Giang Trạch Dân, 1926-2022

(Photo by Lintao Zhang/Getty Images)

Giang Trạch Dân, người lãnh đạo Trung Quốc sau cuộc chính biến Thiên An Môn năm 1989, đã qua đời vào Thứ Tư 30 Tháng Mười Một 2022 tại Thượng Hải, thọ 96 tuổi.

Các thế hệ lãnh đạo chế độ cộng sản Trung Quốc – trái sang: Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Giang Trạch Dân và di sản mở cửa

Thông báo của Đảng Cộng sản do truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra cho biết Giang Trạch Dân chết do bệnh bạch cầu và suy đa tạng. Cái chết của Giang đến ngay ở thời điểm đặc biệt nhạy cảm về chính trị ở Trung Quốc, nơi đảng cầm quyền đang đối mặt làn sóng phản đối lan rộng chống lại các biện pháp kiểm soát đại dịch, một làn sóng phản đối chính trị chưa từng thấy trên toàn quốc kể từ sự kiện Thiên An Môn.

Giang Trạch Dân là chủ tịch Trung Quốc trong một thập niên kể từ năm 1993. Trong mắt nhiều chính trị gia nước ngoài, ông Giang là một ngoại lệ, khác với khuôn mẫu giới nhà lãnh đạo Trung Quốc vốn cứng rắn và khép kín. Ông thường trích dẫn lời của Tổng thống Lincoln, nói công khai việc mình thích phim Hollywood và có khi nổi hứng hát ca khúc “Love Me Tender”. Tại Trung Quốc, người ta gọi ông là “bình bông”, ám chỉ ông như một vật trang trí. Dân Trung Quốc thậm chí gọi đùa ông là “con cóc”. Tuy nhiên, trong thực tế, “con cóc” Giang Trạch Dân không phải tay xoàng. Trong hơn 13 năm ngồi ghế tổng bí thư Đảng Cộng sản, Giang là một chính trị gia khôn ngoan, đánh bại hàng loạt đối thủ.

Giang Trạch Dân tại Đại hội Đảng lần thứ 19, ngày 18 Tháng Mười 2017 (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Khả năng quản lý quá trình chuyển đổi tư bản chủ nghĩa bắt đầu dưới thời Đặng Tiểu Bình là một trong những thành tựu nổi bật của Giang. Ông cũng đã tích lũy được ảnh hưởng chính trị tồn tại lâu dài sau khi nghỉ hưu, giúp ông có tiếng nói lớn đằng sau hậu trường trong việc chọn chủ tịch hiện tại, Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger vào Tháng Bảy 2013, ông Giang nói rằng Tập Cận Bình Tập là một nhà lãnh đạo “mạnh mẽ”.

Biến Trung Quốc thành nhà máy sản xuất toàn cầu

Dưới thời Giang Trạch Dân, Trung Quốc nổi lên như một cường quốc sản xuất lớn nhất thế giới và là đối thủ kinh tế đang lên của thế giới phát triển. Không như những người kế nhiệm ông sau này trong Đảng Cộng sản, Giang Trạch Dân tin rằng Trung Quốc không thể phát triển lâu dài nếu luôn tự xem họ là đối thủ không đội trời chung của Hoa Kỳ. Christopher K. Johnson, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á, cho biết: “Ông ấy luôn đặt mối quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng đầu và tôi nghĩ ông ấy đã chấp nhận một số rủi ro để thúc đẩy mối quan hệ này”.

Không phải ngẫu nhiên mà những năm cầm quyền của ông Giang lại là thời kỳ vàng son của Trung Quốc trong quá trình toàn cầu hóa. Ông đã giúp Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm 2001 sau nhiều năm đàm phán gây tranh cãi, chủ yếu là với Hoa Kỳ. Giang Trạch Dân cũng “đại tu” học thuyết của Đảng Cộng sản, hiện đại hóa một phong trào bắt nguồn từ giai cấp công nhân và nông dân thành một phong trào thu hút và thu hút giới trí thức cũng như tầng lớp kinh doanh mới nổi. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân vẫn là cộng sản và cộng sản thì vẫn luôn là chế độ tàn bạo. Chính Giang Trạch Dân là người đánh tan nát giáo phái Pháp Luân Công.

Dưới thời Giang Trạch Dân, giáo phái Pháp Luân Công bị đàn áp tàn bạo. Ảnh: Một cuộc biểu tình của thành viên Pháp Luân Công tại London nhân dịp Giang Trạch Dân kinh lý Anh vào Tháng Mười 1999 (ảnh: Matthew Fearn – PA Images/Getty Images)

Tam đại diện

Giang Trạch Dân (đại khái có nghĩa “làm lợi cho dân”) sinh ngày 17 Tháng Tám 1926 tại Dương Châu, một thành phố cổ bên sông Dương Tử phía Tây Bắc Thượng Hải. Giang gia nhập Đảng Cộng sản năm 1946 tại Thượng Hải, nơi ông học kỹ thuật điện và tiếng Anh. Công việc đầu tiên của Giang là kỹ thuật viên cho một công ty do các nhà đầu tư Mỹ thành lập chuyên sản xuất kem Pretty Girl và các món đông lạnh. Khi những người Cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949, ông Giang giúp đặt nhà máy dưới sự kiểm soát của đảng và đổi tên kem thành Bright.

Ông Giang thăng tiến nhanh trong bộ máy cộng sản. Thập niên 1950, có lúc ông làm việc tại Nhà máy ôtô Stalin ở Moscow; và dành một năm làm nhà ngoại giao ở Romania. Sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa cuối những năm 1970, Giang Trạch Dân được bổ nhiệm giám sát một ủy ban thương mại và đầu tư nước ngoài giúp thành lập các đặc khu kinh tế ở Quảng Đông và Phúc Kiến. Ông được chọn làm thị trưởng Thượng Hải vào năm 1985; rồi được thăng chức bí thư Thành ủy Thượng Hải. Tương tự gần như tất cả những kẻ lãnh đạo cộng sản chóp bu, Giang Trạch Dân đi theo khuynh hướng bảo thủ, có lập trường cứng rắn chống lại những người bất đồng chính kiến, coi sự ổn định là ưu tiên hàng đầu quốc gia, tán thành các chính sách hướng tới việc tái khẳng định quyền kiểm soát của đảng đối với đời sống kinh tế. Năm 1993, Giang Trạch Dân trở thành Chủ tịch Trung Quốc.

Giang Trạch Dân và Tổng thống Bill Clinton trong một cuộc họp báo (ảnh: Diana Walker/Getty Images)

Áp dụng chính sách mở cửa, Giang Trạch Dân thu hút giới đầu tư nước ngoài, tiếp đón các giám đốc điều hành từ những công ty đa quốc gia tại Trung Nam Hải, “biệt khu” của giới lãnh đạo Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ông khuyến khích liên doanh giữa Trung Quốc và nước ngoài, biến Trung Quốc thành nhà máy toàn cầu cho các công ty sản xuất dược phẩm, máy tính, ôtô… Ông dồn nhiều tỷ đôla đầu tư nhà nước vào các thành phố ven biển phía Đông, đặc biệt là cơ sở quyền lực chính trị của ông ở Thượng Hải. Khi Tổng thống Bill Clinton đến thăm Trung Quốc năm 1998, ông Giang đã phá vỡ sự thận trọng thông thường và cho phép một cuộc họp báo chung được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Trung Quốc.

Nhà báo Orville Schell, người có mặt trong chuyến đi của ông Clinton, kể lại: “Người ta  có thể thấy ông ấy muốn được coi là một người không phải là một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa Lenin thụt lùi, bám víu vào các ghi chép của mình. Ông ấy muốn Trung Quốc thoát ra khỏi cái kén của sự cô lập.”

Vượt qua sự phản đối gay gắt của những người theo đường lối cứng rắn trong đảng, ông Giang Trạch Dân và Thủ tướng Chu Dung Cơ đã đưa Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, giúp nước này tăng khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu; và về nguyên tắc, đảm bảo rằng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được tiếp cận nhiều hơn với thị trường Trung Quốc.

Đối với Đảng Cộng sản, sự thịnh vượng lại mang đến một vấn đề khác: Làm thế nào để tìm được một nền tảng học thuyết mới trong bối cảnh giàu có và bất bình đẳng ngày càng tăng. Giang Trạch Dân đưa ra học thuyết Tam đại diện: Đảng cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thực tế, kiểu “chủ nghĩa tư bản định hướng XHCN” mà Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ cổ xúy đã tạo ra sự phân hóa giàu nghèo rộng rãi ngay cả khi chính sách này giúp rất nhiều người thoát khỏi cảnh nghèo, đồng thời nó cũng nuôi dưỡng một nền văn hóa quan chức tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu.

Joseph Fewsmith, giáo sư Đại học Boston, người nghiên cứu về chính trị lãnh đạo Trung Quốc, cho biết: “Theo một cách nào đó, đó là khởi đầu của thái độ sống buông thả đối với tham nhũng mà Tập Cận Bình hiện đang tấn công”.

Đưa Tập Cận Bình lên và bị Tập Cận Bình hất

Vào thời điểm Giang Trạch Dân thôi lãnh đạo đảng vào năm 2002 và thôi giữ chức chủ tịch nước vào năm 2003, ảnh hưởng và lòng tự tôn của Giang Trạch Dân vẫn còn lớn đến mức ông không muốn rời sân khấu chính trị. Giang Trạch Dân tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương đảng, giám sát Quân đội Giải phóng Nhân dân cho đến năm 2004, và sau đó tiếp tục đóng vai trò hậu trường trong việc dàn xếp bộ máy quyền lực trong triều đình Bắc Kinh. Chính Giang Trạch Dân là người sử dụng ảnh hưởng để định hình đội ngũ lãnh đạo mà Tập Cận Bình kế thừa khi Tập trở thành lãnh đạo đảng vào Tháng Mười Một 2012.

Tập Cận Bình được chính Giang Trạch Dân đưa lên nhưng Tập là người “chặt” ảnh hưởng của Giang những năm sau đó (ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Tuy nhiên, Giang thọc tay quá lâu và quá sâu. Tháng Tám 2015, Nhân dân Nht báo, tờ báo hàng đầu của đảng, đưa ra lời cảnh báo thẳng thừng khác thường rằng các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu nên đứng ngoài chính trường và nên “nguội đi” như một tách trà (sau khi vị khách được mời dùng trà đã rời đi). Tập Cận Bình rất khó chịu trước những nỗ lực thể hiện quyền lực của Giang ở hậu trường. Theo thời gian, ảnh hưởng của Giang và nhóm đồng minh của ông, được gọi “Thượng Hải bang”, phai nhạt dần trong thập niên qua. Tại đại hội Đảng Cộng sản vào Tháng Mười 2022, Tập Cận Bình đã thành lập một Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mới, gồm bảy người nhân vật sừng sỏ quyền lực nhất hệ thống chính trị Trung Quốc, gồm những kẻ trung thành với Tập, không có gương mặt nào có quan hệ mật thiết với những kẻ tiền nhiệm Tập, từ Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào.

Trong lịch sử hiện đại Trung Quốc, cái chết của các cựu lãnh đạo là thời kỳ hỗn loạn đối với đảng và là thời điểm mà sự chia rẽ nội bộ và tranh giành quyền lực có thể bùng phát thành bất ổn xã hội. Cái chết của cựu lãnh đạo có tư tưởng cải cách Hồ Diệu Bang vào Tháng Tư 1989 là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình ủng hộ quyền tự do ngôn luận và cải cách dân chủ, dẫn đến cuộc chính biến đẫm máu Thiên An Môn.

Tuy nhiên, Trung Quốc ngày nay đã khác rất nhiều so với đất nước mà Giang Trạch Dân nắm quyền vào năm 1989, và có rất ít dấu hiệu về sự chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng, bất luận rằng xã hội Trung Quốc đang thể hiện sự bất ổn chưa từng có.  Chien-wen Kou, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Chengchi ở Đài Loan, nói: “Tập Cận Bình đã nắm quyền trong một thập niên và sự thay máy nhân sự ở cấp cao nhất đã hoàn tất, vì vậy có rất ít khả năng giới tinh hoa trong nước tận dụng cơ hội để thách thức ông ta”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: