Năm 2020: Biển Đông nổi sóng dữ!

Năm 2019 chứng kiến nhiều vụ căng thẳng trên biển Đông do lối hành xử hung hăng của Trung Quốc, năm 2020 dự kiến xu thế đối đầu này sẽ tiếp tục ở mức cao hơn, có nguy cơ bùng nổ thành xung đột quân sự.

Nếu như năm 2019 cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm đảo lộn mối quan hệ thương mại thì năm 2020 sắp tới cuộc cạnh tranh sẽ tập trung vào lĩnh vực an ninh và vị thế quốc tế. Ở cả Bắc Kinh và Washington D.C., sự nhân nhượng giảm dần, những lời kêu gọi hành động càng ngày càng mạnh mẽ, khiến cho một cuộc đối đầu trực tiếp và hết sức nguy hiểm giữa hai cường quốc càng dễ xảy ra. Và địa bàn của cuộc đối đầu tiềm tàng đó không ở đâu khác hơn là vùng biển Đông mà Trung Quốc gọi là biển Nam Hải.

Nóng eo biển Đài Loan

Đài Loan có thể là một ngòi nổ. Nếu trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới (11-1-2020), người dân Đài Loan tiếp tục tín nhiệm bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) – có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh – trong cương vị tổng thống thì quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan vốn đã lạnh nhạt sẽ lại càng căng thẳng. Washington đã bắn tín hiệu cho thấy Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Đài Loan ngăn chặn âm mưu thâu tóm đảo quốc này bằng vũ lực: hải quân Hoa Kỳ có kế hoạch tuần tra eo biển Đài Loan mỗi tháng một lần, một hàng không mẫu hạm (HKMH) Hoa Kỳ có thể ghé thăm Đài Loan tại một thời điểm nào đó trong năm và thậm chí giữa hai bên có thể có những cuộc tiếp xúc ngoại giao ở cấp bộ trưởng trở lên.

Trung Quốc vẫn tuyên bố Đài Loan là một tỉnh ly khai, một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa sẽ “thu hồi” Đài Loan trong năm 2020 và Bắc Kinh đang ráo riết thực hiện điều đó bằng cách gia tăng các hoạt động quân sự chống lại Đài Loan, nổi bật là việc bố trí HKMH Sơn Đông mới hoàn thiện của họ tại đảo Hải Nam, chỉ cách Đài Loan một quãng ngắn. Trung Quốc cũng sẽ gia tăng quấy rối và ngăn cản tàu chiến nước ngoài đi qua eo biển Đài Loan, đồng thời sử dụng nhiều thủ đoạn tuyên truyền và thông tin mạng cộng với áp lực kinh tế để làm suy yếu đảng Dân Tiến cầm quyền có khuynh hướng độc lập, cổ xúy cho Quốc dân đảng có xu hướng thân Bắc Kinh của Đài Loan.

Hoa Đông không yên tĩnh

Trên biển Hoa Đông, Nhật Bản ngày càng tỏ ra quyết đoán trong cuộc tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư. Từ khi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được chuyển đổi thành Bộ Quốc phòng, Nhật đã đầu tư lớn vào hiện đại hóa quân đội với rất nhiều loại vũ khí quy ước tối tân. Mới đây, Chính phủ Nhật đã bỏ ra 146 triệu USD mua lại từ tư nhân hòn đảo Mageshima, dùng làm cơ sở huấn luyện các phi công hải quân Nhật-Mỹ tập cất cánh hạ cánh trên HKMH, và trong tương lai hòn đảo này có thể biến thành một căn cứ quân sự không thể đánh chìm.

Về phía Trung Quốc, sau một thời gian tạm hòa hoãn, từ đầu năm 2018 đến nay Bắc Kinh đã gia tăng các hoạt động quân sự trên biển Hoa Đông, đưa thêm nhiều chiến hạm, tàu ngầm và máy bay xâm nhập vùng đảo mà Nhật Bản quản lý. Dự báo năm 2020, Trung Quốc sẽ hành động hung hăng hơn vì Bắc Kinh muốn lợi dụng mối bất hòa đang diễn ra giữa Tokyo và Seoul – hai đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ tại khu vực này. Trung Quốc cũng sẽ lôi kéo Nga vào các cuộc diễn tập quân sự và có thể là các cuộc phiêu lưu ở biển Hoa Đông vì tin rằng khi Bắc Kinh và Moscow “liên thủ” thì Washington phải chùn tay.

Biển Đông sóng dữ chực chờ

Nhưng không ở đâu nóng bằng Biển Đông. Trung Quốc đã có thời gian dài hơn nửa thế kỷ chuẩn bị rất kỹ cho những vụ đối đầu quân sự có thể xảy ra trên hải lộ quan trọng nhất thế giới này. Phát biểu với các chỉ huy quân đội tại căn cứ tàu ngầm Du Lâm (Yulin) ở Hải Nam cuối năm 2018, ông Tập nói: “[Chúng ta] không cần đuổi theo [các quốc gia khác], chúng ta là con đường”. Cuối năm nay 2019, ông Tập lại đến Du Lâm khai trương chiếc HKMH mới, chiếc thứ hai, của hải quân Trung Quốc. Cần lưu ý rằng Du Lâm là căn cứ tàu ngầm và hải quân lớn nhất Đông Nam Á, là căn cứ quân sự đầu tiên trên thế giới được vận hành bởi một hệ thống máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Bên cạnh căn cứ Du Lâm và HKMH Sơn Đông thường trực ở cửa ngõ biển Đông, Trung Quốc đã xâm chiếm và quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa [chiếm của Việt Nam Cộng Hòa tháng 1-1974], một số đảo nhân tạo ở Trường Sa [chiếm của Việt Nam năm 1988], từng bước mở rộng căn cứ và tầm hoạt động của hải quân, không quân Trung Quốc.

Năm 2020, dự kiến Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh quân sự hóa các đảo ở biển Đông, thậm chí có thể sẽ thiết lập vùng nhận diện hàng không (ADIZ – Air Defense Identification Zone) để hạn chế hoạt động của tàu chiến và phi cơ nước ngoài. Các vụ quấy nhiễu, đe dọa ngư dân và tàu thuyền các nước khác dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nữa. Trung Quốc cũng có thể đưa những giàn khoan dầu khí khổng lồ vào khu vực thềm lục địa của các nước ven biển Đông, không chỉ nhắm khai thác tài nguyên mà còn nhằm xác lập chủ quyền.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ không muốn thay đổi lớn hiện trạng biển Đông vì Bắc Kinh trong thực tế đã thiết lập thành công sự kiểm soát toàn bộ vùng biển này dựa vào các lực lượng hải quân, tuần duyên, dân quân biển v.v… Nhưng Trung Quốc sẽ không ngần ngại ra tay nếu các láng giềng Đông Nam Á củng cố vị thế của mình.

Việt Nam và Philippines được coi là hai “đối thủ” cứng rắn nhất trong việc phản đối Trung Quốc ở biển Đông. Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte, sau thời gian dài mềm mỏng với Bắc Kinh, đã có dấu hiệu thay đổi thái độ sau sự kiện tàu hải giám Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá của ngư dân Philippines, làm một số ngư dân thiệt mạng ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Dự báo năm 2020, lập trường đối với Trung Quốc của Tổng thống R. Duterte sẽ cứng rắn thêm nữa.

Việt Nam sẽ đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020. Nhiều hội nghị cấp cao của ASEAN sẽ được tổ chức ở Việt Nam. Có thể Hà Nội sẽ tận dụng cơ hội mười năm có một này để buộc Bắc Kinh phải “chơi đẹp” như phát biểu của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng tại Singapore hôm 19-12-2019.

Hà Nội cũng sẽ sử dụng vị thế mới trong ASEAN để chỉnh sửa nội dung dự thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct – CoC) gây tranh cãi lâu nay. Trung Quốc muốn sử dụng CoC để luật hóa một số ý muốn của họ, chẳng hạn như không cho phép tàu chiến nước ngoài đi vào biển Đông hoặc giải quyết các tranh chấp nếu có bằng thỏa thuận song phương giữa hai nước liên quan; trong khi Hà Nội cho rằng biển Đông là vùng biển quốc tế và tìm cách quốc tế hóa vấn đề biển Đông. Trong năm qua, khi Bắc Kinh liên tục đưa tàu bè đến thăm dò dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam và quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở bãi Tư Chính, Hà Nội đã lần đầu tiên đánh tiếng về khả năng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Manila đã làm.

Hoa Kỳ sẽ làm gì?

Hoa Kỳ tất nhiên sẽ khai thác sự kiện gió đổi chiều ở Hà Nội và Manila để gia tăng sức ép lên Bắc Kinh về vấn đề biển Đông. Ba việc mà Washington có thể làm trong năm 2020 là, hoặc tuyên bố từ bỏ lập trường “không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông”, hoặc đưa vấn đề tự do và ổn định ở biển Đông vào nghị trình các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Bắc Kinh và Washington, vào diễn đàn các nước G-7; hoặc có thể ban hành một đạo luật riêng về tự do và ổn định ở biển Đông, giống như các đạo luật về nhân quyền ở Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng, theo đó các cá nhân và tổ chức có hành vi đàn áp, xâm lấn trên biển Đông sẽ bị Hoa Kỳ chế tài ở mức độ thích hợp.

Tuy nhiên, trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất, ông Donald Trump muốn tập trung vào lĩnh vực kinh tế-thương mại, vào cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang tiến sang Giai đoạn hai (Phase Two), và có thể gác lại những vấn đề cạnh tranh an ninh với Trung Quốc sang nhiệm kỳ sau, hoặc cho tổng thống kế nhiệm.

Một thực tế không thể không thừa nhận là thế lực quân sự của Trung Quốc trên vùng biển Đông đã tăng rất nhanh trong các năm gần đây, trong khi lực lượng Hoa Kỳ gần như không thay đổi, hậu quả là lợi thế của Hoa Kỳ giảm dần trong mối tương quan với Trung Quốc. Đây là lúc các nước nhỏ trong khu vực phải bày tỏ lập trường, không thể tiếp tục “đánh đu” giữa hai cường quốc để hưởng lợi như trước. Nếu không muốn trở thành “chư hầu” của Bắc Kinh thì phải cùng chung tay với Hoa Kỳ trong nỗ lực chung ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc.

Cái bẫy Thucydides đang mở ra ở biển Đông; cuộc cạnh tranh chiến lược để giành vị trí thống trị vùng biển này giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ biến thành một cuộc xung đột lớn. Năm 2020 do vậy là một năm sóng gió không chỉ cho quan hệ Mỹ-Trung mà còn cho cả các nước nhỏ ở Đông Nam Á đang đứng giữa hai làn đạn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: