Không sinh con, cuộc phản kháng thầm lặng tại Trung Quốc

Một “dấu hiệu tận thế” sớm của Trung Quốc
Sự phản kháng “bất bạo động” của giới trẻ Trung Quốc: Không kết hôn, không sinh con (ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

Tỷ lệ sinh và kết hôn sụt giảm tại Trung Quốc (TQ) là phản ánh sự bi quan và thất vọng sâu sắc của người dân quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Hậu quả của mô hình toàn trị

TQ đang ở giữa một đợt sụt giảm kéo dài tỷ lệ sinh con trên toàn quốc. Tháng trước, chính quyền TQ đã có cảnh báo mới về tình trạng dân số giảm. Tầm quan trọng của cảnh báo là rất lớn, dù thường bị các nhà quan sát trên thế giới bỏ qua trước đó. Gần đây nhất, năm 2019, các nhà nhân khẩu học tại Cơ quan điều tra dân số Hoa Kỳ (U.S. Census Bureau-UNCB) và Liên Hợp Quốc vẫn không tin dân số TQ sẽ bắt đầu giảm trước thập niên 2030. Nhưng họ không lường trước được đợt suy giảm đến sớm hơn và nhanh hơn.

Chính vì vậy, nguyên nhân của sự sụt giảm dân số của TQ đang được xem xét kỹ hơn. Những hậu quả nặng nề có thể xảy ra với thế giới khi cuộc khủng hoảng dân số tại TQ tiếp tục ảnh hưởng đến quốc gia này ở cả ba lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, chiến lược. TQ là “công xưởng của thế giới” nên lực lượng lao động cần được duy trì bằng dân số ổn định. Việc TQ giảm tỷ lệ kết hôn và sinh con là hồi chuông báo động và sự bất mãn sâu sắc về một tương lai mờ mịt mà chế độ định đoạt cho người dân của mình.

Ở vùng đất không có dân chủ này, sự sụp đổ tỷ lệ sinh có thể được xem là cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm thầm lặng nhưng “long trời lở đất” đối với ách cai trị “hoàng đế trọn đời” Tập Cận Bình. Các số liệu thống kê chính thức của chính phủ TQ còn lâu mới hoàn hảo (Thủ tướng Lý Khắc Cường từng gọi các con số kinh tế của TQ là “sản phẩm của con người”), nhưng chúng cũng đưa ra ước tính gần đúng về xu hướng sinh gần đây.

Chính sách một con dù được điều chỉnh nhưng tỉ lệ sinh ở Trung Quốc vẫn không hề khả quan (ảnh: Getty Images)

The Washington Post cho biết, theo dữ liệu, tỷ lệ sinh ở TQ đã giảm mạnh và giảm đều đặn kể từ năm 2016. Năm 2022, số ca sinh chỉ bằng khoảng một nửa so với sáu năm trước đó (9.6 triệu so với 17.9 triệu). Sự thay đổi lớn về tỷ lệ sinh con có trước cả đại dịch coronavirus và nó dường như là một phần của cú sốc lớn hơn: Hôn nhân ở TQ cũng đang rơi tự do. Kể từ năm 2013 (năm Tập Cận Bình bắt đầu nắm quyền) tỷ lệ các cuộc hôn nhân đầu tiên ở TQ đã giảm hơn một nửa và tiếp tục giảm ở cả tỷ lệ sinh con.

Tỷ lệ sinh và tỷ lệ kết hôn cũng giảm trên toàn thế giới nhưng diễn ra dần dần suốt nhiều thập niên; trong khi tại TQ, những cơn địa chấn nhân khẩu học xảy ra rất nhanh. Giảm hôn nhân và giảm sinh con hầu như không bao giờ biến thành “cú sốc lớn” trong thời bình ở các chế độ dân chủ. Chỉ có nạn đói, chiến tranh hoặc những biến động tàn khốc khác mới dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng và nghiêm trọng tỷ lệ hôn nhân và sinh sản. Nay, TQ đang ở trong tình trạng này, nhưng nguyên nhân là các vấn đề nội tại của chế độ độc tài đảng trị và cá nhân trị làm mất lòng tin của người dân vào tương lai.

Lao dốc

Muốn hiểu các yếu tố dẫn đến việc giảm gần 50% tổng số ca sinh của một quốc gia chỉ trong vòng vài năm hãy nhìn lại các ước tính của Ban Dân số Liên Hợp Quốc (U.N. Population Division-UNPD). Trong nạn đói thời Mao Trạch Đông tại TQ khiến hàng chục triệu người chết, mức sinh đã giảm dưới 40% từ năm 1957 (năm cuối cùng trước Đại nhảy vọt) đến năm 1961 (năm tệ nhất của nạn đói).

Trong thời kỳ hỗn loạn sau sự sụp đổ của Liên Xô, mức sinh của Liên bang Nga giảm dưới 40% từ 1988 (năm trước khi Bức tường Berlin sụp đổ) đến 1994 (khi tuổi thọ của nam giới giảm xuống mức khủng khiếp, chỉ còn 57 tuổi!). Trong thời gian Nam Tư tan rã và thanh lọc sắc tộc man rợ, mức sinh ở Bosnia giảm khoảng 40%, từ 1990 (năm cuối cùng trước khi Nam Tư tan rã) đến 1995.

Thời Pol Pot, kiến trúc sư của chế độ diệt chủng Campuchia, tổng số ca sinh giảm một nửa trong cơn ác mộng Khmer Đỏ (theo UNPD, mức sinh giảm 48% từ 1973 đến 1977). Tuy nhiên, TQ đang ở thời kỳ xã hội không hề hỗn loạn, sức khỏe kinh tế khá ổn và không hề có dấu hiệu tận thế sắp đến, tại sao vẫn chịu đựng đợt lao dốc sinh nở đau đớn của chính mình mà chưa biết bao giờ mới kết thúc?

Câu trả lời thuyết phục nhất nằm ở tầm nhìn chán nản của chính người dân TQ. Không có chiến tranh (một trong những yếu tố dự đoán mạnh mẽ nhất về sinh suất trên toàn thế giới) giữa các quốc gia, giữa các sắc tộc và không có thảm họa đói kém, nhưng cả đàn ông và phụ nữ TQ đều ngại kết hôn và sinh con. Rõ ràng, hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác, quyền tự quyết của con người đóng vai trò quan trọng trong mô hình sinh đẻ của các quốc gia, ở đây là TQ, và đó là sự thật hiển nhiên.

Có thể giải thích sự suy giảm tỷ lệ sinh của TQ kể từ năm 2016 là “cuộc cách mạng”, một sự thay đổi đột ngột trong tâm trạng quốc gia, lan tỏa như trận cháy rừng với cả bi quan lẫn tuyệt vọng. Thực ra, ngay trong năm 2016, mức sinh của TQ đã thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 2.1 trẻ em trên một phụ nữ, mức cần thiết để giữ vững dân số.

Theo UNPD, tỷ lệ sinh năm 2016 tại TQ chỉ đạt 1.77, tức thấp hơn 19% so với tỷ lệ sinh cần thiết. Làn sóng lao dốc trong tỉ lệ sinh kéo dài sáu năm sau đó đã kéo mức sinh xuống mức cực kỳ thấp. Nếu số liệu sinh năm 2022 là chính xác, tỷ lệ sinh trên toàn quốc sẽ thấp hơn một nửa so với mức sinh cần thiết. Ngay cả khi sự lao dốc bị chặn lại và mức sinh giữ yên vị, thì số dân thay thế số mất đi vẫn chỉ đạt một nửa so với thế hệ trước.

“Tối hậu nhất đại” (最后一代, Thế hệ cuối cùng)

Không chỉ TQ mà phần lớn Đông Á cũng có tình trạng sinh thấp, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Nhưng ở TQ, nó diễn ra nhanh hơn nhiều dưới một chế độ độc tài đang khuyến khích thần dân của mình hy sinh hơn cho đế chế. Thời điểm sụp đổ tỉ lệ trẻ sơ sinh của TQ có ý nghĩa quan trọng, bất chấp quyết định của Đảng Cộng sản TQ cho ngưng chính sách kiểm soát sinh sản cưỡng chế được áp đặt suốt nhiều thập niên.

“Thế hệ cuối cùng” (ảnh: VCG/VCG via Getty Images)

Cuối cùng, năm 2015, các nhà hoạch định dân số của Bắc Kinh phải công nhận “chính sách một con” đã ảnh hưởng tồi tệ đến lợi ích của nhà nước. Vì vậy, đến lúc phải đảo ngược chính sách này. Tuy nhiên chế độ tuyên bố vẫn giữ quyền quyết định quy mô gia đình, tức là quyền sinh sản, và nói theo tờ Nhân dân Nhật báo thì đây là “công việc của nhà nước, do chính phủ quản lý”.

Muốn có nhiều trẻ sơ sinh khó hơn hạn chế sinh đẻ. Một chế độ độc tài có thể sử dụng lưỡi lê để giảm số ca sinh nhưng dùng các công cụ trấn áp buộc phụ nữ sinh con sẽ phức tạp hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là không thể. Bắc Kinh vẫn chưa tìm ra cách để người dân lạc quan về tương lai và bỏ qua suy nghĩ không muốn đưa thêm đứa con nào vào một thế giới hà khắc của công nghệ nhận dạng khuôn mặt và kiểm duyệt tự do.

Thay vào đó, hàng triệu thanh niên TQ âm thầm tham gia các phong trào bất tuân dân sự mới tự phát như xa lánh công việc (“tang ping”-thảng bình, 躺平, nằm bẹp ở nhà), không lập gia đình và rút lui khỏi xã hội. Chế độ Tập Cận Bình không biết phải làm gì với hình thức phản kháng thầm lặng này.

Năm ngoái, trong đợt phong tỏa quyết liệt vì đại dịch Covid, một đoạn video lan truyền cho thấy cảnh sát y tế TQ mặc đồ bảo hộ che mặt cố gắng cưỡng ép một thanh niên ra khỏi căn hộ của mình để đưa đến trại cách ly. Khi anh ta (đã xét nghiệm âm tính với Covid) không tuân lệnh, họ cảnh báo: “Nếu bạn không tuân thủ, điều tồi tệ có thể xảy ra với gia đình bạn trong ba thế hệ”. Câu trả lời là: “Xin lỗi, chúng tôi đã là thế hệ cuối cùng!”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: