Nhân vụ dịch, Trung Quốc gia tăng giám sát người dân

Camera giám sát chĩa thẳng vào cửa nhà anh Ian Lahiffe. CNN

H.C.

Với danh nghĩa phòng chống coronavirus, Trung Quốc đã mở rộng mạng lưới camera giám sát để theo dõi cuộc sống của người dân.

Buổi sáng khi từ miền Hoa Nam trở về Bắc Kinh, Ian Lahiffe phát hiện một chiếc camera giám sát đã được lắp trước cửa vào căn hộ của mình; ống kính chĩa thẳng vào mặt anh. Lahiffe, một chuyên viên người Ái Nhĩ Lan 34 tuổi, cùng gia đình, sẽ phải tự cách ly trong nhà hai tuần lễ trước khi được ra ngoài giao tiếp, theo quy định của chính quyền Bắc Kinh. Chiếc camera có nhiệm vụ theo dõi và bảo đảm gia đình anh tuân thủ đúng lệnh cách ly 14 ngày.

Tuy không có thông báo chính thức nào rằng chính quyền sẽ lắp camera trước cửa nhà những gia đình bị cách ly nhưng ở nhiều thành phố khắp Trung Quốc từ cuối tháng Hai hàng triệu camera như thế đã được gắn lên.

Trung Quốc không có điều luật nào quản lý việc sử dụng camera giám sát nhưng loại thiết bị này đã trở thành vật quen thuộc trong cuộc sống cộng đồng ở nước này: nó theo dõi người qua đường, vô ra siêu thị, ăn uống ở nhà hàng, lên xuống xe bus, thậm chí cả đứng ngồi trong lớp học. Cả Trung Quốc đã thật sự trở thành một trại lính ảo, nơi nhất cử nhất động của người dân đều bị chính quyền để mắt tới qua hệ thống camera giám sát dày đặc.

Theo một báo cáo của IHS Markit Technology, tới năm 2018 Trung Quốc đã có khoảng 349 triệu camera giám sát, gấp năm lần số camera ở Hoa Kỳ; và sẽ tăng lên 567 triệu chiếc vào năm tới.

Còn theo công ty nghiên cứu Comparitech của Anh quốc, tính theo số camera trên 1.000 dân thì tám trong 10 thành phố có tỷ lệ cao nhất thuộc về Trung Quốc, dẫn đầu là Trùng Khánh (Chongqing) với 168 camera cho 1.000 dân, kế tiếp là Thẩm Quyến (Shenzhen) 159 máy, Thượng Hải (Shanghai) 113 máy… cho đến Thiên Tân, Tế Nam, Vũ Hán, Quảng Châu và Bắc Kinh; hai thành phố còn lại là London (Anh quốc) 68 máy và Atlanta (Hoa Kỳ) 16 máy.

Đại dịch cúm Vũ Hán với hàng triệu người bị cách ly để ngăn sự lây lan của dịch càng khiến cho mạng lưới camera giám sát ở Trung Quốc được mở rộng nhanh chóng: từ nơi công cộng, camera đã được đưa tới trước cửa nhà, và trong nhiều trường hợp, còn được lắp bên trong căn hộ của các gia đình, theo dõi cả cuộc sống riêng tư của người dân.

Trung Quốc đã sử dụng một hệ thống “mã sức khỏe” (health code) kỹ thuật số để kiểm soát việc di chuyển của người dân – người đi đến vùng dịch thì trên điện thoại sẽ hiện mã màu đỏ, người khỏe mạnh có mã màu xanh lá cây – và quyết định ai phải bị cách ly để kiểm dịch. Để buộc người bị cách ly phải ở yên trong nhà, chính quyền địa phương phải sử dụng thêm các biện pháp khác, mà camera giám sát là một.

William Zhou, một công chức, vừa trở về thành phố Thường Châu tỉnh Giang Tô từ quê nhà tỉnh An Huy hồi cuối tháng Hai. Ngay hôm sau ngày trở về, anh đã phải tiếp một viên công an và một nhân viên chính quyền địa phương, họ đến nhà anh và lắp một cái camera trên vách tủ, hướng ra phía cửa. Hình ảnh sinh hoạt trong căn hộ của anh hiện rõ mồn một trên màn hình máy điện thoại của người nhân viên chính quyền. Anh Zhou (không phải là tên thật) rất tức giận và bảo họ đem camera lắp ở bên ngoài căn hộ, nhưng viên công an cho rằng đặt bên ngoài sẽ bị ăn cắp hoặc phá hủy. Cuối cùng chiếc camera nghiễm nhiên ngự trị trong nhà, bất chấp anh Zhou phản đối quyết liệt.

Tối hôm đó, Zhou gọi điện vào đường dây nóng của thị trưởng và người phụ trách ủy ban chống dịch để than phiền. Hai ngày sau, hai quan chức chính quyền địa phương tới nhà anh, yêu cầu anh thông cảm và hợp tác với nỗ lực chống dịch của chính phủ. Họ nói rằng, camera chỉ chụp ảnh tĩnh khi có người mở cửa và không ghi lại hình ảnh video và âm thanh. Thế nhưng anh Zhou không thể tin được. “Cái camera tác động mạnh tới tâm lý của tôi. Tôi không dám gọi điện thoại vì sợ nó sẽ ghi âm cuộc trò chuyện. Tôi lo đến mất ngủ dù đã đóng chặt cửa phòng ngủ,” anh Zhou nói và cho biết hai gia đình khác, cũng bị cách ly trong cùng khu nhà với anh, cũng bị lắp camera trong nhà như vậy. Họ cũng phản đối, nhưng chính quyền cứ làm theo kế hoạch của họ.

Camera giám sát được đặt ngay trong căn hộ của những gia đình bị cách ly. CNN

Mỗi lần Lina Ali, một chuyên gia Bắc Âu sống ở thành phố Quảng Châu, mở cửa để nhận thực phẩm thì chiếc camera hướng vào cửa căn hộ của cô lại bật sáng. Cô nói nhân viên quản lý tòa nhà đã đến gắn cái camera này trong ngày đầu tiên cô bị cách ly tại nhà hồi đầu tháng. “Tôi rất ghét khi cái camera phát ra luồng sáng mạnh; họ nói với tôi rằng nó kết nối với đồn cảnh sát. Nó làm tôi có cảm tưởng mình là một người tù thật sự trong chính ngôi nhà mình”, cô Ali nói với CNN.

Hôm 16-02, trên mạng Weibo, chính quyền một quận của thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ở miền đông, khoe họ đã lắp camera trước cửa những gia đình bị cách ly để giám sát 24 giờ mỗi ngày. Ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm miền đông bắc, camera giám sát được tích hợp trí thông minh nhân tạo để phát hiện cả dáng đi của từng người, chính quyền thành phố khoe trên trang web.

Chính quyền quận Xuân Tây thuộc thành phố Nam Kinh còn đăng lên mạng Weibo những hình ảnh cho thấy cách chính quyền dùng camera để thực hiện việc cách ly người dân. Một hình ảnh cho thấy cái camera giám sát được gắn vào vách tủ áo bên trong một căn hộ, một ảnh khác lấy từ bốn chiếc camera, đều chụp ảnh bên trong căn hộ của người dân.

*

Dù phản đối nhưng anh Zhou vẫn cho rằng, nếu chính quyền lắp camera ở ngoài cửa nhà thì anh sẵn sàng chấp nhận. “Lắp camera trong nhà là xâm phạm nặng nề tới quyền riêng tư của tôi”, anh Zhou nói.

Trên mạng Weibo, nhiều người đăng hình ảnh các camera mà họ nói mới được lắp ngoài cửa nhà khi họ bị cách ly ở Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Nam Kinh và Thường Châu, cùng nhiều thành phố khác.

Nhưng nhiều người chấp nhận việc đó, dù không thể biết được họ thật sự nghĩ gì vì mạng xã hội ở Trung Quốc bị kiểm duyệt và theo dõi chặt, người dân không thể bày tỏ cảm nghĩ thật trên mạng. Một người dùng mạng Weibo ở Bắc Kinh viết, bà “tôn trọng và thông hiểu biện pháp của chính quyền”. Một cư dân Bắc Kinh khác, tự nhận là luật sư Điền Tăng Quân (Tian Zengjun), viết ông không nghĩ camera giám sát là cần thiết nhưng “bởi vì đây là một đòi hỏi tiêu chuẩn, tôi vui lòng chấp nhận nó”. Những người khác, lo ngại về sự lây lan của virus trong cộng đồng, đã kêu gọi chính quyền địa phương lắp đặt camera giám sát để bảo đảm người dân tuân thủ lệnh cách ly.

Camera giám sát được đặt ngay trong căn hộ của những gia đình bị cách ly. CNN

Ông Jason Lau, giáo sư trường Đại học Baptist Hong Kong, nói rằng người dân khắp Trung Quốc đã quen với camera giám sát có ở khắp nơi ngay cả trước khi đại dịch bùng phát. “Ở Trung Quốc, người dân đã cho rằng dù thế nào thì chính phủ cũng đã thu thập dữ kiện cá nhân của họ. Nếu họ nghĩ biện pháp đó giúp cho họ được an toàn, giúp cộng đồng được an toàn và vì lợi ích chung của công chúng thì họ không lo lắng nhiều”, ông Jason nói.

*

Nhiều chính phủ cũng đã sử dụng công nghệ để theo dõi người dân có rời nhà của mình hay không. Ở Hong Kong, tất cả khách quốc tế đến đều phải cách ly ở nhà trong hai tuần, phải đeo một vòng tay điện tử kết nối với một ứng dụng trên điện thoại, cho phép chính quyền biết người đó có rời nhà, rời khách sạn hay không. Nam Hàn dùng một ứng dụng theo dõi vị trí bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS, nếu người cách ly rời khỏi khu vực cách ly ứng dụng sẽ báo động. Tháng trước, Ba Lan cũng đưa ra một ứng dụng điện thoại cho phép người dân tự chụp ảnh rồi gửi cho chính quyền để xác nhận họ đang ở nhà.

Nhưng không nơi nào mà chính quyền, nhân danh việc chống dịch, lại xâm phạm trắng trợn vào đời tư của công dân như Trung Quốc. Maya Wang, nghiên cứu về Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, nói trong thời dịch bệnh chính phủ có rất nhiều biện pháp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhưng “họ không cần thiết phải bao trùm cả xã hội bằng các thiết bị giám sát”. “Nếu nhìn vào các biện pháp theo dõi người dân của Trung Quốc, từ ‘mã sức khỏe’ đến camera theo dõi việc cách ly, chúng ta thấy chính quyền ngày càng gia tăng sử dụng công nghệ giám sát mà trước đây chỉ thấy ở những vùng bị đàn áp khốc liệt như Tân Cương”, bà Wang nói.

Đầu tháng này, hơn 100 tổ chức đấu tranh cho nhân quyền và quyền riêng tư khắp thế giới đã đưa ra một kiến nghị chung kêu gọi các chính phủ bảo đảm việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để theo dõi và giám sát công dân thời đại dịch Covid-19 phải phù hợp với quyền con người. “Nỗ lực ngăn chặn đại dịch của các chính phủ không thể được dùng để che đậy việc tạo ra một thời kỳ mới trong đó công nghệ giám sát bằng kỹ thuật số bị lạm dụng để xâm phạm đời tư của công dân, ngăn cản tự do biểu đạt và tự do hội họp, xói mòn lòng tin của người dân vào cơ quan công quyền”, bản tuyên bố viết.

Ở Trung Quốc, sau khi ông Zhou mãn hạn cách ly, nhân viên chính quyền đã đến nhà ông tháo gỡ cái camera giám sát. Người nhân viên nói ông Zhou có thể giữ nó lại, nếu muốn, nhưng ông Zhou, sau hai tuần sống dưới sự giám sát thường xuyên, đã tức giận tới mức ông lấy cây búa đập nát cái camera trước mặt nhân viên chính quyền. “Tôi không thể chịu đựng nổi cái ý nghĩ cuộc sống thường ngày của mình lại bị phơi bày trần trụi trước con mắt xoi mói của chính quyền,” ông nói.

(CNN)  

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: