Bài học từ chiến tranh Ukraine, từ Nhật Bản đến Việt Nam

Chiến tranh nhấn mạnh tính cấp thiết của việc củng cố liên minh và hệ thống phòng thủ quốc gia
Lực lượng Phòng thủ Mặt đất (JGSDF) của Nhật Bản luyện tập bắn đạn thật từ xe tăng Type-74 ở gần núi Phú Sĩ (Fuji) ngày 22 tháng Năm 2021 trong cuộc huấn luyện hàng năm. Ảnh Akio Kon – Pool/Getty Images

Hành động tấn công quân sự vô cớ của Nga chống Ukraine là lời cảnh báo an ninh nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia. Sự tàn phá kinh hoàng và thương vong lớn mà Ukraine phải gánh chịu buộc các nhà lãnh đạo trên thế giới phải suy nghĩ lại về các chính sách quốc phòng và chiến lược an ninh. 

Phần Lan và Thụy Điển là hai trường hợp đáng chú ý nhất. Sau nhiều thập niên theo đuổi một đại chiến lược chủ yếu nhằm bảo đảm chung sống hòa bình với Nga, hai quốc gia này hiện đang tính gia nhập NATO. Tuy ở châu Á xa xôi, Nhật Bản không thể tự cô lập khỏi những sự thay đổi lớn do cuộc chiến Ukraine gây ra và cũng đã từng bước thay đổi chính sách và chiến lược an ninh của Tokyo.

Khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, chính quyền của thủ tướng khi đó là Shinzo Abe đã kiềm chế, không đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Moscow, không đứng cùng hàng ngũ với các cường quốc phương Tây. Lần này, khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra, chính phủ Nhật Bản đã có lập trường rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Cùng với Mỹ và châu Âu, Nhật Bản đã tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga và bắt đầu tiếp nhận người tị nạn Ukraine, dù với số lượng ít hơn nhiều so với các nước phương Tây. Đây chắc chắn là một phản ứng đúng đắn trước việc Nga vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Ukraine.

Tuy nhiên, Nhật Bản chưa sẵn sàng tự mình đối mặt với một cuộc khủng hoảng an ninh. Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cần phải học một số bài học quan trọng từ chiến tranh Ukraine và phải tìm ra các kế hoạch giúp cho quốc gia ít bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa.

Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia Nhật Bản cho rằng cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine mang lại ba bài học quan trọng cho Nhật Bản, một bài bình luận trên báo Nikkei Asia Review cho biết. 

Bài học thứ nhất là trong tình huống chiến tranh, chỉ có thể dựa vào các đồng minh an ninh chính thức, bất kể có thể có bao nhiêu bạn bè. Đây là một thực tế lạnh lùng, khắc nghiệt. Cả Mỹ và châu Âu đều không cử quân đội đến Ukraine để chống lại Nga mặc dù họ đã cung cấp nhiều loại vũ khí cho quốc gia đang kháng chiến. Điều này là do Ukraine không thuộc liên minh quân sự NATO. Việc tham gia một liên minh quân sự đa phương như NATO hoặc song phương với một siêu cường như Hoa Kỳ là một bảo đảm an ninh có tính chất chiến lược.

Nhật Bản đã và đang mở rộng quan hệ an ninh song phương với Úc, Ấn Độ, Anh và Pháp. Tokyo cũng đang thực hiện các bước để củng cố khuôn khổ hợp tác an ninh Bộ Tứ (Quad) với Mỹ, Úc và Ấn Độ. Những động thái chiến lược này là quan trọng nhưng không thay thế được liên minh của Nhật Bản với Mỹ. Điều quan trọng đối với Tokyo là trước hết phải tăng cường hệ thống phòng thủ quốc gia dựa trên hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ.

Thứ hai, như một câu tục ngữ đã nói, trời giúp những người tự giúp mình. Ukraine đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia vì người dân của họ đã chiến đấu chống xâm lược với lòng dũng cảm và quyết tâm bất khuất. Các quốc gia không thể giúp Ukraine nếu quân đội của Kyiv nhanh chóng quy hàng. Để nhận được sự trợ giúp quốc tế, trước hết phải có thể tự vệ một cách hiệu quả.

Vào giữa những năm 2010, Thủ tướng Abe đã ban hành một chỉ thị cho các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng. Mặc dù không biết chính xác từ ngữ của chỉ thị, nhưng nó có nội dung là: “Khi quần đảo Senkaku bị [Trung Quốc] xâm chiếm, tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức của Hoa Kỳ là điều cuối cùng nên làm. Một liên minh sẽ không hoạt động trừ khi Nhật Bản cố gắng hết sức để tự vệ.” Mệnh lệnh này có thể áp dụng cho bất kỳ phần nào của lãnh thổ Nhật Bản. Nếu Nhật Bản thiếu ý chí và khả năng tự vệ, Mỹ sẽ không chấp nhận rủi ro lớn để đứng ra bảo vệ Nhật.

Thứ ba, khả năng lãnh đạo chính trị cũng quan trọng như sức mạnh quân sự trong việc quyết định kết quả của một cuộc chiến. Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy vẫn ở thủ đô Kyiv, bất chấp mối đe dọa đến tính mạng, khi ông tập hợp người dân và quân đội của mình cùng nhau chống lại Nga. Zelenskyy đã chỉ huy chiến đấu, đã tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn và đã vươn ra thế giới, đưa ra các yêu cầu và thông tin. Ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mắc phải vô số sai lầm, vây quanh ông ta là những nịnh thần và đã đàn áp các cuộc biểu tình phản chiến ở Nga.

***

Từ ba bài học kinh nghiệm Nhật Bản, nhìn về Việt Nam, không thể không lo ngại trước hiện tình đất nước. Cũng như Nhật Bản, Việt Nam sống bên cạnh Trung Quốc, một nước lớn có tham vọng bành trướng lãnh thổ và bắt nạt các nước láng giềng. Nhưng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, theo đuổi chính sách quốc phòng “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; không dựa vào nước này để chống nước kia. không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.) Nếu xung đột với Trung Quốc xảy ra như chiến tranh Nga – Ukraine hiện nay, Nhật Bản có thể dựa vào liên minh quân sự Nhật-Mỹ, khối Quad hoặc quan hệ an ninh song phương với Ấn Độ, Úc, Anh và Pháp; còn Việt Nam thì “đơn thân độc mã”, không ai ngó ngàng tới.

Lực lượng Phòng vệ SDF của Nhật tuy quân số không lớn nhưng trang bị rất hiện đại, tinh thần sung mãn, lại được cọ xát thường xuyên trong việc ngăn chặn sự xâm lấn của Trung Quốc ở quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ Trung Quốc, gọi là đảo Điếu Ngư. Quân đội Việt Nam đông, nhưng vũ khí trang bị ọp ẹp, tướng tá chỉ lo “làm kinh tế” để làm giàu, tham nhũng và tranh giành quyền lực. Chưa có chiến tranh mà đã có tới 19 tướng công an và 25 tướng quân đội phải vào tù vì tham nhũng. Một quân đội như vậy có ý chí và khả năng tự vệ khi đất nước bị xâm lược hay không, câu trả lời tưởng đã rõ.

Bên cạnh tiềm lực quân sự như vậy, khả năng lãnh đạo chính trị của Việt Nam chắc chắn không dẫn tới một kết quả lạc quan trong chiến tranh. Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện một chế độ toàn trị khắc nghiệt đến mức người dân không được phép biểu thị lòng yêu nước trước những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông; cùng với một nền kinh tế tư bản bè phái, trong đó giới quan chức và tư sản đỏ mặc sức làm giàu trên tài nguyên quốc gia và mồ hôi nước mắt người dân. Nếu chiến tranh với Trung Quốc nổ ra thì ai là người có thể tập hợp quân đội và nhân dân kháng chiến như Tổng thống Volodymyr Zelenskyy ở Ukraine hiện nay? Liệu người dân Việt Nam, đã quá mỏi mệt vì nhiều cuộc chiến tranh liên miên, có xung phong cầm súng ra trận để bảo vệ một đảng độc tài đi theo một ý thức hệ lỗi thời và phản động, một chế độ cực quyền đã tước bỏ quyền tự do, quyền làm chủ của người dân hay không? 

Từ chiến tranh Ukraine, nếu Nhật Bản nhận ra nước Nhật đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về an ninh quốc phòng thì có thể nói gì về tình trạng ở Việt Nam? “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, câu thơ buồn của cụ Nguyễn Du quả là có tính tiên tri về vận mệnh dân tộc.

Đọc thêm:

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: