Người biểu tình ở Trung Quốc: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu”

Sinh viên Trung Quốc biểu tình ở Bắc Kinh hôm 27 tháng Mười Một đòi chấm dứt p[hong tỏa, đòi tự do ngôn luận không kiểm duyệt và đòi ông Tập Cận Bình phải từ chức. Ảnh Stringer/Anadolu Agency via Getty Images

Những biện pháp phong tỏa khắc nghiệt thôi thúc người dân Trung Quốc xuống đường phản đối cuối tháng trước đã được nới lỏng. Nhưng nhiều người tham gia biểu tình nói rằng, họ không chỉ muốn chừng đó và tự do thì quan trọng hơn Covid. Phóng sự của Lý Nguyên (Li Yuan), báo The New York Times. 

Sau khi chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ nới lỏng các chính sách kiểm soát Covid khắc nghiệt, nhiều người dân đã tỏ lòng biết ơn những người biểu tình đã mạnh dạn lên tiếng phản đối các biện pháp hạn chế. Sau ba năm dài, người dân khắp Trung Quốc đang cố gắng trở lại cuộc sống bình thường.

“Cảm ơn các bạn trẻ dũng cảm” là một bình luận được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc. Một số người đã đăng lên mạng hình trang bìa mới của tạp chí Time “Những anh hùng của năm” (Heroes of the Year), tôn vinh phụ nữ Iran và so sánh họ với những người biểu tình ở Trung Quốc: “Chào mừng những người phụ nữ dũng cảm của Iran. Hoan hô các bạn trẻ dũng cảm”.

Nhưng nhiều người trong số những người biểu tình vào tháng trước không thật vui mừng vì họ muốn nhiều hơn thế: Họ muốn chính phủ thừa nhận rằng “zero Covid” là một sai lầm nghiêm trọng. Họ vẫn còn đầy giận dữ, thất vọng và buồn bã. Họ muốn tiếp tục đấu tranh cho các quyền của mình và buộc chính phủ của họ phải chịu trách nhiệm.

Họ hài lòng khi thấy dân chúng Trung Quốc đang được giải phóng khỏi các cuộc kiểm tra, xét nghiệm và phong tỏa liên tục đã trở thành một phần trong cuộc sống xã hội. Tuy nhiên, họ tức giận vì chính phủ đã không xin lỗi và có lẽ sẽ không bao giờ xin lỗi vì sai lầm của mình – một sai lầm đã gây ra nhiều cái chết không cần thiết.

Họ biết số phận của họ vẫn phụ thuộc vào ý muốn của một người, của nhà lãnh đạo tối cao của đất nước, Tập Cận Bình. Họ lo lắng việc Trung Quốc thiếu sự chuẩn bị thích hợp để nới lỏng các hạn chế phòng dịch sẽ khiến dân chúng một lần nữa phải gánh chịu hậu quả của việc quản lý tồi tệ.

Kiều dân Trung Quốc ở London, Anh Quốc biểu tình phản đối Tập Cận Bình, bày tỏ sự ủng hộ phong trào phản kháng ở trong nước. Ảnh Christopher Furlong/Getty Images

Miranda, một nhà báo từng biểu tình ở Thượng Hải, cho biết bài học lớn nhất mà cô rút ra được sau ba năm “zero Covid” là mọi người có thể chết khi một quốc gia đi sai hướng. “Cái giá phải trả đó quá cao,” cô nói.

Tung, một người biểu tình khác, một nữ sinh viên đại học ở thành phố Nam Kinh phía đông Trung Quốc, đã nhắc lại ký ức về vị bác sĩ đã bị bịt miệng vào năm 2020 sau khi cố gắng cảnh báo cho người dân Trung Quốc về virus corona. Sau đó ông ta chết vì chính con virus đó. “Bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) không thể sống lại. Cũng như nhiều người đã mất mạng do các chính sách kiểm soát đại dịch quá mức. Cũng như phẩm giá bị phủ nhận và bị chà đạp. Cũng như cuộc sống sinh viên bình thường trong những năm đại học của chúng tôi sẽ không quay trở lại,” cô nói.

Tự gọi mình và những người biểu tình là “những con người của định mệnh”, “Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu”, cô khẳng định.

Thật khó để nói các cuộc biểu tình cuối tháng Mười Một – cuộc biểu tình có mục tiêu chính trị và rộng rãi nhất kể từ phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989 – đã đóng vai trò như thế nào trong quyết định của chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế sớm hơn dự kiến. Nền kinh tế đã lao dốc một thời gian. Đã có nhiều cuộc va chạm giữa chính quyền địa phương và người dân.

Nhưng đối với nhiều người tham gia biểu tình, cũng như một số người không tham gia biểu tình, lý do mà Bắc Kinh phải hành động như vậy rõ ràng là các cuộc biểu tình đã mở ra một vết nứt trong bóng tối ngột ngạt của sự đàn áp, mang lại ánh sáng và hy vọng.

“Vì những người biểu tình, tôi tràn đầy hy vọng về tương lai của Trung Quốc,” Tate, người từng là giáo viên trung học hơn ba thập niên ở thành phố Thâm Quyến phía nam, cho biết. Ye Qing, một học giả pháp lý ở Bắc Kinh, đã viết trên Twitter về cuộc biểu tình ngày 27 tháng Mười Một ở Thượng Hải: “Đây là lúc mọi người khởi động lại đất nước này. Cuối cùng, thời điểm đó có lẽ đã bắt đầu.”

Những người biểu tình mà tôi đã nói chuyện đều rất tỉnh táo về vai trò của họ và về tương lai.

Nhưng bây giờ họ thậm chí còn có động lực mạnh hơn để giành lấy số phận vào tay mình. Họ nhận ra vì họ không thể bỏ phiếu bầu người lãnh đạo, chính phủ có thể tùy tiện áp đặt nhiều hơn những chính sách như “zero Covid”, giống như chính phủ Trung Quốc đã từng gây ra những thảm họa như Đại Nhảy Vọt và Cách mạng Văn hóa ở thế hệ cha mẹ và ông bà họ.

Họ biết họ đang đối đầu với một chính phủ độc tài quyền lực nhất hành tinh và một nhà lãnh đạo Trung Quốc có bàn tay sắt nhất trong nhiều thập niên. Các cuộc biểu tình gần đây của họ chắc chắn không có tác động đến cấu trúc quyền lực ở Bắc Kinh.

Nhưng họ đã phá vỡ huyền thoại rằng chính phủ đó không thể bị thách thức. Qua một đêm, nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là những người biểu tình trẻ tuổi, nhận ra rằng ông Tập không phải là Chúa Trời và quyền lực của ông ta không phải là không thể phá vỡ, một số học giả Trung Quốc nói với tôi.

Hầu như ngày nào tôi cũng nói chuyện với những người biểu tình và tôi đã nghe đi nghe lại câu nói này: “Một người không nên có quá nhiều quyền lực.”

Trung Quốc – “cái nôi” của coronavirus – đang quay cuồng chống chỏi COVID-19 (ảnh: Zhang Yu/China News Service via Getty Images)

Ba người trong số họ đã bị cảnh sát giam giữ 24 giờ, một người khác bị triệu tập để thẩm vấn. Người thứ năm mà tôi nói chuyện đã bị cố vấn của cô ở trường quấy nhiễu nhiều lần, thậm chí người này còn gọi điện cho cha mẹ cô ấy. Những người khác không muốn nổi bật lên. Tất cả đều cho biết họ sẽ không ngần ngại xuống đường trong tương lai hoặc tham gia vào các hình thức phản đối khác, chẳng hạn như sử dụng tính năng Airdrop của iPhone để chia sẻ khẩu hiệu với những người đi tàu điện ngầm — hoặc viết khẩu hiệu dưới dạng tranh vẽ graffiti trên tường nhà vệ sinh công cộng.

Tất cả những người tôi phỏng vấn đều yêu cầu tôi không sử dụng đầy đủ tên họ, tôi chỉ sử dụng biệt hiệu hoặc tên tiếng Anh để bảo vệ sự an toàn của họ.

Một trong những người biểu tình bị giam giữ cho biết cô ấy đã bị lấy mẫu máu, bị quét (scan) mống mắt và điện thoại của cô ấy bị tịch thu. Cô được lệnh cởi hết quần áo để khám xét cơ thể. Trải nghiệm đó khiến cô sợ hãi. Tuy nhiên, cô ấy đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trên bài phát thanh (podcast) bằng tiếng Trung Quốc của tôi để những người khác biết điều gì sẽ xảy ra.

Cô ấy nói cô ấy chưa từng làm chính trị trong quá khứ. Nhưng điều đó đã thay đổi sau khi các nhà kiểm duyệt xóa tám tài khoản của cô trên mạng Weibo chỉ vì cô đã đăng hoặc chia sẻ về các sự kiện xã hội bi thảm liên quan đến phụ nữ.

Người dân phản đối vì những lý do khác nhau, cô nói. Đối với cô, đó là về quyền tự do ngôn luận; đối với một số người khác, đó là phản đối kiểm duyệt, đòi được xem những bộ phim họ thích. Nhưng họ có chung một mục tiêu: Họ muốn có một chính phủ mới.

Tương lai của phong trào mà những người biểu tình này hy vọng họ đã bắt đầu nằm ở hai điều: tổ chức của họ và sự ủng hộ của công chúng.

Họ đã thu phục được một số người trung niên, những người đã trải qua sự thức tỉnh chính trị của chính mình. Một vài người trung niên đó đã liên lạc với tôi để bày tỏ lòng biết ơn của họ đối với những người biểu tình.

Những người biểu tình biết họ gần như không thể cạnh tranh với một chính phủ có bộ máy tuyên truyền có công nghệ tinh vi nhất trong lịch sử nhân loại.

Một cuộc biểu tình của sinh viên Bắc Kinh hôm 27 tháng Mười Một 2022. Ảnh Getty Images

Miranda, nhà báo, cho biết cô dự định dành nhiều thời gian hơn để nói chuyện với bạn bè, cố gắng lấy lòng họ. Cô ấy nói, lần tới khi những người biểu tình lên tiếng, họ sẽ có nhiều người ủng hộ hơn đứng về phía họ.

Vào một buổi tối tháng trước, Atong, một sinh viên khác ở Nam Kinh, đã tự mình ra ngoài để dán các biểu ngữ phản đối viết tay, bởi vì anh không đủ tin tưởng vào bất kỳ ai để rủ họ đi cùng, và bởi vì hai người cùng đi sẽ dễ bị chú ý hơn. Giờ đây, anh là một trong 80 sinh viên từ trường đại học của mình trong một nhóm trò chuyện bằng ngôn ngữ được mã hóa, những người tự gọi mình là “những kẻ nổi loạn” và đang trao đổi ý kiến về những việc cần làm tiếp theo.

Anh ấy chỉ ra một số cuộc biểu tình gần đây tại các trường đại học, tại đó sinh viên đã thương lượng thành công những thay đổi trong chính sách của Covid với ban quản lý của họ. Anh nói rằng chỉ một vài tuần trước chuyện đó là không thể tưởng tượng được.

Nhưng, tôi hỏi những người biểu tình, điều gì sẽ xảy ra nếu sự kháng cự thầm lặng này thất bại? Điều gì sẽ xảy ra nếu năm tháng trôi đi và không có gì thay đổi cả?

Hầu hết cho biết họ đã sẵn sàng tiếp tục. Xia, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học, cho biết trong những năm gần đây cô đã chứng kiến việc chính phủ đàn áp các quyền của người đồng tính L.G.B.T.Q. – những người giống như cô. Và cô cảm thấy mình phải chống lại.

“Chúng tôi có thể mất từ năm đến 10 năm hoặc thậm chí lâu hơn nữa. Đối với nhiều người trong chúng tôi, được thấy một Trung Quốc tự do và dân chủ trong đời mình đã là một điều đáng thỏa mãn,” cô nói.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: