HIẾU CHÂN
Tổng thống Donald Trump hôm nay thứ Năm 30-04 nói với báo chí ông tin rằng coronavirus chủng mới, tác nhân gây đại dịch covid-19 hiện nay, có thể bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm nghiên cứu virus của Trung Quốc nhưng ông từ chối trưng ra bằng chứng. Phát biểu của ông gây thêm căng thẳng với Bắc Kinh chung quanh vấn đề nguồn gốc của đại dịch.
Ông Trump đã nói thẳng như vậy tại một sự kiện ở Tòa Bạch ốc, khi được hỏi ông có thấy bằng chứng nào khiến ông “tin tưởng cao độ” rằng con virus xuất phát từ Viện nghiên cứu virus Vũ Hán hay không. “Có, tôi có thấy,” ông đáp và từ chối nói cụ thể hơn. “Tôi không thể nói điều đó với các bạn. Tôi không được phép kể với các bạn”, theo hãng tin Reuters.
Đi tìm nguồn gốc virus
Khẳng định của ông Trump củng cố thêm thông tin mà tờ The New York Times đăng sáng nay 30-04, theo đó các quan chức cao cấp của chính phủ đang thôi thúc các cơ quan tình báo săn tìm bằng chứng hỗ trợ cho một lý thuyết chưa được chứng minh rằng một phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc ở thành phố Vũ Hán là nơi phát sinh đại dịch coronavirus. Động thái này của chính phủ xảy ra vào lúc Tổng thống Trump đang xúc tiến một chiến dịch đổ tội cho Trung Quốc gây ra đại dịch, cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn người Mỹ, làm kinh tế suy thoái và đe dọa cơ hội thắng cử của ông trong cuộc bầu cử tháng Mười Một tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, một cựu giám đốc Cơ quan tình báo trung tâm CIA, cũng là người chống đối Trung Quốc mạnh mẽ nhất trong chính phủ, là người tích cực nhất thúc đẩy các cơ quan tình báo thu thập thông tin về đại dịch, báo The New York Times cho biết.
Trước đây ông Trump cũng từng nói chính phủ Mỹ đang cố gắng xác định xem coronavirus có phải xuất phát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không sau khi có các phúc trình trên báo chí rằng virus có thể là sản phẩm nhân tạo tại một phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc hoặc đã bị thoát ra ngoài từ một cơ sở nghiên cứu như vậy.
Viện nghiên cứu virus Vũ Hán bác bỏ lời cáo buộc, nhiều khoa học gia nghiên cứu cấu trúc gene của coronavirus cũng nói khả năng có thể xảy ra nhất là virus đã từ động vật truyền sang người trong môi trường bên ngoài phòng thí nghiệm, giống như trường hợp đã xảy ra với virus HIV, Ebola và SARS. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng, kể cả một nhóm năm nhà khoa học trong một bài báo đăng trên tờ Nature Medicine cuối tháng Ba vừa qua, đã lên tiếng bác bỏ giả thuyết coronavirus là sản phẩm nhân tạo, được nuôi cấy và biến đổi gene trong phòng thí nghiệm.
Trong một thông báo đưa ra hôm nay, Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia vẫn rất thận trọng nói rằng cộng đồng tình báo “tiếp tục xem xét cẩn thận các thông tin mới, các tin tình báo mới để xác định đại dịch bùng phát qua mối tiếp xúc với động vật mang nguồn bệnh hoặc nó là kết quả của một tai nạn ở một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.” Thông báo nói các cơ quan tình báo tán thành “sự đồng thuận rộng rãi của các nhà khoa học rằng coronavirus không phải là sản phẩm nhân tạo, hay sản phẩm biến đổi gene”.
Nhắm tới “phòng thí nghiệm”
Mấy tháng nay, các nhà khoa học, điệp viên và quan chức chính phủ, đều đau đầu với nhiều giả thuyết về đại dịch đã bắt đầu như thế nào dù ai cũng công nhận tầm quan trọng của việc xác định căn nguyên của đại dịch. Các chuyên gia đã bác bỏ giả thuyết đây là một loại vũ khí sinh học, và đồng ý rằng mầm bệnh mới này là một virus xuất hiện ở loài dơi truyền sang một loại động vật có vú khác rồi biến dị để lây nhiễm và gây tử vong ở người. Nhưng đường đi của virus từ dơi sang người là điều mà các chuyên gia chưa đồng ý với nhau được.
Ông Trump đã công khai nói tới “những cuộc điều tra rất nghiêm túc” của chính phủ về nguồn gốc của virus và tội lỗi của Trung Quốc. Nhiệm vụ đó trở nên cấp bách từ cuối tháng Ba khi các nguồn tin tình báo, có thể dựa trên những cuộc trao đổi của các quan chức Trung Quốc mà tình báo Mỹ thu được, khiến Tòa Bạch ốc chuyển mạnh sang giả thuyết “phòng thí nghiệm”.
Phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu virus ở Vũ Hán nghiên cứu hàng ngàn chủng coronavirus trên loài dơi móng ngựa đặc hữu của vùng Hoa Nam Trung Quốc. Cơ sở này không xa lạ với các quan chức Mỹ, nó đã nhận được tài trợ và huấn luyện của các khoa học gia và cơ quan nghiên cứu của Mỹ. Tuy nhiên, trong một phát biểu hôm qua thứ Tư, ông Mike Pompeo cho biết đến nay Mỹ vẫn “chưa được tiếp cận” trụ sở chính của Viện nghiên cứu virus Vũ Hán – một trong hai cơ sở mà các quan chức Mỹ thiên về giả thuyết “phòng thí nghiệm” hướng tới – cơ sở còn lại là phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh Vũ Hán.
Nhiều khoa học gia hoài nghi giả thuyết coronavirus bị phát tán từ phòng thí nghiệm của một trong hai cơ sở trên. Giáo sư Daniel R. Lucey, chuyên gia về đại dịch của Đại học Georgetown, người theo dõi sát nguồn gốc của dịch Covid-19, viết rằng không có bằng chứng nào cho thấy coronavirus “xuất phát từ phòng thí nghiệm, dù vô tình hay cố ý”, báo New York Times trích dẫn. Nhưng ngày càng có nhiều người tin vào khả năng đó. Giáo sư Richard Ebright, nhà vi sinh vật học và chuyên gia về an toàn sinh học của Đại học Rutgers ở New Jersey cho rằng, khả năng xảy ra tai nạn ở phòng thí nghiệm là “chắc chắn”, dựa vào lịch sử các sự cố tương tự gây nhiễm virus cho các nhà nghiên cứu. Theo ông Ebright, không chỉ các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán mà ở nhiều nơi trên thế giới chuyên nghiên cứu các chủng virus hình thành trong tự nhiên đều có những quy định về an toàn rất đáng ngờ. “Các tiêu chuẩn thì lỏng lẻo và cần phải siết chặt,” ông Ebright nói, cũng theo New York Times.
Gần đây có những thông tin chưa được kiểm chứng cho biết Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã gửi hai phúc trình về Washington, cảnh báo tình trạng thiếu an toàn của các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nơi hợp tác với Hoa Kỳ trong một vài dự án nghiên cứu virus. Cũng có thông tin rò rỉ từ các nhà nghiên cứu Trung Quốc rằng những bệnh nhân đầu tiên của dịch cúm Vũ Hán không phải là những người kinh doanh hay người lui tới chợ động vật Hoa Nam như thông tin của chính phủ Trung Quốc.
Những động thái khó hiểu của chính quyền Trung Quốc càng khiến cho giả thuyết “phòng thí nghiệm” có sức hấp dẫn hơn. Ngay sau khi đại dịch bùng phát hồi tháng 01-2020, chính phủ Bắc Kinh đã cho thay thế đội ngũ lãnh đạo Viện nghiên cứu virus Vũ Hán, đưa các sĩ quan cao cấp về quân y tới thay vị trí các nhà khoa học. Sang tháng 02, Chủ tịch Tập Cận Bình ban hành đạo luật về “an toàn sinh học và an ninh sinh học của đất nước”. Đến tháng 03, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ban hành các hướng dẫn mới về hoạt động của các phòng thí nghiệm, đặc biệt là các cơ sở nghiên cứu virus. Cũng từ tháng 03, tất cả các công trình nghiên cứu khoa học liên quan tới coronavirus và đại dịch Covid-19 đều phải được bộ này xem xét và phê chuẩn thì mới được công bố. Ngay cả tờ báo lá cải theo khuynh hướng dân tộc cực đoan Global Times thời gian này cũng có bài viết về “những vấn đề quản trị bất cập kinh niên” ở các phòng thí nghiệm, liên quan tới việc phơi nhiễm sinh học.
Trả lời phỏng vấn của Newsradio 1040 hôm nay thứ Năm, Ngoại trưởng Pompeo nói: “Chúng tôi không biết có phải virus đến từ Viện nghiên cứu virus Vũ Hán hay không. Chúng tôi không biết có phải nó xuất phát từ chợ động vật hay từ một nơi nào khác. Chúng tôi chưa có câu trả lời,” theo hãng tin Reuters.
Cho tới nay, mọi giả thuyết về nguồn gốc của đại dịch đều là phỏng đoán, kể cả nhận định nêu trên của Tổng thống Trump. Câu trả lời chỉ có thể có được từ những nghiên cứu khoa học nghiêm túc và khách quan, ngay tại hiện trường khởi phát của đại dịch mà điều đó khó mà thực hiện được nếu thiếu sự hợp tác của chính quyền Trung Quốc.