Điều gì đã thực sự xảy ra với Hồ Cẩm Đào?

Đoạn video thứ hai vừa tiết lộ tại buổi bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc càng làm sâu sắc thêm bí ẩn về việc ông Hồ Cẩm Đào, người tiền nhiệm của Tập Cận Bình bị buộc phải rời đi trước sự quan sát của thế giới.

Đối với nhiều nhà quan sát, đó là tình huống “thâm cung bí sử”  giúp xác định rõ ràng nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã duy trì được “nắm đấm quyền lực” khi theo lệnh của ông ta, người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào đau ốm bị hộ tống ra khỏi cuộc họp cải tổ ban lãnh đạo 5 năm tới của Đảng Cộng sản (ĐCS). 

Hình ảnh hai người đàn ông đưa Hồ 79 tuổi từ chỗ ngồi đi đến lối ra đã được cả thế giới quan sát khi đại hội kết thúc trong sự cho phép chứng kiến của báo chí nước ngoài dẫn đến nhiều đồn đoán, về việc liệu Hồ có phải là nạn nhân của một màn dàn dựng cố ý hay không. 

Đồn đoán vẫn tiếp tục từ đoạn phim 90 giây bất chấp tuyên bố của truyền thông nhà nước Trung Quốc (TQ) trên Twitter là Hồ rời đi do sức khỏe kém. Video cho thấy ông Hồ bất ngờ bị đưa khỏi chiếc ghế của mình dù không muốn. 

Một đoạn phim mới do đài truyền hình CNA của Singapore công bố ngày 25 Tháng Mười cho thấy trước khi ông Hồ bị áp tải ra ngoài, một vài cuộc trao đổi giữa các lãnh đạo cấp cao của đảng đã diễn ra, trong đó ông Hồ bị ngăn không cho xem tập tài liệu chính thức trước mặt. 

Nó cho thấy Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), quan chức đảng số ba sắp mãn nhiệm, người ngồi cạnh Hồ bên tay trái lấy tập tài liệu từ tay Hồ và đặt chúng dưới chiếc bìa màu đỏ. Khi Hồ với tay lấy lại, Li nhẹ nhàng kéo chúng về phía mình. Tập, người ngồi ở phía bên kia của Hồ, nhìn qua hai người rồi nghiêng đầu gọi một phụ tá cấp cao đến và nói ngắn gọn điều gì đó. Một lúc sau, một phụ tá thứ hai chạy đến, nhận chỉ thị từ Tập và nói chuyện với Hồ dường như không đồng tình. 

Theo video công bố trước đó ngày 22, Hồ, người có vẻ miễn cưỡng rời đi, bị nhấc khỏi ghế và cánh tay bị nắm. Cả hai đoạn video “nhạy cảm” này đều không được phát sóng tại TQ. Vụ việc cũng không được báo chí TQ đưa tin hay thảo luận trên mạng xã hội TQ, nơi việc bàn tán xung quanh các nhà lãnh đạo cấp cao bị xem là “cấm kỵ”. 

Vào tối muộn ngày 22, hãng thông tấn Tân Hoa Xã chính thức của TQ bất ngờ “cởi mở” một chút khi tweet bằng tiếng Anh trên Twitter là ông Hồ “nhất quyết muốn tham dự” lễ bế mạc dù sức khỏe yếu và đã “được đưa ra ngoài vì ông có vẻ không khỏe”. Tuy nhiên, tại TQ, Twitter bị chặn nên không cư dân mạng TQ nào đọc được lời giải thích này. 

Trên mạng xã hội TQ Weibo, các nhà kiểm duyệt không cho hiển thị kết quả các tìm kiếm “bị áp giải đi” hoặc “rời khỏi cuộc họp”. Theo Eric Liu, một nhà phân tích kiểm duyệt kỹ thuật số tại TQ thì đây là một nỗ lực không cho truy tìm sự thật ẩn giấu phía sau các đoạn video. 

Đoạn video mới công bố ngày 25 đã làm dấy lên những suy đoán sôi nổi về những gì có trong tập tài liệu bị lấy khỏi tay Hồ và lý do tại sao ông ta không được phép xem nó, khiến các nhà quan sát chia rẽ về điều gì đã dẫn đến việc ông ta bị đưa ra ngoài. 

Một số người giữ vững quan điểm có thể là do sức khỏe hoặc trạng thái tinh thần của ông Hồ không tốt (lý do là sau khi nghỉ hưu vào năm 2013, người ta thấy ông ngày càng yếu ớt trước công chúng). Những người khác lại tin đó có thể là một “trò chơi quyền lực có chủ ý” của ông Tập để thể hiện quyền lực vô đối của mình.

Biểu tượng của một kỷ nguyên mới

Giống như nhiều tình tiết không bao giờ được giải thích trong “hộp đen” của giới chính trị chóp bu TQ, lý do thực sự đằng sau việc rời đi của Hồ có thể sẽ không bao giờ được tiết lộ. Nhưng các chuyên gia cho rằng “cảnh quan ngoạn mục” này, dù ngoài ý muốn hay được lên kế hoạch trước, rất khó xem là “tình huống bình thường”. 

Sau khi xóa bỏ mọi ảnh hưởng của các bậc lão thành trong đảng và của các phe phái đối thủ, ông Tập đã mở ra một kỷ nguyên mới của chế độ cai trị một người, được vây quanh bởi những kẻ trung thành với mình từ lúc ông còn ở các địa phương. 

Trong khi đó, đi cùng với Hồ là nhiều “dấu ấn” ông đã để lại trong 10 năm cầm quyền mà nổi bật là tăng trưởng kinh tế hai con số và độ cởi mở tương đối ở cả trong nước lẫn bên ngoài. Khi Hồ thôi chức vụ trong đảng và quân đội để ông nghỉ hưu vào năm 2012, ông Tập khen ngợi “trí tuệ rộng rãi và đức tính cao thượng” của người tiền nhiệm (người tiền nhiệm Giang Trạch Dân của Hồ vẫn giữ ghế Bí thư quân uỷ trung ương một thời gian sau khi thôi lãnh đạo đảng). 

Trong khi ông Hồ chưa bao giờ đạt được quyền lực như Tập bây giờ (một phần do ông duy trì mô hình lãnh đạo tập thể, giữ thế cân bằng các phe phái trong đảng và chấp nhận ảnh hưởng của những cựu lãnh đạo lão thành như Giang Trạch Dân) ông được xem là có quan hệ chặt chẽ với những người xuất thân như mình từ Đoàn Thanh niên Cộng sản, một lực lượng hùng mạnh nhưng đã yếu đi đáng kể dưới thời Tập. 

Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS TQ tại Đại học London nhận định: “Clip video ngày 25 cho thấy sự rời đi đầy kịch tính của Hồ có thể không được lên kế hoạch trước. Ông Tập ra lệnh áp giải ông Hồ ra ngoài vì nghĩ rằng người tiền nhiệm có thể không cư xử đúng mực như kỳ vọng của ông ta”. Kết thúc đại hội, ông Tập bước vào nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là lãnh đạo quyền lực nhất TQ trong nhiều thập niên và được bao quanh bởi những người trung thành nhất. 

Một số người giải thích những gì thấy trong video ngày 25 là dấu hiệu ông Hồ không hài lòng với kết quả của Đại hội, khi ông Tập củng cố quyền lực bằng cách tạo ra đội ngũ lãnh đạo gồm toàn các đồng minh và tay chân. Thủ tướng Lý Khắc Cường và Uông Dương, người đứng đầu cơ quan cố vấn hàng đầu của TQ, đều rút lui khỏi Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tối cao mới của đảng, dù còn dưới tuổi nghỉ hưu không chính thức một năm (dưới 68). Cả Lý và Uông đều được xem là chịu ảnh hưởng của Hồ. 

Trong một diễn biến còn đáng ngạc nhiên hơn nữa, Phó Thủ tướng Hồ Chunhua, một người cũng được ông Hồ bảo trợ (hai người không có quan hệ họ hàng) cũng bị loại khỏi Bộ Chính trị mới gồm 24 thành viên. Từng được xem là một ngôi sao đang lên được quy hoạch cho vị trí lãnh đạo cao nhất của đảng, tương lai chính trị của Hồ Chunhua trở nên mờ mịt dưới thời ông Tập.

Không có sự đồng cảm

Nhưng Wen-Ti Sung, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Úc, không tin là có một cuộc thanh trừng công khai được lên kế hoạch trước lúc bế mạc đại hội vì đảng luôn đề cao sự thống nhất. 

Ông nói: “ĐCSTQ luôn xiển dương hình ảnh thống nhất và hơn thế nữa trong thời ông Tập. Nếu ông Tập muốn thanh trừng ông Hồ để ngăn cựu lãnh đạo không gây rối tại buổi bế mạc, ông sẽ làm như vậy trước khi báo chí nước ngoài được phép vào đưa tin. Ngoài ra, một cuộc thanh trừng cấp cao đối với Hồ ở thời điểm quan trọng như Đại hội Đảng lần thứ 20 sẽ để lộ bất đồng chính kiến ​​và tin đồn ông Tập ít nhất cũng bị một số thách thức khi tìm thêm một nhiệm kỳ. Xây dựng hình ảnh Tập bất khả chiến bại cũng không phải là điều tốt”. 

Nhiều nhà quan sát bị bất ngờ trước vẻ lạnh lùng của các lãnh đạo khác trên sân khấu. Rất ít người trong số họ tỏ ra lo lắng cho Hồ, thậm chí tránh nhìn về phía ông. Alfred Wu, Phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định: “Không có sự đồng cảm nào cả! Để ngoi lên các cương vị cao trong đảng, các quan chức phải học cách che giấu cảm xúc và quan điểm cá nhân. Họ cố trở thành một mắt xích trong guồng máy của đảng”. 

Trên đường đi ra ngoài, Hồ vỗ vai người mình bảo trợ, Thủ tướng Lý Khắc Cường, để chỉ nhận được hai cái gật đầu nhanh và quay người lại nhưng không nhìn thẳng. Bên cạnh đó, Uông ngồi thẳng, nhìn thẳng về phía trước và dường như “robot”, không chuyển động. Xa hơn ở rìa bàn, Hồ Chunhua thậm chí không liếc nhìn về phía Hồ khi ông đi ngang qua mà nhìn thẳng về phía trước với một cái cau mày ẩn ý và hai tay khoanh trước ngực. 

Nhưng theo các nhà phân tích, ngay cả khi lý do thực sự cho sự rời đi của ông Hồ không bao giờ được công khai, tình huống này vẫn gửi đi một thông điệp rõ ràng về việc ông Tập đang nắm giữ quyền lực tuyệt đối. 

“Sự rời đi đầy uẩn khúc của ông Hồ cho thấy Tập đã hạ ảnh hưởng của phe nhóm Đoàn Thanh niên Cộng sản hùng mạnh một thời xuống mức thấp nhất – Tsang tại Đại học London nhận định – Không có người kế vị trong tầm nhìn, và với lãnh đạo tiền nhiệm bị bẽ mặt, ông Tập đã ngầm nói ​​với đảng: Không nên nhìn qua vai ông ta để thấy một lãnh đạo khác đứng phía sau, kể cả lãnh đạo tương lai lẫn quá khứ. Bây giờ chỉ có một lãnh đạo duy nhất ở Trung Quốc”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: