HIẾU CHÂN
Lợi dụng lúc dịch Covid-19 hoành hành ở Mỹ và các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đẩy mạnh bành trướng trên biển Đông, giành những lợi thế kinh tế và chiến lược.
Trong gần hai tháng qua, các nước Đông Nam Á và cả Đông Bắc Á bận rộn với việc chống dịch Covid-19 do virus Vũ Hán gây ra, ngay cả Mỹ cũng phải tập trung lo chống dịch ở trong nước. Tận dụng thời cơ này, Trung Quốc mở rộng bành trướng trên biển Đông bằng các hoạt động tập trận quân sự, bố trí vũ khí quy mô lớn trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp với các nước khác.
Trung Quốc lợi dụng thời cơ
Theo báo Asia Times, các nước Đông Nam Á tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đang bị thiệt hại nặng nề từ mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh trong lúc họ đang phải chật vật khống chế đại dịch Covid-19.
Malaysia, Philippines, Việt Nam… – những “đối thủ” của Trung Quốc trên biển Đông – hiện đã cô lập nhiều thành phố, kể cả các thủ đô và trung tâm kinh tế thương mại, thời gian có thể kéo dài vài tuần lễ.
Ở Phi Luật Tân, Tổng thống Rodrigo Duterte và các quan chức an ninh cao cấp, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, đang phải tự cách ly để kiểm dịch; Tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Felimon Santos Jr., xét nghiệm dương tính với virus Vũ Hán.
Việt Nam hiện cũng đã ra lệnh “cách ly toàn xã hội” trong vòng hai tuần để chống dịch.
Nhưng đáng chú ý nhất là tình cảnh khó khăn của Mỹ, từ lâu là người bảo đảm một trật tự thế giới đặt nền tảng trên luật pháp. Hiện Mỹ phải đối phó với sự bùng phát của đại dịch, với hơn 190.000 người nhiễm bệnh, hoạt động kinh tế gần như ngưng trệ, buộc chính phủ phải liên tiếp đưa ra những biện pháp hỗ trợ người dân và kích thích kinh tế lớn chưa từng có.
Quân đội Mỹ được huy động để chống dịch, cung cấp những dịch vụ y tế thiết yếu, những trang thiết bị tối cần thiết cho các cơ quan và tổ chức dân sự.
Việc lợi dụng cuộc khủng hoảng do coronavirus xuất phát từ Vũ Hán Trung Quốc được Bắc Kinh thực hiện trong nhiều lĩnh vực.
Một là, Bắc Kinh khởi động một chiến dịch tuyên truyền được tổ chức bài bản và tinh vi để xuyên tạc câu chuyện về nguồn gốc thực sự của đại dịch; thậm chí các quan chức cao cấp của Bắc Kinh còn “ngậm máu phun người”, đổ vấy cho quân đội Mỹ đem con coronavirus chủng mới tới Vũ Hán, Trung Quốc.
Hai là, Trung Quốc tìm cách phá hỏng quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống ở châu Âu – nhất là các nước đã cam kết cử chiến hạm tham gia các hoạt động duy trì tự do hàng hải do Mỹ dẫn đầu ở biển Đông. Trung Quốc đã cố xoáy vào việc Mỹ cấm nhập cảnh các du khách từ các vùng dịch ở châu Âu, coi đó là hành động không thân thiện, đồng thời Bắc Kinh cung cấp những trang bị tối cần thiết như khẩu trang, quần áo bảo hộ mà các nước châu Âu đang rất cần– một nước cờ mà nhiều người gọi là “ngoại giao khẩu trang” của Bắc Kinh.
Bành trướng trên biển Đông cả về quân sự và kinh tế
Trong lúc tự tôn vinh là “nhà lãnh đạo thế giới” trong thời kỳ khủng hoảng, Bắc Kinh đang cố lấn tới trong việc mở rộng lãnh địa ở biển Đông, cả về chiến lược lẫn về kinh tế’.

Theo bộ Tài nguyên Trung Quốc, gần đây Bắc Kinh đã thực hiện thành công vụ khai thác khí đốt từ băng cháy (gas hydrate)(*), cả về khối lượng lẫn sản lượng, từ vùng biển tranh chấp ở phía Bắc biển Đông, thu được 861.400 mét khối khí đốt sau cuộc thử nghiệm kéo dài một tháng, có ngày cao điểm thu được tới 287.000 mét khối, báo South China Morning Post đưa tin.
Thời gian Trung Quốc thử nghiệm khai thác băng cháy ở biển Đông là từ 17-02 đến 18-03, thời điểm mà dịch cúm Vũ Hán bắt đầu tàn phá các quốc gia phương Tây, buộc các chính phủ từ Mỹ sang châu Âu phải tập trung đối phó.
Bộ này cũng khoe khoang “nền tảng kỹ thuật vững chắc để khai thác thương mại,” trở thành quốc gia đầu tiên ở biển Đông khai thác băng cháy – một khoáng chất kết tinh khí đốt và nước nằm ở đáy biển – sử dụng kỹ thuật khoan ngang.
Tiến bộ trong công nghệ khai thác năng lượng có thể củng cố lập trường của Bắc Kinh đòi thống trị hoặc độc quyền nguồn tài nguyên dầu khí ở đáy biển Đông bên trong cái gọi là đường lưỡi bò, chiếm 90% diện tích của vùng biển này và chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai và Indonesia.
Gần đây Trung Quốc cũng thực hiện diễn tập quân sự quy mô lớn trên biển Đông. Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Mỹ thì Bắc Kinh bắt đầu tập trận chống tàu ngầm, huy động cả hàng không mẫu hạm (HKMH) Liêu Ninh và tổ chức cho các phi công lái phi cơ J-15 tập luyện cất cánh hạ cánh trên chiếc mẫu hạm cổ lỗ sỉ này.
“Huấn luyện để sẵn sàng chiến đấu sẽ không dừng lại ngay cả giữa thời đại dịch Covid-19, và việc huấn luyện phi công trên hàng không mẫu hạm phải tiếp tục,” báo Quân đội nhân dân của Trung Quốc hôm 23-03 tuyên bố. Tờ báo này còn khoe rằng, các thủy thủ trên HKMH Sơn Đông mới hoạt động của Trung Quốc không có thủy thủ nào bị nhiễm virus Vũ Hán, dù “HKMH là một chiến hạm rất lớn, nhiều người tập trung trong những căn phòng nhỏ làm cho nó rất dễ bị lây lan bệnh truyền nhiễm”.
Dù bận rộn chống dịch nhưng hải quân Mỹ không làm ngơ trước sự leo thang của quân đội Trung Quốc. Báo Taiwan News dẫn tin từ trang Facebook chính thức của Hạm đội Bảy hôm 24 tháng 03 thông báo tàu khu trục có hỏa tiễn dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ, tàu USS Barry, đã thử nghiệm bắn hỏa tiễn ở biển Đông, thể hiện tư thế sẵn sàng của hạm đội. Nghị sĩ Vương Định Vũ (Wang Ting-yu) thuộc đảng Dân Tiến cầm quyền trong Quốc hội Đài Loan lưu ý, quân đội Mỹ sẽ không có một hành động táo bạo như thế nếu như họ không có thông tin cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang dự định tiến hành một số hoạt động gây hấn nào đó.

Ở Bắc Biển Đông, trong lúc các nước Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan bận rộn với việc chống dịch, Trung Quốc đã gia tăng giễu võ giương oai, nhiều lần cử phi cơ chiến đấu bay vào không phận của các nước để kích động. Hôm thứ Hai 23-03, một phi cơ Y-8 của Trung Quốc bay vào không phận Đài Loan sau khi bị phi cơ tuần thám của lực lượng phòng vệ Nhật Bản cảnh cáo, theo Taiwan News.
—
(*) Băng cháy (gas hydrate, flammable ice) là chất rắn kết tinh từ khí methane và nước, đóng thành từng lớp dày vài trăm mét ở đáy biển, hầu như đại dương nào cũng có. Băng cháy là nguồn tài nguyên năng lượng quan trọng nhưng khai thác băng cháy mang lại nhiều rủi ro vì làm thay đổi địa hình đáy biển, gây sụp đổ và lở đất. Nguồn dự trữ băng cháy cũng có ảnh hưởng lớn tới môi trường và khí hậu toàn cầu bởi vì khí methane là một chất khí chính gây hiệu ứng nhà kính. (theo USGS)