Trung Quốc chuẩn bị chiến dịch “cải tạo tư sản” – dân tình mất ăn, mất ngủ!

Minh họa: 偉宗 勞/Unsplash

Với lá bài “thịnh vượng chung” giúp giảm khoảng cách giàu nghèo, Tập Cận Bình đang chuẩn bị chiến dịch “cải tạo tư sản” sặc mùi cộng sản thời Mao. Hàng triệu người dân Trung Quốc đang mất ăn mất ngủ khi nghĩ đến điều này…

Cho đến thời điểm này, dù sắp đến lúc được thực hiện thí điểm tại một số thành phố (cũng chưa biết thành phố nào!), người dân Trung Quốc vẫn chưa rõ cụ thể luật thuế tài sản được tính ra sao. Theo luật, bất động sản có người ở hoặc không người ở sẽ bị đánh thuế dựa trên giá trị, trừ các hộ nông thôn. Chưa rõ mức thuế đề xuất bao nhiêu, nhưng nếu là 1%, các khoản nộp thuế trong tương lai sẽ tương đương 20-40% giá trị một bất động sản hiện nay, dựa theo thời hạn qui định 70 năm quyền sở hữu chủ. Sở hữu tư nhân đối với bất động sản ở Trung Quốc bắt đầu vào năm 1998.

Các chính quyền địa phương kiếm được đáng kể doanh thu từ việc bán đất – 8.4 nghìn tỷ nhân dân tệ ($1.3 nghìn tỷ) vào năm ngoái, so với 10.1 nghìn tỷ nhân dân tệ từ thuế. Bất động sản từ lâu là cột sống kinh tế Trung Quốc, chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nếu tính luôn những ảnh hưởng gián tiếp, vì nó có thể tác động đến nhu cầu thép và xi măng. Sự phụ thuộc này vẫn không thay đổi kể cả khi Trung Quốc tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng nhiều hơn. Với tốc độ đô thị hóa, đầu tư bất động sản là “món ngon” nhiều thập niên nay. Giá trung bình ở bốn thành phố được gọi là cấp một đã tăng gấp ba trong thập niên qua, lên khoảng 55,500 nhân dân tệ ($8,693) mỗi mét vuông, từ khoảng 18,000 nhân dân tệ vào năm 2009, theo dữ liệu từ cơ quan Thông tin bất động sản Trung Quốc.

Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của dân Thượng Hải, cao nhất trong các thành phố đại lục, là 72,000 nhân dân tệ vào năm ngoái. Trên toàn quốc, thu nhập trung bình đã tăng gấp đôi so với năm 2010 nhưng chỉ đạt 32,000 nhân dân tệ vào năm ngoái, theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS). Tại trung tâm công nghệ Thâm Quyến, nơi giá bất động sản tăng chóng mặt, chi phí trung bình để mua một căn hộ cao gấp 43.5 lần mức lương trung bình hàng năm của người địa phương vào năm 2020. Thành phần công nhân bình thường – lực lượng lao động đông nhất Trung Quốc – gần như quanh năm đi ở thuê chứ không thể mua nhà. Tuy nhiên, thay vì điều chỉnh lại chính sách tiền lương, sự mất cân bằng xã hội lại được gắn tội chủ yếu vào (đầu cơ) bất động sản, dù ở góc độ nào đó thì điều đó không hẳn sai.

South China Morning Post mới đây đã thực hiện một phóng sự, cho thấy việc đánh thuế bất động sản sẽ làm xã hội biến dạng mạnh hơn. Lập trình viên máy tính Zheng Wenxuan có hai căn hộ ở Bắc Kinh – một căn cho gia đình mình và một căn cho bố mẹ chuyển đến từ Hắc Long Giang. Người đàn ông 42 tuổi này chi 25,000 nhân dân tệ ($3,900) mỗi tháng cho các trả khoản góp gộp lại. Gánh nặng tài chính này sẽ nặng nề hơn khi Trung Quốc áp dụng thuế bất động sản ở một số thành phố trong tương lai gần trong 5 năm, trước khi được triển khai toàn quốc. “Giá trị thị trường các bất động sản của tôi đã giảm 10% kể từ khi công bố chính sách mới. Nếu chúng tôi trả thuế khi sở hữu căn hộ thứ hai, việc đánh thuế hàng năm sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho tôi” – Zheng nói – “Hôm rày tôi mất ăn mất ngủ”.

Thuế bất động sản được tính như thế nào? Một số nhà kinh tế dự đoán các hộ gia đình sẽ bị đánh thuế nếu diện tích bất động sản thứ nhất của họ vượt quá ngưỡng mét vuông tính trên đầu người được qui định, trong khi có người cho rằng chủ sở hữu chỉ bị đánh thuế nếu họ sở hữu nhiều bất động sản. Theo một khảo sát trên 30,000 hộ gia đình vào năm 2019 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, có đến 70% tài sản mà các hộ gia đình thành thị nắm giữ, chiếm phần lớn tầng lớp trung lưu Trung Quốc, là bất động sản. Khoảng 58% hộ gia đình thành thị sở hữu một căn nhà, 31% có hai căn nhà, trong khi 10.5% có từ ba căn nhà trở lên, với tiền trả góp chiếm 76% tổng nợ hộ gia đình – theo khảo sát của Ngân hàng Trung ương năm 2019.

Lập trình viên Zheng nói rằng mình cảm thấy như bị “bắt cóc tống tiền” khi có hai căn nhà. “Tôi đã làm việc ngày đêm để còng lưng trả góp tiền mua hai căn hộ. Trong lần kiểm tra sức khỏe gần đây, tôi được bác sĩ cho biết trái tim của tôi hoạt động như một cụ già 70 tuổi sau nhiều năm làm việc quá sức” – đương sự nói – “Tôi vốn là đối tượng chịu mức thuế thu nhập cá nhân cao rồi, bây giờ ôm thêm thuế bổ sung thì làm sao chịu nổi”. Thời điểm hiện tại, Trung Quốc chỉ đánh thuế người mua trong các giao dịch bất động sản.

Thị trường bất động sản đã hạ nhiệt đáng kể gần đây sau gần hai thập niên nóng hừng hực, bởi những tin tức liên quan chiến dịch “cải tạo tư sản”. Tháng Mười 2021, giá nhà trên toàn quốc đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, tại 64 trong 70 thành phố, so với 52 thành phố vào Tháng Chín. “Mọi người đều tin Thâm Quyến là một trong những thành phố thí điểm áp dụng thuế tài sản mới. Nhưng tất cả đều bối rối không biết tiêu chí nào được áp dụng, theo diện tích sinh sống bình quân đầu người, hay theo tổng giá trị tài sản. Điều này khiến chúng tôi lo lắng” – Jade Zeng, người sở hữu một căn hộ ba phòng ngủ và hai căn hộ rộng 70 mét vuông (753 sq ft) ở Thâm Quyến, cho biết.

Theo Zeng, giá thị trường của căn hộ tương tự như căn hộ mà cô sở hữu ở Thâm Quyến đã giảm từ 10 triệu nhân dân tệ ($1.6 triệu) xuống 9 triệu nhân dân tệ trong vài tháng. Zeng nói thêm: “Nhiều người đã vay nặng lãi để đầu tư bất động sản, thậm chí sử dụng các khoản vay tiêu dùng và chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để mua nhà mua cửa”. Phần Zeng, với ba căn hộ mua “trả dần”, mỗi tháng đương sự phải nộp tiền góp 60,000 nhân dân tệ ($9,387) cho “một đống” ngân hàng. Bây giờ gồng thêm tiền thuế thì có nước Zeng… “tự tử”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: