2022, năm thách thức cho Trung Quốc

Tập Cận Bình: quyền lực chính trị của Đảng vẫn được ưu tiên hơn cả sức mạnh kinh tế (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Từ Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh đến nhiệm kỳ thứ ba hoàn toàn khả thi của ông Tập Cận Bình, có năm vấn đề quan trọng nên theo dõi ở Trung Quốc trong năm 2022, thậm chí cả những năm sau đó.

Năm 2022 đã đến với thế giới trong mối lo Covid-19 gần như chưa thấy ánh sáng rõ ràng cuối đường hầm. Riêng đối với Trung Quốc, không thiếu những khoảnh khắc lớn đang và sắp diễn ra trong năm nay, từ Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh đến Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 vào mùa Thu.

Những khó đoán là rất cao, nhưng thành công cũng không hẳn được bảo đảm. Ngoài ra, còn rất nhiều câu hỏi khác. Khi đại dịch coronavirus bước sang năm thứ ba, liệu Trung Quốc vẫn muốn bị cô lập với phần còn lại của thế giới? Liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có bảo đảm nhiệm kỳ thứ ba nắm quyền như dự đoán, và quan trọng hơn là hai yếu tố này có dẫn đến việc thắt chặt kiểm soát người dân hơn nữa và ông Tập sẽ sẵn sàng đi đến đâu sau khi được tín nhiệm? Rồi vị trí của Trung Quốc trên trường thế giới và mối quan hệ của Bắc Kinh với phương Tây có xấu hơn hiện nay? Sau đây là năm “trọng điểm” cần quan sát ở Trung Quốc trong năm 2022.

1. Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh

Đến Tháng Hai, Bắc Kinh lại là điểm nóng thể thao toàn cầu khi trở thành thành phố đầu tiên của thế giới đăng cai cả Thế vận hội Mùa Hè và Mùa Đông. Nhưng sự tương phản giữa hai Thế vận hội là rõ ràng. Trong khi Thế vận hội Mùa Hè 2008 được nhiều người gọi là “Bữa tiệc chuẩn bị giới thiệu Trung Quốc trên sân khấu thế giới” (ca khúc chủ đề chính có tựa “Bắc Kinh chào đón bạn”) diễn ra tưng bừng, thì Thế vận hội Mùa Đông 2022 sẽ được tổ chức khiêm tốn trong “bong bóng Covid-an toàn kín mít”, cô lập những vận động viên và người tham gia khỏi cộng đồng rộng lớn dân bản địa.

Như Thế vận hội Mùa Hè Tokyo đã chứng minh, việc tổ chức một sự kiện thể thao quốc tế lớn trong đại dịch không hề dễ dàng. Đối với Trung Quốc, điều đó càng khó hơn khi nước này vẫn áp dụng chính sách “zero-Covid” với quyết tâm tiêu diệt virus trong biên giới của mình.

Nhưng không chỉ có coronavirus mà các quan chức Trung Quốc còn giám sát chặt chẽ những người tham gia để ngăn chặn tức thì bất kỳ hành vi phản đối nào. Các nhà hoạt động từ lâu đã kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh để phản đối vi phạm nhân quyền ở hai lãnh thồ bị trị Tân Cương và Tây Tạng, cũng như cuộc đàn áp chính trị tại Hong Kong.

Việc Bắc Kinh gần đây im lặng trước những cáo buộc tấn công tình dục của ngôi sao quần vợt Peng Shuai chống lại một cựu lãnh đạo cấp cao chỉ làm “nặng” thêm lời kêu gọi tẩy chay. Hiện Mỹ và một số đồng minh đã tuyên bố tẩy chay Thế vận hội về mặt ngoại giao. Dù các vận động viên từ những quốc gia tẩy chay vẫn được phép tham dự, nhưng vẫn có khả năng một số sẽ lên tiếng. Đó chính là điều Trung Quốc phải đề phòng.

Một cuộc biểu tình tẩy chay Thế vận hội Mùa Đông 2022 (Beijing Winter Games 2022) tại Đài Bắc, Đài Loan, ngày 10 Tháng Mười Hai 2021 (ảnh: Ceng Shou Yi/NurPhoto/Getty Images)

2. Chính sách “zero-Covid” kéo dài qua năm 2022

Khi đợt bùng phát coronavirus mới xảy ra sau những đợt đóng cửa tốn kém, câu hỏi về tính bền vững của chiến lược “zero-Covid” đầy tham vọng của Trung Quốc lại được đặt ra. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng thay đổi hướng đi mà các nỗ lực tiêu diệt virus còn được tăng cường trong thời gian dẫn đến Thế vận hội.

Tại Tây An, thành phố cổ phía Tây Bắc, 13 triệu cư dân đã bước sang tuần thứ hai bị giam giữ tại nhà vì đại dịch khi chính quyền chật vật kiềm chế đợt bùng phát cộng đồng lớn nhất nước kể từ tâm chấn đầu tiên Vũ Hán, nơi 11 triệu người bị phong toả vào đầu năm 2020.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương dường như không chuẩn bị tốt hậu cần. Trên mạng xã hội Weibo tràn ngập tiếng kêu cứu của người dân đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và các nguồn cung thiết yếu khác vì các cửa hàng đóng cửa và phương tiện cá nhân bị cấm ra đường.

Khả năng tiếp cận y tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề (một sinh viên đại học than phiền cô bị sáu bệnh viện từ chối điều trị sốt). Đối với nhiều người, phong toả Tây An làm gợi lại ký ức đau buồn về những ngày đầu đen tối của đại dịch khi cuộc sống bị tàn phá bởi hỗn loạn và thất vọng.

Hàng ngàn người tạm biệt năm 2021 bằng cách bình luận trên tài khoản Weibo không còn hoạt động của bác sĩ Li Wenliang, người bị cảnh sát Vũ Hán trừng phạt vì phát ra tiếng chuông cảnh báo về coronavirus. “Chào bác sĩ Li, đã hai năm rồi nhưng người ở nước ngoài vẫn không thể trở về nhà, và người ở nhà vẫn bị nguy cơ thiếu lương thực” – một bình luận viết.

Ngày 30 Tháng Mười Hai, 2019 là ngày Li biết về sự tàn phá của coronavirus mới và chia sẻ thông tin với các đồng nghiệp. Kể từ khi ông qua đời, nhiều người vẫn đăng bài trên tài khoản của ông. Một số người hy vọng Trung Quốc sẽ giảm bớt cách tiếp cận không khoan nhượng sau Thế vận hội Mùa Đông, nhưng số khác cho rằng cuộc họp quan trọng của Đảng Cộng sản vào mùa Thu là lý do để kéo dài chính sách “zero-Covid”.

Minh hoạ: Food Navigator Asia

3. Nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình

Có rất nhiều chỉ dẫn cho thấy ông Tập sẽ chắc chắn có thêm nhiệm kỳ thứ ba khi Đảng Cộng sản đại hội vào mùa Thu này. Ông Tập, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập niên, đã bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ và đưa tư tưởng chính trị cùng tên của mình vào hiến pháp.

Năm 2021, ông Tập đã tiến thêm một bước nữa, với việc thông qua một nghị quyết mang tính bước ngoặt đặt ông vào cùng vị thế với người cha sáng lập Trung Quốc hiện đại Mao Trạch Đông và nhà lãnh đạo cải cách Đặng Tiểu Bình để bảo đảm quyền cai trị không thể tranh cãi của ông Tập trong một nhà nước độc đảng. Kể từ Mao và Đặng, rất ít lãnh đạo Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn như thế đối với cuộc sống của 1.4 tỷ người dân Trung Quốc.

Dưới thời ông Tập, đảng đã siết chặt kiểm soát mọi mặt của xã hội, từ nghệ thuật, văn hóa đến trường học và kinh doanh. Đảng trấn áp hoàn toàn những tiếng nói chỉ trích trong xã hội, xóa dần danh sách những ngôi sao lớn nhất Trung Quốc và mở rộng mức độ xâm phạm đời tư người dân.

Tập cũng tiến hành cuộc chiến ý thức hệ chống lại cái mà ông ta gọi là “Sự xâm nhập của các giá trị phương Tây” (chẳng hạn như dân chủ, tự do báo chí, độc lập tư pháp) và xiển dương “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi”, kích động người dân nghi ngờ và thù địch phương Tây.

Tuy nhiên, dù tầm nhìn của ông Tập không giống với những người tin rằng đất nước của họ sẽ trở nên cởi mở hơn và kết nối hơn với thế giới (như từng diễn ra nhiều năm sau chính sách cải cách và mở cửa của ông Đặng) thì trong mắt ông Tập và những người ủng hộ ông, Trung Quốc chưa bao giờ tiến gần đến “giấc mơ” trẻ hóa đất nước, và tích lũy được sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế như hiện nay.

4. Năm 2022 nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ gặp các thách thức lớn

Trung Quốc được xem là có nền kinh tế đầu tiên trên thế giới phục hồi sau đại dịch, nhưng con đường phía trước có vẻ khá bấp bênh. Trung Quốc đang phải đối mặt với một số vấn đề đau đầu đe doạ nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, từ việc Covid-19 lặp đi lặp lại đến gián đoạn chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo từ 2021 sang.

Năm 2021, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng đáng kể, khoảng 7.8%, nhưng đến năm 2022 tình hình sẽ khác, khi các ngân hàng lớn cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 4.9% đến 5.5%. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng chậm thứ hai kể từ năm 1990.

Điều ám ảnh nhất tâm trí ông Tập vào lúc này là làm sao giữ cho đất nước hoạt động ổn định trước nhiệm kỳ lịch sử thứ ba gần như chắc chắn xảy ra. Có chỉ dẫn cho thấy ông Tập sẽ tập trung nhiều vào các vấn đề trong nước hơn bất kỳ tham vọng quốc tế lớn nào. Ông Tập không ra đất nước từ khi bắt đầu đại dịch nhưng các nhà phân tích cho rằng ông ta không thể xem nhẹ thế giới bên ngoài vì Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các trung tâm tài chính quốc tế về đầu tư, công nghệ và thương mại.

Minh hoạ: TFXI

5. Vị trí của Trung Quốc trên Thế giới

Trong những ngày đầu của đại dịch, Bắc Kinh hy vọng biến cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu thành cơ hội để nâng cao hình ảnh bằng cách gửi khẩu trang và các nguồn lực y tế khác đến nhiều quốc gia có nhu cầu và cam kết sẽ biến vaccine Covid-19 do Trung Quốc chế tạo thành “hàng hóa công cộng miễn phí” toàn cầu.

Nhưng thực tế không diễn ra đúng hoàn toàn như Bắc Kinh mong muốn. Trong khi việc Trung Quốc nhanh chóng ngăn chặn thành công virus đã giành được sự ủng hộ của người dân trong nước, danh tiếng quốc tế của nó đã giảm mạnh do xử lý sai khi đại dịch mới bùng phát ở Vũ Hán, thông tin không đúng ra nước ngoài cùng với các cuộc đàn áp đối với người dân Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong và thái độ ứng xử “nước lớn” đối với các quốc gia láng giềng.

Theo cuộc khảo sát năm 2021 của Pew Research Service, quan điểm không thuận lợi về Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục tại 17 quốc gia phát triển nhất thế giới: 88% ở Nhật Bản, 80% ở Thụy Điển, 78% ở Úc, 77% ở Hàn Quốc và 76% ở Hoa Kỳ.

Các nhà phân tích cho rằng sự vắng mặt của ông Tập trên sân khấu toàn cầu đã khiến Trung Quốc bị cô lập với phần còn lại của thế giới và làm lu mờ hình ảnh của chính ông ta. Niềm tin vào ông Tập hiện ở mức gần như mức thấp nhất tại hầu hết các nơi được khảo sát. Ở tất cả 17 quốc gia, trừ Singapore, đa số người dân có rất ít hoặc không tin tưởng vào lãnh đạo Trung Quốc. Ở Úc, Pháp, Thụy Điển và Canada, số người “không tin tưởng gì cả” chiếm trên 50%.

Trong suốt năm 2021, quan hệ của Trung Quốc với Mỹ ngày càng xấu đi, một phần vì căng thẳng Đài Loan leo thang. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác cùng chí hướng ở châu Âu và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nỗ lực này sẽ tăng tốc trong năm 2022.

Các nhà tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều lần ca ngợi ông Tập là “Người đã đưa Trung Quốc đến gần trung tâm thế giới hơn bao giờ hết”, nhưng liệu Trung Quốc có muốn ở đó một mình hay không thì còn phải chờ ông Tập và đảng của ông trả lời sau khi ông tái nhiệm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: