Trung Quốc thâu tóm đất đai khắp thế giới

Cho đến nay, thế giới vẫn chưa quan tâm đúng mức tới việc các công ty Trung Quốc mua đất đai ở nước ngoài và hậu quả của nó.
Từ 2011 đến 2020, các công ty Trung Quốc mua đất ở nước ngoài nhiều gấp 7,5 lần các công ty Mỹ. Nguồn Land Matrix /ANR

Sự phô trương sức mạnh chiến lược của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở những tuyên bố chủ quyền trên những vùng biển rộng lớn và hoạt động xuất khẩu cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, các thực thể Trung Quốc cũng đang ráo riết mua đất đai ở nước ngoài, báo Nhật Asia Nikkei Review tường thuật.

Các công ty Trung Quốc đang mua rất nhiều đất ở châu Á và châu Phi. Tổng diện tích đất được các công ty này mua hoặc thuê trong thập niên qua đã bằng tổng diện tích của nước Sri Lanka hoặc Lithuania và lớn hơn nhiều so với các công ty Hoa Kỳ và các nước lớn khác.

Ngày càng có nhiều lo ngại rằng các nước đang phát triển, với tư cách là nguồn cung cấp lương thực và tài nguyên thiên nhiên, sẽ rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc và gây ra các tác động an ninh đáng lo ngại. Cho đến nay, hành động thâu tóm tài nguyên đất đai của các công ty Trung Quốc hầu như chưa được chú ý hoặc coi là không đáng kể.

Một ví dụ, chuối được trồng rộng rãi ở bang Kachin, miền Bắc Myanmar. Theo điều tra của các tổ chức phi chính phủ, các công ty Trung Quốc đang tham gia mạnh vào việc trồng chuối trong khu vực; việc phát triển các đồn điền chuối được tăng tốc vào khoảng năm 2015 và đã làm thay đổi mạnh mẽ cảnh quan. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, xuất khẩu chuối từ Myanmar đã tăng gấp 250 lần, từ $1.5 triệu năm 2013 lên $370 triệu năm 2020; hầu hết sản phẩm được xuất sang Trung Quốc. Người dân địa phương cho biết, các đồn điền trồng chuối vẫn tiếp tục hoạt động ở Kachin sau cuộc đảo chính quân sự vào Tháng Hai, bởi vì chúng là nguồn thu thuế quan trọng cho các lực lượng vũ trang Myanmar.

Ở tỉnh Bình Phước, miền Nam Việt Nam, sản xuất cao su thiên nhiên là một ngành công nghiệp quan trọng. Nhưng ngành công nghiệp đó hiện đang bị đe dọa do hoạt động của New Hope Liuhe, một công ty chăn nuôi hàng đầu Trung Quốc, đang nuôi một đàn heo khổng lồ trên khu đất rộng 75 ha được phát triển vào năm 2019. New Hope cũng đã mở rộng hoạt động ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam, lấy trang trại heo ở Bình Phước làm hình mẫu.

Theo Land Matrix, một tổ chức giám sát đất đai châu Âu,  từ năm 2011 đến năm 2020, các công ty Trung Quốc đã giành được quyền kiểm soát 6.48 triệu ha đất nông nghiệp, lâm nghiệp và khai thác mỏ trên khắp thế giới. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 1.56 triệu ha do các công ty Anh kiểm soát, 860,000 ha do các công ty Mỹ nắm giữ và 420,000 ha do Nhật Bản kiểm soát.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang nhanh chóng mua đất ở nước ngoài để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước do sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Mua đất ở nước ngoài giúp các doanh nghiệp này tiếp cận ổn định với các nguồn tài nguyên thiên nhiên khi nguồn cung trên thế giới thắt chặt.

Cộng hòa Dân chủ Congo là một ví dụ: Phần lớn đất ở quốc gia Trung Phi là rừng. Trong bối cảnh giá gỗ tăng cao, một công ty Trung Quốc tên là Wan Peng đã vận chuyển số lượng lớn gỗ từ nước này sang Trung Quốc. 

Các công ty Trung Quốc cũng đang mua các mỏ khoáng sản. China Minmetals đã đầu tư $280 triệu vào Tanzania ở miền Nam châu Phi vào năm 2019 và Công ty khai thác kim loại màu Trung Quốc đã rót $730 triệu vào hoạt động khai thác ở Guinea vào năm 2020, theo Viện nghiên cứu chính sách công của Mỹ. Các khoản đầu tư được cho là nhằm kiểm soát nguồn khoáng sản để sử dụng làm bình điện cho xe điện và nhiều thứ sản phẩm khác.

Các quốc gia chấp nhận đầu tư của Trung Quốc còn chịu rủi ro tiềm tàng khi ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh – một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng đa quốc gia khổng lồ – là một kế hoạch bẫy nợ. Trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển, các quốc gia chủ nhà vay nợ Trung Quốc và sau đó không thể thoát khỏi sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Khi tập đoàn China Harbour Engineering (CHEC) phát triển một hải cảng ở miền Nam Sri Lanka, nước này không có khả năng trả nợ cho Trung Quốc và đã phải bàn giao cảng cho CHEC theo hợp đồng thuê 99 năm – một ví dụ điển hình của bẫy nợ. Hồi Tháng Năm, CHEC cũng đã giành được hợp đồng xây dựng một tuyến đường cao tốc ở Colombo, thành phố lớn nhất Sri Lanka. Công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục sở hữu đường cao tốc sau khi hoàn thành, chỉ giao lại cho Sri Lanka sau khi thu phí 18 năm. Quá trình đấu thầu xây đường cao tốc đầy uẩn khúc cũng đang làm dấy lên sự chỉ trích mạnh mẽ ở Colombo.

Các động tác của Trung Quốc thâu tóm đất đai ở nước ngoài đang gây ra các biện pháp đối phó trên khắp thế giới.

Hồi Tháng Sáu, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành một đạo luật mới thắt chặt các quy định về thu hồi và sử dụng đất ở những nơi được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia. Luật này nhằm vào Trung Quốc, được thiết kế để ngăn chặn các giao dịch đất đai đáng ngờ của các doanh nghiệp Trung Quốc ở Nhật Bản. Một trường hợp gây lo ngại là các công ty nước ngoài mua đất gần căn cứ của Lực lượng Phòng vệ Trên Không Nhật Bản ở Chitose trên đảo Hokkaido.

Ngoài ra, “có những trường hợp đất thuộc sở hữu danh nghĩa của công dân Nhật Bản, nhưng được hỗ trợ bởi các thực thể Trung Quốc”.

Ở Việt Nam, ngoài trang trại nuôi heo ở Bình Phước nói trên, các công ty và cá nhân người Trung Quốc đã mua rất nhiều đất ở các đô thị, các khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Sự kiện người Trung Quốc – hoặc dưới danh nghĩa đầu tư nước ngoài, hoặc núp bóng người Việt Nam, đã sở hữu hàng trăm lô đất cạnh phi trường Nước Mặn ở Đà Nẵng, trên con đường ven biển từ  Đà Nẵng đến Hội An, là một ví dụ. 

Việc chính quyền cộng sản Việt Nam thành lập các đặc khu kinh tế Vân Đồn (ở miền Bắc), Vân Phong (miền Trung) và Phú Quốc (miền Nam), với quy định cho thuê đất tới 99 năm, cũng được cho là dành cho các công ty và nhà đầu tư Trung Quốc. Mặc dù dự luật thành lập đặc khu kinh tế đã bị gác lại do phản ứng mạnh mẽ của người dân, nhưng thực tế cho thấy chính phủ Việt Nam vẫn ráo riết thực hiện các đặc khu này bằng các chỉ thị, sắc lệnh của chính phủ Hà Nội.

Trung Quốc, thông qua các công ty Hong Kong, cũng đã thuê hàng trăm ngàn hectares đất rừng ở các tỉnh Việt Nam giáp biên với Trung Quốc, Lào và Cambodia với giá rẻ mạt và thời hạn dài từ 50 năm đến 70 năm. Một điểm đáng chú ý là những khu vực mà người Trung Quốc thuê được họ đều lập hàng rào và người địa phương bị cấm lai vãng. Không ai biết được người Trung Quốc làm những việc gì trong những “lãnh địa” bí mật đó.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: