Trung Quốc quay cuồng với COVID-19: Chạy trời không khỏi nắng

Trung Quốc – “cái nôi” của coronavirus – đang quay cuồng chống chỏi COVID-19 (ảnh: Zhang Yu/China News Service via Getty Images)

Chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc (TQ), vốn đã làm đình trệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gây ra làn sóng phản đối chưa từng có của người dân trong nước, hiện được dỡ bỏ một phần, khi vào ngày 6 Tháng Mười Hai, Bắc Kinh công bố các thay đổi sâu rộng đối với chính sách “zero-Covid” vốn thất bại thảm hại…

Tỉ lệ nhiễm vẫn tăng mạnh

Các hướng dẫn mới (và là “chương mới” trong chương trình kiểm soát dịch bệnh của đất nước, ba năm sau khi các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán) vẫn giữ nguyên một số hạn chế nhưng loại bỏ việc trình mã QR y tế bắt buộc tại hầu hết địa điểm công cộng (ngoại trừ một số nơi như cơ sở y tế và trường học). Xét nghiệm hàng loạt không còn áp dụng cho tất cả mọi người, trừ những người ở những khu vực rủi ro cao.

Những nơi “rủi ro cao” vẫn có thể bị phong tỏa, nhưng phải thu gọn và chính xác hơn. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 nhưng nhẹ hoặc không có triệu chứng và đáp ứng một số điều kiện nhất định có thể cách ly tại nhà, thay vì phải vào các trung tâm cách ly. Thay đổi được đưa ra sau khi nhiều thành phố bắt đầu dỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát khắc nghiệt khiến cuộc sống hàng ngày của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong gần ba năm qua. Nhưng trong khi những thay đổi đánh dấu bước chuyển đáng kể và mang lại sự nhẹ nhõm cho nhiều người dân thì một thực tế khác lại lộ diện: TQ chưa chuẩn bị tốt cho sự gia tăng số ca bệnh đã bắt đầu có dấu hiệu.

Chưa rõ sẽ có biện pháp thích nghi nào trong tương lai gần nhưng TQ đang thiếu sự chuẩn bị như tỷ lệ tiêm chủng mũi tăng cường cho người cao tuổi thấp, năng lực chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện kém và thiếu dự trữ thuốc kháng virus. Theo các chuyên gia, dù biến thể Omicron nhẹ hơn so với các chủng trước đó và tỷ lệ tiêm chủng tính chung tại TQ cao, nhưng ngay cả chỉ có một số ít ca nặng phải nhập viện ở các nhóm dễ bị tổn thương và chưa được tiêm phòng đầy đủ như người già cũng đủ khiến các bệnh viện quá tải nếu số ca nhiễm tăng đột biến trên khắp đất nước 1.4 tỷ dân.

Tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Thượng Hải ngày 7 Tháng Mười Hai 2022 (ảnh: Hugo Hu/Getty Images)

“Cuộc khủng hoảng có thể sắp xảy ra và nếu có, sẽ thực sự tồi tệ. Để xoa dịu sự bất mãn của công chúng, chính quyền đã quá vội vã khi nới lỏng nhiều biện pháp phòng dịch đúng vào mùa cúm” – Xi Chen, giảng sư tại Đại học Yale, nhận định. William Schaffner, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ, bổ sung:

“TQ đã theo đuổi chính sách zero-Covid quá lâu, nay họ đang gặp khó khăn chồng chất nhưng không còn lựa chọn nào khác. Tiến thoái lưỡng nan! TQ hy vọng Covid-19 sẽ ảnh hưởng khắp thế giới còn họ có thể sống sót mà không bị ảnh hưởng! Thực tế chứng minh điều đó đã không xảy ra! Khi các hạn chế được nới lỏng và coronavirus lây lan khắp đất nước, TQ sẽ phải trải qua giai đoạn đau đớn về số ca nhiễm, số ca nặng, tử vong và hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải như từng xảy ra ở những nơi khác trên thế giới trong đại dịch” – dẫn lại từ CNN.

Nguy cơ tiềm tàng

Kể từ chiến dịch tiêm chủng toàn cầu và sự xuất hiện của biến thể Omicron, các chuyên gia y tế thế giới đã đặt câu hỏi về việc liệu TQ tiếp tục chính sách “zero-Covid” mãi mãi? Họ nghi ngờ sự bền vững của chính sách tập trung vào xét nghiệm, giám sát, phong tỏa và cách ly diện rộng để ngăn chặn một loại virus rất dễ lây lan. Nhưng khi các hạn chế được dỡ bỏ sau nhiều năm kiểm soát chỉn chu, các chuyên gia đều đồng ý: “Sự thay đổi chỉ nên đến khi TQ đã chuẩn bị đủ những gì cần thiết cho đợt bùng phát dịch và nhập viện có thể xảy ra”.

“Một đại dịch không còn được kiểm soát để đạt đến đỉnh điểm sẽ đặt ra những thách thức rất lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, không chỉ đơn thuần là quản lý các ca bệnh nặng mà còn những vấn đề y tế khác – Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong giải thích – Tuy nhiên, việc nới lỏng các hạn chế không có nghĩa là tốc độ lây nhiễm sẽ tăng bởi vì vẫn còn một số biện pháp được duy trì. Đó là chưa nói nhiều người dân đã thay đổi hành vi như ít ra ngoài hơn và mang khẩu trang thường xuyên. Nhưng cũng không loại trừ khả năng các biện pháp nghiêm ngặt hơn sẽ được áp dụng lại nếu số ca bệnh mới vượt ngoài tầm kiểm soát”.

Các chuyên gia đồng ý việc chính quyền TQ để virus lây lan trên toàn quốc đã là một sự thay đổi đáng kể đối với một quốc gia cho đến thời điểm này chỉ báo cáo chính thức 5,235 ca tử vong do Covid-19 kể từ đầu năm 2020 (quá thấp so với Mỹ) và là một niềm tự hào của Đảng Cộng sản TQ!

Với việc dỡ bỏ nhiều hạn chế và tăng tiếp cận giữa người dân với nhau, mô hình từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải công bố trên tạp chí Y học Tự nhiên vào Tháng Năm dự đoán hơn 1.5 triệu người TQ có thể chết trong vòng 6 tháng tới vì không thể mua được các loại thuốc kháng virus đã được phê duyệt. Tỷ lệ tử vong chỉ có thể giảm xuống mức của bệnh cúm theo mùa, nếu hầu hết người cao tuổi được tiêm vaccine tốt và thuốc kháng coronavirus được bán rộng rãi. Tháng trước, chính quyền đã công bố danh sách các biện pháp cấp bách để củng cố hệ thống y tế quốc gia chống Covid-19, kể cả chỉ thị tăng cường tiêm chủng cho người già; chuẩn bị sẵn các phương pháp điều trị và thiết bị y tế, đồng thời mở rộng năng lực chăm sóc các ca trở nặng.

Người già vẫn nằm trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm vì không được tiêm nhắc đầy đủ (ảnh: CFOTO/Future Publishing via Getty Images)

“Nhưng TQ đã chuẩn bị kỹ chưa nếu chúng ta nhìn vào số ca nhiễm tăng đột biến sau ba năm và tình trạng thiếu dự trữ các loại thuốc chống virus hiệu quả. Câu trả lời là không! Nếu bạn nói về các thủ tục phân loại những người có nguy cơ cao và tỷ lệ tiêm chủng cho người già, đặc biệt là những người từ 80 tuổi trở lên, nhìn chung cũng là không – Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, nhận định – Chính quyền TQ sẽ phải theo dõi hàng ngày tỷ lệ tử vong và những phát sinh quan trọng khác để quyết định các bước đi tương lai”.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, hiện Hoa Kỳ có ít nhất 25 giường chăm sóc đặc biệt cho 100,000 dân trong khi TQ có chưa đến bốn giường cho 100,000 người.

Chen của Yale nhận định: “Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc ban đầu hạn chế đã khiến ngay cả những người ốm nhẹ cũng phải đến bệnh viện thay vì gọi bác sĩ gia đình, gây thêm căng thẳng cho các cơ sở y tế. Mạng lưới y tế yếu kém ở các vùng nông thôn sẽ tạo ra cuộc khủng hoảng nếu virus lan tràn, đặc biệt là khi hoạt động xét nghiệm bị giảm và những người trẻ tuổi sống ở thành phố trở về quê thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.

Dù tỷ lệ tiêm chủng chung của TQ khá cao nhưng người cao tuổi ít được bảo vệ hơn nhiều nước khác, nơi những người già nhất và dễ bị tử vong nhất do Covid-19 được ưu tiên tiêm chủng. Một số quốc gia đã triển khai liều thứ tư hoặc thứ năm cho các nhóm nguy cơ cao. Theo thống kê của Ủy ban Y tế Quốc gia TQ, hơn 86% dân số TQ trên 60 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng tỷ lệ tiêm nhắc lại thấp hơn. Khoảng 25 triệu người cao tuổi chưa được tiêm mũi nào. Đối với nhóm trên 80 tuổi có nguy cơ cao nhất, chỉ có khoảng 2/3 đã được tiêm phòng đầy đủ theo tiêu chuẩn của TQ, nhưng chỉ 40% được tiêm nhắc lại.

Các loại vaccine bất hoạt được sử dụng ở TQ tạo ra mức độ phản ứng kháng thể thấp hơn so với các loại vaccine khác được sử dụng ở nước ngoài. Nhiều quốc gia sử dụng vaccine bất hoạt đã kết hợp chúng với các loại vaccine mRNA có tính bảo vệ cao hơn cho mũi tăng cường và tiêm nhắc mà TQ chưa cho phép sử dụng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: