H.C.
Trong lúc những trận mưa tầm tã ở Trung Quốc tiếp tục gây nguy hiểm cho hơn 24 tỉnh thành, chuyên gia thủy văn nổi tiếng Trung Quốc Vương Duy Lạc (王維洛) đặt nghi vấn về sự an toàn của đập Tam Hiệp khổng lồ, cảnh báo nó có thể vỡ bất cứ lúc nào, theo tường thuật của báo Đài Loan Taiwan News.
Ở miền nam Trung Quốc, mưa bão và lở đất từ ngày 01-06 đến sáng nay thứ Hai 22-06 đã nhấn chìm hơn 7.300 ngôi nhà, ảnh hưởng tới cuộc sống của gần tám triệu người và gây thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 20,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2,9 tỷ USD), theo nhận định của các quan chức địa phương. Tại cuộc họp báo hôm 10-06, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Nước của Trung Quốc Diệp Kiến Xuân (葉建春)thừa nhận mực nước trên 148 dòng sông miền nam Trung Quốc đều đã vượt mức báo động.
Mưa không dứt và nước sông dâng cao cũng làm cho công chúng Trung Quốc thêm lo lắng về khả năng vỡ đập thủy điện lớn nhất thế giới. Mặc dù chính quyền trấn an rằng cấu trúc của đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử vẫn vững chắc nhưng ông Vương cho rằng đập nước khổng lồ này không ổn định, cũng không làm được chức năng kiểm soát lũ như chính phủ muốn người dân tin, theo báo New Talk của Đài Loan.
Do nước lũ lên nhanh và có khả năng vượt mức báo động 3 ở khu vực thượng nguồn của con đập, theo thông báo của trạm Giám sát Thủy văn Trùng Khánh, ông Vương cảnh báo cư dân ở vùng hạ du của sông Dương Tử phải chuẩn bị các phương tiện cứu sinh càng sớm càng tốt, hoạch định các lộ trình thoát hiểm bởi vì một khi đập Tam Hiệp vỡ, nước lũ sẽ tràn xuống Thượng Hải – nơi sông Dương Tử đổ ra biển, cách Vũ Hán khoảng 700 km, và quét sạch tất cả những gì cản đường đi của nó.
Ông Vương chỉ ra rằng công việc thiết kế, xây dựng và giám sát chất lượng công trình thủy điện khổng lồ này đều do một nhóm công ty thực hiện, vừa đá banh vừa thổi còi, và hoàn thành công trình trong thời gian ngắn kỷ lục nên phẩm chất của nó “có vấn đề”. Thay vì xác nhận tính xác thực của các hình ảnh chụp năm ngoái về sự biến dạng của đập Tam Hiệp, ông Vương nói ông lo lắng nhiều hơn tới các vết nứt trên thân đập và tình trạng bê-tông không đủ chuẩn trong quá trình xây dựng. Ông cho rằng, nếu đập Tam Hiệp bị vỡ, thảm họa sẽ hết sức khủng khiếp cho cư dân sinh sống ở hạ du sông Dương Tử và họ cần phải được di tản càng sớm càng tốt.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) mới đây, chuyên gia này cũng phê bình chính phủ và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã không thừa nhận mối nguy hiểm tiềm tàng của hồ chứa nước đập Tam Hiệp. Ông cho biết các nhà khoa học nói lên sự thật đều đã bị Bắc Kinh ghép tội hình sự và giam cầm khiến cho xã hội không có được những thông tin cần thiết.
Theo Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc CNTV, hồ chứa của đập Tam Hiệp vẫn đang tích nước và mực nước đã cao hơn hai mét so với mức ngăn lũ; nhưng Bắc Kinh vẫn trấn an dân chúng rằng đập rất an toàn.