Thuế thổ trạch, phép thử quyền lực của Tập Cận Bình

Chenggong, một thành phố ma gần Côn Minh, tỉnh Vân Nam Trung Quốc, được coi là thành phố ma lớn nhất châu Á, có rất nhiều chúng cư, cao ốc được xây lên mà không có người ở vì người mua chủ yếu để đầu cơ kiếm lời. Để chấm dứt tình trạng đầu cơ nhà đất, ông Tập Cận Bình chủ trương đánh thuế thổ trạch nhưng chủ trương đó đang bị phản đối mạnh trong đảng của ông. Ảnh Visual China Group via Getty Images.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với những thành phần chống lại thuế thổ trạch mà ông xem như “phép màu” để hạ giá nhà đất, giải quyết quả bom “bong bóng bất động sản”. Những nỗ lực của ông Tập nhằm chế ngự thị trường địa ốc đã gây chấn động khắp nền kinh tế và đang chịu sức ép lớn từ cả những “tư bản đỏ” trong đảng.

Áp thuế thổ trạch để làm xẹp “bong bóng địa ốc”

Ông Tập không giấu giếm tham vọng sẽ sớm làm xẹp bong bóng bất động sản do thị trường địa ốc bùng nổ trong bốn thập niên qua nhưng theo những người hiểu biết về nội tình đảng, ông đang phải đối mặt với những phản ứng không đồng tình về kế hoạch áp thuế thổ trạch mới trên qui mô toàn quốc.

Từ lâu, nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường tin rằng tăng thuế thổ trạch sẽ khiến việc đầu cơ địa ốc trở nên tốn kém hơn và kéo giá nhà xuống, giúp các gia đình trung lưu dễ mua nhà hơn, đáp ứng được mục tiêu phân phối tài sản đồng đều hơn của ông Tập. Trong 10 năm qua Trung Quốc chỉ thử nghiệm đánh thuế thổ trạch ở hai thành phố lớn là Thượng Hải và Trùng Khánh. Đến đầu năm nay, ông Tập mới giao cho Phó thủ tướng thứ nhất Hàn Chính (Han Zheng) nghiên cứu đề ra mức thuế mới có thể áp dụng rộng hơn tại nhiều thành phố. Tuy nhiên, kế hoạch thuế tham vọng này không nhận được sự đồng thuận từ cả trung ương lẫn địa phương, thậm chí có khả năng bị thay thế bởi “chương trình nhà giá rẻ có trợ giá” do nhà nước xây dựng. Đề xuất ban đầu thử nghiệm thuế thổ trạch ở khoảng 30 thành phố đã bị thu hẹp lại chỉ còn 10 thành phố.

Tranh cãi về thuế địa ốc diễn ra vào lúc tập đoàn phát triển địa ốc lớn thứ nhì Trung Quốc – mà cũng là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất – tập đoàn Hằng Đại (China Evergrande Group) bị rơi vào bẫy nợ do ôm quá nhiều dự án có không người mua. Evergrande vẫn còn phải vật lộn để tồn tại trước áp lực của các cổ đông đòi chia cổ tức và các nhà đầu tư đòi chia lời. Tờ The Wall Street Journal viết: “Cuộc khủng hoảng nợ nần của Evergrande đang đặt ra câu hỏi về sức khoẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”. Các nhà phát triển địa ốc tư nhân khác vướng vào nợ nần cũng bị siết chặt tín dụng và nguy cơ phá sản chỉ còn là thời gian.

Hậu quả là doanh số bán nhà tại Trung Quốc giảm và các ngân hàng phải tạm ngưng các khoản cho vay mới. Tác động từ việc thắt chặt thị trường địa ốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong quý 3 năm nay.

Nhưng ông Tập có vẻ thờ ơ trước thảm hoạ mà Evergrande đang gặp. Bong bóng bất động sản của Trung Quốc đã phình ra hơn trong những năm qua. Giá nhà liên tục tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đến việc vay nợ tràn lan để phát triển các dự án nhà ở và những người thừa tiền đầu cơ vào thị trường nhà, đẩy giá nhà lên cao hơn nữa. Trong những năm gần đây chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cố phá vỡ vòng luẩn quẩn này bằng nhiều biện pháp thắt chặt tín dụng nhưng thường phải dừng khi thấy tăng trưởng kinh tế bị đe dọa. Nay, ông Tập quyết liệt hơn với khẩu hiệu: “Nhà là để ở, không phải để đầu cơ!”, và có vẻ ông sẵn sàng chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế để đạt được mục đích.

Bị phản đối từ trong đảng và các địa phương sống nhờ bán đất

Tuy nhiên, trong các cuộc tranh luận nội bộ, đa số giới tinh hoa và các thành viên cao cấp của đảng đều có ý kiến tiêu cực đối với kế hoạch đánh thuế vào tài sản. Nhiều lập luận được đưa ra để bác bỏ loại thuế hàng năm đánh vào giá trị của các bất động sản nhàn rỗi. Kế hoạch liên bộ tài chính, nhà ở và thuế được thử nghiệm từ mùa xuân để thăm dò phản ứng của người dân đã bị các nhà phân tích thị trường tố cáo là “can thiệp thô bạo vào giá nhà đất, làm giảm mạnh chi tiêu của người dân và gây tổn thương nghiêm trọng cho nền kinh tế”. Thuế bất động sản có thể là phép thử cho quyền lực của ông Tập và có thể mang lại rủi ro cho tương lai chính trị của ông khi nó vừa bị người dân vừa bị các viên chức đảng xa lánh.

Hơn 90% gia đình Trung Quốc ở thành thị có nhà riêng và các ngành kinh doanh liên quan đến bất động sản chiếm gần 1/3 GDP của cả nước; 80% tài sản hộ gia đình nằm trong địa ốc nên kéo giá nhà xuống bằng thuế là làm giảm sản nghiệp tích luỹ của họ. Khi người dân nghèo đi (do thuế) họ sẽ chi tiêu ít hơn và nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Không ai muốn thấy giá trị ngôi nhà hay căn hộ mình đang ở mất đi một mảng chỉ sau một đêm nên ngay cả các đảng viên cao cấp đã nghỉ hưu cũng gửi kiến nghị yêu cầu ngưng áp thuế mới trên diện rộng, nêu lý do: Không có khả năng chi trả! Một quan chức thạo tin nói: “Rất nhiều người dân, kể cả các đảng viên, làm chủ nhiều hơn một ngôi nhà. Họ không muốn khối tài sản của họ bị giảm giá trị”. Nói vậy để thấy, việc áp dụng thuế địa ốc mới sẽ gây bất ổn xã hội.

Các chính quyền địa phương có một phần ba số thu ngân sách từ việc bán đất cho các nhà phát triển bất động sản, lo ngại thuế bất mới sẽ làm giảm sức cầu đất đai và giảm thu ngân sách hơn $1 ngàn tỷ. Theo công ty nghiên cứu thị trường Rhodium Group, do các nhà phát triển địa ốc bị hạn chế tiếp cận nguồn tài chính, các giao dịch đất đai và doanh thu bán hàng đã giảm xuống mức kỷ lục. Ví dụ, ở thành phố Quảng Châu miền nam, chính phủ bán được chưa một nửa trong số 48 lô đất đưa ra đấu giá vào cuối Tháng Chín và chỉ có năm lô đất bán cao hơn giá khởi điểm. Dựa trên dữ liệu giao dịch từ 100 thành phố, phân tích của Rhodium cho thấy doanh số bán đất đã giảm 43% trong ba tuần đầu tiên của Tháng Chín so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm này càng làm tăng thêm những căng thẳng về tài chính tại nhiều địa phương trên cả nước. Chính phó thủ tướng Hàn chịu trách nhiệm triển khai thuế mới cũng đề nghị ông Tập không nên áp đặt mức thuế quá rộng rãi vào thời điểm hiện nay! Hàn và đội ngũ chịu trách nhiệm vẫn phân vân về mức thuế cho các thành phố ​​thí điểm và liệu có nên qui định các ngoại lệ giảm thuế hay miễn thuế không.

Nếu có một luật tăng thuế thổ trạch mới áp dụng trên trên toàn quốc thì cũng phải chờ đến năm 2025, năm cuối cùng của kế hoạch phát triển năm năm hiện tại, mới thông qua được.

Loại bỏ “tư bản quá đà” và quay lại mô hình nhà ở giá rẻ có trợ cấp

Trong đợt thử nghiệm trước đây về thuế thổ trạch, hai thành phố lớn Thượng Hải và Trùng Khánh ở miền trung được thu thuế hàng năm đối với các căn nhà thứ hai hoặc những căn nhà có giá trị cao kể từ năm 2011. Những nơi khác sẽ áp dụng ở đợt thử nghiệm này thuộc khu vực bùng nổ kinh tế phía Nam như Thâm Quyến, thành phố Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang giàu có và tỉnh Hải Nam. Chiết Giang là nơi có đế chế kinh doanh của Mã Vân (Jack Ma), ông chủ của tập đoàn Alibaba, ngôi sao công nghệ Trung Quốc, cũng là nơi được xem là phòng thí nghiệm các chính sách của ông Tập nhằm giảm bất bình đẳng. Ông Tập gọi đây là đợt thử nghiệm để “xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Trung Quốc đã ghi nhận sự suy thoái kinh tế mạnh trong quý ba và đang tập trung giải quyết các vấn đề dài hạn hơn gồm nợ hộ gia đình và tiêu thụ năng lượng. Một bài báo đăng trên tạp chí lý thuyết hàng đầu của đảng, tạp chí Cầu Thị (Qiushi), để lộ một dấu hiệu cho thấy ông Tập đã nhân nhượng khi đồng ý với đề nghị ít quyết liệt hơn và thử nghiệm hạn chế hơn trong chính sách thuế thổ trạch.

Trên các lĩnh vực khác, chiến dịch loại bỏ “tư bản quá đà”  ra khỏi hệ thống Trung Quốc của ông Tập cũng làm giảm tốc độ tăng trưởng. Bán lẻ, việc làm và các hoạt động dịch vụ khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách thắt chặt và đều chậm lại trong những tháng gần đây. Bị ảnh hưởng lớn nhất là các công ty công nghệ. Các ngân hàng và quỹ nhà nước cũng bị thoái bộ bởi sự giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng với các công ty lớn trong khu vực tư nhân. Logan Wright, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc của Rhodium, nhận định: “Rõ ràng, Bắc Kinh sẵn sàng mạo hiểm với tổn thất kinh tế và hãy chờ xem ông Tập sẽ can thiệp vào thị trường địa ốc đến đâu”.

Có vẻ ông Tâp chỉ đi chậm lại chứ không rút lui dù ông biết là có những căng thẳng đối với nỗ lực làm sạch nền kinh tế của ông. Bài phát biểu ngày 1 Tháng Chín tại Trường Đảng Trung ương được xem là một nỗ lực chuẩn bị để bộ máy đảng đi qua thời kỳ khó khăn. Ông Tập nhấn mạnh: “Dám đấu tranh là đặc điểm riêng biệt của đảng chúng ta. Bắt đầu một chặng đường mới xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại sẽ không tránh khỏi đối mặt với một số rủi ro và thử thách hơn trước”.

Trong bốn thập niên qua, xã hội Trung Quốc đã chuyển từ việc công nhân viên sống ở những căn hộ do công ty hay cơ quan của họ cung cấp sang thị trường nhà tư nhân tự mua tự xây. Nhà ở giá rẻ do các công ty nhà nước xây dựng là giải pháp cho những người không đủ tiền mua nhà giá cao. Một số quan chức và cố vấn cho rằng, việc quay trở lại một hệ thống nhà ở giá rẻ có trợ giá do nhà nước cung cấp có thể giúp Trung Quốc bình đẳng hơn. Đi theo hướng này, chính quyền tỉnh Vân Nam vừa thông báo Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Vân Nam sẽ hợp tác với các ngân hàng nhà nước để mở rộng nguồn cung nhà ở giá rẻ “với tinh thần phục vụ và trách nhiệm cao”.

(Tham khảo The Wall Street Journal)

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: