Chụp mũ gián điệp, Trung Quốc bắt bớ vô pháp người nước ngoài

Trung Quốc luôn hành xử thiếu tôn trọng và thậm chí vô văn hóa trong mối quan hệ với Nhật. Trong ảnh là cảnh dân Trung Quốc phản ứng trước Công viên trung tâm Shinjuku ở Tokyo vào ngày 1 Tháng Bảy 2021 (ảnh: Takashi Aoyama/Getty Images)

Chế độ cộng sản Bắc Kinh luôn hành xử vô pháp vô thiên. Nhiều nạn nhân người nước ngoài đã bị chụp mũ “gián điệp” mà không có bằng chứng và bị bắt giam mà không xét xử gì và không ai biết họ chừng nào được thả.

Hiroshi Nishiyama – một giám đốc điều hành kỳ cựu người Nhật Bản làm việc tại Astellas Pharma Inc. và là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất cộng đồng doanh nghiệp Nhật làm việc tại Trung Quốc – bắt đầu chuẩn bị thu xếp mọi thứ vào cuối Tháng Ba 2023 để trở về nhà. Tuy nhiên, Hiroshi Nishiyama không thể rời khỏi Trung Quốc. Ông “biến mất”. Vài ngày sau, Bộ Ngoại giaoTrung Quốc loan tin ông làm “gián điệp” và bị bắt.

Vụ việc là một trong chuỗi sự kiện làm dấy lên mối lo ngại mới giữa các công ty nước ngoài về sự an toàn của nhân viên; và mức độ khả tín từ các cam kết Bắc Kinh về việc Trung Quốc luôn mở rộng cửa cho hoạt động kinh doanh và trọng thị giới doanh nhân nước ngoài. Wall Street Journal ngày 28 Tháng Tư 2023 cho biết, những tuần gần đây, chính quyền Trung Quốc đã thẩm vấn nhân viên tại công ty tư vấn Bain & Co. của Mỹ; và đột kích văn phòng của công ty thẩm định Mintz Group (Mỹ) khi bắt giữ cả năm nhân viên của công ty này.

Cuối Tháng Tư 2023, Trung Quốc đã thông qua bản cập nhật mở rộng liên quan luật chống gián điệp nhằm thắt chặt kiểm soát nhà nước đối với một lượng lớn dữ liệu và hoạt động kỹ thuật số, khiến nhiều hành vi kinh doanh thông thường từ giờ có thể bị hiểu sai hoặc trình bày sai thành hoạt động gián điệp. Với Nhật, các công ty Nhật luôn đối mặt với thách thức gia tăng từ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo. Trung Quốc đã bắn một tên lửa về phía Nhật trong cuộc tập trận xung quanh Đài Loan vào năm 2022, trong bối cảnh Nhật ngày càng hợp tác sát sườn với Mỹ nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với chip máy tính và thiết bị cần thiết để sản xuất chip.

Theo Wall Street Journal, giới doanh nhân Nhật ở Bắc Kinh cho biết họ phải cẩn thận khi tổ chức các cuộc họp hoặc trao đổi quan điểm và thông tin, trong bối cảnh họ cảm thấy không rõ Trung Quốc bày trò gì khi vạch ra ranh giới giữa các hoạt động được phép và không được phép. Các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật ở Trung Quốc nói rằng hoạt động kinh doanh có thể đình trệ khi họ ngày càng không chắc chắn về những gì mà họ có thể hoặc không thể làm.

Ngày 4 Tháng Tư 2023, Kengo Sakurada, người đứng đầu nhóm vận động hành lang kinh doanh Hiệp hội các nhà điều hành doanh nghiệp Nhật Bản, cho biết: “Việc dự đoán tình hình ngày càng trở nên không rõ ràng và các công ty buộc phải thận trọng hơn về nhiều mặt”. Đại sứ quán Nhật đã tăng cường cảnh báo về “cái gọi là hành vi gián điệp” của Bắc Kinh sau vụ bắt giữ Hiroshi Nishiyama, và nói thêm rằng việc “định nghĩa” như thế nào là gián điệp vẫn chưa rõ ràng và chính quyền Trung Quốc có thể chụp mũ vô tội vạ với các hành vi chẳng hạn tìm kiếm bản đồ hoặc tiến hành các cuộc khảo sát thuần túy nghiên cứu học thuật hoặc địa chất học mà chưa xin phép. Đại sứ quán Nhật cũng cảnh báo rằng điện thoại di động, máy tính, email và các ứng dụng nhắn tin như WeChat có thể bị nghe lén và đọc trộm.

Một nhà nghiên cứu tại một công ty thương mại nước ngoài cho biết công ty ông phải thận trọng hơn trong việc thu thập thông tin, đặc biệt khi liên lạc trực tiếp với những nhân vật được đánh giá là “nhạy cảm”, chẳng hạn những người có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong trường hợp Hiroshi Nishiyama, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật, Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao), đã thừa nhận ông Nishiyama đang bị giam giữ, tại cuộc họp báo ngày Thứ Sáu ở Tokyo. “Vấn đề cốt lõi, đây là một vụ án gián điệp liên quan đến an ninh quốc gia Trung Quốc, và bằng chứng ngày càng trở nên thuyết phục,” Ngô Giang Hạo nói. “Thẳng thắn mà nói, đó là sự vi phạm chủ quyền Trung Quốc, không phải là sự giam giữ phi lý những người từ phía Nhật Bản,” đồng thời cho biết thêm Trung Quốc hoan nghênh “các hoạt động kinh tế bình thường và thân thiện với vòng tay rộng mở”.

Loạt sự cố gần đây xảy ra trong bối cảnh giới lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Lý Cường, đang trấn an các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài rằng Trung Quốc luôn là nơi an toàn cho các dự án đầu tư từ nước ngoài mà họ cần để thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật, Giám đốc điều hành Astellas -Hiroshi Nishiyama- là công dân Nhật Bản thứ 17 bị an ninh tình báo Trung Quốc bắt kể từ năm 2015. Bốn nhân viên của Công ty Khảo sát Địa vật lý NC (NC Geophysical Survey Co) đã bị bắt tại Trung Quốc vào năm 2017 cùng với hai người từ một công ty khác. Lúc bị bắt, họ đang kiểm tra lớp đá ở Hải Nam và Sơn Đông để tìm các nguồn suối nước nóng. Bốn người bị giam vài tháng, một người bị kết án 15 năm tù và một người khác bị kết án 5 năm rưỡi.

Koichi Ishigaki, một trong ba giám đốc điều hành của NC Geophysical Survey Co, cho biết lý do họ trở thành mục tiêu là không rõ ràng nhưng ông suy đoán rằng vụ việc có thể liên quan đến những tấm bản đồ mà họ đang mang theo. NC Geophysical Survey Co đã gửi nhân viên đến Trung Quốc cho các dự án khảo sát đất đai hàng chục lần trong ba thập niên.

Trung Quốc là điểm đến nước ngoài lớn thứ hai của công dân Nhật sau Mỹ, với hơn 102,000 người Nhật sống ở nước này, theo dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Nhật. Bộ Ngoại giao Nhật cho biết hơn 31,000 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc, tính đến năm 2021; trong đó có không ít công ty khổng lồ như Toyota Motor Corp., Hitachi Ltd. và Panasonic Holdings Corp. Những công ty khác bao gồm ngân hàng, công ty thương mại và năng lượng.

Astellas là một trong những công ty dược phẩm lớn nhất Nhật, nổi tiếng với thuốc trị ung thư tuyến tiền liệt Xtandi và thuốc trị ung thư bàng quang Padcev. Thị trường Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong chiếm khoảng 5% doanh thu Astellas. Ông Hiroshi Nishiyama từng là Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc, tiếp xúc thường xuyên giới chức cấp cao của các địa phương. Ông Nishiyama đã làm việc tại Trung Quốc khoảng 20 năm với nhiều vị trí cho Astellas. Theo Kenji Minemura, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu của Canon, vai trò của Hiroshi Nishiyama bao gồm nhập khẩu và xuất khẩu nguyên liệu thuốc, bán thuốc nhập khẩu và thành lập nhà máy.

Ngày 19 Tháng Ba, ngay trước chuyến đi dự kiến trở lại Nhật, ông Hiroshi Nishiyama đăng một bài thơ của Mai Nghiêu Thần (Mei Yaochen), thi sĩ thời Tống (thế kỷ 11), trên tài khoản WeChat của ông. Bài thơ bắt đầu bằng câu, “Trên đường trở về nhà của một người bạn cũ,” với phần tiếp theo mô tả cảnh uống rượu với một người bạn trong đêm tuyết rơi lạnh giá, và rằng những kỷ niệm nên được trân trọng, vì thời gian luôn trôi qua nhanh. Cuối bài thơ, người bạn về nhà trong bóng tối, cưỡi ngựa trong cơn bão tuyết. “Sáng hôm sau, dấu chân ngựa biến mất,” bài thơ kết thúc. Đó cũng là post cuối cùng của Hiroshi Nishiyama trên tài khoản WeChat.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: