Trung Quốc nắng nóng kỷ lục, ảnh hưởng tới cả thế giới

Sông Dương Tử đoạn chảy qua thành phố Vũ Hán ở miền Trung Trung Quốc cạn trơ đáy trong đợt nắng nóng kỷ lục ở Trung Quốc hiện nay. Ảnh chụp ngày 19 Tháng Tám 2022 của Getty Images.

Đợt nắng nóng hiện nay ở Trung Quốc được coi là khắc nghiệt nhất từng ghi nhận trên thế giới.

Trang thông tin khoa học New Scientist cho biết, lượng mưa thấp và nắng nóng kỷ lục trên phần lớn đất nước Trung Quốc đang có những tác động tai hại đến con người, công nghiệp và nông nghiệp. Mực nước các con sông và hồ chứa giảm mạnh, các nhà máy phải đóng cửa vì thiếu điện và nhiều diện tích cây trồng bị thiệt hại. Tình hình có thể gây ra hậu quả trên toàn thế giới, gây thêm gián đoạn cho chuỗi cung ứng hàng hóa và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Người dân ở nhiều vùng của Trung Quốc đã trải qua hai tháng nắng nóng gay gắt. Hàng trăm nơi đã ghi nhận nhiệt độ cao hơn 40°C (104°F), và nhiều kỷ lục bị phá vỡ. 

Ngày 18 Tháng Tám, nhiệt độ ở Trùng Khánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên đo được 45°C (113°F), mức cao nhất từng được ghi nhận ở Trung Quốc bên ngoài khu vực sa mạc ở Tân Cương; sang ngày 20 Tháng Tám, nhiệt độ thấp nhất trong thành phố là 34.9°C (94.8°F), mức nhiệt tối thiểu cao nhất từng được ghi nhận ở Trung Quốc vào tháng Tám. Nhiệt độ cao nhất trong ngày là 43,7°C (110,7°F).

Đây là đợt nắng nóng dài nhất và nóng nhất ở Trung Quốc kể từ khi các số liệu nhiệt độ bắt đầu được ghi nhận vào năm 1961. Tính đến nay, đợt nắng nóng đã kéo dài 73 ngày liên tiếp, vượt qua kỷ lục cũ là 62 ngày ghi nhận năm 2013.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử thời tiết Maximiliano Herrera, người theo dõi biến động nhiệt độ trên khắp thế giới, đây là đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất được ghi nhận trên hành tinh. “Đây là sự  kết hợp cùng lúc nhiệt độ khắc nghiệt nhất, thời gian nóng kéo dài nhất với một diện tích bị nóng rộng lớn nhất cùng một lúc. Trong lịch sử khí hậu thế giới không có hiện tượng nào có thể so sánh được với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc,” ông Herrera nói. 

Cùng với nắng nóng khắc nghiệt, lượng mưa thấp đã khiến các con sông khắp Trung Quốc bị khô cạn, với 66 con sông trong 24 huyện của tỉnh Trùng Khánh đã hoàn toàn cạn kiệt. Tại các lưu vực sông Dương Tử – con sông dài nhất Trung Quốc – đã ghi nhận mực nước thấp nhất kể từ năm 1865. Ở một số nơi, nguồn cung cấp nước của địa phương đã khô cạn và người ta phải chở nước uống từ nơi khác đến. Reuters dẫn nguồn từ Tân Hoa Xã cho biết nước sông Dương Tử cạn kiệt đã làm lộ ra một hòn đảo chìm ở tây nam thành phố Trùng Khánh, trên đó có ba pho tượng Phật bằng đá đã 600 năm tuổi.

Điện Quan Âm (Guanyin Pavilion) – ngôi điện thờ 700 tuổi bị ngập trong dòng nước sông Dương Tử gần thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, nay đã hiện ra hoàn toàn trở lại do mực nước sông đã giảm mạnh. Ảnh chụp hôm 20 Tháng Tám 2022 của Zhou Guoqiang/VCG via Getty Images

Vào ngày 19 Tháng Tám, chính phủ Trung Quốc đã công bố cảnh báo hạn hán quốc gia lần đầu tiên trong chín năm.

Lượng điện do các nhà máy thủy điện sản xuất ra đã giảm xuống mức báo động do mực nước thấp trong các con sông và hồ chứa. Tỉnh Tứ Xuyên bị ảnh hưởng đặc biệt trầm trọng bởi vì thủy điện cung cấp tới 80% lượng điện tiêu thụ của tỉnh. Hàng nghìn nhà máy của tỉnh Tứ Xuyên đã phải ngừng hoạt động vì thiếu điện trong lúc nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ của người dân tăng cao. Các văn phòng và trung tâm mua sắm được yêu cầu giảm ánh sáng và điều hòa không khí để tiết kiệm điện.

Năm ngoái, thủy điện cung cấp 15% sản lượng điện của Trung Quốc và đợt khô hạn kỷ lục năm nay buộc chính phủ Trung Quốc phải xem lại việc tiếp tục xây dựng và vận hành các nhà máy điện đốt than để đáp ứng nhu cầu. Điện than chiếm 60% sản lượng điện của Trung Quốc, nhưng cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất ở một đất nước dẫn đầu thế giới về phát ra khí thải CO2 làm trái đất nóng lên. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cam kết không tiếp tục xây dựng các nhà máy điện than để giảm phát ra khí thải từ năm 2030 nhưng tình hình hạn hán kéo dài có thể cam kết đó sẽ không được thực hiện.

Riêng tại Tứ Xuyên, 47,000 hecta hoa màu được cho đã bị mất trắng và 433,000 hecta khác bị thiệt hại. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc nói họ sẽ cố tăng lượng mưa bằng cách gieo các đám mây vào không khí nhưng về mặt khoa học, vẫn chưa rõ liệu việc gieo hóa chất lên các đám mây có tạo ra sự khác biệt đáng kể hay không.

Trung Quốc không phải là nơi duy nhất bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Châu Âu đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 500 năm qua. Ngoài ra hạn hán cũng đang diễn ra ở vùng Sừng châu Phi, ở phần lớn Hoa Kỳ và Mexico.

Thiệt hại về cây trồng ở những khu vực này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Giá lương thực thế giới đã đạt mức kỷ lục ngay cả trước khi Nga xâm lược Ukraine, và mặc dù giá đã giảm từ Tháng Ba nhưng vẫn còn cao hơn những năm trước. Trung Quốc đã tích trữ trữ một lượng ngũ cốc rất lớn trong những năm gần đây, vì vậy nước này có thể bù đắp một phần thiếu hụt.

Theo một báo cáo năm 2021 của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, hạn hán sẽ ngày càng gia tăng do sự nóng lên toàn cầu, sẽ trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn khi hành tinh tiếp tục ấm lên.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: