Dịch hạch xuất hiện ở Trung Quốc

Chuột đồng có nguy cơ mang mầm bệnh dịch hạch. Ảnh minh họa. Nguồn: Unsplash

H.C.

Một người chăn gia súc ở khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc đã được xác định bị bệnh dịch hạch (bubonic plague).

Ủy ban y tế thành phố Bayan Nur ở Nội Mông nói bệnh được phát hiện ở người đàn ông chăn gia súc hôm qua Chủ nhật và ông này đang được điều trị ở bệnh viện, sức khỏe ổn định.

Ủy ban cũng đồng thời phát cảnh báo cấp ba, cấp thứ ba trong thang báo động bốn cấp, cảnh báo người dân không được săn bắt, ăn thịt hoặc vận chuyển các loại động vật có nguy cơ mang mầm bệnh, đặc biệt là con mac-mot (marmot, một loại chuột đồng) và báo cáo ngay cho nhà cầm quyền khi thấy có chuột chết.

Chính quyền thành phố cũng cho biết các biện pháp phòng dịch đang được thực hiện sẽ duy trì đến hết năm nay.

Hồi tháng Mười Một năm ngoái, các quan chức Bắc Kinh nói có hai người ở Nội Mông bị phát hiện bị viêm phổi hạch (pneumonic plague) – một dạng bệnh dịch hạch. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bị bệnh này chắc chắn tử vong; còn người bị bệnh dịch hạch (bubonic plague) thì khả năng tử vong từ 30 đến 60%, theo Tổ chức Y tế thế giới. Nhưng nếu được phát hiện sớm, bệnh này có thể chữa được bằng thuốc kháng sinh thông thường.

Mông Cổ, giáp biên giới Trung Quốc, cũng xác nhận tuần trước có hai người bị nhiễm dịch hạch sau khi ăn thịt chuột đồng, nhưng hôm nay thông báo gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch áp dụng ở tỉnh Khovd do sức khỏe hai bệnh nhân đã ổn định và không phát hiện ca bệnh nào mới.

Chính quyền vùng Altai thuộc Nga đã ban hành lệnh cấm săn bắt, mua bán, vận chuyển chuột marmot và cảnh báo người dân về mối nguy hiểm của dịch. Chính quyền còn huy động cảnh sát và nhân viên vũ trang đi tuần tra khu vực giáp với Mông Cổ và Trung Quốc để thực hiện lệnh cấm.

Bệnh dịch hạch từng được gọi là Thần Chết Đen thời Trung cổ, cướp đi sinh mạng từ 70-200 triệu người ở Bắc Phi, châu Âu, Tây Á, làm đảo lộn lịch sử của châu Âu.

Bệnh do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra – vi khuẩn được đặt theo tên bác sĩ Yersin là người đầu tiên phát hiện ra nó. Vi khuẩn này thường ký sinh trên cơ thể chuột và các động vật gặm nhấm, truyền sang người thông qua con bọ chét (flea). Có giả thuyết cho rằng, vi khuẩn Yersinia pestis có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo các đoàn thương nhân buôn bán trên Con đường Tơ lụa, đến bán đảo Crimea của Ukraine vào khoảng năm 1347 rồi từ đó theo thuyền buôn của người Ý xuôi xuống Địa Trung Hải và lan khắp lục địa châu Âu.

Dịch hạch có hai thể chủ yếu, đều do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra: dịch viêm phổi hạch (pneumonic plague) và dịch hạch (bubonic plague) – dịch viêm phổi có thể lây từ người sang người thông qua những giọt nước li ti bắn ra khi người bệnh thở; còn dịch hạch truyền nhiễm chủ yếu thông qua con bọ chét.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: