ĐCSTQ họp hội nghị củng cố quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình

Xi Jinping
Tập Cận Bình có tham vọng trở thành một nhà lãnh đạo trọn đời, như một hoàng đế của đất nước Trung Quốc. Ảnh minh họa Wikipedia Commons.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu một cuộc họp kín bốn ngày có thể giúp Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giành được quyền lãnh đạo trọn đời.

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương ĐCSTQ kéo dài từ hôm nay Thứ Hai 8 Tháng Mười Một, đến hết ngày Thứ Năm 11 Tháng Mười Một, quy tụ gần 400 ủy viên chính thức và dự khuyết của Ban Chấp hành trung ương đảng – cơ quan lãnh đạo đầu não của đảng và đất nước Trung Quốc; họp tại khách sạn Tĩnh Tây (Jingxi) ở thủ đô Bắc Kinh.

Có rất ít thông tin chi tiết về nội dung của kỳ họp. Báo The South China Morning Post đưa tin rằng vào ngày cuối cùng của kỳ họp, các ủy viên sẽ bỏ phiếu thông qua một nghị quyết được Tân Hoa Xã gọi là “dự thảo nghị quyết về những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm nỗ lực của [đảng].” Truyền thông Trung Quốc gần đây đã đăng nhiều tin bài cho thấy nghị quyết sẽ “tổng kết” 100 năm hoạt động của ĐCSTQ và đề ra những phương hướng chính cho sự lãnh đạo của ĐCSTQ trong thời kỳ sắp tới mà ông Tập Cận Bình gọi là “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc”. Các phương tiện truyền thông nhà nước đã tuyên truyền rộng rãi trước cuộc họp với hàng loạt các bài báo mô tả chi tiết những thành tựu của ông Tập kể từ khi ông ta lên nắm quyền vào Tháng Mười Một năm 2012, tập trung nhiều vào kết quả kinh tế và niềm tự hào dân tộc.

Theo thông lệ, nghị quyết chắc chắn sẽ trở thành trọng tâm của một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ – trong trường học, trong văn hóa và luật kiểm duyệt – và sẽ định hình chính trị và xã hội của Trung Quốc trong nhiều thập niên sắp tới.

Đây là lần thứ ba một nghị quyết có tính chất này được đưa ra trước ủy ban trung ương. Trước đó, nghị quyết năm 1945 của Mao Trạch Đông đã loại bỏ các đối thủ của ông trong ĐCSTQ, còn nghị quyết năm 1981 của Đặng Tiểu Bình đánh giá thời kỳ lãnh đạo của Mao Trạch Đông, bác bỏ chủ nghĩa Mao và Cách mạng Văn hóa, đồng thời thiết lập lại đường lối kinh tế xã hội của Trung Quốc theo hướng kinh tế thị trường tự do kết hợp với độc quyền chính trị dưới sự lãnh đạo của Đặng.

Không giống như Mao và Đặng vào thời điểm họ có các nghị quyết tương ứng, ông Tập nắm quyền kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ và đã xóa bỏ thành công sự chống đối trong hàng ngũ của đảng. Nghị quyết mới của ĐCSTQ có khả năng sẽ tôn vinh ông Tập, 68 tuổi, như là nhà lãnh đạo ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, vượt xa những người tiền nhiệm của ông như Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và đặt nền móng cho việc ông tái đắc cử chức Tổng bí thư ĐCSTQ tại đại hội đảng vào cuối năm sau. Trước đây ông Tập đã cho chỉnh sửa hiến pháp Trung Quốc để ông có thể làm chủ tịch nhà nước trong thời gian không xác định, bãi bỏ quy định của hiến pháp rằng một người chỉ có thể làm chủ tịch tối đa hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ năm năm.

Sự tập trung của ông Tập vào việc củng cố quyền lực ở Trung Quốc đã khiến ông vắng mặt trong hai hội nghị gần đây của các nhà lãnh đạo thế giới, cuộc họp G20 ở Rome và cuộc họp COP26 đang diễn ra về biến đổi khí hậu ở Glasgow, Scotland. Tính chung, ông Tập đã không ra khỏi Trung Quốc để công du nước ngoài trong gần hai năm qua, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán Tháng Giêng 2020.

Sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Trung Quốc tại các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu khiến mọi người hoài nghi về những cam kết của Trung Quốc trong những vấn đề liên quan đến toàn thế giới như biến đổi khí hậu, chống đại dịch COVID và phục hồi kinh tế.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: