Trung Quốc: Một nhà báo nữ có nguy cơ chết trong tù

Trương Triển (Zhang Zhan), một nữ nhà báo công dân bị bỏ tù vì đưa tin về đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc ở thành phố Vũ Hán vào đầu năm 2020, đang rất cần được chăm sóc y tế, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch-HRW).

HRW đang kêu gọi chính quyền Bắc Kinh trả tự do cho Trương, một cựu luật sư, bị tống giam vào Tháng Năm, 2020 và bị kết án bốn năm tù vào Tháng Mười Hai vì tội “tầm hấn tư sự – 寻衅滋事” (kích động quấy rối) – một tội danh thường được chính quyền cộng sản Trung Quốc qui kết cho những ai bất đồng chính kiến ​​và bảo vệ quyền con người. Trong bản cáo trạng, các công tố viên cáo buộc Trương đã công bố một lượng lớn thông tin giả và trả lời phỏng vấn từ các hãng truyền thông nước ngoài, trong đó có Radio Free Asia, để khuấy động một cách ác ý tình hình Covid-19 tại Vũ Hán. Nhưng luật sư của Trương cho biết phía công tố không đưa ra được bất kỳ bằng chứng cụ thể nào là thân chủ ông đã bịa đặt thông tin.

Tại tòa, Trương hầu như không nói và từ chối nhận tội. Cô Trương, 38 tuổi, đã tuyệt thực nhiều lần kể từ ngày bị giam, phải nhập viện một thời gian ngắn nhưng được đưa trở lại nhà tù dù sức khỏe ngày càng suy kiệt. Mẹ của Trương, được phép thăm con qua video vào Tháng Mười, cho biết con gái bà cao 1,78 mét nhưng chỉ nặng khoảng 40 ký nên không thể ngẩng đầu lên vì quá yếu và cần được điều trị y tế khẩn cấp. Yaqiu Wang, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại HRW nhận định: “Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc để cho một nhà phê bình ôn hòa lâm bệnh nặng trong lúc bị giam cầm vô cớ. Tôi đề nghị các chính phủ nên kêu gọi Trung Quốc trả tự do ngay cho Trương để tình huống khủng khiếp này không trở thành thảm kịch”.

Trong những tháng đầu của đại dịch, Trương đã đi khoảng 650 km từ Thượng Hải đến Vũ Hán để viết về sự lây lan của virus, vào lúc chính quyền bắt đầu kiểm duyệt các phương tiện truyền thông cả nhà nước lẫn tư nhân và định hướng đưa tin. Trong hơn ba tháng, Trương đã ghi lại những khoảnh khắc về cuộc sống lockdown ở Vũ Hán và thực tế khắc nghiệt mà người dân phải chịu đựng. Cô đưa những gì quan sát được, hình ảnh và video lên các mạng xã hội WeChat, Twitter và YouTube (dù hai ứng dụng của phương Tây này bị chặn ở Trung Quốc).

Trương đột ngột ngưng đăng bài vào giữa Tháng Năm, sau đó cô cho biết bị cảnh sát bắt và đưa trở lại Thượng Hải. Trong một lần Trương tuyệt thực, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết cô bị cùm và bị ép ăn và bị đối xử nghiệt ngã. Theo luật sư của cô, Trương có một ống dẫn thức ăn được gắn vào mũi và miệng; tay bị trói để không cho tháo thiết bị và cô bị đau đầu liên tục, cũng như dạ dày và cổ họng. Trong một tuyên bố dài đưa ra vào Tháng Bảy 2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận đàn áp các nhà báo “thực hiện quyền tự do ngôn luận trên Internet” trong đại dịch. “Ở Trung Quốc, không ai bị trừng phạt chỉ vì đưa ra nhận xét. Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng với Covid-19 một cách công khai, minh bạch, và đã có những thành tựu được thừa nhận rộng rãi” – cơ quan này nói.

Trương là một trong những phóng viên độc lập đã bị giam giữ hoặc mất tích trong thời gian đầu của đại dịch Covid-19, khi chính quyền cộng sản Trung Quốc quyết định kiểm soát nghiêm ngặt việc đưa tin về virus và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền của truyền thông nhà nước, chủ yếu là khen ngợi phản ứng của chính quyền là hiệu quả và kịp thời. Theo Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Trung Quốc là quốc gia truy tố nhiều nhà báo nhất trên thế giới, kiểm soát chặt chẽ báo chí trong nước và ngăn chặn hầu hết truyền thông nước ngoài thông qua cái gọi là “Trường thành Lửa” (Great Firewall), bộ máy giám sát và kiểm duyệt trực tuyến khổng lồ.

Năm 2020, Trung Quốc trục xuất các nhà báo của The New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, trong một động thái chưa từng có đối với báo chí nước ngoài khi đang diễn ra làn sóng chỉ trích về phản ứng ban đầu của Trung Quốc trước sự bùng nổ của đại dịch COVID-19. Trương là nhà báo công dân đầu tiên bị kết án vì đưa tin về đại dịch coronavirus. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên cô gặp rắc rối với chính quyền. Theo cáo trạng, cô đã hai lần bị giam giữ trong 10 ngày vào năm 2019 vì tội danh tương tự dù cáo trạng không nêu rõ cụ thể hành vi. Đại sứ quán Anh tại Bắc Kinh cho biết Trương chỉ “là một trong ít nhất 47 nhà báo hiện bị giam giữ ở Trung Quốc”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: