Tỉ phú vaccine và những lọ vaccine giết người ở Trung Quốc

Việc hãng dược AstraZeneca (liên doanh Thụy Điển-Anh) hợp tác với Shenzhen Kangtai Biological Products (Thâm Quyến Khang Thái Sinh Vật Chế Phẩm hữu hạn công ty) của tỉ phú Trung Quốc Đỗ Vĩ Dân (Du Weimin) đang làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của chương trình sản xuất vaccine coronavirus. Thâm Quyến Khang Thái có không ít tiền án sản xuất vaccine gây chết người và cá nhân tỉ phú Đỗ Vĩ Dân cũng không ít tai tiếng. New York Times (7-12-2020) vừa tung ra một hồ sơ chi tiết về vụ này…

“Chiến binh của vương quốc vaccine”

Khi một nhà quản lý chính phủ xuất hiện, nhà điều hành dược phẩm Trung Quốc trao một túi giấy chứa 44.000 USD tiền mặt. Giám đốc điều hành, Đỗ Vĩ Dân, rất muốn vaccine của công ty mình được duyệt. Vài tháng sau, Đỗ được bật đèn xanh để thử nghiệm lâm sàng hai loại vaccine. Cuối cùng chúng được chấp thuận, mang lại hàng chục triệu đôla cho Đỗ. Tay quan chức tham nhũng bị bỏ tù năm 2016 tội nhận hối lộ từ Đỗ và một số nhà sản xuất vaccine khác. Trong khi đó, Đỗ chẳng hề hấn gì. Đương sự còn dựng nên một đế chế. Công ty của Đỗ, Shenzhen Kangtai Biological Products (Thâm Quyến Khang Thái Sinh Vật Chế Phẩm), hiện là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn nhất Trung Quốc. Đỗ, mệnh danh “vua vaccine”, là một trong những người giàu nhất Trung Quốc.

Bây giờ, Khang Thái là nhà sản xuất độc quyền ở Trung Quốc đại lục cho vaccine coronavirus do tập đoàn dược AstraZeneca bào chế. AstraZeneca cho biết họ đã “tiến hành thẩm định kỹ lưỡng và phù hợp trước khi ký thỏa thuận với bất kỳ tổ chức nào”, rằng “an toàn, hiệu quả và chất lượng của vaccine là điều quan trọng hàng đầu và AstraZeneca đã hợp tác với các tổ chức có năng lực, được thành lập để giúp đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi và công bằng trên toàn cầu, phi lợi nhuận trong thời kỳ đại dịch”.

Vài năm gần đây, hàng trăm quan chức Trung Quốc đã bị cáo buộc nhận hối lộ trong các vụ việc liên quan công nghiệp vaccine. Vấn đề ở chỗ những công ty và giám đốc điều hành dính dáng hiếm khi đối mặt hình phạt. Năm 2013, 17 trẻ sơ sinh đã tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B của Khang Thái. Tuy nhiên, “cơ quan chức năng” vẫn khẳng định Khang Thái chẳng có gì sai.

Những năm 2000, Khang Thái còn là một công ty nhỏ. Tuy nhiên, Đỗ có tham vọng lớn. Ông đến thăm các công ty dược phẩm và viện nghiên cứu công nghệ sinh học ở phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp. Về nước, Đỗ cảnh báo rằng Trung Quốc không thể tiếp tục dựa vào vaccine nước ngoài. Không chỉ giá đắt mà còn là “những nguy cơ tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia”. Một trong những cách thức “đi tắt đón đầu” là kết hợp sản xuất-phân phối với nước ngoài. Những thương vụ như vậy đã đưa Đỗ, xuất thân từ một gia đình nông dân vùng núi nghèo ở Giang Tây, trở thành tỉ phú sau này.

Sau khi giúp thành lập công ty Công nghệ sinh học Beijing Minhai (Bắc Kinh Dân Hải sinh vật khoa kỹ hữu hạn công ty) năm 2004, Đỗ hợp tác với tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Pháp Sanofi Pasteur để sản xuất vaccine phòng bệnh dại. Thời điểm đó, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế lây lan của căn bệnh đã giết chết hơn 2.600 người ở Trung Quốc vào năm đó. Năm 2008, Đỗ mở rộng kinh doanh bằng cách đầu tư vào Khang Thái.

Công ty được thành lập năm 1992 với sự giúp đỡ của hãng dược Mỹ Merck. Họ cùng sản xuất vaccine viêm gan B. Thương vụ này đã tạo ra một hãng dược khổng lồ tại Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc gọi Đỗ là “chiến binh của vương quốc vaccine”. Giá trị tài sản ròng của Đỗ ước tính 7,4 tỉ USD tính đến tháng 5-2020, khi Đỗ chuyển 3,5 tỉ USD cổ phiếu cho vợ cũ, Viên Lị Bình (Yuan Liping ), trong vụ ly hôn đắt giá nhất Trung Quốc từ trước đến nay.

Vaccine giết người và báo chí bị bịt miệng

Năm 2010, tờ Trung Quốc Thanh Niên báo cho biết các cơ quan quản lý đã trì hoãn thông báo cho công chúng rằng khoảng 180.000 liều vaccine bệnh dại không có hiệu quả. Thuốc chủng này được chế tạo bởi Jiangsu Yanshen (Giang Tô Diên Thân), sau đó thuộc sở hữu của Đỗ. Trong thời gian trì hoãn kéo dài 9 tháng, Đỗ đã bán khoảng 51% cổ phần công ty cho Simcere Pharmaceutical Group (Tiên Thanh Dược ước nghiệp tập đoàn), một nhà sản xuất thuốc khác. Nhà báo điều tra Đỗ Đào Hân (Du Taoxin) bắt đầu đào bới và biết được rằng giới quản lý đã trì hoãn thông báo để Đỗ Vĩ Dân có thể bán cổ phần và không phải chịu trách nhiệm, đồng thời đẩy hết tội cho Tiên Thanh Dược.

Tháng 8-2014, nhà báo Đỗ Đào Hân tung ra bài điều tra, cho thấy nhiều vấn đề trong ngành dược đã phát sinh từ mối quan hệ “cộng sinh” với chính phủ. Vaccine được quản lý thông qua các trung tâm kiểm soát bệnh truyền nhiễm địa phương. Các trung tâm này lại ngoặm lợi nhuận trong việc phân phối. Theo ghi nhận của The New York Times, từ năm 2018 đến năm 2020, đã có 59 vụ kiện tham nhũng liên quan các công ty vaccine. Năm mươi bốn người trong số đó liên quan hối lộ giới chức địa phương.

Phần mình, Khang Thái kiện nhà báo Đỗ Đào Hân và tờ Dân chủ và Pháp quyền của ông vì tội “phỉ báng”. Tháng 11-2016, Đỗ Đào Hân bị kết tội “làm tổn hại danh tiếng” Đỗ Vĩ Dân, phải bồi thường 300 USD; đồng thời phải xóa bài báo. Đỗ Đào Hân bỏ nghề báo một năm sau đó. Không chỉ bài báo của Đỗ Đào Hân, tháng 9-2014, Đài truyền hình vệ tinh Quảng Đông cũng phải lên tiếng xin lỗi vì đã “làm tổn thương tình cảm” của Đỗ Vĩ Dân. Cùng lúc, tờ 21 thế kỷ kinh tế báo, tờ báo kinh doanh có ảnh hưởng, cũng xóa bảy bài báo liên quan công ty của Đỗ cũng như cái chết những trẻ sơ sinh được tiêm vaccine viêm gan B của Khang Thái vào năm 2013.

Những năm gần đây, một số gia đình Trung Quốc đã phối hợp thực hiện các chiến dịch kêu gọi giám sát ngành công nghiệp vaccine. Tuy nhiên, chính quyền, xem họ là mối đe dọa đối với Đảng Cộng sản, đã bịt miệng một cách triệt để. Chính quyền sách nhiễu và giam giữ những người mẹ, người cha và người bà, buộc tội họ “gây rối trật tự công cộng” hoặc “gây gổ và kích động”. Tháng 10-2020, chính quyền Hà Nam đã bắt Hà Phương Mỹ (He Fangmei), một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với các công ty vaccine Trung Quốc. Luật sư đại diện cho giới hoạt động xã hội dân sự liên quan vaccine cũng đối mặt nhiều trừng phạt gay gắt. Nhiều nhóm trực tuyến mà các gia đình sử dụng để chia sẻ bất bình và phối hợp phản đối trên ứng dụng tin nhắn WeChat đã bị đóng cửa.

Những trường hợp kêu oan bất thành

Liêu Phương Sinh (Liao Fangsheng) đã cố kiến nghị chính quyền trung ương sau khi con trai ông, Bành Dũng (Pengyong), bị phát hiện viêm não do virus. Liêu cho biết con trai ông là một đứa trẻ 18 tháng tuổi vui vẻ và khỏe mạnh trước khi uống vaccine do Khang Thái sản xuất. Hai hoặc ba ngày sau khi tiêm, Bành Dũng bị sốt nhẹ và sau đó hôn mê 17 ngày. Tháng 12-2019, ủy ban y tế địa phương cho biết đây là một “trùng hợp ngẫu nhiên” khi cậu bé bị ốm sau khi uống vaccine. Ông Liêu đến Bắc Kinh, gõ cửa Ủy ban Y tế Quốc gia và Văn phòng kiến ​​nghị Trung ương. Họ hướng dẫn ông đến các “cơ quan chức năng” khác. Sau khi lảng vảng bên ngoài khu ở của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, Liêu bị giam một tuần, tội “gây rối trật tự nơi làm việc”. Liêu nói, tất cả họ đều bảo vệ nhau, cấp trên bảo vệ cấp dưới. “Không ai thèm ghé mắt đến bất kỳ tài liệu nào tôi đưa. Chẳng ai thèm nói chuyện với tôi. Luật ở đâu? Chính phủ ở đâu?” – ông Liêu kể.

Năm 2010, hàng chục học sinh tiểu học tỉnh Quảng Đông bị đau đầu, nôn mửa và suy nhược sau khi được tiêm vaccine viêm gan B của Khang Thái. Theo tờ China News Service (Trung Quốc Tân Văn Xã), một quan chức y tế cấp tỉnh cho rằng vấn đề là do “phản ứng tâm thần hàng loạt”. Viên chức Bành Quốc Văn (Peng Guowen), Giám đốc Viện tiêm chủng thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, cho biết hầu hết triệu chứng như chóng mặt hoặc đau bụng là do “chủ quan” và không có học sinh nào bị sốt. Ông đổ lỗi cho những tin đồn lan truyền trên các phương tiện truyền thông báo chí và xã hội về sự an toàn của vaccine. Trong một cuộc họp báo, khi được hỏi làm cách nào mà chính quyền có thể kết luận phản ứng của học sinh không liên quan vaccine trước khi kết quả xét nghiệm được công bố, chẳng quan chức “có trách nhiệm” nào trả lời.

Tỉ phú Đỗ Vĩ Dân và “cái ô” khổng lồ

Năm 2013, sau khi có tin 17 trẻ sơ sinh tử vong sau khi uống cùng một loại vaccine, giới truyền thông và công chúng Trung Quốc đã gọi Đỗ Vĩ Dân là “kẻ giết trẻ em”. Chính phủ ngừng bán vaccine Khang Thái vào tháng 12. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, lệnh cấm được bỏ, sau khi có kết luận rằng công ty Khang Thái không có lỗi. Thông cáo về cuộc điều tra chính thức được cung cấp sau đó chẳng mang lại chi tiết nào cả, chủ yếu ghi lại những ca tử vong và liệt kê nguyên nhân, gồm viêm phổi, bệnh tim và tiêu chảy. Phải nói là Trung Quốc rất ít quan tâm mức độ an toàn vaccine cũng như dược phẩm nói chung. Tại Mỹ, chính phủ liên bang thường thực hiện các đánh giá chuyên sâu sau khi giới sản xuất báo cáo những vấn đề liên quan vaccine. Tại Hàn Quốc, nơi có hàng loạt ca tử vong gần đây liên quan vaccine cúm, chính phủ đã công bố dữ liệu chi tiết về những ca tử vong nhằm khôi phục lòng tin công chúng.

Về Khang Thái, chính quyền địa phương đã duyệt cấp khu đất to 20.000 mét vuông làm nơi đặt nhà máy sản xuất vaccine coronavirus. AstraZeneca và Đại học Oxford thông báo vào cuối tháng 11-2020 rằng vaccine của họ có hiệu quả, mặc dù mức độ hiệu quả còn gây tranh cãi. Theo thỏa thuận với AstraZeneca, Khang Thái sẽ sản xuất 200 triệu liều cho Trung Quốc đại lục. Cuối tháng 9-2020, Khang Thái thông báo họ bắt đầu thử nghiệm vaccine coronavirus do chính họ bào chế sau khi có kết quả thử nghiệm khả quan trên chuột và khỉ. Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Trịnh Hải (Zheng Haifa), nhà khoa học hàng đầu tại Khang Thái, cho biết công ty đang nỗ lực đạt bước đột phá trong việc phát triển vaccine “càng sớm càng tốt” để đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. Vấn đề là chúng có an toàn hay không mà thôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: