Ai sẽ kế vị Tập Cận Bình?

Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images
Share:

Khi bước sang tuổi 70 vào Tháng Sáu, Tập Cận Bình đã loại bỏ thành công tất cả các đối thủ tiềm tàng (ít nhất là đến thời điểm này) khỏi danh sách kế vị. Và nếu ông không tìm ra người kế vị, Trung Quốc có thể rơi vào bất ổn, ảnh hưởng đến trật tự toàn cầu.

Bài toán khó của Trung Quốc

Trong triều đại cuối cùng của TQ, các hoàng đế nhà Thanh đã thiết triều tại Kiền Thanh Cung (乾清宫, Palace of Heavenly Purity), một tòa lâu đài uy nghiêm với những bức tường đỏ và mái ngói tráng men màu vàng nằm sâu bên trong Tử Cấm Thành của thành phố Bắc Kinh. Hoàng đế sẽ tham vấn các cận thần và tiếp khách trong sảnh chính xa hoa (ngày nay du khách vẫn có thể nhìn thấy), nơi ngai vàng đặt trên một chiếc bục được trang trí những họa tiết tinh vi. Phía trên ngai vàng treo một tấm bảng nằm ngang che giấu bí mật nhạy cảm nhất của hoàng gia: Danh tính của vị hoàng đế tiếp theo.

Tục lệ bắt đầu từ vua Ung Chính (Yongzheng Emperor), người lên ngôi nhà Thanh vào năm 1722 và dựa vào kinh nghiệm cay đắng của ông khi tranh giành quyền lực với nhiều anh em lúc vua cha còn sống. Giải pháp của Ung Chính là chọn một người thừa kế nhưng danh tính người đó chỉ được tiết lộ sau khi ông qua đời, một sự lựa chọn mà các triều thần sẽ xác minh bằng cách so sánh hai bản sao của sắc lệnh (một bản được giữ sau tấm bảng và bản kia trên người của hoàng đế).

Ung Chính tin rằng, bằng cách này, người đương nhiệm có thể giảm thiểu rủi ro đấu đá công khai giữa những người kế vị tiềm năng, tránh để người kế vị trở thành một con “vịt què” (lame duck) và ngăn chặn kẻ tận dụng cơ hội chiếm đoạt quyền lực. Ba thế kỷ sau, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của TQ kể từ Mao Trạch Đông có vẻ ủng hộ bí mật tương tự. Tập Cận Bình được tự do quyết định ai sẽ kế nhiệm mình và khi nào, nhưng ông từ chối tiết lộ vai trò này khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba Tổng Bí thư Đảng Cộng sản vào năm ngoái.

Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images

Họ Tập đã đảo ngược nỗ lực của những người tiền nhiệm với chu kỳ lãnh đạo không quá 10 năm, đồng thời chỉ chấp nhận các đồng minh nào không có đủ sự kết hợp cần thiết giữa tuổi tác và kinh nghiệm để có thể nổi lên như người kế vị khả thi. Đối với Tập, đây là một bí ẩn được thiết kế sẵn. Sự không rõ ràng về kế hoạch kế nhiệm khiến giới chóp bu trong đảng phải luôn cảnh giác, vừa giúp Tập duy trì quyền kiểm soát vừa cho ông ta thời gian để tìm ra những người thừa kế tiềm năng.

Nhưng kéo dài sự chờ đợi quá lâu có thể gây tác dụng ngược, khiến những người được bảo trợ xa lánh và những kẻ thù đủ mạnh để làm suy yếu lãnh đạo hoặc thậm chí gieo mầm mống cho một cuộc đảo chính. Tập Cận Bình, người có gia đình phải chịu đựng thăng trầm của cuộc đấu đá nội bộ trong đảng dưới thời Mao, biết quá rõ những rủi ro như thế. Ông cũng biết một cuộc khủng hoảng kế nhiệm thế kỷ 21 ở TQ sẽ gây ra chấn động dây chuyền trong nước và toàn cầu.

Cách thiết kế một sự kế vị suôn sẻ của họ Tập có thể quyết định tầm nhìn về một TQ trẻ hóa của ông có thật hay chỉ là lời nói suông. Đảng đề cao Tập Cận Bình là “nhân tố cốt lõi của sự phục hưng TQ” và xem phong cách mạnh mẽ của ông ta như “một lực lượng ổn định trong một thế giới đầy biến động”. Trong cương vị lãnh đạo, Tập dường như đã xác định được vị trí cao quý của mình trong lịch sử, được ghi công cho tất cả các chính sách lớn và sự thành công của quốc gia. Nhưng sự kiểm soát từ trên xuống của ông cũng làm mất tính chủ động và linh hoạt, đồng thời khuyến khích sự tuân thủ như “vẹt” và phát sinh thói quan liêu.

Ngay cả bản thân Tập cũng phàn nàn có những cái không thể đạt được tiến bộ nếu ông không can thiệp bằng mệnh lệnh trực tiếp. Tập Cận Bình có thể đã mang lại vẻ bề ngoài của sự cai trị ổn định, nhưng sự ổn định không đồng nghĩa với khả năng đảo ngược tình thế. Như đã được chứng minh bằng sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Nhiều người ở phương Tây không ngờ một chính phủ có vẻ mạnh mẽ vẫn có mong manh một cách đáng kinh ngạc khi rơi vào bất ổn. “Đảng của chúng ta là đảng chính trị lớn nhất thế giới – ông Tập từng nói với thuộc cấp – Tôi nghĩ kẻ duy nhất có thể đánh bại chúng ta là… chính chúng ta, không ai khác!”.

Ảnh: Thomas Peter – Pool/Getty Images

“Mật mã” kế vị

Nhưng bằng cách cấu trúc lại đảng xung quanh mình, Tập Cận Bình có nguy cơ trở thành mắt xích yếu nhất trong mục tiêu xây dựng một siêu cường TQ. Tập đối mặt với một bài toán hóc búa thời nào cũng có mà các học giả gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan của người kế nhiệm”. Những người chuyên quyền thường thích cài đặt kẻ kế vị đáng tin cậy để duy trì di sản của mình và bảo vệ lợi ích của mình trước khi nghỉ hưu.

Nhưng kẻ được chọn cũng phải sớm xây dựng cơ sở quyền lực riêng trước khi “nối ngôi”, nếu muốn tránh bị phế truất hoặc trở thành một thứ bù nhìn sau đó. Khi người kế vị rõ ràng xuất hiện, giới tinh hoa chính trị sẽ bắt đầu chuyển dần lòng trung thành của họ (một tính toán có thể làm suy yếu lãnh đạo đương nhiệm và mối lo người thừa kế âm mưu chiếm đoạt quyền lực).

Các nhà lãnh đạo chuyên chế cũng phải lường trước hậu quả nghiêm trọng nếu họ vô tình mất quyền lực. Ngay cả những nhà độc tài nghỉ hưu theo đúng nhiệm kỳ cũng có ít sự đảm bảo cho sự an toàn, ngoài việc duy trì được mối quan hệ tốt với người kế vị.

Trong một nghiên cứu năm 2010, hai nhà khoa học chính trị Alexandre Debs và H.E. Goemans đã xem lại số phận của hơn 1,800 nhà lãnh đạo chính trị trên toàn thế giới thuộc nhiều chế độ chính trị, từ cuối thập niên 1910 đến đầu thập niên 2000. Kết quả, khoảng 41% trong số 1,059 nhà độc tài phải chịu lưu đày, bỏ tù hoặc tử hình trong vòng một năm sau khi rời nhiệm sở, so với chỉ 7% trong số 763 nhà lãnh đạo dân chủ gặp hoàn cảnh tương tự – dẫn lại từ Wall Street Journal.

Một đánh giá của nhà khoa học chính trị Vương Dụ Hoa (Yuhua Wang) về 282 vị hoàng đế trị vì 49 triều đại TQ đã phát hiện ra những vị quân vương chỉ định người thừa kế ít có khả năng bị phế truất hơn nhiều so với những người không chỉ định. TQ đã trải qua nhiều bi kịch chuyển giao quyền lực kể từ chiến thắng của Đảng Cộng sản năm 1949. Trong thời kỳ cai trị thất thường của Mao, một người kế vị đã bị thanh trừng và tra tấn trước khi chết trong tù, trong khi một người khác (Lâm Bưu) thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay sau khi bị cáo buộc tiến hành một nỗ lực thất bại để nắm quyền.

Mao đã nói với các cộng sự thân cận nhân sinh nhật thứ 73 của mình, những kẻ thù phản bội cuộc cách mạng và di sản của ông nằm sâu bên trong đảng, vì soán ngôi từ bên trong là dễ nhất. Hoa Quốc Phong, người kế vị cuối cùng được Mao chọn đã phải đánh bại phe tiếm quyền Tứ nhân bang do vợ của Mao lãnh đạo trước khi bị Đặng Tiểu Bình lật đổ. Dù Đặng đã phát triển các tiêu chuẩn về chia sẻ quyền lực và nghỉ hưu theo nhiệm kỳ, nhưng cuối cùng cũng phải thanh trừng hai người được ông bảo trợ và thống trị chính trị cho đến khi ông qua đời vào năm 1997.

Một thời gian sau đó, có vẻ TQ dường như đã giải được “mật mã” kế vị. Sự ra đi của Đặng chỉ khơi dậy cảm xúc nhưng không gây xáo trộn chính trị, với người kế nhiệm là Giang Trạch Dân đảm nhận tốt vai trò tổng bí thư. Hai cuộc chuyển giao lãnh đạo tiếp theo cũng diễn ra tương đối êm ả (dù có một số âm mưu trong quá trình) khiến một số học giả tin rằng, cuối cùng Đảng Cộng sản TQ cũng có khả năng chuyển tiếp lãnh đạo (được công bố trước) một cách hòa bình.

Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images

“Một mình một chợ”

Nhưng mọi thứ đã thay đổi từ thời Tập Cận Bình. Kể từ khi trở thành tổng bí thư đảng vào năm 2012, Tập đã xây dựng được uy tín cá nhân ở mức độ chưa từng thấy kể từ thời Mao. Ông tự phong là “nhà lãnh đạo cốt lõi” của đảng và là “nhà lý thuyết đương thời vĩ đại nhất”, đảm bảo ông luôn là “nhà chính trị ưu việt” của TQ cho đến khi qua đời. Tập đã loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ chủ tịch nước (mang tính nghi thức) và đảo ngược các tiêu chuẩn về hưu do những người tiền nhiệm mất nhiều công sức đặt ra và xóa sạch những cải cách chính trị quan trọng nhất của thời kỳ hậu Mao.

Nhưng ở TQ bóng ma tranh giành quyền lực vẫn là ký ức sống động đối với những người sống qua thời đại Mao và Đặng. Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết cũng là bài học rất lớn. Tập Cận Bình công khai đổ lỗi sự sụp đổ một phần là tìm người kế vị cẩu thả đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của những lãnh đạo yếu kém người không đủ bản lĩnh để cứu chế độ. Khi họ Tập nhậm chức lãnh đạo đảng nhiệm kỳ hai năm 2017, ông đã từ chối đề cử người kế nhiệm tiềm năng vào cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng: Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Đây là dấu hiệu rõ ràng đầu tiên cho thấy ông chuẩn bị giữ quyền lực ngoài chu kỳ lãnh đạo 10 năm mà những người tiền nhiệm đã đặt ra.

Quy chuẩn của đảng về “Tư tưởng Tập Cận Bình” cũng được thông qua vào năm đó, biến lời nói của ông thành “thánh thư”. Sau đó, Tập bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào mùa xuân năm sau, gây ngạc nhiên thậm chí cả các đảng viên.  Trên giấy tờ, đảng cấm nhiệm kỳ trọn đời. Điều lệ đảng quy định các cán bộ ở các vị trí lãnh đạo “không được giữ chức vụ suốt đời và có thể bị điều động, bị cách chức”.

Ngoài ra còn quy định cấm một người nắm một vị trí lãnh đạo cụ thể quá 10 năm, hoặc ở cùng các cấp độ ngang hàng quá 15 năm. Nhưng những hạn chế đó dường như không còn nữa vào năm 2022 khi Tập được hưởng điều mà các quan chức ca ngợi là “sự ủng hộ nhất trí ông đảm nhận nhiệm kỳ tổng bí thư đảng lần thứ ba”.

Một yếu tố quan trọng khác trong kế hoạch tìm người kế nhiệm của họ Tập là ông tin rằng mình cần bao nhiêu thời gian để đạt được các mục tiêu. Dù sẽ 74 tuổi vào cuối nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba năm 2027, nhưng Tập vẫn trẻ hơn Giang Trạch Dân hai tuổi khi Giang thôi giữ chức tổng bí thư vào năm 2002. Một số người trong đảng nói Tập có thể chọn ở lại cho đến ít nhất là năm 2035, ngày hoàn thành một số mục tiêu “ấp ủ” của ông, gồm phát triển kinh tế và hiện đại hóa quân đội. Lúc đó Tập sẽ 82 tuổi, bằng tuổi của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối nhiệm kỳ này.

__________________

“Những cuộc đấu tranh của giới tinh hoa trong các chế độ Marx-Lenin giống như một cuộc đấu dao với những luật lệ khác thường. Những cuộc đấu tranh giành quyền kế vị đã làm đảo lộn nền chính trị ở cả hai quốc gia, nơi những người chiến thắng đã từ chối chế độ chuyên quyền và xây dựng các cấu trúc quyền lực mới mà họ hy vọng sẽ không khuất phục trước sự cai trị của một người. Cả Stalin và Mao, bằng tất cả sức mạnh của họ, đều không thể đảm bảo hệ thống cai trị của họ tồn tại lâu hơn họ. Nói vậy để thấy, mối đe dọa lớn nhất đối với di sản của một kẻ chuyên chế là chính bản thân ông ta” – Nhà sử học Joseph Torigian (người từng viết một cuốn sách phân tích các cuộc đấu tranh kế vị tại Liên Xô và TQ sau cái chết của Stalin và Mao).

__________________

Có một số dấu hiệu cần theo dõi để thấy kế hoạch kế vị đang hình thành. Để đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ, Tập sẽ cần chuẩn bị cho bất kỳ người kế nhiệm tiềm năng nào có được chỗ trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị; một người nữa làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương và một người làm phó chủ tịch nước. Một số người trong cuộc nhận định rằng Tập có thể phục hồi chức danh chủ tịch đảng (như của Mao), một chức vụ có thể giữ suốt đời, để giao lại các trách nhiệm hàng ngày cho người thừa kế được ông chọn. Vậy ai có thể kế vị Tập?

Nhiều sự chú ý đổ dồn vào các quan chức cấp cao sinh vào thập niên 1960, tức trẻ hơn khoảng 10 tuổi so với nhóm sinh vào thập niên trước như ông Tập. Hiện một số người được ông gọi là “người sau 60 tuổi” đang nắm giữ các chức vị cao (gồm ba trong bốn phó thủ tướng và bí thư đảng ủy của bốn thành phố trực thuộc trung ương là Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Trùng Khánh). Tuy nhiên, trong việc mở rộng triều đại của mình, họ Tập có thể tìm những người thừa kế tiềm năng từ lứa quan chức trẻ hơn.

Không bị ràng buộc bởi giới hạn nhiệm kỳ, Tập có thể muốn bao lâu tùy ý để quyết định ai sẽ kế vị. Ông nói với các quan chức vào năm 2018: “Hiện thực hóa mục tiêu trẻ hóa đòi hỏi phải vun đắp qua nhiều thế hệ những người kế vị đáng tin cậy”. Theo một nhà nghiên cứu từng thảo luận vấn đề kế vị với các quan chức tình báo phương Tây, các cơ quan tình báo nước ngoài đang tăng cường giám sát sức khỏe của Tập (một bí mật nhà nước được giữ kín) từ sau khi ông bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2018.

Ảnh: Mark Schiefelbein-Pool/Getty Images

“Mối quan tâm là đảng không có một kế hoạch kế vị được cân nhắc kỹ lưỡng. Chúng ta cũng không thể biết ông Tập sẽ làm gì” – nhà nghiên cứu nói. Không có quy trình rõ ràng và ít tiền lệ có thể áp dụng nếu Tập đột ngột ra đi (qua đời, bệnh tật hay từ chức). Về lý thuyết, Ủy ban Trung ương sẽ họp bầu ra một tổng bí thư và chủ tịch quân ủy mới, trong khi phó chủ tịch nước sẽ đảm nhận chức chủ tịch.

Trên thực tế, nếu không có người thừa kế được chỉ định với sự ủng hộ rộng rãi của giới tinh hoa trong đảng, quá trình lựa chọn người kế vị có thể gặp nhiều khó khăn về mặt chính trị. Khi sức khỏe và khả năng của Mao suy yếu trong những năm cuối đời, những lực lượng đối địch đã chống lại nhau khi tranh giành sự ủng hộ của Mao như người thừa kế được chọn.

Tập Cận Bình hầu như không có “trung tâm quyền lực” để bảo vệ quyền lực của mình. Tương tự Mao và Đặng, ông ta đã phá bỏ các trung tâm quyền lực, đe dọa các đối thủ tiềm năng và làm suy yếu ngay cả những đồng chí thân thiết dù họ không tỏ ra là mối đe dọa nghiêm trọng hoặc có tham vọng thách thức nhà lãnh đạo. Họ Tập đã sử dụng các cuộc điều tra kỷ luật đảng đối với các đối thủ, đôi khi trực tiếp nhưng thường chỉ đơn giản là hạ gục họ bằng cách phá vỡ mạng lưới chính trị của họ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: