Đòi Trung Quốc bồi thường, được không?

Dù Bắc Kinh luôn phủ nhận nhưng chính phủ Mỹ cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm gây ra đại dịch, và do đó phải bồi thường thiệt hai.

HIẾU CHÂN

Tổng thống Donald Trump trong vài ngày gần đây đã nói với các phụ tá rằng Trung Quốc phải bồi thường hàng tỷ Mỹ kim vì đã để đại dịch bùng phát. Đây là chuyện chưa từng có tiền lệ và nhiều chuyên gia cho rằng sẽ rất khó, nếu không nói là không thể làm được.

Báo The Washington Post (WaPo) trong bài tường thuật ngày 30-04 dẫn nguồn tin ẩn danh từ bốn quan chức cao cấp cho biết chính phủ Mỹ đang xem xét các đề nghị trừng phạt hoặc đòi Trung Quốc bồi thường tài chánh do việc xử lý sai lầm dịch coronavirus – đại dịch đã làm thiệt mạng hơn 232 ngàn người, hơn ¼ là người Mỹ, và làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu. Một động thái như vậy có thể phá vỡ mối quan hệ hiện đã căng thẳng giữa hai siêu cường vào thời điểm nguy ngập nhất.

Trump: Trung Quốc phải bị trừng phạt

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai 27-04, Tổng thống Trump gợi ý rằng Hoa Kỳ sẽ buộc Trung Quốc bồi thường hàng trăm tỷ Mỹ kim. Ông cũng nói ông đang xem xét các biện pháp trừng phạt Trung Quốc mà không nói rõ chi tiết.

Tổng thống Trump muốn buộc Trung Quốc phải bồi thường hàng trăm tỷ Mỹ kim, nhưng không dễ!

Các quan chức cao cấp của nhiều cơ quan chính phủ dự kiến sẽ họp vào hôm nay, thứ Năm 30-04 để thảo luận một chiến lược trừng phạt Trung Quốc.

Các quan chức nói chuyện với báo chí đều thận trọng nhấn mạnh rằng các cuộc thảo luận nội bộ trong chính phủ chỉ là trao đổi ý tưởng, chưa có hoạt động chính thức nào biến các ý tưởng thành thực tế, cho nên chưa nên coi những ý tưởng đó là chính sách của chính phủ Hoa Kỳ.

Một trong những biện pháp mà ông Trump bàn với các phụ tá trong chốn riêng tư là tước bỏ “quyền miễn trừ tối cao” (sovereign immunity) của Trung Quốc, từ đó cho phép chính phủ Mỹ và các nạn nhân khởi kiện Trung Quốc đòi bồi thường thiệt hại do đại dịch. Hiện Trung Quốc cũng như mọi chính phủ khác được hưởng quyền miễn trừ tối cao, theo đó người dân của nước này không thể kiện chính phủ một nước khác, nhưng tiểu bang Missouri của Mỹ đã nộp hồ sơ lên tòa án liên bang khởi kiện Trung Quốc và đòi bồi thường thiệt hại do dịch cúm Vũ Hán gây ra. Vụ kiện của bang Missouri chỉ có thể tiến triển được sau khi Trung Quốc bị tước bỏ quyền miễn trừ. Nhưng các chuyên gia pháp luật nói rằng, tước bỏ hoặc hạn chế quyền miễn trừ tối cao của Trung Quốc là một việc rất khó, đòi hỏi Quốc hội Mỹ phải ban hành một đạo luật mới.

Một biện pháp khác là Mỹ sẽ hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần món nợ vay của Trung Quốc qua trái phiếu kho bạc (Treasury Bond). Không rõ Tổng thống Trump có ủng hộ giải pháp này không.

Một số quan chức đã can ngăn ông Trump không nên trừng phạt Bắc Kinh vào lúc này bởi vì Trung Quốc đang cung cấp trang bị giúp nước Mỹ chống dịch.

Nhiều người tin rằng hiện đang có cuộc đấu tranh trong chính phủ, giữa các cố vấn kinh tế có quan điểm thận trọng và các cơ quan an ninh quốc gia đòi mạnh tay với Bắc Kinh và thế thượng phong dường như đang thuộc về ngành an ninh. “Vào lúc này, trừng phạt Trung Quốc đúng là chuyện tổng thống đang nghĩ tới,” một cố vấn cao cấp nói với WaPo. Có một niềm tin ngày càng vững chắc trong các quan chức Tòa Bạch ốc là Trung Quốc có tội nặng trong vụ truyền nhiễm con virus gây chết chóc, cho nên buộc Trung Quốc bồi thường là hợp lý.

Mỹ đổ lỗi, Trung Quốc chối tội

Quan hệ Mỹ-Trung Quốc chưa lúc nào u ám như bây giờ.

Khi số người bệnh và người chết vì dịch Vũ Hán ở Mỹ tăng chóng mặt, cùng với làn sóng chỉ trích chính phủ đã không ứng phó với dịch một cách hiệu quả, Tòa Bạch ốc và nhiều nghị sĩ, dân biểu đã tập trung chú ý vào cách ứng phó của Trung Quốc và thất bại của Bắc Kinh trong việc kiềm chế nó; khẳng định các quan chức Trung Quốc đã giấu giếm các thông tin quan trọng và từ chối hợp tác, đặc biệt là không cho phép các chuyên gia y tế Mỹ tới Vũ Hán trong tháng 01-2020 để giúp chống dịch và nghiên cứu nguồn gốc của virus.

Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ những lời cáo buộc rằng họ đã không hành động đủ nhanh để ngăn chặn con virus. Hôm thứ Năm 30-04, Cảnh Sảng (Geng Shuang), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói với báo chí: “Người Mỹ nên biết rằng kẻ thù của họ là con virus chứ không phải Trung Quốc… Họ nên tập trung kiềm chế virus ở nước họ và hợp tác quốc tế hơn là bêu riếu Trung Quốc và đổ tội cho Trung Quốc”. Họ Cảnh công nhận kẻ thù là virus nhưng lờ đi sự thực là con virus đó xuất phát từ Trung Quốc. “Về việc trừng phạt hoặc trách nhiệm, như tôi đã nói nhiều lần, lời lẽ đao to búa lớn đó không có căn bản pháp lý, chưa từng có tiền lệ quốc tế… Vào lúc này, xói mòn nỗ lực của nước khác sẽ dẫn tới tự xói mòn chính mình”, ông Cảnh nói thêm.

Có thể Trung Quốc đã phần nào nhận ra tội lỗi của họ trong vụ đại dịch nhưng với bản chất tráo trở của cộng sản, Bắc Kinh đã tìm cách hoặc đổ vấy cho người khác – chẳng hạn như huy động guồng máy ngoại giao vào việc tung tin giả rằng coronavirus do quân đội Hoa Kỳ mang tới Vũ Hán – hoặc biện minh bằng cách nêu bật những “thành tích” như phong tỏa cả một thành phố, một tỉnh mà lờ đi sự thực rằng trong những ngày dịch bệnh mới bùng phát, Trung Quốc đã để cho hàng triệu người có thể đã nhiễm virus đi tứ tán khắp nơi cả trong và ngoài nước, thậm chí trừng phạt những bác sĩ lên tiếng báo động về nạn dịch. Trung Quốc còn thực hiện “ngoại giao khẩu trang” với ý đồ trình diễn một hình ảnh hào hiệp nhằm khỏa lấp trách nhiệm gây ra đại dịch.

Trung Quốc gần như đã làm mọi cách, kể cả rất thô bạo, để ngăn cản một nỗ lực chung của các chính phủ phương Tây buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về đại dịch. Khi các nhà lãnh đạo Úc đưa ra đề nghị tổ chức đoàn điều tra quốc tế đến Vũ Hán để tìm hiểu nguồn xuất phát của virus, Trung Quốc đã lập tức đe dọa trả đũa về kinh tế, khơi lên một cuộc đấu khẩu căng thẳng giữa hai nước.

Chuyển biến trong quan điểm của ông Trump

Nhưng chính phủ Mỹ có phần trách nhiệm lớn trong việc để cho dịch hoành hành ở Mỹ, gây nhiều chết chóc và thiệt hại kinh tế xã hội.

Ông Trump nói ông rất không hài lòng với Trung Quốc. Mạnh tay với Trung Quốc sẽ có lợi cho ông về chính trị. CNBC

Khi dịch bệnh mới bùng phát, Tổng thống Trump đã không ít lần ca ngợi cách ứng phó của Trung Quốc; ông nói Chủ tịch Tập đã làm “một việc rất tốt trong một tình huống rất, rất khó khăn”. Không biết có phải do tin vào những lời trấn an của Tập Cận Bình hay không mà trong một thời gian dài, chính phủ của ông Trump đã coi nhẹ mối nguy hiểm của dịch mà không có sự phòng bị cần thiết; đến khi dịch lan tràn ở New York thì lúng túng, rơi vào tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược giữa chính quyền liên bang và các tiểu bang, giữa quan chức chính trị và chuyên gia y tế cộng đồng, làm cho dịch càng khó kiểm soát.

Mãi tới gần đây ông Trump mới thay đổi quan điểm trước áp lực của dư luận, nhưng ông đổ lỗi cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rồi đổ lỗi cho Trung Quốc. Tại cuộc họp báo hôm thứ Hai, ông nói: “Chúng ta không hài lòng với Trung Quốc. Chúng ta không hài lòng với toàn bộ tình hình bởi vì chúng ta tin đại dịch có thể bị ngăn chặn tại nguồn. Nó có thể được ngăn chặn nhanh chóng, và sẽ không thể phát tán ra toàn thế giới”. Chính từ sự thay đổi quan điểm như vậy mà ông nảy ra ý định đòi Trung Quốc phải bồi thường.

Sự thay đổi quan điểm của ông Trump có phần do áp lực của đảng Cộng hòa. Một số chính trị gia của đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham (Nam Carolina) liên tục đòi hỏi Mỹ phải “buộc Trung Quốc phải trả giá đắt”; Thượng nghị sĩ Tom Cotton (Arkansas) và Josh Hawley (Montana) chủ trì nhóm các nhà làm luật đang dự thảo luật tước bỏ quyền miễn trừ tối cao của Trung Quốc và các chính phủ khác nếu xác định họ cố ý che giấu hoặc bóp méo thông tin về coronavirus gây thiệt hại cho các nước khác. Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn (Tennessee) đề nghị ngừng trả tiền lời các trái phiếu kho bạc Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ “bởi vì họ đã làm kinh tế chúng ta thiệt hại sáu ngàn tỷ Mỹ kim, và có thể mất thêm năm ngàn tỷ Mỹ kim nữa.”

Thêm nữa, nhiều nhà phân tích nhận định, ông Trump thay đổi quan điểm, trở nên cứng rắn với Trung Quốc vì điều đó có lợi ích chính trị cho ông trong cuộc vận động tái tranh cử tổng thống. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy 51% người dân Mỹ kết án Trung Quốc về thiệt hại của đại dịch, chỉ 24% đổ lỗi cho chính phủ của ông Trump. Quan điểm của người Mỹ đối với Trung Quốc hiện đã ở mức rất thấp, theo các cuộc thăm dò. Đối thủ của ông Trump, ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ, đã đăng quảng cáo lên án ông Trump quá mềm mỏng với Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình – một điều mà ông Trump cần phải chứng tỏ ngược lại.

Các nhà làm luật của cả hai đảng cũng đang đưa ra Thượng viện các dự thảo luật khuyến khích các công ty di chuyển cơ sở sản xuất và công ăn việc làm từ Trung Quốc trở về Mỹ – tương tự động thái mà chính phủ Nhật Bản mới ban hành gần đây.

Nói dễ làm khó

Tuy nhiên, kiện Trung Quốc hoặc đòi Bắc Kinh phải bồi thường thiệt hại không phải là chuyện dễ. Ông Scott Kennedy, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, cơ hội buộc Trung Quốc bồi thường là gần bằng không. “Nếu mục đích của Mỹ là hiểu biết thật sự nguồn gốc của đại dịch và sự truyền nhiễm của coronavirus, dập tắt đại dịch này, khôi phục kinh tế và ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng trong tương lai thì cần phải làm sao cho các chính phủ, các tổ chức xã hội khác nhau cùng làm việc với nhau,” ông Kennedy nói.

Cả hai biện pháp trừng phạt mà chính phủ Mỹ muốn nhắm tới: hoặc tước bỏ quyền miễn trừ tối cao của Trung Quốc, phát động một vụ kiện dân sự tập thể quy mô toàn cầu đòi bồi thường thiệt hại, hoặc từ chối thanh toán nợ vay của Trung Quốc đều là những việc chưa có tiền lệ và có nhiều vướng mắc về pháp lý.

Muốn tước bỏ quyền của Trung Quốc thì ít nhất Mỹ phải chứng minh được, với những bằng chứng thuyết phục rằng Bắc Kinh đã cố ý gây thiệt hại cho các nước khác bằng việc che giấu thông tin về dịch bệnh, không minh bạch và không tuân thủ quy trình an ninh, quy trình báo cáo khi có dịch. Mà như chúng tôi đã trình bày trong một bài trước, việc điều tra nguồn gốc của virus và cách xử lý của Trung Quốc trong giai đoạn dịch mới khởi phát gần như sẽ không bao giờ thực hiện được, không bao giờ thu thập được bằng chứng do Bắc Kinh quyết phản đối một cuộc điều tra quốc tế như vậy.

Trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ là phương thức đầu tư an toàn gần như tuyệt đối, không thể ngang nhiên hủy bỏ. Ảnh Bankrate.com

Việc hủy bỏ hoặc từ chối thanh toán nợ vay cũng là chuyện không tưởng. Trái phiếu kho bạc do Hoa Kỳ phát ra để vay tiền là một phương thức đầu tư an toàn, được thị trường tài chánh toàn cầu tín nhiệm cao. Việc Hoa Kỳ từ chối trả nợ, dù chỉ với chủ nợ Trung Quốc, sẽ hủy hoại uy tín của trái phiếu, biến trái phiếu kho bạc trở thành “rác” và hậu quả đối với nền tài chánh Mỹ sẽ hết sức tai hại. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi Ngân hàng dự trữ liên bang (Fed) và Bộ Tài chánh đang muốn đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu (vay nợ) để có tiền chi cho các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá nhiều ngàn tỷ Mỹ kim.

Hôm thứ Tư, ông Jared Kushner, con rể và cố vấn của Tổng thống Trump nói trên đài Fox News rằng Tổng thống đang nhắm trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm về những thiệt hại khủng khiếp mà con virus gây ra cho nước Mỹ. “Ông ấy đã yêu cầu xem xét cẩn thận những gì đã xảy ra, vì sao mà đến nông nỗi này, và bảo đảm ông ấy sẽ làm tất cả những gì cần thiết để những kẻ gây ra chuyện phải chịu trách nhiệm,” ông Kushner nói.

Nhưng buộc một cường quốc cộng sản như Trung Quốc – một đối thủ cạnh tranh chiến lược – phải chịu trách nhiệm là chuyện nói dễ, làm khó. Nếu không muốn nói là gần như bất khả!

(WP)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: