiên cứu của WHO dự định chỉ xuất bản một bản tóm tắt cùng với báo cáo cuối cùng đầy đủ. Báo cáo cuối cùng đó “sẽ được công bố trong những tuần tới và sẽ bao gồm những phát hiện quan trọng,” một phát ngôn viên của WHO nói. Tuy nhiên theo tiến sĩ Ben Embarek, “Theo định nghĩa, một báo cáo tóm tắt không có tất cả các chi tiết. Vì có rất nhiều sự quan tâm đến báo cáo này, một bản tóm tắt có thể sẽ không đáp ứng được sự tò mò của độc giả.”

Sự chậm trễ trong việc công bố các phát hiện và khuyến nghị từ cuộc điều tra ở Vũ Hán – được tiến hành cùng với các nhà khoa học và quan chức Trung Quốc và bất kỳ báo cáo nào cũng phải được họ chuẩn thuận – diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh cãi về chính trị và khoa học xung quanh việc tìm kiếm nguồn gốc của đại dịch đang căng thẳng.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả bức thư ngỏ của các nhà khoa học độc lập là “bình mới rượu cũ” đầy tội lỗi và thiếu uy tín khoa học, đồng thời nói phái bộ Vũ Hán đã kết luận rằng giả thuyết về virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra” và không đáng để nghiên cứu thêm. Cả bộ ngoại giao và ủy ban y tế quốc gia của Trung Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận về báo cáo của phái bộ Vũ Hán.

***

“Chúng tôi không thể chấp nhận một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch mà không hoàn toàn thấu đáo và đáng tin cậy. Những nỗ lực cho đến nay không tạo thành một cuộc điều tra kỹ lưỡng, đáng tin cậy và minh bạch,”

Thư ngỏ của 26 nhà khoa học quốc tế

Theo một bản sao của bức thư ngỏ nói trên, nhóm 26 nhà khoa học và các chuyên gia trong các lĩnh vực bao gồm virus học, động vật học và vi sinh vật học nói rằng nhóm của WHO hoàn toàn không thể tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ và bất kỳ báo cáo nào đều có khả năng liên quan đến các thỏa hiệp chính trị vì nó phải được phía Trung Quốc chấp thuận

Các nhà khoa học này cho rằng, một cuộc điều tra đáng tin cậy đòi hỏi phải có, trong số những thứ khác, các cuộc phỏng vấn bí mật và quyền tiếp xúc đầy đủ hơn hồ sơ bệnh viện của các trường hợp nhiễm coronavirus – đã được xác nhận hoặc có tiềm năng – ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, khi ổ dịch lần đầu tiên được xác định ở Vũ Hán.

Các nhà điều tra cũng phải được phép xem các hồ sơ bao gồm nhật ký bảo trì, nhân sự, chăn nuôi động vật và nhật ký thí nghiệm từ tất cả các phòng thí nghiệm làm việc với coronavirus, bức thư viết.

“Chúng tôi không thể chấp nhận một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch mà không hoàn toàn thấu đáo và đáng tin cậy. Những nỗ lực cho đến nay không tạo thành một cuộc điều tra kỹ lưỡng, đáng tin cậy và minh bạch,” bức thư viết.

Lời kêu gọi của các nhà khoa học khó có thể được nhiều người ủng hộ, vì bất kỳ cuộc điều tra nào trong tương lai cũng đều phải có sự hợp tác của Bắc Kinh. Hơn nữa, nhiều chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm vẫn hoài nghi giả thuyết một tai nạn trong phòng thí nghiệm có thể là nguồn gốc của đại dịch.

Tuy nhiên, lời kêu gọi đó thể hiện một sự thất vọng đang được chia sẻ rộng rãi trong giới chức của chính phủ Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và nhiều nhà khoa học trên toàn thế giới khi nhận thấy Trung Quốc đã cung cấp quá ít thông tin và dữ liệu cho WHO để hướng dẫn các nhà nghiên cứu trong nỗ lực xác định nơi virus bắt đầu và cách nó lây sang người.

“Chúng tôi lo ngại sâu sắc về cách thức mà những phát hiện ban đầu của cuộc điều tra Covid-19 được truyền đạt và các câu hỏi về quy trình cơ bản được sử dụng để tiếp cận chúng… Điều bắt buộc là báo cáo này phải độc lập, các phát hiện của chuyên gia không bị can thiệp hoặc sửa đổi bởi các cơ quan chính phủ Trung Quốc để hiểu rõ hơn về đại dịch này và chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết. 

Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng họ hợp tác đầy đủ với WHO và bác bỏ những lời khẳng định, kể cả từ các quan chức chính quyền Trump, rằng virus có thể đến từ một cơ sở nghiên cứu ở Vũ Hán chuyên nghiên cứu các chủng coronavirus ở loài dơi.

Trong chuyến nghiên cứu hồi tháng trước, nhóm của WHO cho biết các thành viên của nhóm và những người đồng cấp Trung Quốc đã phân tích các giả thuyết hàng đầu để xác định nơi sẽ tập trung nghiên cứu trong tương lai. Khi kết thúc sứ mệnh, các trưởng nhóm cho biết họ sẽ thúc đẩy nghiên cứu về các cách thức mà virus lây lan từ các loài động vật có vú khác nhau và không đề xuất nghiên cứu thêm về một tai nạn tiềm ẩn trong phòng thí nghiệm, một lý thuyết mà họ cho là “cực kỳ khó xảy ra”.

Kết luận đó đã được Bắc Kinh ca ngợi, cũng như các nhà khoa học ở nhiều nước khác nhau – những người cho rằng virus lây lan tự nhiên, rất có thể từ dơi, sau đó có thể qua một loài động vật khác, sang con người – và bác bỏ giả thuyết “phòng thí nghiệm” là một sự bôi nhọ có động cơ chính trị.

Tuy nhiên, sau khi từ Trung Quốc trở về, một số nhà điều tra của WHO đã tỏ ra dè dặt với chính kết luận của họ, nói rằng họ không có thẩm quyền, chuyên môn hoặc dữ liệu để kiểm tra toàn bộ các phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu cũng không có dữ liệu quan trọng về các trường hợp đầu tiên được xác nhận nhiễm coronavirus hoặc những bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng tương tự trước đó.

Trong một buổi hội thảo tuần trước, tiến sĩ Ben Embarek nói “chắc chắn không thể loại trừ” khả năng xảy ra tai nạn trong phòng thí nghiệm. Tiến sĩ Tedros của WHO nói vào tháng Hai sau chuyến đi của nhóm rằng “tất cả các giả thuyết vẫn còn bỏ ngỏ và cần phân tích thêm.”

***

Những người ký tên trong bức thư ngỏ hầu hết là thành viên của một nhóm rộng lớn, dẫn đầu là các nhà khoa học Pháp, những người đã chia sẻ các tài liệu nghiên cứu và các thông tin khác về Covid-19 kể từ khoảng tháng 12. Không ai trong số họ có liên quan đến cuộc điều tra của WHO.

Trong số những người ký tên có Etienne Decroly và Bruno Canard, các nhà virus học phân tử tại Phòng thí nghiệm AFMB, thuộc Đại học Aix-Marseille và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, cơ quan nghiên cứu nhà nước của Pháp.

Tiến sĩ Decroly cho biết ông đã tham gia ký tên vào bức thư sau khi kết luận rằng trên cơ sở dữ liệu có sẵn, không thể xác định được liệu virus SARS-CoV-2 “là kết quả của chứng bệnh động vật từ một chủng virus hoang dã hay là một sự thoát ra ngoài một cách tình cờ của các chủng virus thí nghiệm”.

Bức thư được đồng tổ chức bởi Gilles Demaneuf, một nhà khoa học dữ liệu người Pháp có trụ sở tại New Zealand và Jamie Metzl, một thành viên cấp cao của Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Hoa Kỳ đồng thời là cố vấn cho WHO về chỉnh sửa bộ gen người.

Trong vài tuần gần đây những người nổi tiếng chỉ trích giả thuyết “phòng thí nghiệm” đã công bố nghiên cứu mới về virus coronavirus ở loài dơi được tìm thấy ở Đông Nam Á và Nhật Bản mà họ nói cho thấy SARS-CoV-2 rất có thể đã tiến hóa một cách tự nhiên để lây nhiễm sang người. Robert Garry, một nhà virus học tại Đại học Y khoa Tulane, người tham gia vào nghiên cứu đó, cho biết ban đầu ông và vài đồng nghiệp khác đã xem xét khả năng rò rỉ hoặc tai nạn từ phòng thí nghiệm, nhưng cuối cùng cho rằng điều đó “gần như không thể xảy ra”.

Chính quyền Biden đã không công khai nhắc lại những khẳng định cụ thể của người tiền nhiệm liên quan đến các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Những người ký tên trong bức thư ngỏ nói họ không ủng hộ bất kỳ giả thuyết nào nhưng cho rằng hãy còn quá sớm để loại trừ khả năng rò rỉ hoặc tai nạn tại Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán (Wuhan Institute of  Virology, WIV) hoặc tại một cơ sở nghiên cứu được kết nối với WIV. Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán  có những phòng thí nghiệm an ninh cao và đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về các chủng coronavirus ở loài dơi.

Các nhà khoa học của WIV phủ nhận virus xuất phát từ cơ sở của mình, nói rằng họ không lưu trữ cũng như không làm việc với virus SARS-CoV-2 trước đại dịch và không nhân viên nào của họ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Lời phủ nhận này trái ngược với những công bố khoa học mà các nhà nghiên cứu của Viện này đưa ra trong nhiều năm qua, theo đó “WIV có một trong những bộ sưu tập lớn nhất thế giới các mầm bệnh (pathogen) của dơi, có nguồn gốc từ những hang động xa xôi ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc”.

Các nhà khoa học ký tên ở thư ngỏ nói các điều tra viên nên xem xét một số tình huống có thể xảy ra, bao gồm việc liệu một nhân viên phòng thí nghiệm có bị nhiễm virus tiến hóa tự nhiên hay không khi lấy mẫu sinh phẩm từ con dơi trong tự nhiên, trong quá trình vận chuyển động vật bị nhiễm bệnh hoặc trong quá trình xử lý chất thải phòng thí nghiệm.

Họ cũng nói rằng các điều tra viên nên xem xét liệu virus SARS-CoV-2 có thể xuất phát từ các thí nghiệm “tăng chức năng” (gain-of-function, GOF), trong đó các virus tìm thấy trong tự nhiên được can thiệp về mặt di truyền để xem liệu chúng có thể trở nên lây nhiễm hoặc gây chết người nhiều hơn hay không. 

(theo Wall Street Journal)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: