CÁT LINH
Vài tuần trước đây, khi dịch coronavirus chưa được công bố là đại dịch, khẩu trang y tế, nước rửa tay diệt khuẩn là những vật dụng được săn lùng nhiều nhất. Thế nhưng, chỉ khoảng năm ngày trở lại đây, vị trí đó đã thay đổi. Người mua sắm mùa “Cô Vi” giờ đây hối hả truy tìm… giấy vệ sinh (toilet paper).
Các nhà bán lẻ ở Mỹ và Canada đã bắt đầu giới hạn số lượng bán toilet paper mà khách hàng có thể mua trong một lần mua sắm. Một số siêu thị ở Anh cho biết đã bán hết. Các cửa hàng tạp hóa ở Úc thậm chí đã thuê… nhân viên bảo vệ để kiểm soát khách hàng.
Chuyện vui của giấy vệ sinh
NT News, một tờ nhật báo của Úc đã đăng một loạt tám trang giấy trắng trong ấn bản ngày 5-3-2020 để nói về tình trạng khủng hoảng lo sợ hết giấy vệ sinh của người dân giữa lúc dịch coronavirus lây lan toàn cầu.

Truyền hình Sky News, Úc đã thực hiện hẳn một chương trình phỏng vấn biên tập viên của NT News, ông Matt Williams để chia sẻ về ý tưởng độc đáo và hài hước này. Ở trang nhất, toà soạn giới thiệu:
“Sự quan tâm của NT News. Đó là lý do chúng tôi đã có ấn bản đặc biệt TÁM TRANG có thể xé rời. Bên trong, cắt theo đường kẻ, bạn có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.”


Ông Matt Williams trả lời truyền hình Sky News cho biết ý tưởng này đã làm cho số báo đó bán rất chạy. Thậm chí, có độc giả gửi thư đến toà soạn kèm theo tờ NT News:
“Gửi biên tập viên NT News. Tôi đang ngồi trong toilet. Trước mặt tôi là tờ báo NT News, và một lát nữa đây thôi, nó sẽ ở… phía sau tôi.”

Trong bài viết của CNN (5-3), người dân Úc đang mua rất nhiều giấy vệ sinh. Các kệ trong siêu thị hoàn toàn trống rỗng mặt hàng này. Phóng viên CNN đã ghi nhận hình ảnh đó khi đến thăm một siêu thị ở thành phố Brisbane. Công ty giấy Kleenex nổi tiếng thế giới đã trấn an khách hàng rằng đừng hoảng sợ.
Tại sao lại như vậy? Giấy vệ sinh hoàn toàn không có chức năng gì đặc biệt trong việc chống lại “con quỷ” coronavirus. Nó càng không có yếu tố nào để có thể xem là một nhu cầu cần thiết khẩn cấp như sữa, bánh mì.
Vậy tại sao mọi người lại hối hả mua dự trữ toilet paper đến mức nó không kịp sản xuất?
Theo tìm hiểu của CNN, có năm nguyên nhân là đây:
1. ‘Suy nghĩ cực đoan khi nghe những thông tin mâu thuẫn‘
Giáo sư Steven Taylor là một nhà tâm lý học lâm sàng của đại học British Comlumbia và là tác giả của “Tâm lý học đại dịch” nhìn lại lịch sử về cách mọi người cư xử và ứng phó với đại dịch.
So với các đại dịch trong quá khứ, phản ứng toàn cầu đối với virus chủng mới Corona trong kỷ nguyên này là một trong những “hoảng loạn lan rộng.”
“Một mặt, phản ứng của con người (người mua sắm) là có thể hiểu được, nhưng mặt khác nó quá mức. Chúng ta có thể chuẩn bị mà không bị hoảng loạn,” giáo sư Taylor nói với CNN.
Giáo sư Taylor giải thích thêm, coronavirus khiến mọi người sợ hãi vì nó quá mới, và có rất nhiều điều về nó vẫn chưa được biết đến. Khi mọi người nghe những thông điệp mâu thuẫn về rủi ro mà nó gây ra và mức độ nghiêm trọng của họ nên chuẩn bị cho nó (tình huống xấu), họ có xu hướng “vận dụng suy nghĩ cực đoan.”
“Khi mọi người được thông báo điều gì đó nguy hiểm đang đến, nhưng đồng thời tất cả những gì bạn được khuyến cáo cần làm là rửa tay, thì đó hành động dường như không tương xứng với mối đe dọa.” Giáo sư Taylor nói.
“Nguy hiểm đặc biệt cần biện pháp phòng ngừa đặc biệt.”
2. Thiếu sự hướng dẫn từ cơ quan chức năng
Theo ông Baruch Fischhoff, nhà tâm lý học và giáo sư tại Khoa Kỹ thuật – Chính sách công, Viện Chính trị và Chiến lược tại Đại học Carnegie Mellon, một số quốc gia đã áp đặt chế độ kiểm dịch hàng loạt. Điều này dẫn đến việc những người mua toilet paper tự hiểu rằng giấy vệ sinh và đồ dùng gia đình khác là những thứ cũng nằm trong sự kiểm dịch tương tự.
CNN thuật lời ông Baruch nói, “Trừ khi mọi người đã thấy… những lời hứa chính thức rằng mọi người sẽ được quan tâm, họ sẽ không tự phỏng đoán việc có thể cần thêm giấy vệ sinh”, ông nói với CNN.
3. Hoảng loạn dẫn đến hoảng loạn
Theo Giáo sư Steven Taylor, hình ảnh của các kệ bán toilet paper trống trơn và các xe, giỏ mua hàng chất đống sản phẩm này đã tràn ngập các báo cáo tin tức và mạng xã hội. Mọi người nhìn thấy hình ảnh của những người mua hoảng loạn, cho rằng cũng có lý do để hoảng loạn và họ cũng mua những món đồ đó.
“Con người là những sinh vật xã hội. Chúng tôi nhìn nhau và gửi những tín hiệu cho nhau về những gì an toàn và những gì nguy hiểm. Và khi bạn nhìn thấy ai đó trong cửa hiệu đang trong tình trạng mua sắm hoảng loạn, bạn cũng rất lo sợ, làm theo, vì sự hoảng loạn đó đã làm lây lan hiệu ứng sợ hãi”, ông nói.

Tất cả những bức ảnh của các kệ hàng trống có thể khiến mọi người tin rằng, khi còn có thể, họ phải lao ra khỏi nhà, chạy ngay đến các siêu thị, cửa hàng bách hoá và cuống cuồng gom giấy vệ sinh.
Và khi đó, nỗi sợ khan hiếm bắt đầu trở thành sự khan hiếm thực sự.
“Phương tiện truyền thông mạng xã hội đang là một diễn viên CHÍNH trong đại dịch Coronavirus. Thông tin sai lệch lan truyền dễ dàng, là nền tảng khuyếch đại tiếng nói của sự hoảng loạn.” Giáo sư Taylor nhìn nhận.
4. Tâm lý tự nhiên khi muốn chuẩn bị thật nhiều
Giáo sư Frank Farley của Đại học Temple University – Pennsylvania, cựu chủ tịch của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ nói có thể có một số nguyên nhân thực tế trong việc dự trữ.
“CDC và các cơ quan y tế quốc tế khác hiện đang khuyên một số người dân nên ở nhà và tránh tiếp xúc với người khác hoặc đến đám đông thì việc chuẩn bị là điều tự nhiên”, ông nói.
Theo Giáo sư Frank, coronavirus đang gây ra một loại tâm lý sinh tồn, nơi chúng ta phải cư trú nhiều nhất lúc này là nhà của mình. Do đó phải ‘tích trữ’ những thứ thiết yếu, và điều đó chắc chắn bao gồm giấy vệ sinh.
“Và hơn nữa, nếu chúng ta hết (giấy vệ sinh), chúng ta sẽ thay thế nó bằng gì?” ông nói với CNN.
Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ khuyên người Mỹ nên giữ thực phẩm, đồ dùng vệ sinh và vật tư y tế hai tuần là tốt nhất, nhưng giáo sư Taylor cho biết hầu hết mọi người không làm vậy. Vì vậy, khi các quan chức y tế công khai lời khuyên nên dự trữ, họ có thể làm cho lời khuyên được thực hiện ở mức cực đoan.
5. Cảm giác chủ động, an toàn
Cũng theo giáo sư Taylor, khi dự trữ vật phẩm, là người ta đang nghĩ về bản thân và gia đình họ và những gì họ cần làm để chuẩn bị.
“Tất cả là do làn sóng lo lắng dự đoán này. Mọi người lo sợ trước sự lây nhiễm. Họ đã không nghĩ về bức tranh lớn hơn, giống như hậu quả của việc dự trữ giấy vệ sinh là gì?” Giáo sư Taylor nói, tuy nhiên ông không đề cập hậu quả đó là gì.
Nhà tâm lý học Baruch Fischhoff nói thêm rằng mọi người chỉ hành động theo cách đó vì “sợ hãi.” Ông Fischhoff nói rằng việc chuẩn bị, thậm chí bằng cách mua giấy vệ sinh, mang đến cho con người cảm giác chủ động kiểm soát đối với những gì đang được xem là một tình huống bất lực.
“Tùy thuộc vào cách mọi người đo lường nhu cầu cần giấy vệ sinh. Nếu nó mang lại cho họ cảm giác rằng họ đã làm mọi thứ có thể, thì họ có thể thoát khỏi sự lo sợ về coronavirus trong tâm trí họ.” Ông Baruch Fischhoff nói.
Đọc thêm:
Hoa Kỳ: Cơn lốc ‘gom hàng’ tập hai – bải hoải hơn tập trước
Khẩu trang, cồn rửa tay, khăn diệt khuẩn chạy đi đâu hết?
***
Tương trợ
Nếu đối với giáo sư Taylor, mạng xã hội là “vai chính” gây ra sự hoảng loạn trong đại dịch coronavirus, thì ở một trường hợp khác, mạng xã hội cũng mang đến những thông điệp đẹp trong câu chuyện toilet paper.
Một người dân sống ở Melbourne đăng tải lên trang Facebook cá nhân của bà tấm ảnh cho thấy sự chia sẻ lẫn nhau của người dân Úc.

